Trang web mang tên « Thanh Tra », thấy ghi là « Cơ quan của
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra », có đăng « thông tin » của hãng Tân Hiệp
Phát mang tựa đề « Con ruồi trong chai nước tăng lực N°1 là bịa đặt ». Thông
tin này là của bên Tân Hiệp Phát.
Vấn đề là « Cơ quan Thanh tra Chính phủ » có quyền đăng một
thông tin như thế này không ?
Nội vụ vấn đề « con ruồi trong chai nước N°1 » còn trong
vòng thụ lý, tức là tòa chưa phán xét. Hai bên Tân Hiệp Phát và Võ Văn Minh là
người trong cuộc. Người ngoài cuộc không ai có thể kết luận là bên nào đúng,
bên nào sai.
Bài viết nhằm bênh vực cho Tân Hiệp Phát và kết tội Võ Văn
Minh. Cơ quan « thanh tra chính phủ » là cơ quan thuộc hệ thống pháp chế của
nhà nước. Cơ quan này để lộ các thông tin (như trong bài viết), trước khi tòa
phân xử, là vi phạm luật, chiếu theo điều 124 HSTT (không được tiết lộ bí mật
điều tra).
Các thông tin này chỉ được trình bày trước Tòa án mà phía Võ
Văn Minh cũng có quyền biện hộ với những lời lẽ và bằng chứng khác.
Ngoài ra khi đăng bài « thông tin » cơ quan « Thanh tra
Chính phủ » đã vi phạm các điều :
- điều 5 : « Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước
pháp luật. » Cơ quan Thanh tra chính phủ đăng « thông tin » về lý lẽ của Tân Hiệp
Phát mà không đăng thông tin về lý lẽ của phía Võ Văn Minh.
- điều 9 : “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết
tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Nội dung bản thông tin của Tân Hiệp
Phát mang ý nghĩa kết tội Võ Văn Minh mà điều này không đúng vì Tòa chưa phán
xét. Cơ quan Thanh tra đăng thông tin này là đồng lõa với một bên trong vụ án để
“bôi nhọ”, “vu khống”… gây tâm lý bất lợi trong dư luận cho phía bên kia. Phán
quyết của Tòa sau này, nếu gây thiệt hại cho Võ Văn Minh, là không trung thực.
- điều 14 : “bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng”.
Bài “thông tin” của Tân Hiệp Phát được đăng trên Cơ quan Thanh tra chỉ là thông
tin một chiều, có tác dụng thiên vị. Tính vô tư trong quá trình tố tụng (đáng lẽ
phải có của bất kỳ) vụ án đã không có.
Về vấn đề giám định “con ruồi trong chai nước”, không thấy
cơ quan giám định kết luận là con ruồi được “ướp” trong chai nước từ khi nào ?
Việc “con ruồi không còn nguyên vẹn” không xác định được thời điểm con ruồi
“té” vào chai nước khi nào. Cũng không thấy loan báo kết quả về phẩm chất của
chai nước.
Trong khi, chiếu theo luật, phía Võ Văn Minh có quyền xin
“tái giám định” chai nước trước một cơ quan thẩm định khoa học khác.
Nếu con ruồi đã có từ lâu trong chai nước, hoặc phẩm chất
chai nước có vấn đề, phía Tân Hiệp Phát đã vi phạm luật. Việc vi phạm mang tính
nghiêm trọng vì liên quan đến an ninh sức khỏe của số đông.
Điều tương tự đã xảy ra năm 2012. Một khách hàng của Tân Hiệp
Phát mua chai nước, trong đó có một con gián. Hai bên (khách hàng và Tân Hiệp
Phát) thỏa thuận 50 triệu để giữ im lặng. Khách hàng bị công an bắt về tội « có
thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản » (điều 135
BLHS), y như trường hợp của Võ Văn Minh hôm nay. Cơ quan có thẩm quyền đã bỏ
qua “con gián trong chai nước”. Trước đó THP cũng bị cơ quan kiểm dịch phát hiện
sản phẩm của họ không hợp vệ sinh (hàng quá hạn sử dụng).
Nghi vấn hợp lý được đặt ra là đã có bao nhiêu nạn nhân bị bệnh
(ung thư, hay chết) do uống nước của Tân Hiệp Phát ? Các số liệu đáng lo ngại về
bệnh ung thư ở VN phải chăng có liên quan đến Tân Hiệp Phát ?
Về việc kết tội Võ Văn Minh vào tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo
vệ người tiêu dùng Việt Nam, trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật chiều ngày
5/2, nội dung như sau:
“ luật pháp đã quy định người tiêu dùng có 8 quyền, trong đó
có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn,
chất lượng. Mức bồi thường đến đâu tùy thuộc vào sự thiệt hại và trên cơ sở quy
định pháp luật.”
Tức là, trong trường hợp chai nước (có gián hay có ruồi),
khách hàng được quyền đòi bồi thường. Cơ quan công an buộc ông Minh vào tội “cưỡng
đoạt tài sản” là không đúng cách.
Vấn đề là “mức bồi thường” được qui định bằng cách nào ?
Giả sử rằng pháp luật có qui định về mức bồi thường (mà điều
này không thấy ghi ở đâu). Nếu Võ Văn Minh đòi hỏi nhiều hơn mức ấn định thì y
chỉ bị phạm tội “đòi bồi thường quá mức ấn định của pháp luật” mà thôi. Đây là
một vấn đề thuộc phạm vi luật dân sự.
Theo báo chí loan tin, hai bên THP và Võ Văn Minh “Sau ba lần
thương lượng có lập biên bản hai bên đã đồng ý mức giá 500 triệu đồng”.
Việc thỏa thuận mức bồi thường thỏa thuận, có ghi chép lại
trên biên bản, là phù hợp với các hợp đồng dân sự.
THP đã “bội ước”, cũng như cơ quan côn an Tiền Giang đã làm
sai luật, khi “gài bắt” ông Võ Văn Minh.
Trước đó cũng có lý lẽ (của các luật sư bên THP) cho rằng chỉ
cần xác minh ông Minh có đe dọa sẽ « đưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh
Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công
ty », là ông Minh có hành vi phạm tội. Tức ông Minh có « thủ đoạn uy hiếp tinh
thần của ban lãnh đạo công ty Tân Hiệp Phát nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty
này. »
Kể cả lúc Tân Hiệp Phát có thâu băng đoạn này, việc kết tội
ông Minh (vào điều 135 BLHS) cũng không đúng.
Bởi vì, khi biết trong tay ông Minh có chai nước « có con ruồi
» thì « tinh thần » của ban giám đốc Tân Hiệp Phát đã bị « con ruồi » uy hiếp rồi.
Nhấn mạnh là bị con ruồi uy hiếp chứ không phải bị ông Minh. Tức là họ sợ con
ruồi ngồi trên mặt báo, lên bàn làm việc của Ban bảo vệ người tiêu dùng, thậm
chí, lên Viện Kiểm sát… Các việc này sẽ giết chết Tân Hiệp Phát.
Ông Minh nói ra những điều đã có trong bụng ban giám đốc của
Tân Hiệp Phát. Gọi đó là « đe dọa » thì không đúng cách. Nói cho đúng là ông
Minh đã nói lên các điều Tân Hiệp Phát lo ngại.
Nói lên một sự thật là « đe dọa », là « thủ đoạn », là « uy
hiếp tinh thần » sao ? Nhất là bên Tân Hiệp Phát đã thấy rõ ràng mình phạm những
lỗi nào, ở các điều gì (trong bộ LHS, luật Quảng cáo cũng như luật BVNTD).
Trên tinh thần “thuợng tôn pháp luật”, một người chỉ bị bắt
khi anh ta phạm luật, và chỉ vì phạm luật mà thôi. Không thể trừng phạt anh vì
bất kỳ lý do nào khác.
Thấy rằng nhiều người “kết án” Võ Văn Minh về “đạo đức”. Họ
cho rằng cách “đòi tiền” của Võ Văn Minh là “tống tiền”. Vấn đề là hành vi đó
có vi phạm luật hay không?
Nhân Tuấn Trương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét