Cuốn sách “Chuyện tình của Liên Hòa Hòa Thượng” vừa xuất bản tại chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc là một cuốn sách độc đáo. Độc đáo vì tác giả là một cao tăng: Hòa Thượng Thích Như Điển.
Hòa
Thượng Như Điển giải thích cơ duyên đưa đẩy Thầy viết câu chuyện tình này là do thời gian tịnh thất tu học hằng năm tại Úc châu lần thứ 8 năm 2010 Thầy có cơ hội đọc cuốn “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” của tác giả Nguyễn Hiền Đức. Cuốn sách có thuật lại chuyện tình một chiều của Quận chúa Hoàng Cô, em ruột vua Gia Long với một vị cao tăng đã gắn bó với triều đại nhà Nguyễn Gia Long từ khi còn bôn ba chống Tây Sơn cho đến khi lên ngôi Hoàng đế.
Hòa Thượng Như Điển đánh giá câu chuyện của tác giả Nguyễn Hiền Đức với những chứng cớ trưng dẫn có thể là sự thật nên Thầy đã dàn dựng phóng tác để qua đó nói đến những kín đáo của nhân sinh mà xưa nay ít có cây bút nào bàn đến. Thầy Như Điển thấy rằng trong văn chương cũng có vài tác phẩm về chuyện tình trong chốn thiền môn, nhưng – theo như Thầy biết – đều do thường nhân viết. Họ tiểu thuyết hóa qua tưởng tượng hay hư cấu theo chuyện có thật. Chưa có một tác phẩm nào nói đến tình yêu tại chốn sơn môn do một tu sĩ viết. Bởi nhiều lẽ, và lẽ đơn giản nhất là tu sĩ trên nguyên tắc thoát tục đi tu thì không nói đến chuyện tình . Hòa Thượng Như Điển cho rằng như vậy là chưa đào sâu cội nguồn tình cảm của con người, một thiếu sót tài liệu về mặt tu học và cũng là một thiếu sót về mặt văn học.
Mối tình trong “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” của tác giả Nguyễn Hiền Đức kết thúc trong bi ai, nhưng không làm cho thiền môn nhuốm màu tục lụy. Thầy Như Điển nghĩ rằng có ai hiểu được tình yêu của Hoàng Cô, có ai hiểu được tinh thần của Liên Hoa Hòa Thượng trước một mối tình trong sáng như vậy … nếu không phải là một tu sĩ.
Hòa Thượng Như Điển lấy một quyết định quan trọng. Thầy tạm gác ra mấy tuần lễ để viết cuốn “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng”. Thầy nói với độc giả rằng, người tu sĩ vẫn còn một quả tim con người với những xúc động tự nhiên của nó. Nhìn khác đi là thần thánh hóa người khóac áo tu hành dù vị tu sĩ đã đạt đến một đẳng cấp nào được “người đời” trao tặng trong nghi lễ. Đi tu không phải là tìm cách diệt những cảm xúc đó mà chính là để thăng hoa nó, biến nó thành hoa, thành trái tô điểm cho cuộc đời. Và người nữ khi yêu thương một tu sĩ cũng chưa hẵn đã làm một việc sai trái.
Hiểu Hòa Thượng Như Điển như vậy, tôi thấy Thầy thật can đảm. Thầy đi vào hỏa ngục để cứu chúng sinh. Thầy đụng chạm đến vấn đề không một cao tăng nào dám đụng chạm để mang đến những lý giải cho những điều từ trước đến nay còn bỏ trống.
Câu chuyện thật có trong chính sử như sau: Vua Gia Long khi còn bôn ba ở Gia Định tranh giành ngôi vương với vua Quang Trung có thời gian cùng kẻ tùy tùng trú tại chùa Từ Ân, để Mẹ, vợ, các em và các con nương nhờ chùa Khải Tường trong tỉnh Gia Định. Hoàng Tử Nguyễn Phước Đảm, sau này là vua Minh Mạng sinh tại chùa Khải Tường năm 1791. Thiền sư Thiệt Thành – Liễu Đạt thuộc Thiền tông Lâm Tế trụ trì chùa Khải Tường. Tiếp cận với Hòa Thượng Liễu Đạt tại chùa Khải Tường, một người em gái của vua Gia Long thường được gọi là Hoàng Cô, đã thọ Bồ Tát giới với ngài, pháp danh Tế Minh – Thiên Nhựt đem lòng luyến ái ngài.
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, Hoàng Cô theo anh về Phú Xuân (nay là Huế) mang theo mối tình thầm kín trong tim. Năm 1817 vua Gia long ban chiếu triệu thỉnh Hòa Thượng Liễu Đạt về làm Tăng cang chùa Linh Mụ, và mời Hòa Thượng vào cung mỗi tháng 8 kỳ giảng kinh cho Hoàng Thái Hậu, Hoàng Hậu và các em, trong đó có Hoàng Cô. Năm 1820 vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi ban danh hiệu Liên Hoa cho Hòa Thượng Liễu Đạt. Lần lửa thêm mấy năm Hòa Thượng Liên Hoa quyết chạy trốn lưới tình của Hoàng Cô vây bủa. Năm 1823 nhân được tin sư huynh là Hòa Thượng Linh Nhạc tại chùa Từ Ân viên tịch Hòa Thượng Liên Hoa xin phép vua Minh Mạng trở về Gia Định thọ tang và giữ chùa Từ Ân. Lưu luyến mãi,nhưng vua Minh Mạng phải để Hòa Thượng trở về Gia Định.
Tưởng đã thoát nợ trần. Không ngờ Hòa Thượng trở về chùa Khải Tường đầu năm thì cuối năm Hòang Cô xin phép vua Minh Mạng vào Gia Định lấy cớ đi cúng dường để thăm Hòa Thượng Liên Hoa.
Sau mấy ngày ở dinh quan trấn thủ thành Gia Định cho phải phép Hoàng Cô cho lệnh sắp xếp bà ở lại chùa Từ Ân để bà được gần Phật cho đến khi bà hồi kinh.
Mấy ngày sau Liên Hoa Hòa Thượng nguyện đến chùa Đại Giác tại tỉnh Biên Hòa nhập thất hai năm. Sau khi Hòa Thượng đi, Hoàng Cô bỏ ăn. Sợ Hoàng Cô có mệnh hệ gì có lỗi với triều đình nên nhà chùa phải tiết lộ nơi Hòa Thượng Liên Hoa nhập thất cho Hoàng Cô. Lửa tình nung nấu , Hoàng Cô cho người kiệu đến chùa, quỳ ngoài thất xin Hòa Thượng Liên Hoa nếu không cho gặp mặt thì cho cô nhìn thấy bàn tay ngài và cô hứa sẽ hồi kinh ngay. Cầm lòng không đậu, Hòa Thượng Liên Hoa đưa bàn tay ra chiếc cửa sổ nhỏ dùng đưa thức ăn vào cho Hòa Thượng đang nhập thất, Hoàng Cô cầm tay ngài hôn và khóc sướt mướt, xong cô trở về chùa chờ Hòa Thượng xuất thế. Hoàng Cô nghĩ rằng khi để cho cô hôn bàn tay Hòa Thượng đã không còn tinh tấn tiếp tục tu hành.
Vài ngày sau Hòa Thượng Liên Hoa tự thiêu. Sau đó Hoàng Cô uống thuốc độc tự vận theo Hòa Thượng. Chùa Từ Ân thờ linh vị của Hòa Thượng Liên Hoa nơi dành cho các bậc xuất gia, và thờ Hoàng Cô tại bàn linh của người trần thế. Trong chùa luôn luôn có bóng người xuất hiện gây xáo trộn làm cho tăng chúng không tu hành được. Cho đến khi chùa mang hai linh vị thờ cạnh nhau chùa mới trở lại yên tịnh .
Hòa Thượng Như Điển nghĩ rằng không ai có thể hiểu được tình cảm khúc mắc và trong sạch của Hòa Thượng Liên Hoa và Hoàng Cô bằng một tu sĩ. Và Hòa Thượng Như Điển có thẩm quyền nhìn vấn đề một cách chủ quan như vậy. Thầy là một trong những bậc chân tu ít oi còn lại trong thời đại mạt pháp này. Thầy can đảm không ngại thị phi xuyên tạc cầm ngọc đuốc soi vào góc thầm kín nhất của nhân sinh.
Hòa Thượng Như Điển không nhiều lời miêu tả tâm hồn của Hòa Thượng Liên Hoa, nhưng bàng bạc độc giả cảm thấy như chia sẻ cơn sóng dữ Hòa Thượng phải trải qua suốt cuộc đời tu tập.
Nhưng với Hoàng Cô Hòa Thượng Như Điển đã soi rọi tận tình. Thầy hư cấu 15 lá thư tình của Hoàng Cô nói về “nỗi lòng” của cô với chính mình, với Mẹ, với Chị, với Vua và một lá thư đầy nước mắt viết cho Liên Hoa Hòa Thượng.
Thầy Như Điển viết: “… tôi mong tác phẩm này không làm hạ uy tín của các bậc Tăng cang Hòa Thượng thuở ấy hay ngay cả ngày nay, mà ngược lại qua câu chuyện tình này, ta thấy Liên Hoa Hòa Thượng đã thoát tục như đóa hoa sen tinh khiết nhiệm mầu khi bị nghiệp trần duyên ràng buộc. Còn Hoàng Cô, cũng là một nhân vật lịch sử, tôi thăng hoa cho bà siêu thóat. Mặc dầu tất cả “những lá thư tình” của bà đều do tôi viết. Nếu bà có đầu thai đâu đó, sẽ bảo tôi rằng ‘Tại sao ông Hòa Thượng này lắm chuyện thế …!’ Vì lẽ khi yêu thầm nhớ trộm một người, người ta khó có thể chôn hết nhưng ngôn từ vào lòng đươc, mà phải thổ lộ bằng giấy trắng mực đen thì mới có thể nói hết cõi lòng của mình. Nếu tôi có mạo phạm lời lẽ của một Công Chúa Hoàng Triều, thì mong tâm thức của bà đại xá cho …” (“Chuyện tình của Liên Hòa Hòa Thượng”, trang 624).
Viết cuốn sách Hòa Thượng Như Điển còn có mục đích “tùy căn cơ chúng sanh mà độ” để hoàng dương chánh pháp. Kinh Kim Cang là một tạng kinh dạy chuyện đời thường của Phật giáo nhưng lời lẽ cao siêu nên Phật tử tại gia ít ai để tâm nghiên cứu. Hòa Thượng Như Điển đã dùng cuốn “Chuyện tình của Liên Hòa Hòa Thượng” làm con thuyền chuyên chở nội dung kinh Kim Cang đến cho độc giả “tò mò thích đọc chuyện tình”.
Trong cuốn “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” tác giả Nguyễn Hiền Đức không ghi Liên Hoa Hòa Thượng khi vào cung đã giảng kinh gì, và Hòa Thượng Như Điển tưởng tượng Hòa Thượng Liên Hoa đã giảng kinh Kim Cang. Qua 32 thời giảng và 103 trang giấy (128 – 130) Hòa Thượng Như Điển đã mang kinh Kim Cang đến cho độc giả của Thầy, trong đó có Hoàng Cô ngồi nghe Hòa Thượng Liên Hoa giảng kinh mà bồi hồi trăm mối tơ lòng.
Trần Bình Nam
April 28, 2012
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
—————————————-
Ghi chú:
Tôi được biết cuốn sách “Chuyện tình của Liên Hòa Hòa Thượng” của Hòa Thượng Như Điển khi đọc bài viết: “Hoàng Cô tình sử” của cô Thiện Giới – Hoa Lan. Bài viết của cô Hoa Lan biểu lộ một sự hiểu biết triết lý Phật giáo vững chắc, một văn tài, và sự thẳng thắn của cô khi tranh luận với Liên Hoa Hòa Thượng.
Qua “Hoàng Cô tình sử” tôi liên lạc với chùa Viên Giác để có một cuốn. Gặp may vào lúc Hòa Thượng sắp lên đường hoằng dương Phật Pháp 3 tháng tại Hoa Kỳ. Tôi được phép gặp thăm Thầy tại Nam California vào một ngày cuối tháng 3/2012 và nhận một cuốn sách Thầy cho. Sau đây là bài viết : “Hoàng Cô tình sử” của Thiện Giới – Hoa Lan.
–:o0o:–
Hoàng Cô tình sử
Đã lỡ hứa với lòng là từ đây nhất định sẽ không viết chuyện tình nữa, nhưng có lẽ mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên của tôi vẫn còn nên phải đành viết tiếp câu chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng và nàng công nương em gái vua Gia Long. Thiên tình sử kéo dài đến 40 năm với một tình yêu độc đạo, nghĩa là đường yêu chỉ có một chiều. Nàng yêu đắng, yêu cay trong tuyệt vọng vị Hòa Thượng làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế và cũng là sư phụ truyền Bồ Tát giới cho nàng. Để tránh mối tình ngang trái chỉ làm cản trở đường tu và sự trong sáng của mình, vị Hòa Thượng khả kính đã tìm cách trở về chùa xưa, Sắc Tứ Từ Ân ở Gia Định để tỵ nạn tình duyên. Nhưng Hoàng Cô – cô của vua Minh Mạng vẫn bám theo kiểu, cho dù chàng có đi đến chân trời góc biển nào, thiếp cũng khăn gói theo chàng.
Thế rồi đoạn cuối một chuyện tình đã kết thúc một cách thật bi ai, lửa và độc dược đã mang đi hai mạng người, nhưng Lửa Tam Muội của Hòa Thượng chỉ thiêu được xác thân phàm của ngài chứ không dập tắt được ngọn Lửa Tình cháy ào ào như thác đổ triều dâng của Hoàng Cô. Vì sau khi chết không siêu thoát thần thức luyến ái của Bà quá mạnh đã gây xáo trộn trong chùa để đòi yêu sách, được thờ chung với long vị của Hòa Thượng Liên Hoa cho đúng với câu:
Tu đâu cho Thiếp tu cùng.
Sau khi thành Phật ngồi chung một bàn.
Tưởng rằng bụi thời gian đã xóa nhòa đi tất cả, câu chuyện tình chỉ còn lưu lại trong sử sách mà thôi. Nhưng hơn 200 năm sau một vị Hòa Thượng đã khơi lại câu chuyện này bằng một phóng tác dài trên sáu trăm trang giấy, với những diễn biến lịch sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm ranh giới, đến thời nhà Tây Sơn nổi lên làm Chúa Nguyễn Ánh phải lánh nạn tại các chùa, từ đấy mới sinh ra câu chuyện tình đầy dấu chấm hỏi, chỉ có nhân vật trong cuộc mới thấu rõ nguồn cơn. Kẻ hậu bối này có vài điều không rõ, xin mạn phép viết cho Hòa Thượng Liên Hoa một lá thơ để mong ngài làm sáng tỏ vấn đề:
Berlin, ngày ….. tháng …. năm Nhâm Thìn (2012)
A Di Đà Phật.
Kính thưa Hòa Thượng Liên Hoa,
Con là một Phật tử của chùa Linh Thứu Đức Quốc, pháp danh Thiện Giới, bút hiệu Hoa Lan. Là đệ tử hàng tép riu của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác ( người đã nhập vai Hoàng Cô viết cho ngài 15 bức thơ tình đấy!).
Nhân duyên nào đã xui khiến cho con biết chuyện tình của ngài và Hoàng Cô? Đấy là thời thuyết pháp của Hòa Thượng Sư phụ con trong khóa Huân Tu Tịnh Độ tại chùa Núi Thứu, người đang giảng về Tịnh Độ Tông thao thao bất tuyệt bỗng thấy chúng con hơi lim dim bay bổng. Người bèn đổi đề tài hỏi chúng con muốn nghe tiếp hay nghe chuyện tình của Hòa Thượng Liên Hoa. Cả chánh điện im phăng phắt đồng ý với lời đề nghị như có lực hút của nhựa tình, chỉ một tiếng kêu yếu ớt đòi vãng sanh từ bên dưới vang lên mà thôi.
Sau khi nghe xong nội dung câu chuyện do một giọng đọc khá truyền cảm trình bày, chúng con thật xúc động và gần như quên bẵng Phật A Di Đà trong giây lát để chỉ nghĩ đến ngài và Hoàng Cô. Tại sao ngài phải đốt thân và tịnh thất sau khi Hoàng Cô ôm hôn tay ngài? Vị pháp thiêu thân? Vị quốc vong thân? Hay vì tình mà thiêu? Không ai hiểu được ngoài ngài!
Dĩ nhiên chúng con cũng đặt nhiều câu hỏi với Hòa Thượng viết chuyện tình của ngài. Một chị bên Thụy Sĩ đã hỏi, nếu trường hợp của Hòa Thượng rơi vào tình trạng như thế, Thầy giải quyết làm sao?
Hòa Thượng cười thật tươi, trả lời rằng, đời tôi không bao giờ có chữ Nếu! Thật ra trong đời tu của tôi cũng có rất nhiều người yêu tôi. Nhưng quý vị thấy đó! Giờ này tôi vẫn còn ngồi nơi đây.
Vâng, Hòa Thượng này sẽ tồn tại mãi mãi vì người đã giữ giới và hành trì kinh Lăng Nghiêm một cách nghiêm mật, không một kẽ hở nào cho sóng tình chui lọt vào trong. Nói thế không có nghĩa là con muốn ám chỉ ngài không trì tụng kinh Lăng Nghiêm rốt ráo. Chẳng qua ngài không tránh được mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên như lời Đại Lão Hòa Thượng Phật Ý chùa Từ Ân đã tiên đoán trước từ lâu.
Sau đó dư âm câu chuyện tình thê thảm của ngài vẫn len lỏi vào từng cá nhân, nhiều ít tùy theo nồng độ cảm xúc của mỗi người. Cho đến khi một chị ở Hòa Lan đến rỉ tai con nói nhỏ, có chị nào đó bỏ ăn tối, ngồi khóc vì thương cảm cho cuộc tình của ngài và Hoàng Cô, tại sao ngài phải tự thiêu, có phải tâm ngài bị động không? Vì con là chuyên viên gỡ rối tơ lòng, chuyên hàn gắn những cung đàn lỡ nhịp, nên vội vã xuống hiện trường xem xét tình hình. Chúng con tụ nhau lại thành một diễn đàn, đem hết các kinh điển đã thu thập được trong các khóa tu ra mổ xẻ đề tài của ngài. Chị nào đeo bảng hiệu “Tịnh khẩu” thì xoay mặt chữ vào trong để tranh cãi cho thoải mái.
Một chị bên Đan Mạch cho việc ngài giơ bàn tay ra ngoài theo lời yêu cầu tha thiết của Hoàng Cô là phạm giới. Ngài đã để sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nên chiếu theo nhân quả Hoàng Cô phải ôm lấy tay ngài hôn, không thể nào khác hơn được. Cách hay nhất là án binh bất động đừng trả lời gì cả.
Chị khác ở Đông Bá Linh, chuyên luyện phim bộ đã đem chuyện Quốc sư Ngọc Lâm trong Thoát Vòng Tục Lụy ra dẫn chứng. Một giải pháp tuyệt vời để bắt cô thiên kim quận chúa phải tỉnh ngộ, trong đêm động phòng hoa chúc Cát Cát phải mặc áo cưới nặng nề đi kinh hành theo chú rể đến mệt nhoài, để thấy được sự vô thường của dung nhan. Cô Cát Cát này còn ngang ngược gấp mấy lần Hoàng Cô mà Quốc sư Ngọc Lâm vẫn trị được. Từ đó suy ra, gặp khổ đau ta phải nhận diện nó, ôm ấp rồi tìm cách nghiền nát ra thành tro bụi chứ không được lẩn tránh.
Một chị ở Tây Bá Linh nghĩ sự việc rất đơn giản, nếu Hòa Thượng Liên Hoa đã giảng kinh Kim Cang Bát Nhã Tâm Kinh cho hậu cung nghe thì khi bị Hoàng Cô hôn tay, ngài chỉ cần đọc câu “không dơ cũng không sạch” rồi cười ha hả là mọi việc đâu lại hoàn đấy, cần gì phải tự thiêu. Chị còn kể chuyện nhà thơ Bùi Giáng chẳng điên tí nào, khi ở trong Đại học Vạn Hạnh đã thử đường tu của một vị Hòa Thượng chuyên giảng kinh Kim Cang. Hôm đó Hòa Thượng vừa mua một đôi dép mới rất đẹp, nhà thơ Bùi Giáng đem giấu một chiếc dép trên tay và một cảnh tượng ngoạn mục là Hòa Thượng đuổi theo chạy vòng vòng trong sân trường đòi dép. Lúc ấy Bùi Giáng mới quay lại trả dép và nói với người, Hòa Thượng giảng kinh Kim Cang cái gì cũng không, tại sao chỉ mất một chiếc dép đã la toáng lên rồi.
Ngài thấy đó, diễn đàn của chúng con toàn những tay một bụng Đại thừa, họ giật “micro” tranh nhau phát biểu. Một chị ở gần Potsdam đã đem câu chuyện Ma Bà đậu phụ đốt thảo am ra kể, chẳng là sau 20 năm nuôi cơm cho Thầy tu học, bà lão họ Ma bán đậu phụ đã thử đường tu của Thầy bằng cách gửi cô cháu gái xinh đẹp đem cơm lên cho Thầy và dò hỏi lòng dạ của Thầy trước nữ sắc. Cô gái cho biết Thầy đã nhắm mắt lại không dám nhìn cô gái rồi đọc bài thơ ví mình như cành cây khô trơ trơ trước gió xuân. Bà lão tức giận đuổi Thầy đi rồi đốt thảo am vì thấy mình uổng công nuôi mà tâm Thầy vẫn chưa chuyển.
Một chị khác phụ họa theo kể chuyện hai sư huynh đệ sang sông gặp cô gái ngồi khóc vì sợ lội qua sông sẽ ướt hết áo. Sư huynh thương tình cõng cô gái qua sông, trên đường về sư đệ trách sư huynh mình đã phạm sắc giới. Vị sư huynh bảo, qua sông ta đã buông cô gái xuống rồi, chỉ có đệ mới còn vướng mắc mà thôi. May quá, cuộc hội thảo đến đây phải tạm ngừng vì tiếng chuông thỉnh chúng gọi chúng con lên chánh điện Niệm Phật và đi kinh hành.
Thưa ngài, vì lỡ hứa với chị bỏ buổi ăn tối ngồi khóc thương cho cuộc tình của ngài, sẽ viết thơ hỏi ngài một số điểm, con phải bỏ ra 2 buổi tối đọc cho hết 600 trang chuyện tình của ngài cùng 15 bức thơ tình của Hoàng Cô gửi cho ngài, để phản biện lại cái nhìn của một cư sĩ Phật Giáo đã bị Lửa Tình thiêu đốt gần 40 năm nay. May nhờ ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp soi sáng con mới tỉnh táo ngồi đây viết thơ cho ngài.
Hòa Thượng Liên Hoa ơi, nếu đời của vị Hòa Thượng viết chuyện tình của ngài không có chữ Nếu, đời con ngược lại chỉ toàn chữ nếu mà thôi. Xin cho phép con được dùng 2 chữ nếu với ngài:
1. Nếu con được nhập vai ngài, con sẽ không trốn tránh Hoàng Cô. Cứ nhìn thẳng vào mắt Bà rồi nghiêm khắc cho một bài Pháp thật hay, dĩ nhiên lúc nào cũng có sự hiện diện của các thị giả Mật Đĩnh hay Mật Hạnh để sự việc được trong suốt. Ngài không hiểu được câu “Khi yêu mới biết tình yêu là gì?” trong một bài hát nào đó, nên đã trốn chạy tình yêu của Hoàng Cô. Bà ta đã tốn bao nhiêu công sức và gian nguy đi từ Huế ra đến Gia Định tìm ngài, thế mà ngài chỉ gắng gượng theo lời khuyên của Hòa Thượng Viên Quang chùa Giác Lâm ở Phú Thọ tiếp kiến và hầu chuyện với Hoàng Cô được 2 buổi. Đến ngày thứ ba chắc không chịu nổi sự tấn công như vũ bão bằng những lá thư tình ghép chữ đối câu: “Liên Hoa Hòa Thượng” đối với “Hoàng Cô Cô Nương” rất chỉnh, nên ngài đã trốn đi nhập thất ở xa. Ngài không biết rằng tình yêu được ví như hình với bóng một trò đuổi bắt mà thôi, cái bóng Hoàng Cô sẽ không đuổi theo ngài nữa nếu ngài đừng tạo dáng tượng hình. Tình yêu đấy sẽ tiêu tan khi đối tượng là một cái không to tướng. Con nghĩ Phật pháp rất nhiệm màu, cái gì cũng giải được chỉ sợ ta không quyết tâm đấy thôi.
2. Nếu con được nhập vai ngài, khi Hoàng Cô quỳ lạy khóc lóc trước tịnh thất của ngài đòi xin gặp mặt không được, sau hạ xuống chỉ đòi nhìn thấy bàn tay ngài. Con sẽ khoan thai mở cửa thất đi ra an ủi vỗ về một chúng sanh đang đau khổ vì mình. Nếu cần sẽ cho mượn bờ vai để Hoàng Cô dựa vào khóc mùi mẫn trước sự chứng kiến của các cung nữ và thị giả của ngài. Theo tinh thần Đại thừa ta chỉ xét cái Tâm chứ không để ý tiểu tiết cảnh một vị Hòa Thượng trên 60 cho một Hoàng Cô 65 tuổi mượn bờ vai khóc cho vơi tình sầu. Có thể đáp án của con đưa ra quá thời đại, không thích hợp với 200 năm về trước trong chốn thiền môn của cung đình.
Qua bài kệ Niết Bàn của ngài viết bằng mực đen trên vách chánh điện: “Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần. Thành không vẫn đục, vẫn trong ngần. Liễu tri mộng huyễn, chơn như huyễn. Đạt đạo minh vui, đạo mấy lần.” Phía dưới có đề: Sa Môn Thiệt Thành – Liễu Đạt. Con tin là ngài đã liễu đạo, việc ra đi của ngài là do ngài đã mãn nguyện ở kiếp này rồi; không vì một vấn đề gì của sự sanh tử có thể chi phối ngài được cả.
Ai muốn cho ngài là cố chấp hay xử sự không phải kẻ trí, mà ngài là Tăng Cang trụ trì chùa Linh Mụ gần như Quốc sư của triều đình. Làm sao có thể kết liễu cuộc đời một cách nhanh chóng như thế ?… Hỏi là hỏi thế thôi … Ngài ơi!
Phần Hoàng Cô, con đành á khẩu không dám nói nửa lời. Nếu xét về nghiệp duyên tình ái Bà là cao thủ đáng mặt thượng thừa, nhưng là Phật tử thì than ôi chính ngài cũng phải bó tay với người đệ tử quá đặc biệt này. Nói cho cùng cũng nên thương cảm cho bà Hoàng Cô suốt đời bị nhốt kín trong lầu son gác tía, tình cảm bị đè nén đến tột cùng. Nhưng có điều con vẫn thắc mắc là trong 40 năm quy y tam bảo, nghe bao nhiêu Pháp, Hoàng Cô không ngấm được một tí gì Pháp nhũ hay sao? Nếu Bà lọt vào đạo tràng tu học của chúng con, bảo đảm với ngài chúng con sẽ cùng nhau giáo hóa Bà ấy bỏ cái tính Ma Đăng Già đó ngay.
Hiện nay chuyện tình của ngài đang được lưu hành trên internet, họ dàn dựng thành những bộ phim ngắn dưới dạng pps dùng photoshop để ghép hình ngài dưới ngọn lửa thiêu. Dĩ nhiên họ cũng không quên ghép hình Hoàng Cô lúc còn trẻ với nét đẹp tuyệt vời. Nhưng tất cả chỉ là biểu tượng vẽ vời, làm gì có ảnh thật mà chưng.
Thơ bất tận ngôn, con xin ngừng bút và kính mong ngài thứ lỗi cho những lời sai trái của một người trần mắt thịt. Không biết bây giờ hóa thân của ngài ở đâu? Ngài có trở về lại cõi Ta Bà này để độ chúng sanh không? Nếu có xin ngài hãy trả lời thư con.
A Di Đà Phật
Ký tên: Thiện Giới – Hoa Lan
Chuyện tình giữa Hòa Thượng Liên Hoa và Công Chúa Long Thành có thật chăng? (1)
Tôi được một anh bạn cho một bài nói về chuyện yêu đương của Công Chúa Long-Thành đối với Thiền Sư Liên-Hoa. Chuyện thực, hư thế nào không biết, có điều là tác giả bài viết, viết không rõ ràng, làm người đọc có thể lầm lẫn giữa Công Chúa Long-Thành Ngọc-Tú và Công Chúa Bảo-Lộc Ngọc-Anh. Tôi có đưa ý kiến đó cho anh bạn tôi, và được anh bạn tôi cho biết là nhiều người bạn khác cũng có ý kiến đó, và anh biết tôi có đôi chút tài liệu nói về hai Công Chúa Long-Thành và Bảo-Lộc, nên đề nghị tôi tra cứu lại các tài liệu, hầu làm rõ sự phân biệt giữa hai vị Công Chúa.
Câu chuyện được đăng ở mạng lytuongnguoiviettrên Internet, dưới nhan đề « Đi tìm sự thật về chuyện tình hoàng gia ngang trái ». Tôi xin trích vài hàng của bài đó như sau :
«Chuyện tình đẹp bi thương – Chuyện Công chúa triều Nguyễn yêu đơn phương một nhà sư ».
« Chuyện nàng Công chúa triều Nguyễn là Hoàng nữ đệ tam Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh yêu đơn phương một vị nhà sư – thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt – sau được phong là Quốc sư – đã để lại nhiều huyền tích khiến người đời vừa xúc động cảm thương nàng công chúa, vừa bội phục một vị chân tu đắc đạo…
Thiền sư có rất nhiều đệ tử trong hoàng cung. Trong số đệ tử này có một vị Hoàng cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, đó là Thái trưởng công chúa Long Thành, chị ruột chúa Nguyễn Phúc Ánh, cô ruột của vua Minh Mạng. Hoàng cô cũng quy y và thọ Bồ Tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt. Trong những ngày theo học đạo, Hoàng Cô đã thầm yêu nhà sư. Do cảm mến và quá hâm mộ tài năng cũng như đức độ của Thiền sư nên Hoàng Cô đã có ý định và tìm mọi cách ràng buộc duyên trần cùng với người con của Phật…
Tưởng rằng khi ôm hôn được bàn tay của Thiền sư thì mọi chuyện sẽ lắng xuống. Nhưng không ngờ, ngay đêm hôm ấy, vào khoảng canh ba, trong khi mọi người đang yên giấc, bỗng thấy tịnh thất của Thiền sư phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của thiền sư cũng cháy đen. Mọi người đang bàn tán, xôn xao, có người phát hiện bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen trên vách chánh điện :
“THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn (dấu hỏi) đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình (dấu huyền) vui đạo mấy lần”.
Thiền sư Liên Hoa biết cuộc đời này là mộng huyễn ảo ảnh nên đã dùng ngọn lửa để thức tỉnh và giáo hóa Hoàng Cô.
Nhưng có lẽ do duyên nghiệp nhiều đời nhiều kiếp, nên ngọn lửa ấy đã không đạt được kết quả như mong muốn. Sau khi làm lễ cúng thất tuần Hòa thượng Liên Hoa xong, Hoàng Cô rất buồn bã và cho biết rằng bà sẽ ở lại chùa Đại giác cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh. Nhưng ngay ngày hôm sau, Hoàng Cô uống độc dược quyên sinh tại hậu liêu chùa Đại giác nhằm ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823).
Hoàng cô Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh chết theo Thiền sư để lại sự cảm động cho triều đình và nhân dân khắp vùng. Từ đó, ngôi chùa trở nên nổi tiếng và được các đời vua nhà Nguyễn chăm sóc đặc biệt.».
Hết trích.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến chuyện « Tình » nầy, nên tò mò, tôi lên Internet tìm những bài nói về chuyện « Tình » đó. Thôi thì có hàng chục bài, sao đi chép lại chuyện như đã được đăng ở mạnglytuongnguoiviet, với những Tựa khác nhau, như Chuyện tình công chúa triều Nguyễn với một nhà sư, hayBi kịch tình yêu thảm thương nhất trong cung đình Việt Nam…, hay cả trên Wikipedia !…
Sau khi tìm đọc qua những bài trên, ở Internet, tôi tình cờ thoáng thấy một cuốn Tiểu Thuyết có nhan đề làChuyện tình của Liên Hoa Hoà Thượng– CTLHHT của ông Thích Như Điển. Thấy là lạ, nên tôi đọc sơ qua bài giới thiệu của cuốn đó, thì thấy ông Như Điển, tự nhận là đã lấy ý trong cuốn Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong – LSPGĐT, của Nguyễn Hiền Đức và cuốn Thiền Sư Việt Nam – TSVN, của Thích Thanh Từ.
Chuyện « Tình » ở chốn thiền môn hay ở nơi cung cấm, tôi e cũng có, vì chúng ta cũng chỉ là những con người, mà đã là con người thì có tình, có cảm, nhận biết được cái đẹp của thiên nhiên, cái hay của một tâm hồn cao thượng… Nhưng chuyện « Tình » trình trên lại chỉ về hai nhân vật lịch sử rất khả kính và rất nổi tiếng là Thiền Sư Hòa Thượng Thiệt-Thành – Liễu-Đạt – Liên-Hoa, một vị Thiền Sư, vì lý tưởng của mình, mà đã ẩn mình tu học ở chốn Thiền Môn, và Công Chúa Long-Thành, một vị Công Chúa, vì lý tưởng của mình, mà giữ tiết nghĩa cho đến lúc già yếu, cho đến lúc lâm chung, nên hiếu kỳ, tôi đã nhờ một người bạn của gia đình tôi, tìm mua giúp cho tôi, tại Việt Nam, cuốn LSPGĐT, in năm 1995. Vì sách ra đã lâu ngày, nên không còn bán tại các tiệm sách, làm anh bạn tôi vất vả cả mấy tháng trời mà cũng tìm không ra, sau cùng anh đã sao chụp lại rất tỷ mỷ cuốn đó và gởi cho tôi. Ở đây, tôi xin chân thành cảm tạ công ơn của anh bạn chí thành đó.
Để cố gắng làm sáng tỏ, chuyện « Tình » trên, tôi xin chia bài nầy theo các mục như sau :
- Phân biệt rõ ràng hai vị Công-Chúa Long-Thành Nguyễn-Phước Ngọc-Tú và Công-Chúa Bảo-Lộc Nguyễn-Phước Ngọc-Anh.
- Chuyện của Hòa-Thượng Liên-Hoa trong cuốn Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức.
- Cuốn tiểu thuyết Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng của Thích Như Điển.
- Chánh sử (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Chánh Biên - ĐNTLCB, Đại Nam Liệt Truyện - ĐNLT), Khâm Định Đại Nam Điển Lễ Sự Lệ – KĐĐNĐLSL, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả – NPTTP, cùng những tài liệu lấy ởBulletin des Amis du Vieux Huế – BAVH.
- Vài sự kiện lịch sử.
- Kết luận.
I – Công-Chúa Long-Thành Nguyễn-Phước Ngọc-Tú và Công-Chúa Bảo-Lộc Nguyễn-Phước Ngọc-Anh.
Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả – NPTTP (Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1995, Huế), trang 226, 227 và trang 261, 262, thì :
1) Công Chúa Long-Thành, húy Nguyễn-Phước Ngọc-Tú.
Bà là trưởng nữ của Hưng Tổ (Nguyễn-Phước Luân), chị cùng mẹ với Thế Tổ (Nguyễn-Phước Ánh), sinh năm Kỷ-Mão (1759). Chồng là Cai Cơ Lê Phúc Điển. Năm Quý-Mão (1783), khi đánh nhau với quân Tây Sơn ở đảo Diệp Thạch, Phúc Điển bị địch bắt và bị giết.
Khi chồng mất, Bà còn trẻ tuổi, giữ tiết. Bà từng bảo rằng « Điển làm bầy tôi biết giữ nghĩa mà chết, ta là vợ há đổi tiết sao, khi nào lấy lại Kinh Đô cũ ta sẽ xuất gia thờ Phật ».
Đầu đời Gia-Long, Thế-Tổ làm nhà tại làng Dương Xuân (Thừa-Thiên) cho Bà ở. Bà thường xin cắt tóc đi tu, nhưng Thế-Tổ không vui.
Bà mất vào tháng 11 năm Quý-Mùi (1823), thọ 65 tuổi.
Vì Bà vô tự, nên Thường-Tín Công Nguyễn-Phước Cự, con của Thế-Tổ, trông coi việc thừa tự.
[Duới triều Gia-Long, vì Bà là chị của Thế-Tổ, nên người ta gọi Bà là Trưởng Công Chúa. Dưới triều Minh-Mạng, vì Bà là công chúa của triều trước và cũng là cô ruột của Thánh-Tổ, nên người ta gọi Bà là Thái Trưởng Công Chúa hay còn gọi là Hoàng Cô. (Xin xem thêm ở phần IV, Chánh Sử ở dưới). Cũng theo NPTTP thì đời nhà Hán, chị và em gái của vua gọi là Trưởng Công Chúa, đời nhà Đường, cô của vua gọi là Thái Trưởng Công Chúa.]
2) Công-Chúa Bảo-Lộc húy Nguyễn-Phước Ngọc-Anh.
Bà là con gái thứ ba của Thế-Tổ. Bà sinh năm Canh-Tuất (1790). Năm Mậu-Thìn (1808), Bà lấy chồng là Vệ-Uý Trương Phúc Đặng, con trai của Cai-Cơ Trương Phúc Tuấn. Năm Đinh-Hợi (1827), Phúc Đặng vì bắt người trái phép, bị cách chức nghị tội, Đặng sợ, tự tử mà chết. Về sau được khai phục lại nguyên hàm.
Bà mất năm Canh-Tuất (1850), thọ 61 tuổi.
Bà có 1 người con trai và 3 người con gái.
II – Cuốn Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức.
1) Tác giả.
Theo amida.vn (Nam Mô A Di Đà Phật) thì Nguyễn Hiền Đức, Cử Nhân Giáo Khoa Sử Học, năm 1973, (Đại Học Văn Khoa Sàigòn) là một nhà nghiên cứu lịch sử, nhất là về Phật Giáo. Ông có làm Giảng Viên tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam (thành phố HồChíMinh). Ông đã cho ra nhiều tác phẩm nghiên cứu về Phật Giáo như Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (từ khi du nhập đến đời Lý), Lịch Sử Phật Giáo Đàng Ngoài (1592 – 1801), Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong (1558 – 1802)…
2) Cuốn Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong – LSPGĐT.
Cuốn nầy gồm 2 tập, tập I có 386 trang, tập II có 490 trang, tổng cọng (cộng) 876 trang, in năm 1995 do nhà Xuất Bản Thành Phố HồChíMinh ấn hành. Là một tài liệu nghiên cứu về Phật Giáo Đàng Trong khá công phu. Sách có cho 31 tài liệu tham khảo và trích dẫn (22 bằng chữ Việt, 9 bằng chữ Hán). Trong những trang viết thì đôi khi có dẫn chứng các tài liệu, đôi khi có ghi chú ở phần cuối trang, như khi bàn về ngày sinh và ngày mất của Tổ Nguyên-Thiều (trang 101, tập I), hay là bàn về chuyện của Tổ Mật-Hoàng làm Tăng-Cang ở chùa Thiên Mụ (trang 260, tập I) …
Tôi không đọc hết cả cuốn nầy, mà chỉ đọc những đoạn nói về Hòa Thượng Liên-Hoa hay Thiền Sư Thiệt-Thành – Liễu-Đạt, cùng các chùa Thiên Mụ, Quốc Ân (Huế), Từ Ân, Khải Tường (Sàigòn), Đại Giác (Biên Hòa).
Tên của Hòa Thượng Liên-Hoa được nhắc đến một vài nơi của cuốn sách, nhưng chuyện chính của Hòa Thượng thì được viết trong tập II, từ trang 231 liên tục đến trang 235. Không cho xuất xứ (nguồn tài liệu). Cuối trang 235 có hình chụp Long Vị của Hòa Thương Liên-Hoa và Thần Vị của Hoàng Cô kề sát nhau ở bàn thờ Tổ, tại chùa Từ Ân (1) (để làm bằng chứng chăng ?).
Chuyện xin trích tóm tắt như sau :
« Khoảng những năm 1789, trước khi xây xong thành Gia Định, Nguyễn Vương và triều thần tạm trú tại chùa Từ Ân; Thái Hậu, Vương Phi, Công Chúa tạm trú tại chùa Khải Tường do Hòa Thượng Liên-Hoa làm thủ tọa (2), và Thái Trưởng Công-Chúa Long-Thành đã thọ giới với Hòa Thượng.
Năm 1805, khi Thái Trưởng Công Chúa lên đường về Kinh Đô, Hòa-Thượng Liên-Hoa có nhờ Công Chúa lo trùng tu chùa Quốc Ân, vì chùa nầy là do Tổ Nguyên-Thiều xây dựng từ năm 1683.
Năm 1817, Hòa-Thượng Liên-Hoa được cử làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ và làm pháp sư ở nội cung. Trong thời gian nầy, Hòa Thượng Linh-Nhạc, ở chùa Từ Ân, lo cho Hòa Thượng Liên-Hoa không tránh khỏi mối dây ràng buộc trần duyên, vì giảng giải trong nội cung, gần nữ giới. Năm 1821, Hòa Thượng Linh-Nhạc mất, nhưng mãi đến năm 1823, Hòa Thượng Liên-Hoa mới biết tin, và nhân đó, lấy cớ xin từ nhiệm ở chùa Thiên Mụ, để về làm trú trì chùa Từ Ân.
Vào tháng 10 năm 1823, Hoàng Cô vâng lệnh vua (Minh-Mạng) vào Gia Định để cúng dường chùa Từ Ân và chùa Khải Tường. Hòa Thượng Liên-Hoa nghe tin, muốn lánh mặt Hoàng Cô, nhưng Hòa Thượng Viên-Quang khuyên cứ tiếp Hoàng Cô. Trong thời gian Hoàng Cô ở chùa Từ Ân, mỗi sáng Hòa Thượng Liên-Hoa đều tiếp kiến và hầu chuyện với Hoàng Cô, cho đến ngày thứ ba, thì không biết Hòa Thượng Liên-Hoa đi đâu mất. Hoàng Cô cho người tìm kiếm, nhưng vô hiệu quả. Hoàng Cô trầm tư, buồn bã, không màng ăn uống trong ba ngày. Vì sợ Hoàng Cô đi đến tuyệt vọng có hại cho chùa, thị giả Mật Đĩnh đã cho Hoàng Cô biết là Hòa Thượng Liên-Hoa đã đến chùa Đại Giác ở cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất trong hai năm. Hoàng Cô báo cho quan trấn thủ Gia Định là sẽ đến chùa Đại Giác để cúng dường.
Đến chùa Đại Giác, sau khi lễ Phật xong, Hoàng Cô đến tịnh thất của Hòa Thượng Liên-Hoa, xin diện kiến, nhưng Hòa-Thượng không trả lời. Hoàng Cô quỳ xuống thưa, nếu Hòa Thượng không tiện ra tiếp, thì xin Hòa Thượng cho thấy bàn tay, thì cũng đã hân hoan mà ra về. Im lặng trong vài phút, Hòa-Thượng đưa bàn tay ra ở cửa nhỏ, nơi đưa thức ăn vào tịnh thất. Hoàng Cô vội ôm lấy bàn tay hôn nhẹ một cách trìu mến, rồi sụp xuống lạy ba lạy và khóc sướt mướt…
Đến giữa đêm, tịnh thất của Hòa Thượng Liên-Hoa phát cháy và xác thân của Hòa Thượng cũng cháy tiêu.Mọi người đang bàn tán xôn xao, có người phát hiện được bài kệ Niết Bàn viết bằng mực đen trên vách chánh điện (3) :
THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần,
THÀNH không vẩn (dấu hỏi) đục vẫn trong ngần.
LIÊU (thiếu dấu ngã chăng ?) tri mộng huyễn chơn như huyễn,
ĐẠT đạo minh (không dấu) vui đạo mấy lần.
Phía dưới có đề : Sa môn Thiệt-Thành hiệu Liễu Đạt.
Sau khi làm lễ nhập tháp Hòa Thượng Liên Hoa xong, Hoàng Cô rất buồn bã và cho biết sẽ ở lại chùa Đại Giác cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh. Nhưng, ngay ngày hôm sau đó, Hoàng Cô uống độc dược tự tử tại hậu liêu chùa Đại Giác, ngày mùng 2 tháng 11 năm Quý-Mùi (1823), thọ 65 tuổi. (Có lẽ Hòa Thượng Liên-Hoa lúc đó cũng hơn 60 tuổi) (4).
Thiền Sư Bổn-Giác, trú trì chùa Từ Ân và chư tăng lo lễ nhập tháp Hòa-Thượng Liên-Hoa, cùng lễ an táng Hoàng Cô (5) và thỉnh long vị của Hòa Thượng Liên-Hoa và linh vị Hoàng Cô về thờ ở chùa Từ Ân. Long vị của Hòa Thượng thờ ở bàn thờ Tổ, linh vị của Hoàng Cô thờ ở bàn thờ bá tánh. Nhưng sau đó bỗng nhiên xảy ra nhiều sự cãi vã, xào xáo trong chùa, nên Hòa Thượng Viên-Quang đề nghị với Thiền Sư Bổn-Giác đưa linh vị của Hoàng Cô thờ chung với long vị của Hòa Thượng Liên-Hoa ở bàn thờ Tổ. Quả nhiên sau khi làm như thế, trong chùa Từ Ân trở lại bình thường…(6) ».
Hết trích.
Đó là tóm tắt 5 trang viết về Hòa Thượng Liên-Hoa trong cuốn LSPGĐT. Gạch dưới ở những nhóm chữ trên là do tôi làm.
3) Ý kiến của tôi :
a) Nguyễn Hiền Đức đã khai thác tài liệu thiếu chính xác.
- Tập II, trang 257, 258 của LSPGĐT cho : « Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) năm 1915 có viết như sau : “Công chúa Ngọc Anh, chị của vua (Minh Mạng) còn trẻ và tiết liệt, khi Tây Sơn khởi nghĩa đã đến tu ở chùa Đại Giác, giữ cuộc sống cô độc trầm tư mặc tưởng và tu hành hết sức sùng mộ”.».
Tôi đã rà cả 4 tập Bulletin des Amis du Vieux Huê, của năm 1915 mà không thấy nói về chuyện đó. Tôi cho rằng tác giả viết lầm năm, hoặc năm bị in sai, tôi mới tìm trong Index analytique et Résumé des matières(Bảng tra phân tích và mục lục) của BAVH, năm 1924, thì không thấy có những tên Ngọc-Anh, Bảo-Lộc, Đại Giác (có chữ Đại Giác nói về điện thờ Phật ở chùa Diệu Đế, chứ không nói đến chùa Đại Giác ở Biên Hòa), nhưng có thấy những tên Bổn Giác ở BAVH, 1915, tập 3 (Juillet-Septembre), trang 315-316; Mật-Hoàng ở BAVH, 1915, tập 2 (Avril-Juin), trang 186 và tập 3, trang 311-314; Liên-Hoa ở BAVH, 1915, tập 3, trang 309, 310; Long-Thành ở BAVH, 1915, tập 3, trang 308, 309, và ở BAVH, 1915, tập 4 (Octobre-Décembre), trang 341-348; Ngọc-Tú cũng ở BAVH, 1915, tập 3, trang 308, và ở BAVH, 1915, tâp 4, trang 341-348.
Mặt khác, « khi Tây Sơn khởi nghĩa » là năm nào ? vào những năm 1780 chăng ? Lúc đó Công Chúa Ngọc-Anh chưa sinh ra (sinh năm 1790), thì làm gì có « giữ cuộc sống cô độc trầm tư mặc tưởng và tu hành hết sức sùng mộ ». Cho đi đến 1801, thì Công Chúa Ngọc-Anh cũng chỉ mới 11 tuổi !
- « Thái Hậu, Vương Phi, Công Chúa tạm trú tại chùa Khải Tường do Hòa Thượng Liên-Hoa làm thủ tọa » (xem hàng gạch dưới ở (2), phần trên) là sai. Thánh-Tổ sinh ở làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định, năm 1791, cũng vì thế sau nầy, cho chỗ ấy là đất thiêng và để cám ơn Trời Phật, nên năm Minh-Mạng thứ 13 (1832), Thánh-Tổ cho xây chùa Khải Tường ở tại đó. (Xem ĐNTLCB, Đệ Nhị Kỷ, Quyễn LXXXIII. Thực lục về Thánh-Tổ Nhân Hoàng Đế : « Nhâm thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 [1832], mùa thu, tháng 9… ». Chuyện xây cất chùa Diệu Đế ở Huế, sau nầy cũng thế (nơi sinh của Hiến-Tổ).
- Tập II, trang 298, 299 của cuốn LSPGĐT cho : « … Tăng Cang Tiên-Giác – Hải Tịnh (huý Nguyễn Tâm Đoan) bị tội chưa biết tội gì, nên bị cách chức Tăng Cang, bị đày làm việc nặng ở chùa (Thiên Mụ)…, mãi đến khi vua Thiệu Trị lên ngôi (năm 1841), Thiền Sư Hải-Tịnh mới được vua tha tội và phục hồi chức Tăng Cang… Tăng Cang Hải-Tịnh là người ở Gia Định…, có thể Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đề nghị với vua Minh Mạng cho Thiền Sư Hải-Tịnh làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ… Vì vậy khi Lê Văn Khôi nổi loạn, vua Minh Mạng kết tội Tăng Cang Hải-Tịnh, cách chức Tăng Cang và bắt làm việc nặng ở chùa Thiên Mụ… ».
Chuyện nầy là sai ! Sao lại kéo Lê Văn Khôi vào đây ? Sự thật là, theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhị kỷ, Quyển CCVII, tháng 10 và 11 cho : « Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 [1839], mùa đông, tháng 10… Sư chùa Thiên Mụ có tên Nguyễn Văn Huấn vì ghen giết người. Bộ Hình và viện Đô Sát xét hỏi qua một năm không khám phá ra manh mối. Đến nay Khoa Đạo là Nguyễn Sĩ Đăng, Lê Tập bí mật đi dò xét tìm được tình trạng, đều thưởng cho mỗi người 10 lạng bạc và gia một cấp. Khi án giao xuống đình thần xét, Huấn bị xử trảm hậu; sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan, cách bỏ chức trụ trì, chuẩn bắt phải làm việc nặng nhọc tại chùa ấy. ».
Sau nầy Hòa Thượng Hải-Tịnh được phục hồi chức Tăng Căng vào năm nào, thì tôi không rõ, nhưng theoKhâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1993), Tập 8, trang 201, thì « Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), chuẩu lời tâu : Tăng Cang chùa Giác Hoàng là Nguyễn Tâm Đoan (Hòa Thượng Hải-Tịnh) chuẩn chiếu như lệ Nguyễn Nhất-Định (Hòa Thượng Nhất-Định), tháng cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo…».
- Ngay cả chuyện Hòa Thượng Liên Hoa có làm Trú Trì ở chùa Thiên Mụ cũng là một nghi vấn. Trong cuốn LSPGĐT không cho một chứng cứ lịch sử nào hết. Chuyện nầy, phải đến các chùa Thiên Mụ và Quốc Ân, để xin khảo sát tường tận các tài liệu đang tồn trữ ở chùa, mới có thể biết thực hư được. Linh Mục Léopold Cadière là một người rất hiếu kỳ, một nhà thông thái lại có trong tay rất nhiều tài liệu về các chùa Thiên Mụ, Quốc Ấn, nếu Hòa Thượng Liên-Hoa có làm Trú Trì ở chùa Thiên Mụ, thì có lẽ trong bài « La Pagode de Quấc Ân » (Xin xem phần IV, Chánh sử, ở dưới), Linh Mục Cadière đã đề cập đến.
- Ngày sinh, ngày mất của Hòa Thượng Mật-Hoằng (LSPGĐT, Tập II, trang 272) cũng sai, nhưng ở đây, tôi không bàn tới, vì không phải đề tài của bài viết.
- Ngoài ra về chuyện Hiệp Đức Hầu Nguyễn-Phước Thuần trong LSPGĐT (Tập II, trang 128-129) cũng bị Trần Đình Sơn phản bác như sau :
« Điều rất đáng ngạc nhiên là trong sách Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong ( LSPGĐT ), nhà nghiên cứu Nguyễn Hiền Đức công bố sự việc cuối đời Hiệp Đức Hầu, hoàn toàn khác hẳn với sử sách xưa nay… Phát hiện mới lạ trên , không biết tác giả căn cứ theo truyền thuyết nhân gian, ( Bản thảo : lược sử chùa Sắc tứ Minh Thiện của giáo thọ Huệ Đăng, biên soạn năm Mậu Thìn 1988 ) hay có cứ liệu xác thực chứng minh ? Nên nhớ, Hiệp Đức Hầu đối với Hoàng tộc Nguyễn là một vị thân vương danh tiếng. Võ công của ông được xếp vào thượng đẳng thời các chúa, khi ông mất, Hiền Vương ( cha ) đã làm quốc tang theo tước Công. Dòng dõi của ông hiển đạt cho đến cận đại. Nếu sự kiện cuối đời của ông “ xuất gia – viên tịch “ như trong LSPGĐT viết, có lẽ nào quốc sử lẫn tộc phổ chẳng ghi lại một dòng để cho đời sau hay biết. [Nguồn : giaodiemonline] ». [LSPGĐT nói Ông đã lập chùa Minh Thiện ở Khánh Hòa, và sau đó an nhiên viên tịch... và được nhập tháp trong khuôn viên chùa nầy...].
Thật thế, chuyện Bà Nguyễn-Phước Ngọc-Cầu 球 , con của Dận Quận Công Nguyễn-Phước Điền 氵田 , có lập chùa Phước Thành ở An Cựu, Huế, đã được sử quán nhà Nguyễn (Đại Nam Liệt Tuyện Tiền Biên) ghi. Bà được phong tặng là Tuệ-Tĩnh (có nơi cho là Huệ-Tĩnh) Thánh Mẫu Nguyên Sư. Ở Huế, người ta gọi là chùa Bà Sư. Tháp của Bà nằm ở vườn, sau chùa.
Đại Nam Thực Lục Tiền biên. Quyển V. Thực lục về Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế (Hạ), cho : « Khi (Hiệp Đức Hầu) dẹp xong giặc trở về, tuyệt hẳn không cho đàn bà con gái yết kiến, dựng am nhỏ thờ Phật, thỉnh thoảng ra chơi, bàn đạo thuyết pháp để tự vui. Đến đấy bị bệnh đậu mà mất, mới 23 tuổi. ». NPTTP cho thêm, ở trang 144 : « Bà vợ của Ông húy là Nguyễn Thị Hưng, tiểu sử không rõ. Bà mất ngày 13 tháng 2 âm lịch (năm ?), mộ táng cùng một chổ với Ông, trong khuôn viên nhà thờ của phòng. ».
Vậy Nguyễn Hiền Đức đã khai thác tài liệu thiếu chính xác, và đôi khi, chưa tìm ra tường tận các tài liệu lịch sử, thì lấy giả thuyết riêng của mình để giải thích những sự kiện lịch sử. Thật đáng tiếc cho một công trình nghiên cứu về lịch sử !
b) Một số tài liệu quan trọng mà Nguyễn Hiền Đức dùng.
Một số tài liệu quan trọng mà Nguyễn Hiền Đức dùng, không nới đến Hòa Thượng Liên-Hoa. Như Việt Nam Phật Gíao Sử Lược của Thượng Tọa Thích Mật-Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thiện-Hoa…
c) Bài kệ (xem hàng gạch dưới ở (3), phần trên).
Bài kệ đó, nếu là do Hòa Thượng Liên-Hoa viết thật, thì Hòa Thượng cũng đã viết trước khi Hoàng Cô đến chùa Đại Giác, vì khi Hoàng Cô đến chùa, thì Hòa Thượng đã nhập thất, và ngay sau đó, tịnh thất của Hòa Thượng đã phát hỏa. Không lẽ, trước khi tịnh thất phát hỏa, Hòa Thượng đã lén ra chánh điện, để viết bài kệ ?
Mặt khác, bài kệ đó là một bài thơ tiếng Việt. Không biết vào thời đó (1823), Hoà Thượng viết bài kệ bằng chữ Quốc Ngữ (mẫu tự Latinh), hay bằng chữ Nôm (viết dựa theo chữ Hán) ? Những Thiền Sư vào thời của Hòa Thượng Liên-Hoa hay là những đệ tử của các vị, đều viết bài kệ theo chữ Hán. Điều nầy làm cho ta nghi ngờ bài kệ trên là của Hòa Thượng Liên-Hoa. Rất có thể bài kệ trên là do người đời sau viết.
d) Hòa Thượng Liên-Hoa lúc đó cũng trên 60 tuổi (xem hàng gạch dưới ở (4) phần trên).
Trên 60 tuổi là bao nhiêu tuổi ? 61, 62 ? Cho đi 62 tuổi, và nếu Hòa Thượng Liên-Hoa mất vào năm 1823, thì Hòa Thượng sinh năm 1761 (hay 1762, tính theo tuổi ta). Theo BAVH 1915, tập 3 (juillet-Septembre), Linh Mục Léopold Cadière cho ở trang 309 : « Sau khi chồng (Lê Phúc Điển) mất (1783), Công Chúa Long-Thành thường hay đi lễ (fréquenter) ở chùa Từ Ân và được Trú Trì (Supérieur) Liên-Hoa, còn được gọi là Thiệt-Thành, hay Liễu-Đạt khuyên nhủ thọ Ngũ Giới. ».
Vậy Hòa Thượng Liên-Hoa làm Tọa Chủ hay Trú Trì chùa Từ Ân lúc chỉ mới 22 hay 21 tuổi (1783 – 1761 = 22). Một nhà sư còn quá trẻ như thế, mà được chỉ định làm Tọa Chủ, hay Trú Trì một ngôi chùa lớn như chùa Từ Ân (trong LSPGĐT, Tập II, trang 268, Nguyễn Hiền Đức lại ghi là làm Thủ Tọa, lo điều khiển tăng chúng cho cả hai chùa Từ Ân và Khải Tường), là một chuyện khó có thật, lúc bấy giờ. Nói Hòa Thượng Liên-Hoa lúc đó (1823) có khoảng 70 hay trên 70 tuổi, thì có thể đúng hơn.
e) An táng Hoàng Cô (xem hàng gạch dưới ở (5), phần trên).
Nếu chư tăng an táng Hoàng Cô tại Biên Hòa, thì cớ sao trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên ĐNTLCB, Đệ nhị Kỷ – Quyển XXIV, Thực lục về Thánh-Tổ Nhân Hoàng Đế, tháng 11, ghi « Quý mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823], mùa đông, tháng 11… Thái Trưởng Công Chúa là Ngọc-Tú chết … bèn sai Kiến An Công Đài cùng Diên Khánh Công Tấn hội đồng với bộ Lễ mà trị tang. Nghỉ chầu 5 ngày. Tứ tế một đàn… Tặng Long-Thành Thái Trưởng Công Chúa, thụy Trinh-Tĩnh… Ngày táng, vua nghỉ chầu, mặc áo trắng đi đưa…».
Còn nếu lấy giả thuyết là đưa Linh-Cữu của Hoàng Cô từ Biên Hòa về táng ở Thuận Hóa thì, đi đường bộ hay đường thủy, lúc bấy giờ, cũng phải mất hơn một tháng, như thế làm sao an táng Hoàng Cô tại Đình Môn, cho kịp trong tháng 11 năm Quý Mùi như ĐNTLCB đã cho ?
Ở đây cũng xin mở ngoặc. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhất kỷ, quyển XXV (Gia Long năm thứ 3 [1804]) cho : « Mùa thu, tháng 7… Định hạn ngày đệ trạm. Phàm phái người chuyển đệ công văn theo trạm, từ Gia Định đến Kinh là 13 ngày, từ Bắc Thành đến Kinh là 5 ngày, đúng hạn thì được thưởng tiền theo thứ bực khác nhau. (Gia Định thưởng 5 quan, Bắc Thành thưởng 3 quan). Chậm 1, 2 ngày không thưởng, chậm 3, 4 ngày phạt 30 roi. ». Thời bấy giờ, đi ngựa chạy công văn đã như thế, huống hồ là đưa linh cữu của một công chúa !
f) Chuyện tịnh thất của Hòa Thượng Liên-Hoa phát cháy.
Chuyện tịnh thất của Hòa Thượng Liên-Hoa phát cháy và thân xác bị thiêu, hay chuyện Hòa Thượng được hỏa thiêu đi nữa, cùng năm mất của Hòa Thượng (1823) cũng không chắc chắn gì cả. Không có một chứng cứ lịch sử nào ở trong cuốn LSPGĐT, để chứng minh điều đó.
g) Xào xáo trong chùa… trở lại bình thường (xem gạch dưới (6) ở phần trên)
Đây là một chuyện dị đoan, mà chắc độc giả cũng đồng ý với tôi, là khó mà tin như thế được.
h) Long Vị của Hòa Thượng Liên-Hoa và Thần Vị của Công Chúa Long-Thành (xem phần gạch dưới (1) ở phần trên).
LSPGĐT không cho biết những chữ được viết trên Long Vị của Hòa Thượng Liên-Hoa (thật đáng tiếc !), mà chỉ cho biết những chữ được viết trên Thần Vị của Công Chúa Long-Thành như sau : « Thích môn hộ giáo, Hoàng Cô thọ bồ tác giới, pháp danh Tế-Minh, tự Thiên-Nhựt, chi vị ». Có lẽ ngày mất của Công Chúa mà LSPGĐT cho đã lấy ở trên Thần Vị nầy.
Chính vì Long Vị của Hòa Thượng và Thần Vị của Công Chúa được đặt kề nhau trên bàn thờ Tổ là một chuyện « lạ », nên đã sinh ra chuyện « tình » mà Nguyễn Hiền Đức đã kể trên.
Theo tôi, khi đi nghiên cứu ở chùa Từ Ân, Nguyễn Hiền Đức phát hiện Long Vị của Hòa Thượng Liên-Hoa kề bên Thần Vị của Hoàng Cô ở bàn thờ Tổ, nên mới lấy làm « lạ » và đã hỏi các sư hiện đang tu học ở chùa hay các bổn đạo của chùa hay bà con đang ở xung quanh chùa về chuyện « lạ », để tìm hiểu nguồn gốc. Nhưng các nhà sư, các bổn đạo, các bà con mình, không những ngày nay, mà có thể là từ sau năm 1945 (tôi chỉ ước đoán) cũng cho là « lạ », nên đã có người muốn giải thích cho hợp tình, hợp lý, như chuyện « Trầu Cau » hay chuyện « Vọng Phu », mà sinh ra chuyện « tình » ở trên. (Xin xem giải thích của tôi, ở phần IV, Chánh Sử, ở dưới).
Vì ăn trầu, cau với vôi, nước miếng hóa ra đỏ là một chuyện « lạ » (thật ra, đây chỉ là một phản ứng hóa học), rồi bà con mình cố gắng giải thích, từ đó ta đã có những chuyện « Trầu Cau » (có nhiều bản khác nhau), và rồi có những câu ca dao rất thơ mộng như :
« Có trầu mà chẳng có cau,
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.».
Có nhiều tảng đá có hình giống như một thiếu phụ bồng con. Bà con mình cũng lấy làm « lạ », rồi đặt ra những chuyện « Vọng Phu » (có nhiều bản khác nhau), và rồi cũng có những câu thơ trữ tình như :
« Thương ai tấc dạ vàng son,
Bế con lên đứng đầu non đợi chồng.
Trăm năm vẹn chữ tâm đồng,
Ngàn năm hóa đá tạc lòng trung trinh ». (Vũ Thanh).
i) Tạm kết luận.
Vì thấy Long Vị của Hòa Thượng Liên-Hoa và Thần Vị của Công Chúa Long-Thành được đặt kề nhau ở bàn thờ Tổ, tại chùa Từ Ân, mà không tìm rõ nguyên nhân, nên chuyện của Hòa Thượng Liên-Hoa và của Công Chúa Long-Thành, được kể trong cuốn LSPGĐT, chỉ là một giai thoại. (Xin xem giải thích của tôi, ở phần IV, Chánh Sử, ở dưới). Ngay cho chuyện tịnh thất bị cháy, nhục thể của Hòa Thượng Liên-Hoa bị thiêu cũng chỉ là những nghi vấn.
Cũng vì có chuyện nầy ở cuốn LSPGĐT mà hai nhân vật lịch sử đã được dân chúng, giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cùng cả một dòng họ tôn kính, bị phạm đến thanh danh, đạo đức. Thật là một điều đáng tiếc ! (Xin xem trên Internet, có rất nhiều sách, bài viết dựa theo cuốn LSPGĐT, để phạm đến thanh danh của hai vị, tuy lời lẽ có phần ôn tồn và tỏ ra thông cảm).
4) Cuốn Thiền Sư Việt Nam của Thích Thanh Từ.
Trong cuốn nầy, tác giả tự nhận là về phần Thiền Sư Thiệt-Thành – Liễu-Đạt – Liên-Hoa, tác giả đã trích trọn ở cuốn LSPGĐT của Nguyễn Hiền Đức. Thật thế, ở phần nầy, trong sách Thiền Sư Việt Nam, mỗi chữ, mỗi câu đều giống hệt trong cuốn LSPGĐT.
Sở dĩ tôi đưa cuốn TSVN vào đây vì ông Như Điển có đề cập tới trong cuốn tiểu thuyết của ông ta.
(còn tiếp)
© Nguyễn Vĩnh Tráng
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét