Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Vài điều với ông Thủ tướng VN về ngày “Tháng Tư Đen”

Lê Văn
9-2-2015
H1
Ảnh: K. Gaugler/UNHCR
Là một thuyền nhân tị nạn đã mạo hiểm mạng sống của mình để tìm tự do từ chế độ cộng sản Việt Nam và đã được định cư tại Canada vào đầu năm 1980. Tôi xin cảm ơn Canada, cảm ơn Global and Mail đã cho tôi cơ hội để chia sẻ vài lời.
30 tháng tư năm 1975 chỉ là một ngày theo niên lịch đã trôi qua, nhưng đó là ngày “Đại thắng mùa xuân” của lực lượng Cộng sản Bắc Việt đang được cử hành hàng năm và nó cũng là ngày “Tháng Tư Đen” cho những người đang sống ở miền Nam.
Điều gì đã xảy ra sau đó? Thế giới đã chứng kiến vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi xe tăng Cộng Sản Bắc Việt ủi sập cánh cổng Dinh Độc Lập – vi phạm Hiệp Định Paris 1973 – đánh dấu sự sụp đổ của Sài Gòn, miền Nam thống nhất với miền Bắc.
Ngay sau đó, Cộng sản Việt Nam (VC) áp đặt cái gọi là “sở hữu toàn dân dưới chế độ cộng sản” trên khắp miền Nam, họ thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, đánh tư sản, kế hoạch tập trung học tập cải tạo, kế hoạch kinh tế mới, kế hoạch cải tạo công thương nghiệp … Kết quả là họ tịch thu ruộng đất của các địa chủ, chiếm lấy các nhà máy, tịch thu tài sản của các nhà tư bản, đưa quân – dân – cán – chính của miền Nam vào trong các nhà tù ẩn dưới tên “trại cải tạo”, tịch thu tài sản của gia đình họ, đẩy họ đi vào vùng kinh tế mới. Không còn quyền sở hữu tư nhân, không có doanh nghiệp tư nhân, tất cả đều dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng sản.
Bất cứ ai dám phản đối, họ sẽ bi nghiền nát, hoặc nhận một án tù vô thời hạn hay thậm chí biến mất …
Lịch sử đã ghi nhận làn sóng người tị nạn ồ ạt từ Nga, Đông Âu, Cuba … sau khi những nước nầy rơi vào tay Cộng Sản, lịch sử đã lặp lại lần nữa sau khi Sài Gòn sụp đổ, hàng triệu người Việt Nam chạy trốn chế độ cộng sản bằng đường biển hoặc đường bộ, hàng ngàn người trong số họ không may đã vĩnh viễn định cư nơi đáy biển, nhưng hàng ngàn Thuyền nhân khác đã đến được bờ và may mắn nhận được “Vòng tay mở rộng” và “Trái tim nhân ái” từ nhân dân Canada qua Chính phủ của họ và định cư ở đây từ đó.
Canada đã thực sự cứu mạng chúng tôi, người Canada đã cho chúng tôi một cơ hội để sống trong đất nước tuyệt vời này như một con người được đấng tạo hóa sinh ra.
Ðối với người nói “lựa chọn 30 tháng 4 ‘tổn thương’ cho chúng tôi”, tôi tự hỏi họ là ai và tổn thương đó là gì !
Thực sự ngày 30 tháng 4 (1975) thuộc về tất cả, nhưng “Tháng Tư Ðen” không bao giờ thuộc về VC, vì đó là ngày mà cuộc hành trình của hàng triệu người Việt Nam tị nạn cộng sản tìm Tự do bắt đầu.
Đau thương, mất mát kể cả sự chết không bao giờ thuộc về những người đã gây ra nó, cũng không thuộc về những ai đã chưa bao giờ phải trải qua một “hành trình sống hay là chết” trên biển hoặc xuyên qua các khu rừng chết, lạnh lẽo, tối tăm, nhưng chắc chắn nó đã thuộc về nạn nhân của các chính sách vô nhân đạo của chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Nhưng khổ đau cũng dần dần được xoa dịu, những mất mát tổn thương rồi cũng lành – nhưng không phải nhờ những người cộng sản – mà là từ đất nước Canada, đất nước đã cứu chúng tôi ra khỏi bóng tối và bây giờ qua dự luật S219 mà Thượng viện vừa thông qua, nó thật xứng đáng được vinh danh công nhận sau 35 năm.
Tôi luôn ủng hộ mối quan hệ hỗ tương phát triển giữa Canada và Việt Nam, nhưng tôi nhận thấy thương mại sẽ luôn được nâng cao và thăng tiến không phải chỉ dựa trên lợi nhuận hay bởi sự chối bỏ hoặc bẻ cong sự thật, mà là dựa trên sự công bằng, minh bạch và chủ yếu là từ sự hỗ trợ của chính nhân dân sở tại.
Dự luật S219 đang chiếu lại lịch sử, đang vinh danh lòng nhân đạo vĩ đại của Canada đối với thuyền nhân Việt Nam hay lời mở đầu của nó đã nhắc lại một phần bi kịch của họ. Trừ khi đến lúc Chính phủ Cộng sản Việt Nam nhận ra và học được từ những sai lầm quá khứ để bắt đầu một hành vi mang tính xây dựng và hướng về phía trước, nếu không họ vẫn phải luôn đối mặt với sự chống đối tự nhiên của người dân Canada gốc Việt, hồ sơ nhân quyền của họ vẫn nghèo nàn và người Canada vẫn còn nghe họ nói họ cảm thấy bị ‘tổn thương’.
Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết về các quy trình lập pháp Canada và quyền Dân chủ của Công dân Canada mà chủ yếu là nếu vẫn tiếp tục tránh né sự thật thì chính họ là người sẽ cảm thấy không yên về Luật S219 – Hành Trình tìm Tự Do – và thậm chí sẽ luôn cảm thấy ‘tổn thương’ bởi mục đích cao đẹp của Dự luật nầy.
—–

 Ông Dũng bức xúc dự luật tị nạn cộng sản

Posted by adminbasam on 06/02/2015
Đôi lời: Thủ tướng lại “can thiệp vào chuyện nội bộ” của Canada rồi. Dự luật S219 ở Canada kỷ niệm 60.000 người Việt đã dám đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do ở Canada, có liên quan gì tới ông Thủ tướng và chính phủ của ông đâu mà ông lên tiếng phản đối?
Hay ông cho rằng chuyện người Việt tị nạn Cộng sản ở các nước trên thế giới là không có thật? Những người liều mình vượt biển ngày xưa là do họ chán sống ở VN nên đã bỏ nước ra đi? Cái này thì ông Thủ tướng phải hỏi gia đình ông sui Nguyễn Bang của ông, một quan chức cao cấp thời VNCH, đã bỏ chạy khỏi VN hồi năm 1975 ra sao. Nhờ vậy mà ông Thủ tướng mới có con rể là “Việt kiều yêu nước” để con gái và 2 đứa cháu ngoại ông Thủ tướng trở thành công dân ở xứ “giãy chết”.
—-
5-2-2015
H1Thủ tướng Việt Nam đã viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Canada Stephen Harper để bày tỏ quan ngại về một dự luật coi ngày 30/4 là ngày chính thức kỷ niệm người tị nạn cộng sản bỏ nước ra đi sau khi Sài Gòn thất thủ, trang tin globeandmail.com của Canada tường thuật.
Thủ tướng Dũng trong lá thư được gửi cho Văn phòng Thủ tướng thông qua Tòa đại sứ Canada tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 12/2014 nói rằng dự luật này đưa ra cái nhìn méo mó về lịch sử Việt Nam và sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương mà cả hai nước đã nỗ lực bồi đắp, theo bài viết của tác giả Kim Mackrael.
Dự luật S-219, hay còn gọi là Dự luật Ngày Con đường tới Tự do, do Thượng nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải khởi xướng và đã được Thượng viện Canada thông qua hôm 8/12/2014.
Các dân biểu ở Hạ viện được trông đợi sẽ thảo luận về dự luật này vào hôm thứ Năm 05/02/2015.

‘Phản ứng mạnh’

Ngay khi được Thượng viện Canada thông qua, Dự luật đã gây những phản ứng dữ dội từ phía giới chức Việt Nam.
Báo chí Canada hôm 9/12/2014 dẫn lời một trong các quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa, ông Vũ Việt Dũng, nói việc này “sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada, cũng như nỗ lực làm sâu rộng quan hệ trong cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư”.
Ông Dũng cho hay Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng đã bày tỏ quan ngại với Ngoại trưởng Canada John Baird về dự luật này, mà Việt Nam cho rằng sẽ gửi thông điệp không đúng tới người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thanh Hải tuyên bố Dự luật S219 “có những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân”, trang tin VietnamNet tường thuật.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng từng gửi thư cho người đồng nhiệm Canada về việc này.
Tuy nhiên, không thấy truyền thông trong nước nhắc tới lá thư của Thủ tướng Dũng.
Luật sư Vũ Đức Khanh hiện đang sống tại Canada nhận xét: “Những lập luận của Hà Nội không vượt qua được những phép thử pháp lý và quy định của quốc hội Canada.
“Tôi nghĩ Hà Nội đang làm trò hề vì thứ nhất họ không hiểu luật chơi, thứ hai họ không biết lobby vì không biết ai là nhân vật cần tác động và thứ ba là điều quan trọng nhất là họ không có thực tâm hoà giải dân tộc và cải thiện cách điều hành quản trị đất nước.”

‘Hợp tác và tôn trọng’

Canada hiện đang nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam và các nước Á châu khác.
Chính phủ của ông Harper coi Việt Nam là một thị trường ưu tiên cho các hoạt động đầu tư và rất muốn tỏ thái độ quan tâm tới khu vực qua việc đàm phán về thỏa thuận thương mại TPP.
Bộ trưởng Lao động Jason Kenney, người chịu trách nhiệm về vấn đề đa văn hóa của Canada trong một tuyên bố nói rằng “Canada tiếp tục tôn trọng những quan hệ với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” nhưng ông ủng hộ dự luật bởi nó kỷ niệm 60 ngàn người “đã dám đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do, và đã tìm được tự do tại Canada”.
Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, người bảo trợ cho dự luật nói rằng dự luật không liên quan gì tới chính phủ hiện tại của Việt Nam. “Quan điểm của tôi là dự luật không đụng gì tới Việt Nam hết, dự luật không đụng gì tới các quan hệ thương mại,” trang tinglobeandmail.com trích trả lời của ông trong một cuộc phỏng vấn.
Hồi đầu tuần, Đại sứ Việt Nam tại Canada đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Canada để bày tỏ quan ngại về việc cờ Việt Nam Cộng hòa được sử dụng trong một sự kiện tại Mississauga ở ngoại vi Toronto dịp cuối tuần qua, là sự kiện có mặt ông Harper.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên và quan ngại về chuyện nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa trước đây đã được treo cạnh các lá cờ Canada tại các địa điểm công cộng ở Toronto,” tuyên bố của Tòa đại sứ viết.
Tuy nhiên, ông Kenney nói rằng cờ vàng là biểu tượng mà người Canada gốc Việt đã lựa chọn, còn luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng việc đồng ý cho sử dụng cờ vàng là chỉ dấu cho thấy ông thủ tướng Canada ủng hộ Dự luật 219: “Quan điểm chính thức của Thủ tướng Harper là bằng mọi giá phải thông qua dự luật này vì đây là năm bầu cử quốc hội liên bang. Bằng chứng là cuối tuần vừa rồi Thủ tướng Harper dự lễ Tết ở Toronto với một rừng cờ vàng với trên 10.000 người tham dự.”
“Dự luật được thông qua rồi bầu cử, sau đó mọi người sẽ quên đi. TPP kết thúc đàm phán, 2016 tất cả sẽ trở lại bình thường. Và mọi chuyện sẽ rơi vào lãng quên,” luật sư Khanh nhận xét.
—–
Nguyên văn tiếng Anh Dự luật tháng Tư Đen – S219

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét