Thông tin về nhà báo Nguyễn Công Khế đăng một bài viết về Tự do báo chí cho Việt Nam trên trang của báo International New York Times khiến nhiều người tò mò và tìm đọc. Những điều mà ông Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên viết thực ra không có gì mới và thậm chí còn chưa lột tả được ý chính của một nền tự do báo chí và trong bài viết của ông người ta không tìm thấy nội dung tại sao Việt Nam không có tự do báo chí.
Không chỉ riêng Việt Nam, tất cả các nước cộng sản và độc tài đều không có tự do báo chí, kể cả đất nước vừa thoát nạn cộng sản do ông Putin đang lãnh đạo.
Ông Nguyễn Công Khế là một công thần trong lĩnh vực báo chí chính thống. Tờ Thanh Niên do ông dẫn dắt đôi lúc cũng có những bài viết nổi bật, tuy nhiên điều mà Thanh Niên được yêu thích thật ra không phải do nội dung những bài viết ấy mà do thái độ của lãnh đạo tờ báo đối với phóng viên của mình.
Cho tới trước ngày ông Khế thôi giữ chức Tổng biên tập, phóng viên của Thanh Niên luôn được bênh vực, bảo vệ và sẵn sàng đương đầu với Ban tuyên giáo nếu có vẩn đề gì với các tác giả bài viết. Tuy nhiên thành công trong nỗ lực này không mấy hào hứng vì dù sao một mình ông Khế không làm cho bữa tiệc báo chí đậm đà hơn vì các món khác bày biện dày đặc trên chiếc bàn báo chí: lãnh địa đâm, giết hiếp, cởi đã thay toàn bộ các bài viết ý nghĩa và cần thiết cho xã hội.
Ông Nguyễn Công Khế thuyết phục chính quyển rằng tự do báo chí chỉ có lợi cho nhà nước và vì vậy đừng ngăn cản hay cấm đoán nó.
Ông Khế đang một mình cô đơn trên con đường thiên lý mang tên tự do báo chí.
Nhiều người cho rằng lời của ông là chân thành, hiếm hoi tuy pha chút hài hước. Ông là người trong cuộc và ông biết rất rõ tại sao nhà nước Việt Nam không bao giờ chấp nhận một nền báo chí tự do, vì nếu báo chí được thả lỏng muốn viết hay đề xuất khai thác bất cứ lãnh vực nào thì chỉ trong một thời gian ngắn, chế độ sẽ sụp đổ không ai có thể cứu vãn.
Ý tốt của ông đề xuất với chính quyền trong niềm tin rằng khi báo chí khui những sự thật như trường hợp ông Tổng thanh tra Trần Văn Truyền thì nhà nước sẽ có cơ hội biết và sửa sai, do đó báo chí sẽ là cánh tay đắc lực làm cho đảng, nhà nước ngày một hoàn thiện hơn trong chính sách chống tham ô ngay trong nội bộ.
Nghe qua thì hợp logic và rõ ràng đây là điểm then chốt mà báo chí được cho là sức mạnh thứ tư bổ trợ cho ba ngành Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp.
Nhưng nhà nước Việt Nam không có ba nhánh Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp vì vậy câu hỏi đặt ra: tại sao phải cần cái sức mạnh thứ tư này? và nếu ông Khế chịu khó lật vài trang Hiến pháp ra sẽ thấy rằng điều 4 hiến pháp quy định cái gì trong đó.
Tư pháp Việt Nam không cần báo chí vì nó đã có những bản án bỏ túi cùng những quan tòa không hề biết luật là gì. Là Tổng biên tập một tờ báo lớn ông Nguyễn Công Khế thừa biết Viện kiểm sát, công an cùng tòa án là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt với mục đích duy nhất: xem xét tội lệ của người có công với cách mạng, với bọn phản động và nhất là bọn tuyên truyền lật đổ nhà nước.
Bản án không dựa trên diễn tiến và bằng chứng mà nó dựa trên hồ sơ lý lịch lẫn hiện tượng quan ngại của các nước có mối bang giao mà Việt Nam cần gìn giữ. Bản án nghe ngóng các trang mạng xã hội cũng như các tuyên bố của những cơ quan nhân quyền rồi nhận quyết định sau cùng từ Đảng Ủy. Báo chí Việt Nam không có thói quen điều tra độc lập vì nó được cung cấp tin từ công an, do đó để cho báo chí tự do là cách tốt nhất tiêu diệt tòa án, nơi công khai gìn giữ sự độc tài chuyên chính một cách hợp pháp trước mắt thế giới cho chế độ hiện nay.
Hành pháp Việt Nam lại càng không cần đến sự truyền thông trung thực của báo chí. Mọi chính sách nếu bị báo chí phanh phui thì miếng ăn của các cấp lãnh đạo sẽ vuột ra khỏi mồm và từ đó kéo theo hệ lụy rất lớn là bè cánh không có cơ hội được thành lập. Thiếu bè cánh sức mạnh của lãnh đạo sẽ chỉ còn một phần trăm và từ đó họ bị buộc phải làm việc nhiều hơn, bổng lộc ít hơn và nhất là số tiền tham nhũng sẽ không thể kiếm ra một cách dễ dàng. Ông Khế nói nhà nước có lợi hơn nhưng người đứng đầu cái nhà nước ấy bất lợi trăm bề thì thử hỏi họ có nghe không?
Lập pháp Việt Nam từ lâu được mọi người xem là cánh tay của Đảng và vì vậy đảng nói điều gì thì quốc hội sẽ bỏ phiếu cho điều ấy. Đảng bảo im thì 500 đảng cử ấy im, đảng bảo nói thì lai rai vài người sẽ nói. Vở diễn cứ lập đi lập lại mỗi năm và báo chí chạy theo những phát biểu hơn là nội dung cuộc họp. Báo chí không lười biếng và thiểu năng nhưng họ nhìn thật kỹ vào từng bài phát biểu và thấy rằng đại biểu chỉ nói vòng quanh, khơi mào, nhấn nhá và cuối cùng lúc nào cũng mong rằng được quốc hội quan tâm.
Cái quan tâm ấy rơi xuống từ lâu nhưng họ vẫn kiên trì cầm diễn văn mà đọc.
Quốc hội có cần tới báo chí không? Câu trả lời là không.
Họ, các nhà báo ngồi bệt dưới đất trong cái tòa nhà đồ sộ mới toanh ấy. Quốc hội công khai cấm báo chí không đưa tin về biểu quyết tín nhiệm. Quốc hội phàn nàn báo chí đưa tin quá lời....Quốc hội nhìn báo chí với đôi mắt bực dọc, dò xét... tất cả những sự việc ấy cho thấy đề xuất mở tung báo chí là có lợi của ông Nguyễn Công Khế xem ra hơi bị lạc quan. Nếu Quốc hội chấp nhận thì không khác chi bảo họ đuổi hết mấy trăm ông nghị gật về lại nhiệm sở cũ. Lấy ai biểu quyết tín nhiệm cho nhà nước được nhờ?
Tự do báo chí cho Việt Nam sẽ chỉ có lợi cho nhà nước khi nào điều 4 bị vất đi. Khi mà tam quyền phân lập được hình thành và nhất là khi người dân tự do với lá phiếu của mình, kể cả bầu người cao nhất nước là Tổng thống hay Thủ tướng.
Đòi hỏi tự do báo chí trong một guồng máy cộng sản chỉ là một bó hoa hồng gửi tới một đám tang. Hoa không được nhận thì chớ, thân nhân của người chết còn sẽ không tiếc lời thóa mạ cho sự ác ý này.
Bó hoa tự do báo chí ấy liệu có làm thơm hơn cái thây ma báo chí cần được tẩy rửa hay không?
Cánh Cò
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét