Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Tân Xuân 2015: “Bài ca tôi đã hát…” (Phần 1)

hoinghithanhdo09“…Hình như sau 85 năm theo đảng, 70 năm sống với độc tài toàn trị, dân tộc đã bị liệt kháng, còn trí thức vì cơm áo, vì danh vọng, vì một chữ cầu an mà đã mất hết khả năng tỉnh thức, mất hết khả năng làm đầu tầu”…”


“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
Một lần… HT, một Ni Cô rất trẻ hỏi tôi:
- Thưa thầy “Vì sao nhiều người yêu thích bài “Một Cõi Đi Về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thế, và khi viết những ca từ “Từng lời tà dương là lời mộ địa…” TCS muốn nói điều gì?. Mặc dù cũng đã từng nhiều lần tự ru mình bằng  bài hát phảng phất chất   thiền ca này, tôi cũng không khỏi lúng túng rồi nói đại với Ni rằng:
“Bài hát đó được nhiều người yêu thích vì trong đó, có bóng tôi, bóng Ni, thấy cả bóng dân tộc mình đang cô đơn lạc bước giữa những: “Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”, đang mê man vì bị huyễn và tự huyễn bởi những “Vầng Nhật Nguyệt rọi suốt trăm năm”, đang u mê vì “Mây che trên đầu và nắng trên vai” suốt từ “Non cao đến biển rộng” , đang trầm luân  trong “Bốn mùa mưa nắng” đến nỗi “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ /  Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”
Tà Dương – Mộ Địa là những lời gì mà khi nghe phải, con người bị xô đẩy, bị trôi dạt đến như vậy? Tự Điển tiếng Việt đã giúp tôi hoàn thiện việc trả lời cho câu hỏi này:
“Dương là từ đa nghĩa có gốc Hán – Việt. Trong bài này Dương có nghĩa là mặt trời, biểu tượng của chân lý và trạng thái  mãnh liệt, nhưng Tà Dương thì lại là ánh sáng hấp hối lúc chạng vạng hoàng hôn. Những tín điều mang tính Tà Dương khác gì đâu những âm thanh nơi tha ma Mộ Địa rất thiếu sức sống”.
Một thế giới ngự trị là những “VỪNG NHẬT NGUYỆT” đã hết sức sống, sự hiện diện quá lâu của một thể chế chính trị đã quá lỗi thời, không có đối trọng là nguyên nhân trực tiếp làm quyền lực bị tha hóa không có giới hạn. Để mãi mãi duy trì đặc quyền đặc lợi, qua đường lối độc tài toàn trị, ĐCS Việt Nam đã chủ động tạo ra một “Từ Trường” sợ hãi và cam chịu phủ kín xã hội. Phải sống trong một  môi trường xã hội như thế thì mặc cảm “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ / Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” là đương nhiên. Ca khúc của Trịnh trước 30/4/1975 đã đề cập được phần nào những nỗi đau đời này. Giờ đây, nếu thực sự là trí thức chân chính, đồng hành cùng dân tộc thì người trí thức phải sớm cùng dân tộc bước ra khỏi“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy” đầy oan nghiệt đã làm tan nát nhiều thế hệ người Việt Nam sau ít nhất là 7 thập kỷ.
Trước một tín điều đã không còn giá trị…
Hãy thử một lần đối diện với một giả định: “Chủ nghĩa Mác – Lê không vào được Việt Nam!” thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ  một dân tộc có lịch sử 4000 năm đã 13 lần đánh thắng giặc phương Bắc, sớm hay muộn cũng sẽ tìm ra được đường đi, đích đến cho dân tộc mình. Cái đêm nào đó năm 1921, trong một căn phòng giữa ngõ nhỏ ở số 9 đường Compoint, Paris (http://fr.wikipedia.org/wiki/Villa_Compoint), chàng trai Nguyễn Tất Thành lúc đó mới 33 tuổi đầu, tay ôm luận cương giải phóng thuộc địa bằng bạo lực của Lenin, mắt đẫm lệ, la hoảng lên giữa đêm giá lạnh: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”… Thực ra,đây chỉ là một trong muôn nẻo lối đi cho nhân loại. Sự sụp đổ của Liên Xô cùng các nước cộng sản Đông Âu trong thế kỷ trước là minh chứng không thể chối cãi cho kết luận, con đường này không phải là con đường lý tưởng. Theo tôi ngay trong cái đêm định mệnh đó, ông Nguyễn đã là người Marxitst – Leninist chính hiệu muốn nhuộm “đỏ” dân tộc mình rồi.Một chọn lựa hết sức chủ quan và đậm chất “Ngẫu Hứng Lý Qua Cầu” như thế mà thật tiếc không hề vấp phải sự  phản biện nào là đáng kể của trí thức cùng thời.
Để dân Việt cùng theo mình đến với lý tưởng cộng sản, ông Nguyễn quá biết dân Annamít giàu lòng yêu nước sẵn sàng hy sinh tất cả vì nền độc lập, vì quyền bình đẳng, quyền tự quyết… lúc đó muốn được nghe những điều gì? Và nhờ thế, ông và các đồng chí cộng sản của ông đã thành công xuất sắc trong việc loại trừ các đảng phái chính trị yêu nước khác như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt… để dành quyền độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nếu như ngay sau cách mạng tháng 8, ĐCS Việt Nam tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai nào cho Việt Nam, chắc chắn nhân dân Việt Nam không bao giờ lựa chọn con đường của đệ tam quốc tế cộng sản đầy phiêu lưu khi lấy hận thù giai cấp “Trí Phú - Địa - Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, bạo lực vũ trang, chuyên chính vô sản, kinh tế tập thể, xã hội bầy đàn, lấy vinh dự được làm tiền đồn này, chiến lũy nọ cho ngoại bang làm lý tưởng… hoàn toàn là xa lạ với truyền thống dân tộc. Càng bất ngờ hơn khi không biết từ lúc nào và bối cảnh nào lại có biến tấu thiếu thuyết phụcđến thế, rằng “Yêu nước là yêu CNXH” và “Đi lên XHCN là sự lựa chọn của toàn dân!”. Một cú phủi tay, một động tác qua cầu rút ván …thật ngoạn mục. Vậy mà cho đến lúc này, không chỉ người dân mà quá nhiều trí thức vẫn đua nhau ca hát “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” (Phạm Tuyên)… và cứ mỗi lần xuân về tết đến là một lần rợp trời đất là khẩu hiệu hết sức vô lý, hết sức trái chiều là “Mừng Đảng – Mừng Xuân…”. Mùa Xuân muôn thuở của tạo hóa đất trời cũng không thoát khỏi bàn tay bức hại của một đảng chính trị đã hoàn toàn sơ cứng và biến chất ở tuổi 85.
Nay đời sống xã hội Việt Nam về tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do ứng cử, phân hóa giàu nghèo, công bằng xã hội còn tệ hơn cả thời thuộc địa của thực dân Pháp. Con đường đi lên XHCN chỉ là “Đường chạy vòng quanh – Một vòng tiều tụy”. Sau ngót 70 năm đất nước độc lập, thống nhất đất nước cũng ngót 40 năm… những tác giả đời đầu của con đường vô vọng này đã ra đi hết. Họ để lại các thế hệ F2 – F3 quyền dẫn dắt cả một dân tộc có 4000 năm lịch sử mà nay cả dân tộc vẫn luẩn quẩn đối diện với hối thúc nhận đường …vì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới dọa là “Không biết đến hết thế kỷ này đã có CNXH hoàn chỉnh ở Việt Nam chưa?” Con đường đó nay ĐCS chỉ rụt rè gọi là“Định Hướng XHCN” thôi và chỉ thế thôi cũng đủ để phần lớn của cải xã hội rơi vào túi của cộng đồng quan tham trong biết bao nhóm lợi ích do đảng tạo nên, biến những người cộng sản giả hiệu thành những tên tư bản đỏ đích thực cưỡi trên đầu trên cổ nhân dân.
Cũng cần phải nói thẳng với nhau rằng, chẳng phải vì chủ nghĩa nào, ý thức hệ nào cả, tất cả là nhờ lòng yêu nước thuần thành truyền thống của giống nòi mà chúng ta đã tìm lại được hình hài đất nước nhưng cho đến nay, đất nước vẫn chỉ là một giang sơn không vẹn toàn, ở đó “Độc Lập thì chưa - Tự Do thì thiếu - Hạnh Phúc thì không” (NVL). Chúng ta cũng hết sức bình thường thôi khi thoát khỏi tay ngoại bang Âu – Mỹ thì lại nhanh chóng rơi vào cạm bẫy mềm của ngoại bang phương Bắc. Qua nội chiến tương tàn 1945 – 1975 đánh cho Mĩ cút, đánh cho Ngụy nhào, qua CCRĐ, Cải tạo tư bản tư doanh sau 1954 ở miền Bắc, sau 30 – 4 – 1975 ở miền Nam, qua các biến cố xã hội như “Nhân Văn Giai Phẩm”, “Xét lại chống đảng”, tẩy não cho tàn dư của VNCH sau 30/4/1975 và đang đối xử thô bạo với những tiếng nói đòi dân chủ, đòi công bằng …đảng cũngđã“Đánh cho dân tộc tan hoang / Trận đánh đẹp đã đi vào lịch sử” (Hà Sĩ Phu).
Giờ đây thử một lần đặt Việt Nam bên cạnh các nước trong khu vực cùng cảnh ngộ là thuộc địa nhưng không có Mác – Lê, làm một test đối chứng thì không một học sinh trung học nào là không nói: “Dạ thưa, …Luận cương Lenin không phải là con đường tối ưu và duy nhất”. Con đường theo Mác – Lê đi tìm CNXH đó đã làm Việt Nam tụt hậu toàn diện không chỉ với thế giới, mà tụt hậu đáng xấu hổ ngay với các lân bang vốn chỉ là những nước nhược tiểu trong khu vực và đến nay Việt Nam vẫn chỉ là quân tốt đen trên bàn cờ của các siêu cường. Trong khi đó …ám ảnh “Bắc Thuộc” lại chưa bao giờ rõ rệt như lúc này. Nỗi đau này lại kéo quá dài đến nỗi không ít người đã đặt ra một nghi vấn:
“Hình như sau 85 năm theo đảng, 70 năm sống với độc tài toàn trị, dân tộc đã bị liệt kháng, còn trí thức vì cơm áo, vì danh vọng, vì một chữ cầu an mà đã mất hết khả năng tỉnh thức, mất hết khả năng làm đầu tầu”.
Trí thức Việt Nam hèn hay không hèn…?
Tôi nghĩ những biểu hiện của nghi vấn trên là có cơ sở, nhưng chỉ là nhất thời, một dân tộc có văn hiến 4000 năm, đã 13 lần đập tan giặc phương Bắc, một dân tộc có những bậc Minh Quân lỗi lạc như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung …dân tộc đó không dễ mà bị liệt kháng. Còn trí thức Việt Nam, họ có yếu hèn không? Câu trả lời là tùy thuộc nhận thức của mỗi người, nhưng cũng có những hiện thực không thể phủ nhận: Ngay sau ngày giải phóng miền Bắc 1954 đã xảy ra vụ đàn áp “Nhân Văn Giai Phẩm”, với những tên tuổi văn nghệ sĩ lớn như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Thụy An, Văn Cao, Đặng Đình Hưng..., vụ bỏ tù không xét xử nhóm “Xét lại chống đảng” gắn liền với cha con Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Võ Nguyên Giáp, Đặng Kim Giang, Chu Văn Tấn, Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Văn Doãn, …muộn hơn là sự kiện Uỷ Viên BCT Trần Xuân Bách, tướng Trần Độ …vì cổ súy cho một Việt Nam đi vào quỹ đạo Dân Chủ - Đa  Nguyên như những gì mà các nước cộng sản Đông Âu đã thành tựu được. Ông Bách, ông Độ bị đối xử như những kẻ trở cờ, phản bội …còn nhân dân mãi mãi coi họ là những Sĩ Phu tuẫn tiết, “Tử Vì Đạo”. Cũng trong giai đoạn này không thể không nhắc đến những tên tuổi lớn, chính khách lớn như Trường Chinh (1907 - 1988), Nguyễn Cơ Thạch (1921 – 1998), Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) …với những khát vọng lúc cuối đời là muốn có một Việt Nam thay đổi căn bản về chính trị  nhưng tất cả đã ra đi, không hẹn mà cuộc ra đi nào cũng phảng phất là những nghi án chính trị kiểu “Lệ Chi Viên” với Đại Công Thần triều Lê là Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Những cái chết đó, mãi mãi là những dấu hỏi đen cho lịch sử. Những năm gần đây, qua Kiến Nghị 72, Kiến Nghị 61, sự xuất hiện của nhóm Bauxite, các hội đoàn xã hội dân sự, cùng các Blogger, các nhà báo tự do trong “Lề Dân…” …cho thấy  khát  vọng có một Việt  Nam - Dân Chủ - Nhân Quyền -  Tam Quyền Phân Lập… vẫn không ngừng âm ỉ và sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào. Những cứ liệu trên cho chúng ta thấy, trí thức Việt Nam không hèn, nhưng nói trí thức Việt Nam hôm nay đã  vịn được vào vai các bậc Sĩ Phu thức giả trong các thế kỷ trước, đã xứng tầm là giới tinh anh, là nguyên khí của dân tộc chưa? Câu trả lời có lẽ là chưa …vì hình như ở Việt Nam chưa thực sự ra đời một tầng lớp trí thức chính trị đúng nghĩa thì phải.
…Thế thì mấy ai còn nhớ trong các ngày 11,12,13 /1/2005 tại Hà Nội đã diễn ra Hội Nghị UBTWMTTQ lần thứ hai. Ở đó giáo sư Trần Quang Hà đã đọc một tham luận hết sức bất ngờ. Trong tham luận có đoạn :
Cho đến đầu năm 1991, kể từ khi đổi mới 1986, tôi đã thu thập được khoảng 4000 tình huống được phân loại có liên quan đến 4 vấn đề lớn ABCD.
- A: Đảng và Nhà Nước mất uy tín nghiêm trọng.
- B: Mất đoàn kết nội bộ từ Bộ Chính Trị, đến các cơ sở.
- C: Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghèo nhưng được kính trọng. Trong hòa bình thống nhất đất nước nghèo nhưng bị khinh rẻ.
- D: Toàn bộ đạo đức xã hội xuống cấp, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phi pháp…
Phân tích các tình huống ABCD theo phương pháp luận duy vật biên chứng và theo 5 quy luật của Dịch Lý thì thấy nguyên nhân của các nguyên nhân là: Chế độ toàn trị của Đảng cầm quyền là đứng trên Hiến Pháp – Luật Pháp   và đứng trên nhân dân.”
Bất ngờ hơn nhiều, tham luận của giáo sư Trần Văn Hà còn cho chúng ta biết chủ nghĩa Mác Lê đã được các trí thức hàng đầu của đất nước hôm đó hạ bệ và giải thiêng triệt để đến thế nào. Xin đọc:
Đến đây cho phép tôi mở một dấu ngoặc vì có liên quan đến một sự kiện lớn đã diễn ra vào đầu năm 1991 ở Hà Nội. ông Đỗ Mười – Nguyên Tổng Bí Thư  Đảng, nhân sự kiện Liên Xô sụp đổ đã triệu tập một hội nghị gồm một trăm nhà khoa học, trí thức tham vấn, ông Mười hỏi: “LX sụp đổ! Liệu ta sẽ thế nào? Tuyệt đại bộ phận ý kiến cho rằng, Việt Nam không thể sụp đổ và hiến nhiều kế hay có liên quan đến những đổi mới đã diễn ra  trong 15 năm qua. Tôi nhớ 2 ý kiến chân thành khá độc đáo: Anh Đào Xuân Sâm giảng viên Học Viện Chính Trị Quốc Gia HCM  nói: “Thưa TBT, tôi xin báo cáo cái bục giảng về chủ nghĩa Mác – Lê nin không còn thiêng liêng nữa rồi”. Anh Minh cũng là giảng viên Học Viện CTQG HCM nói: “Thưa TBT, tôi xin nói thật, nay tôi không thuyết phục nổi vợ con tôi về chủ nghĩa Mác – Lê nin được nữa rồi”. (Hết Trích)
Về sự kiện này, xin lưu ý người đọc mấy mốc thời gian quan trọng sau: Giữa lúc rừng núi biên giới phía Bắc chưa hoàn toàn im tiếng súng, biển Đông chưa nhạt phai màu máu của 64 chiến sĩ HQND chết tức tưởi bởi bàn tay giặc Tầu ở Gạc ma 1988, nhưng vì quá lo sợ sụp đổ, đặt nhân dân và đất nước qua một bên, ngày 3 – 4 / 9 / 1990 Ban Lãnh Đạo Việt Nam lúc đó gồm Nguyễn Văn Linh (TBT), Đỗ Mười (CTHĐBT), Phạm Văn Đồng (Cố vấn tối cao) đã lén ký thỏa hiệp Thành Đô với Trung Quốc. Với thỏa hiệp đó trong tay, cả thầy lẫn tớ hoan hỉ mỗi bên một kiểu. BLĐ Trung Quốc hoan hỉ có một Việt Nam nhu nhược tự nguyện làm phên giậu cho mình. BLĐ Việt Nam nhờ thỏa ước đó mà tránh được cái chết chùm tất yếu cùng với Liên Xô và Đông Âu cộng sản… Nhưng, cái giá đớn đau mà người Việt Nam phải trả quá lớn. Bức hình dưới đây làm đau lòng người Việt Nam nào giàu lòng tự trọng và “Một thời kỳ Bắc Thuộc mới, rất nguy hiểm đã bắt đầu” . (Nguyễn Cơ Thạch) .
hoinghithanhdo02
Theo tôi, nếu là trí thức chính trị chân chính… không  ai có thể nói rằng mình không có lỗi khi hoàn toàn không báo động được cho dân tộc biết trước những gì về hiểm họa tồi tệ này. (Hết Phần I)
Hà Đông, 3/2/2015
Nguyễn Thượng Long
-  Nơi ở: Số nhà 4 - Đường Văn La – Phường Phú La – Hà Đông – Hà Nội                         -   ĐT: 0433521066 & 01652323836.
Đón đọc:  Phần II
NGHĨ VỀ ĐẢNG…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét