Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Thư gửi bạn ta (11/16/14)

thuguibanta1
MỘT LỜI CÁM ƠN
Hôm 1 tháng 11 vừa qua, trong cuộc thi tuyển người mẫu ở Việt Nam, một thí sinh sau khi nhận được điểm khá cao của ban giám khảo để thi tiếp cuộc thi, đã đi thẳng vào trong hậu trường thật nhanh. Ngay lập tức, cô bị Adam Williams, một giám khảo người Úc, gọi trở lại và thông báo quyết định của ông. Ông đổi ý và không muốn để cho cô tiếp tục thi vòng sau nữa.
Lý do ông cho biết là vì cô đã không biết chào và cám ơn ban giám khảo. Cả 3 giám khảo kia cũng đồng ý với chuyên gia về trình diễn thời trang người Úc.
Các bản tin trên báo đều không cho biết khi được thông báo quyết định đó, cô thí sinh này có nói gì không. Nếu cô trở ra, đến trước các giám khảo, nói một câu, một câu ngắn thôi, đại khái cô xin lỗi, nói là vì cô quá hồi hộp, lo sợ, mất bình tĩnh bởi thế nên đã quên cám ơn giám khảo. Cô xin lỗi và xin cám ơn số điểm cô nhận được từ ban giám khảo để có thể thi tiếp.
Tôi tin chắc những người ngồi ghế giám khảo nếu nghe cô giải thích như thế sẽ đổi ý và cô sẽ được cho thi tiếp. Nhưng hình như cô không nói gì nên các giám khảo phải cho cô về nhà. Cô đã đánh mất cơ hội cô đã gần như nắm chắc trong tay để bị loại, không được cho tiếp tục cuộc thi chỉ vì không biết nói lời cám ơn khi nhận được điểm tốt của những người chấm thi.
Sau khi bản tin về cô xuất hiện trên báo thì đã có nhiều độc giả gửi thư cho tòa báo, cho ý kiến về quyết định của ban giám khảo. Một số đồng ý với việc cô bị loại, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cô dự thi làm kiểu mẫu thì nếu đủ tiêu chuẩn làm kiểu mẫu thì cô phải được cho tiếp tục. Cuộc thi không tuyển người lễ phép, lịch sự thì tại sao đánh hỏng cô. Đó là ý kiến của khá đông người.
Và chi tiết đó là điều đáng nói ở đây.
Những câu chào hỏi thường ngày, những câu cám ơn đã biến mất trên miệng của (đa số) người Việt Nam từ bao giờ? Người đàn ông Úc ngồi ghế giám khảo đã phải mấy lần quay sang hỏi các giám khảo người Việt rằng tại sao họ (các thí sinh) không biết chào và cám ơn ban giám khảo. Như vậy không phải chỉ một thí sinh không biết nói câu cám ơn, mà còn cả những người khác nữa. Nhưng có thể những người kia không được điểm cao nên không thèm cám ơn ban giám khảo. Đến cô thí sinh được cho điểm cao để tiếp tục thi thì cũng đi thẳng vào trong hậu trường nên Adam Williams mới gọi lại và loại cô khỏi cuộc thi.
Chuyện không biết những phép lịch sự tối thiểu trong cuộc sống hằng ngày đã được nói tới rất nhiều lần. Những người hành xử thiếu văn hóa đó thuộc đủ mọi thành phần ở Việt Nam. Đa số là người ở miền Bắc, nhưng nay, hình như cách hành xử thiếu văn hóa đó đang đi tới nhiều nơi khác nữa. Những người Việt sống ở nước ngoài khi về Việt Nam thường bị nhận ra ngay khi mở miệng ra là cám ơn và xin lỗi lia lịa. Trong nước, những cách ăn nói lịch sự đó không còn thấy nhiều nữa. Nhưng thực ra, lối hành xử văn minh, lịch sự cũng đang dần biến mất ở cả những người Việt sống ở ngoài Việt Nam nữa chứ không phải chỉ riêng tại Việt Nam.
Lái xe trên đường mà nhường đường cho đồng hương rất ít khi nhận được một nụ cười, một cái khoát tay, vẫy tay. Mở cửa nép sang một bên nhường cho đồng hương đi trước cũng không một cái nhếch mép làm như thể vừa giúp kiếm cho việc mở cửa cho mình không bằng. Lúc ấy chỉ muốn làm như ông Bá Dương, tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, là buông tay ra, cho cánh cửa sập lại cho vỡ mặt cái thằng cha hay cái con mẹ nghiêm và buồn vời vợi (?) cho bõ ghét. Những chuyện như thế ngày nào tôi cũng gặp hai ba lần ở đây.
Chỉ khi nào những câu cám ơn, những lời xin lỗi đó trở thành những phản xạ, những hành động tự nhiên, một thứ second nature tự động bật ra thì may ra những cách hành xử như cô thí sinh thi làm người mẫu mới không xẩy ra nữa.
Tiếng Anh có cả chục cách nói cám ơn. Hay nhờ đó, rất ít khi xẩy ra chuyện như cô thí sinh nọ. Thank you… thanks a million… thanks a lot… much obliged… I do appreciate it… thank you very much indeed… thanks a whole lot… from the bottom of my heart… I can’t thank you enough… what would I do without you… you are an angel… you are too kind… you are the best… thanks a bunch… I don’t know how to thank you, but thank you so much…
Cô thí sinh bị loại thực ra cũng lại không là người chim sa cá lặn gì cho cam. Cô chưa là “top model” mà đã như vậy. Thử hỏi nếu cô thắng cuộc thi và trở thành người mẫu hàng đầu thì cô còn thiếu văn hóa như thế nào nữa.
Có một câu không biết của ai, nhưng nếu cô cư xử được như thế này thì hay biết bao: It is nice to be important but it is important to be nice. Là người quan trọng thì cũng hay đấy, nhưng chuyện quan trọng là phải tử tế với mọi người.
Cô chưa là cái gì mà đã như thế thì khi cô trở thành “top model” thì cô còn thế nào nữa? Đó là học tập theo gương đạo đức của bác Hồ chăng? Cháu ngoan của bác mà thiếu văn hóa vậy sao? Cái nết đánh chết cái đẹp. Nhưng cái đẹp cũng không có được bao nhiêu, lại thêm không có nết thì bị đuổi là phải.
Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.
* * *
Ngày 3 tháng 11 năm 2014
Bạn ta,
Hình ảnh người phụ nữ đầu hơi cúi xuống một chút, mắt ngó lên, rất xanh như Ava Garner, tay cầm lấy chiếc ca vát kéo lại phía nàng, mắt long lanh thêm một chút… hình như trong đầu của 97% những người đàn ông trên đời này đều có.
Chiếc ca vát, kế đó, được tháo ra, quăng xuống đất, hơi thở bỗng nghe có vẻ dồn dập thêm.
Ðúng lúc đó thì ở dưới chân, hai triệu bẩy trăm tám mươi chín ngàn hai trăm năm mươi hai (2,789,252) con vi trùng bắt đầu ào ào nhẩy xuống sàn nhà từ những sợi tơ dệt thành chiếc ca vát. Cho đó là những chiếc ca vát của Santostefano hay Burberry, hay Countess Mare, Echo, Furragalli, Italo Ferretti… chúng (bọn vi trùng) cũng không tha, nếu những chiếc ca vát đó trong ngày đã ngự trên cổ của những y sĩ vừa mới từ bệnh viện trở về.
Ðem kính hiển vi soi xuống sàn nhà, người ta sẽ thấy đủ mọi thứ vi trùng, nào là Staphylococcus aureus, nào Klebsiella pneumoniae, nào Pseudomonas aeruginosa, nào Aspergillus… tất cả đều đang lồm cồm bò đi kiếm chỗ để tái định cư sau khi từ các bệnh nhân ở bệnh viện nhẩy lên bám vào những chiếc ca vát khi những chiếc ca vát này quét ngang tấm chăn đắp trên mình bệnh nhân, hay trên những bông băng của người bệnh, hay những bàn tay người bệnh đưa lên đụng vào chúng…
Cũng có thể chúng từ những bàn tay vừa có những đụng chạm vào các ổ vi trùng rồi lại đưa lên sửa, nắn lại cái nút ca vát…
Ðó là những điều mới tìm ra của một cuộc nghiên cứu công bố tại đại hội lần thứ 104 của Hội Vi Trùng Học Hoa Kỳ. Theo cuộc nghiên cứu này, thì ca vát của các y sĩ là những vật bẩn nhất, chuyên chở nhiều vi trùng nhất, bẩn gấp tám lần ca vát của những nhân viên an ninh bệnh viện.
Các y sĩ làm việc tại các bệnh viện Hoa Kỳ thường được khuyến khích đeo ca vát vì, vẫn theo phúc trình của cuộc nghiên cứu, chúng tạo ra một hình ảnh chuyên môn và nhà nghề, đồng thời chúng (những chiếc ca vát) cũng làm cho bệnh nhân tin tưởng vào tài nghệ của các y sĩ hơn.
Nhưng những chiếc ca vát ấy bao lâu thì được đem giặt một lần?
Thường thì chỉ khi chúng nhẩy vào tô súp để ăn súp trước chủ, hay bị catsup, tương ớt, tương đen, nước phở gầu dính vào, chủ của chúng mới đem đi giặt khô để cứu vãn chúng. Còn không thì chúng gần như không bao giờ được giặt cả.
Cuộc nghiên cứu đưa ra những đề nghị như bỏ hẳn không đeo ca vát nữa, mà đeo nơ. Hay nếu đeo ca vát thì kẹp chúng lại, không cho lủng lẳng trước ngực nữa. Cũng có thể dùng một loại thuốc sát trùng phun vào chúng khi xong việc. Một đề nghị khác là dùng cái áo mưa (?) cho ca vát (necktie condom).
Thế thì tại sao không treo tấm bảng yêu cầu bỏ giầy và ca vát ở ngoài cửa?
Nhưng bỏ cái ca vát ra thì trông… không đặng chút nào. Cái ca vát hơi trễ xuống, khuy cổ áo được tháo ra thì mới trông… như William Holden trong Love Is A Many Splendored Thing, hay Gregory Peck trong Roman Holidays… chứ.
Mà không tháo ca vát ra bỏ ngoài cửa thì vi trùng mới có chỗ để tái định cư, gây phiền nhiễu cho gia chủ.
Biện pháp cuối cùng mà phúc trình đề nghị là các y sĩ bỏ hẳn, không đeo ca vát nữa.
Ðề nghị này có thể đem ra áp dụng cho luôn cả những người đàn ông làm những công việc khác, không dính gì tới những con vi trùng mất dậy.
Vì nhiều cái ca vát với những xuất xứ mù mờ không rõ rệt cũng rất cần phải lấy ra khỏi cổ của nhiều người đàn ông, nhất là khi những chiếc ca vát đó trông thì thường thôi, nhưng lại được đặc biệt yêu quí, tuần nào cũng thấy mang ra đeo một cách rất khả nghi.
Cứ đổ cho là ổ vi trùng bắt quăng vào thùng rác là biện pháp hay nhất.
Cho hết mơ mộng Ava Gardner…
* * *
Ngày 4 tháng 11 năm 2014
Một vụ kiện tại Jérusalem hồi tuần qua chắc chắn sẽ được các thẩm mỹ viện cũng như các thân chủ của các cơ sở này theo dõi rất kỹ trong những ngày tới vì kết quả của vụ kiện sẽ có thể ảnh hưởng đến không ít người ở nước Mỹ mặc dù chuyện mới chỉ xẩy ra tại Israel.
Lý do là vì khi có án lệ tại Israel rồi, thì các nhà làm luật ở Mỹ có thể cũng từ đó, tu chính hay viết hẳn những luật mới để có thể đem áp dụng cho những trường hợp tương tự tại Hoa Kỳ.
Tin của tờ Yediot Ahronot xuất bản tại Jérusalem cho biết luật sư của một nữ kiểu mẫu Israel đã nộp đơn kiện đòi sở thuế cho khấu trừ chi phí sửa sắc đẹp của cô trong kỳ khai thuế năm tới. Các luật sư nói rằng nghề nghiệp của cô đòi hỏi cô phải giữ gìn sắc đẹp và sự toàn hảo của cơ thể. Các luật sư lập luận rằng theo luật thuế hiện hành, các doanh nhân đã được hưởng những khoản khấu trừ cho tiền may quần áo thì thân chủ của các ông cũng phải được miễn đánh thuế trên những khoản tiền chi cho việc sửa sang sắc đẹp.
Tờ báo không cho biết rõ tên tuổi của cô, và cũng không nói rõ cô đã sửa những gì trên người. Nhưng những chi tiết đó có thể không quan trọng vì sửa răng, hút mỡ bụng, bơm môi, bỏ silicone vào người thì cũng đều là những việc làm cần thiết để giúp cô được tăng tiến trong công việc.
Nếu các luật sư trong vụ kiện sở thuế ở Jérusalem thành công, thì đó sẽ là tin vui cho không biết bao nhiêu người ở Mỹ.
Người ta sẽ ào ào kéo nhau tới các thẩm mỹ viện trước mua vui, sau trừ thuế. Vừa làm đẹp, tái thiết hậu chiến, chỉnh trang đô thị lại vừa bớt được tiền thuế trả cho chú Sam thì tại sao lại không làm.
Chuyện làm đẹp để tăng tiến cần lao, giải phóng nhân vị không chỉ qua quéo ở một diện tích da mặt được cắt quăng đi, mà còn cả ở các khu vực chiến lược khác nữa. Bộ cải thiện những khu vực ấy không là để làm đẹp hay sao? Việc làm đẹp những khu vực ấy sẽ giúp làm cho hình ảnh của chỗ làm tươi mát hơn, các đồng nghiệp ngó chung quanh sẽ thấy vui hơn trong công việc, tạo một không khí thân mật, thiện cảm làm cho công việc làm dễ dàng hơn.
Việc thuyết phục sở thuế và các nhà làm luật Hoa Kỳ không khó lắm, nhưng có thể việc thuyết phục gia đình sẽ khó hơn.
Chuyện được miễn trừ hay giảm thuế nhờ những khoản khấu trừ như vậy nhất định là vui rồi. Nhưng làm thế nào nói để những ông chồng ở nhà đồng ý rằng cho hai bịch silicone vào người là có ích trong công việc làm ở sở cũng như tạo lợi thế cho những yêu cầu lên lương, thăng trật của đương sự?
Mà rồi sau khi thuyết phục được ở nhà để đi sửa và khấu trừ thuế, thì không lẽ giấu biệt, che kín mít những khu vực vừa chỉnh trang lại sao tiện. Thế là lại phải một nỗ lực thuyết phục khác. Ðây nhá, đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại… Tại sao đẹp thế này mà lại mặc cái áo cổ rùa thế này? Tại sao cứ bắt cài cả hai cái nút cao nhất của cái sơ mi lại? Thế thì sửa, thì khấu trừ thuế làm gì cho nó mệt? Thôi mà, phải cởi mở, phải kinh tế thị trường chứ, phải có qua, có lại chứ, phải có cho, có nhận chứ… Ra ngoài nhìn người thì không sao, về nhà thì đóng cửa, rút cầu, bế quan, tỏa cảng… Bây giờ không còn cảnh phải ngâm “Ra đường trông thấy tơ người / Về nhà trông thấy tằm tôi, tôi buồn” nữa thì tại sao phải bắt kín như bưng thế này? Này, kiếm mãi mới được cái St. John kiểu này đấy… Cho mặc đi nào… Tại sao lại đưa hai cái kim băng để làm gì thế này? Thôi không kim băng, cũng chẳng mặc nữa là xong… Mà đã vậy thì ra đường không có được mắt láo liên đó nghe ông… Trông cặp mắt lang thang của ông tôi bực lắm rồi đó… Thế này thì khấu trừ thuế làm quái gì nữa cho thiệt hại ngân sách chính phủ, sao không để nguyên, đóng thuế đầy đủ, giúp quân bình ngân sách quốc gia, giảm khiếm ngạch liên bang…
Như vậy thì không biết chuyện Israel là chuyện may hay rủi cho những người đàn ông Mỹ cù lần đây?
* * *
Ngày 5 tháng 11 năm 2014
Bạn ta,
Một chuyện xẩy ra tại Ðức mới đây có thể sẽ khiến cho nhiều người đàn ông phải nghĩ lại cách đậu xe mỗi tối, và nhiều người phụ nữ phải cẩn thận hơn khi nổi giận.
Bản tin Reuters tuần trước cho biết người phụ nữ 43 tuổi ở Essen, một thị trấn ở miền tây Cộng Hòa Liên Bang Ðức, sau một trận cãi nhau kinh hoàng với chồng, đã tông cửa chạy ra ngoài, tay cầm theo cái búa, và… búa cái xe yêu quí của ông chồng một trận nhừ tử. Chiếc xe bị vỡ kính trước, đèn trước và luôn cả hai chiếc gương chiếu hậu.
Xong cơn giận, nàng vào nhà thì ông hàng xóm chạy qua hỏi ông có làm gì buồn lòng bà không mà bà lại búa cái Opel Corsa của ông như thế. Bà chạy ra nhìn lại, thì quả đúng như lời ông hàng xóm, chiếc xe bị hư hại vì cơn giận của bà là chiếc Opel Corsa của ông hàng xóm, trong khi chiếc Ford Fiesta cũng mầu xanh của ông nhà đậu ngay cạnh thì vẫn còn nguyên sau cơn thịnh nộ lôi đình của bà.
Cảnh sát được mời đến làm biên bản và cho biết thiệt hại của chiếc xe có thể lên đến hơn một ngàn Mỹ kim.
Bảo hiểm của cả hai chủ xe đều không dự trù bồi thường những thiệt hại như thế. Muốn tránh bị kiện về tội hủy hoại, gây hư hỏng cho tài sản ông hàng xóm, thì nhất định gia đình chủ xe Ford Fiesta phải lấy tiền riêng ra bồi thường cho những hư hại gây ra cho chiếc Opel Corsa.
Người phụ nữ chắc chắn là vẫn còn giận người đàn ông. Không thể tưởng tượng ra cảnh nàng cào lưng chàng và nói “Anh trả tiền sửa xe cho em nhé…” Chắc chắn một sự im lặng lạnh người sẽ đổ ụp xuống ngay sau câu nói đó. Cảnh sát đã lập biên bản. Bàn tay cầm chiếc búa không phải là bàn tay của người đàn ông. Nó nối vào với vai của ai, thì người ấy móc tiền ra trả để bồi thường cho chủ xe.
Người đàn ông hàng xóm chủ chiếc Opel không thể đợi lâu được. Ba bốn ông luật sư nhân từ đang đứng ngoài cửa hứa sẽ giúp ông tận tình vẫn chưa chịu về nhà. Tình hình đang sôi lên như Iraq trước tháng 3 năm 2003.
Trong khi người đàn ông chủ chiếc xe Ford Fiesta lành lặn thì cứ phải cố hết sức mới không phá lên cười. Ông ta quay mặt vào phía bên kia của cái giường, miệng cắn chặt nửa cái chăn để khỏi phát thành tiếng cười.
Bản tin đăng trên báo hôm trước thì rất nhiều người đàn ông Ðức đem xe của họ ra dealer đổi lấy những chiếc xe cùng mầu, cùng kiểu với xe của hàng xóm, và tối tối đi làm về, thì kiếm cho bằng được chỗ để đậu xe của mình cạnh xe ông hàng xóm, và bước vào nhà, để cái búa lên mặt bàn bếp và ai gây sự thì… gây lại. Phía bên kia cầm cái búa lên, tông cửa chạy ra thì cứ yên tâm đi ngủ, chờ cảnh sát được gọi tới để lập biên bản.
Và phụ nữ Ðức sẽ phải nghĩ ra một cách khác để biểu lộ sự giận dữ của họ.
Không thể cứ vác búa như ông Thiên Lôi ra đường búa cái xe của chồng như vậy được nữa.
Cái xe là tài sản có thể tách rời (?) ra được khỏi thằng chả nên có thể lầm với cái xe của người khác một cách dễ dàng. Chưa búa được người, mặt đỏ như vang, búa được người rồi mặt vàng như nghệ là thế. Tục ngữ không bao giờ sai.
Vậy nếu cần có biện pháp mạnh, thì biện pháp ấy phải nhắm vào những vật… bất ly thân của thằng chả để khỏi lầm lẫn với tài sản của người hàng xóm.
Búa (?) của tôi ai cướp đi
Tôi sẽ dùng dao khắc văn trên đá…
À, đây là ý kiến rất hay. Không dùng búa nữa. Búa dễ búa lầm. Ông Thiên Lôi mỗi năm búa lầm cả mấy trăm vụ: mấy đứa con không nghe lời mẹ có bị “ông ù” đánh cho sặc gạch đâu. Toàn mấy người tử tế bị sét đánh.
Phải dùng dao, hệt như ông Trương Trào, một nhà tư tưởng Trung Hoa, từng viết: “Trong đời có nhiều việc bực mình, không dùng dao thì không thể giải quyết được.”
Một nhát dao bay nghìn thuở đẹp…
(Vũ Hoàng Chương)
Hơn nữa, bà không dùng thì không đứa nào dùng được cả. Ðền một ngàn Mỹ kim như đền cho cái xe Opel Corsa là cùng chứ gì.
* * *
Ngày 6 tháng 11 năm 2014
Bạn ta,
Hôm qua mục Dear Abby có đăng bức thư của một độc giả đã lớn tuổi, trong thư, người viết hỏi nên làm gì với những thư từ hình ảnh mà cụ đã giữ được từ hơn nửa thế kỷ nay.
Cụ cho biết đó là những bức thư của “ngọn lửa cũ” — old flame — mà cụ không thể và cũng không nỡ hủy đi bằng cách xé vụn, quăng thùng rác như những thứ thư từ khác. Số thư, khoảng hơn một trăm bức, và những bức hình chụp một người phụ nữ mà cụ đã giữ được qua mấy chục năm.
Bề gì cũng giữ chúng được hơn nửa thế kỷ, quăng đi sao đành.
Tưởng tượng trên những bức thư ấy, là vết tích của một bàn tay để lại. Có khi lại còn có thể một vết son “em hôn lên chữ một đôi tờ” (*) thế thì làm sao mà đốt, mà quăng đi được.
Những bức thư và những bức hình đó, cụ vẫn giữ. Cụ mong có được một tối “…ngồi xuống ở bên em/ giở tập thư xưa đọc trước đèn/ vẫn ngọn đèn mờ trang giấy lạnh/ tiếng mùa thu động, tiếng mưa đêm…” (**)
Nhưng làm sao cụ giữ được chúng, không thấy cụ nói. Abby đề nghị gửi chúng trong một tủ sắt tại ngân hàng. Nhưng khi cụ ra đi thì sao? Người nhà được thông báo đến mở ra, mang hết về nhà trao lại cho cụ bà thì làm thế nào cụ ông Rest In Peace an giấc ngoài nghĩa địa được?
Không nên làm như thế.
Nhưng hãy nói về những ngày tháng còn lại trước khi cụ ra đi đã.
Thí dụ lỡ cụ bà ở nhà tình cờ tìm được những bức thư ấy thì sao? Giải thích thế nào về việc còn cất giấu những lá thư và những bức ảnh ấy?
Dễ ẹc.
Kéo ghế ngồi xuống, thủng thẳng nói với cụ bà rằng chắc chắn đâu đó cũng có vài ba ông già cúp bình thiếc còn giữ lại những bức thư của cụ bà viết vài ba chục năm trước, thế thì cụ bà có muốn các ông già này quăng những bức thư ấy xuống đất, lấy chân giày xéo lên không? Cụ bà có muốn vài ba cụ bà lấy kim chọc vào mắt những bức hình khi còn đôi tám của cụ không?
Câu trả lời chắc chắn là không. Do đó, những lá thư và những bức ảnh có hy vọng toàn thây.
Nhưng cụ ông nên tiết lộ cho các cụ ông khác biết làm thế nào mà giấu được những thư từ, hình ảnh đó trong suốt nửa thế kỷ trong khi cụ bà đắc lực hơn các nhân viên khám hành lý ở phi trường trong biệt tài lục lọi rất nhiều.
Cụ ông nên chỉ cho các cụ ông cao niên khác những chỗ mới, khác hơn là gáy những cuốn tự điển, mặt dưới những ngăn kéo, những chiếc hộp không khả nghi chút nào trong nhà xe, trong túi chiếc áo lạnh đã cũ, trên nóc nhà, dưới cái bánh sơ cua trong xe, đằng sau bức tranh treo ở phòng khách, trong chiếc khung hình chân dung cụ bà… Tất cả những chỗ này đều đã bị chiếu cố hết thì giấu ở đâu cho được thêm năm chục năm nữa?
Giữ trong nhà để lâu lâu lôi ra ngó một cái cho đỡ ghiền lỡ một hôm sáng ra, đứng dậy không được thì sao? Làm sao leo lên gác, lục trong đống sách cũ lôi chúng ra mang đi đốt để giữ nguyên được lòng kính trọng vợ con dành cho từ bao lâu nay?
Không nên. Chắc phải gửi ngân hàng thật. Nhưng khi ra đi rồi, gia đình được thông báo đến nhận… thư thì sao?
Không được. Thế thì làm sao bây giờ?
Chúng ta biết là các ngân hàng luôn luôn dự trù trường hợp trương chủ qua đời để giải quyết số tiền còn gửi ngân hàng. Trương chủ chỉ cần chỉ định một người, khi trương chủ qua đời, tồn khoản trong trương mục sẽ được trả cho người được chỉ định: pay upon death.
Mấy bức thư và những bức ảnh thì cứ ghi là destroy upon death là ra đi thanh thản về miền cực lạc, chẳng sợ ai theo ra tận nghĩa địa mà mè nheo khiến người nằm đó cũng điên cái đầu.
Lúc ấy, ngân hàng có lôi ra xé, đốt, quăng sọt rác cũng không còn ai thắc mắc nữa.
Chứ còn sống thì không đành là đúng rồi.
(*) (**) thơ Ðinh Hùng
Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét