ZiaZia (Danlambao) - Cách đây chưa lâu, khi ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí, rằng cuốn sách mà ông tâm đắc nhất thời trai trẻ (và bây giờ) là cuốn "Vừa đi đường vừa kể chuyện" của bác Hồ-T-Lan thì có ít nhất 45 triệu người Việt Nam chưng hửng.
Nói 45 triệu vì dân miền Nam vốn quen tánh "ăn sao nói dzậy", khi nghe một sử gia tầm cỡ, có trình độ và ánh mắt chuyên nghiệp, nhìn thấu đáo, xuyên suốt lịch sử... phát biểu như thế về một cuốn sách "trời ơi đất hỡi".. thì chưng hửng là lẽ thường tình. Còn có lẽ 45 triệu dân miền Bắc thì "phân vân ti tí". Phân vân vì suốt gần một thế kỷ "sống chung với hủi" họ đã quen "phân vân" mọi điều mà "quan bác" phát biểu trên báo chí và phương tiện truyền thông. Nhưng chắc chắn 4 triệu người Hà nội thì hiểu ngay bác Quốc "muốn nói gì". Ấy gọi là "phát biểu ngược", là cung cách của quan chức nhà nước ta, chỉ có người Hà nội, sống "gần bùn mới biết hôi tanh mùi bùn".
Bây giờ thì báo chí rộ tin bác Vũ Huy Hoàng nói rằng quan chức kiểm sát thị trường phải dùng "mồm" để thử "phân bón"... thì không những 45 triệu đồng bào miền Nam, 45 triệu đồng bào miền Bắc mà cả 4 triệu đồng bào thủ đô cũng phải chưng hửng. Chưng hửng vì bác Hoàng không phải là người thủ đô như ông Quốc, nói thế thì nhất định là... phải thế, không thể quanh co, luồn lách, móc quéo như ông Quốc Hà Nội được... Mà dẫu có tài "biên tập miệng" như ông Quốc thì câu nói của bác Hoàng chí ít phải làm rôm rả bàn nhậu của... công chức nhà nước trên cả nước, hết suốt tuần này.
Bác Hoàng là dân kinh tế mà phát biểu "hình tượng-cực kỳ-đáo để". Ai chả biết bọn kinh tế thị trường là "vua ăn": ăn chặn, ăn đút lót, ăn trên, ăn dưới, ăn phần trăm, ăn khẩu phần, ăn mặn, ăn ngọt, ăn chua, ăn cay, ăn trắng, ăn trụi lũi, ăn dơ dáy, ăn bất nhơn... Nhưng nói chúng nó "ăn phân" thì bác Hoàng là vô địch! Vô địch không phải vì bác nói đúng quá, mà là vì bác nói giữa bàng quan thiên hạ, nói có báo chí đăng lại, in ra bày bán trên cả nước, lỡ sau này con cháu mấy ngàn năm sau nếu có muốn, thì cũng có thể tra cứu và trích dẫn. Rằng bọn quản lý thị trường "ăn dơ hơn con chó",... nói có sách, mách có chứng từ một quan chức cao cấp của chính quyền.
Mấy hôm trước Nghị Đương phát biểu tào lao, đụng chạm giới Luật sư, bị doạ kiện tụng rầm trời, vì y ta là... nghị tửng, không biết ăn, biết nói. Chỉ nói cho có, để còn lĩnh "phong bì". Còn bác Hoàng thì khéo đáo để, "chúng nó" kiểm tra phân bón bằng... mồm!". Hì hì, chúng mày có giỏi thì kiện đi! Ông chấp luôn cả Hội Luật sư nhà mày! Nhưng "ấn tượng" nhất về câu nói của bác Hoàng có lẽ vẫn là 4 triệu dân thủ đô. Ở đâu xa xôi không biết, phân chuồng, phân xanh, phân "tái chế"... tái biến thế nào trước khi "đi vào sản xuất", chứ ở ngay giữa thủ đô văn hiến này người ta có một cái chợ phân tươi, phân người, buôn bán đàng hoàng, nhộn nhịp hàng chục năm nay, chả đứa trẻ con Hà Nội nào mà không biết. Thậm chí có bà mẹ mắng con, "Con mà hư, khóc nhè thì mẹ cho đi... chợ phân đấy!". Thế là các cháu ngoan ngay, thay vì bị "đi chợ phân" thì được đi "viếng lăng Bác", là thế!
Cái chợ phân tươi kinh-khủng-khiếp ấy đi vào tiềm thức, trí óc của người Hà Nội nhiều thế hệ sau 1945, và chỉ duy nhất với người Hà Nội. Khi bác Hoàng dùng hình ảnh biểu tượng như vậy để miêu tả công việc "tay làm hàm nhai" của bọn quản lý thị trường, thì tôi đoan chắc hơn ai hết người Hà nội hình dung một cách trực quan, sinh động hơn bất cứ người dân nào trên toàn cõi Việt Nam.
Với người Hà Nội "văn vật" trước 1945, cái chợ ấy là nỗi nhục văn hóa. Với người Hà Nội "duy vật" sau 1945, thì nó là chuyện... "tự nhiên như người Hà Nội". Tôi muốn hỏi bác Hoàng, khi phát biểu như thế, trên phương diện một đại biểu nhân dân, trước cử tri đáng kính của cả nước, bác phát biểu trên tinh thần "văn vật" hay "duy vật"?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét