Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm: Do lãi suất từng thời kỳ

VỤ “SỔ TIẾT KIỆM BỐC HƠI SAU 30 NĂM”:


Ngày 24-11, đại diện Ngân hàng (NH) Công thương VN (VietinBank) cho biết sau khi rà soát hồ sơ lưu trữ, NH xác nhận sổ tiết kiệm của khách hàng Lê Thị Bích Thủy hiện được lưu trữ tại kho của VietinBank. 


Theo quy định về tiền gửi và lãi suất của NH Nhà nước và VietinBank trong từng thời kỳ, VietinBank đã tính toán số tiền gốc (bà Thủy gửi 270 đồng vào năm 1983) và lãi của khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Thủy tính đến thời điểm 30-11-2014 là 4.385 đồng.
Theo đại diện VietinBank, con số này dựa trên cách tính tiền gốc và lãi suất trong từng thời kỳ. Theo đó, tiền gốc được đổi theo tỉ lệ quy định tại từng thời kỳ theo thông tư 08-NH/TT của NH Nhà nước, còn tiền lãi được hưởng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của NH trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước.
VietinBank cũng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch nhận lại số tiền gửi tiết kiệm, VietinBank chỉ định chi nhánh 7 thực hiện chi trả cho khách hàng khoản tiền gửi tiết kiệm. Đây cũng là chi nhánh NH mà bà Thủy từng đến thực hiện tất toán nhưng không thành công.
Ngày 24-11, bà Lê Thị Bích Thủy, chủ nhân của sổ tiết kiệm gửi từ năm 1983, cho biết đã nhận được thông báo của VietinBank về việc tất toán sổ tiết kiệm của bà cũng như số tiền lãi phải trả. Tuy số tiền nhận được khá thấp nhưng bà Thủy cho biết vẫn sẽ đến NH làm thủ tục.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, những khoản tiền gửi lâu năm trước đây chủ yếu là tiền gửi không có kỳ hạn nên lãi suất không cao.
Nhận xét về lãi suất tiền gửi của bà Thủy, ông Minh cho biết trừ những năm 1990 lãi suất có tăng cao, còn lại lãi suất tiền gửi về sau điều chỉnh theo lạm phát. Hiện NH Nhà nước chỉ quy định mức trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm, còn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng thì tùy NH áp dụng, miễn là không quá 1%/năm.
Ông Minh cũng cho biết NH Nhà nước tiếp tục nhận được nhiều trường hợp có khoản tiền gửi tiết kiệm lâu năm như của bà Thủy gửi về nhờ giải quyết. “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền” - ông Minh nói.

  • Manh Dung 09:52 25/11/2014
    Giả dụ bà Thủy vay của NH thời điểm đó 10.000 nhưng vì lý do nào đó NH quên, nay lục lại thấy nên buộc bà Thủy phải trả, vây xin hỏi NH đòi bà Thủy trả bao nhiêu?
  • Vũ hoàng Nam 10:47 25/11/2014
    Hết chỗ nói, kỹ sư năm 1983 ra trường lương có 63 đồng thôi. Số tiền 270 đồng năm đó bằng bốn tháng lương kỹ sư đấy. Vậy sau hơn 30 năm gửi tiết kiệm còn lại chưa được hai cốc trà đá.
  • tam 09:38 25/11/2014
    Gửi vào 1 con bò... rút ra mua được một cái chân gà.
  • phú lâm 10:49 25/11/2014
    Qua sự việc này, tiền nhàn rỗi, tốt nhất là mua vàng bỏ tủ cất. Gửi ngân hàng Việt Nam sao thấy phập phù quá.
  • nguoidanquathiet 10:39 25/11/2014
    270 ngàn đồng năm 1983 tương đương với 3 tháng lương của một ông lãnh đạo phòng cấp sở ngành lúc bấy giờ. Chỉ tính tương đương với 3 tháng lương của lãnh đạo phòng hiện nay thì số tiền ấy khoảng 20 triệu đồng hiện tại. Rõ ràng ngân hàng chỉ tính lãi suất một cách máy móc mà không tính trượt giá làm cho người dân quá thiệt.
  • Ngu Kiến 11:06 25/11/2014
    Qua đây mình rút ra bài học là không nên gửi tiết kiệm lâu năm!
  • Lâm Mộc 10:45 25/11/2014
    Chuyện thật như bịa. Kiểu lãi suất "âm bậc thang" chỉ có ở ngân hàng Việt Nam.
  • pham hoang son 09:44 25/11/2014
    Nhận làm gì mua được cuốn sổ không. 4 385 đồng? Chắc trả cho 4000 đồng thôi 385 đồng làm sao trả đây? Thôi giữ làm kỷ niệm đi. Lúc trước giá trị 2 chỉ vàng gởi mấy chục năm lấy ra mua không được gói xôi để ăn sáng.
  • Tran Thu Ha 11:12 25/11/2014
    Nhận tiền gửi ngân hàng trên 30 năm mà khi tất toán không mua nổi một ổ bánh mì.
  • nam cuong 09:43 25/11/2014
    Ngân hàng vừa phải thôi. Cho người dân sống với. Hơn 4000 đồng để làm gì? Phải quy ra 4000 đồng với lúc ấy.
  • Lê Vương 11:50 25/11/2014
    Tôi có sáng kiến như thế này: Đem đấu giá cuốn sổ tiết kiệm này. Tiền thu được sau khi đấu giá sẽ gửi cho bà Thuỷ. Còn cuốn sổ tặng cho bảo tàng lịch sử ngân hàng hoặc bảo tàng lịch sử nhân loại xem đây là bằng chứng sống động nhất cho việc gủi tiền vào các ngân hàng ở Việt Nam trong 30 năm, đây cũng là cách để răn dạy con cháu đời sau.
  • Tom.tran 11:19 25/11/2014
    Hãy nhận đúng và đủ số tiền ngân hàng chi trả, không lấy thừa cũng không nhận thiếu đồng nào cả. Ba mươi lăm đồng Việt Nam giờ là tiền cổ nên cứ yêu cầu chi trả đúng đủ.
  • Vũ Minh Quân 09:29 25/11/2014
    Theo tôi bà Thủy nên giữ lại làm kỷ niệm. Biết đâu bà bán cuốn sổ này cho người khác còn được số tiền cao hơn cả trăm lần so với con số 4.385 đồng.
  • binh dan 09:30 25/11/2014
    “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”. Vâng, chỉ xin các ông đản bảo quyền lợi cho người gửi tiền. 4.385 đồng chưa mua được 1 mớ rau muống đâu.
  • nguyen minh van 13:45 25/11/2014
    Tôi muốn mua lại cuốn sổ này với giá gấp 100 lần (438.500đ) có được không?
  • nguyen minh phuong 10:11 25/11/2014
    Mấy chỉ vàng gửi ngân hàng mấy chục năm bây giờ lấy ra mua được ly nước mía uống.
  • Trung Trí 14:09 25/11/2014
    Đầu tiên, xin chia buồn với Bà Bích Thủy. Chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt. Tuy vậy, cần kiểm tra lại bài toán 270 đ thành 4.385 đ. Xin có lời đề nghị: quí vị nào biết rõ lãi suất tiền gửi, nghiệp vụ ngân hàng qua các thời kỳ, tính dùm xem Ngân hàng tính đúng không? Vị nào là chuyên gia kinh tế, cho thêm ý kiến. Nếu cần trợ giúp Bà, có thể nên đấu giá sớm mua lại sổ tiết kiệm này. Cám ơn.
  • Nguyễn thế Hưng 10:22 25/11/2014
    270 đồng năm 1983 là hơn 4 tháng lương của kỹ sư hết thời gian tập sự (63 đ/tháng)
  • Trần Cao Thắng 09:32 25/11/2014
    Theo tôi, trường hợp này nên được đưa vào người có công xây dựng đất nước. Bố tôi trước mua công trái, về ép treo khung kính làm kỷ niệm. Bán thóc đi hàng tấn để mua công trái, lúc lấy lại đổi ra chưa được ba kg gạo nhưng ông vẫn vui. Cái quan trọng, làm sao cho người ta thỏa đáng với công họ bỏ ra, bên cạnh đó còn tạo niềm tin và sự công bằng, không nên cứng nhắc quá.
  • chien 11:27 25/11/2014
    Theo tôi bà Thuỷ nên yêu cầu Ngân hàng phải trả đúng số tiền gốc và lãi nói trên, không được thừa, không được thiếu đồng nào!
  • Quoc Phong 12:32 25/11/2014
    Cô Thủy ơi đừng nhận, cháu xin trả cô 5 triệu cho cuốn sổ.
  • sợ quá 11:41 25/11/2014
    Nên để sổ lại, 10 năm nữa rút ra đủ tiền mua 1 cây tăm xỉa răng!
  • Trần hải 10:26 25/11/2014
    “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”. Hoan nghênh ngân hàng đã thực hiện xong nghĩa vụ một cách "vô cảm" với người dân.
  • LV Hùng 10:43 25/11/2014
    Tôi đố ngân hàng có thể trả ĐÚNG, ĐỦ số tiền lẻ như thế đấy.
  • Trần Thanh Tùng 10:35 25/11/2014
    VietinBank tính chắc không sai. Nhưng 270 đồng vào năm 1983 là khoản tiền khá lớn so với vốn và lãi sau 31 năm là 4.385 đ. Dám chắc rằng 100% số người được hỏi sẽ trả lời rằng chính sách của Ngân hàng đối với khách hàng là không phù hợp. Nếu vẫn giữ quan điểm, chính sách như thế này khó có thể huy động được sức dân.
  • Khoa 12:09 25/11/2014
    Qua việc này có lẽ người dân sẽ chỉ mua vàng, bất động sản...mà cất giữ. Chẳng dại gì mà gửi tiết kiệm để vừa mất tiền, vừa mua bực vào thân...
  • NguyenDien 11:40 25/11/2014
    “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”. Tưởng sếp lên tiếng nói gì, chứ nói cái kiểu này thì chả ai còn muốn gửi tiền vào ngân hàng nữa.
  • Nguyễn Văn Quang 10:26 25/11/2014
    Tôi còn nhớ vào thời đó có câu: "Tiết kiệm ích nước, lợi nhà. Gởi vào thuận tiện lấy ra dễ dàng". Quá đúng trong trường hợp này.
  • ninh 14:12 25/11/2014
    Tiền lãnh không đủ tiền gửi xe.
  • Bùi Minh Nhựt 13:44 25/11/2014
    VietinBank không sai, cách tính lãi suất của ngân hàng cũng không sai. Cái sai ở đây là cơ chế, con người thực thi cơ chế quá máy móc và vô cảm trước quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.
    Chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng mất mát niềm tin về điều hành tài chính của Nhà nước không nhỏ. Người dân có tiền nhàn rỗi thay vì gởi ngân hàng, qua vụ việc này sẽ phải e ngại và sẽ chọn cách giữ tiền hay vàng trong két sắt cho "an toàn". Chuyện bi hài này chắc chắn chỉ có ở Việt Nam

    Tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm: Do lãi suất từng thời kỳ


    NH huy động vốn tiền gửi bằng tiền, các khoản tiền gửi này không có ràng buộc bảo đảm bằng vàng hay thóc nên việc chi trả vẫn phải tính trên cơ sở lãi suất theo từng thời kỳ
    Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM)
    Thêm nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến
     Tuổi Trẻ bày tỏ sự băn khoăn về những cuốn sổ tiết kiệm có thời điểm gửi từ vài chục năm trước.


    Vậy việc xử lý tất toán và tiến hành chi trả cho chủ nhân những cuốn sổ tiết kiệm này như thế nào?
    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết: Chủ trương của NHNN luôn đảm bảo tiền gửi của người dân qua hệ thống NH, người gửi tiền nhận được cả vốn lẫn lãi cho bất kỳ khoản tiền gửi nào, bất kỳ thời điểm nào.
    Đây là những khoản tiền gửi trước năm 1988, khi mà NH còn một cấp, nghĩa là chỉ có NHNN từ trung ương đến địa phương.
    Khi NH chuyển đổi từ hệ thống NH một cấp sang hai cấp, NH thương mại được thành lập, các hồ sơ của khách hàng ở những quỹ tiết kiệm được bàn giao sang NH Công thương VN nếu khoản tiền gửi ở chi nhánh quận và NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn nếu tiền gửi ở cấp huyện.
    Hai NH này được NHNN chỉ định tiếp tục theo dõi hồ sơ và thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền gửi lẫn lãi khi người dân gửi tiền có yêu cầu.
    Người dân gửi tiền ở đâu thì liên hệ trực tiếp NH đó để tra cứu lại, tất toán sổ tiền gửi một cách thuận lợi.
    Nếu NH không tra cứu hoặc tra cứu không có hồ sơ do nhiều nguyên nhân thì người dân có thể làm đơn gửi về NHNN chi nhánh TP.HCM để đơn vị nhờ tra cứu trong kho dữ liệu của mình, hỗ trợ nhận được tiền gửi của mình.
    * Trong suốt một thời gian dài như thế, giữa NH và người gửi tiền không hề có sự liên lạc, vậy việc quản lý này diễn ra như thế nào? NH sẽ chi trả cho người gửi trên cơ sở nào?
    - Dù có thay đổi trong quản lý nhưng chủ trương của các NH là vẫn theo dõi và hoàn trả đầy đủ cho người gửi tiền. Nếu khách hàng không tới nhận thì NH sẽ tính lãi gộp vào và tái tục theo kỳ hạn tiếp theo.
    Ví dụ, người dân gửi kỳ hạn một năm, nếu họ không đến lãnh thì NH sẽ tự động tái tục tiếp kỳ hạn một năm nữa, nếu 3 tháng thì sẽ gia hạn 3 tháng... NH phải tính lãi cho người dân theo đúng quy định, theo lãi suất của từng thời kỳ.
    Trường hợp như báo Tuổi Trẻ phản ánh là bà Lê Thị Bích Thủy (Q.Bình Thạnh), gửi tiền từ năm 1983, nghĩa là thời gian gửi trên 30 năm, quá trình tiền gửi lâu năm, trải qua nhiều giai đoạn.
    Do đó, để xác minh cũng như xác định được lãi suất qua từng thời kỳ, tiền vốn, tiền lãi phải trả như thế nào... thì phải nhờ vào sự giúp đỡ của Vụ Tài chính - kế toán của NHNN.
    Tất cả các thông tin đều nằm trong kho dữ liệu của vụ này. NHNN chi nhánh TP.HCM muốn xác định được số tiền phải trả của bà Thủy phải dựa trên cơ sở thông tin có trong kho dữ liệu và đang chờ ý kiến.
    Thực tế, kho dữ liệu của các NH thương mại hiện nay chỉ quản lý hồ sơ từ năm 1988 trở về sau này, những hồ sơ trước đó các NH này chuyển dữ liệu về Vụ Tài chính - kế toán của NHNN theo dõi.
    * Người gửi tiền cũng thất vọng vì số tiền tiết kiệm không còn giữ được giá trị như ban đầu?
    - Những khoản tiền gửi này quá lâu, thậm chí trải qua các kỳ đổi tiền nên đảm bảo được giá trị đồng tiền huy động của người dân qua thời gian còn tùy thuộc nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế của thế giới, kinh tế vĩ mô của VN, cũng như chế độ lãi suất qua từng thời kỳ có sự khác biệt.
    NH huy động vốn tiền gửi bằng tiền, các khoản tiền gửi này không có ràng buộc bảo đảm bằng vàng hay thóc nên việc chi trả vẫn phải tính trên cơ sở lãi suất theo từng thời kỳ.
    Trong những năm gần đây, người gửi tiền không ai than lỗ, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng ổn định hơn, lãi suất của NH đảm bảo người dân có lãi.
    Mất hồ sơ người gửi tiền, giải quyết thế nào?
    Ông Trần Đình Thống, ngụ Q.10, TP.HCM, cho biết tháng 10-2013, sau khi người anh của ông mất, ông tìm được cuốn sổ tiết kiệm của mình đã gửi từ năm 1978.
    “Đến nay sau 12 công văn đi lại giữa tôi với NHNN chi nhánh TP.HCM, NHNN Việt Nam và các NH liên quan, cuốn sổ tiết kiệm của tôi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm vì... NH được chỉ định là NH Công thương VN và NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn không tìm được thông tin hai sổ tiết kiệm trong cơ sở dữ liệu của mình” - ông Thống nói.
    Theo ông Thống, khoản tiền nhận được chắc chắn giá trị sẽ không còn bao nhiêu cho dù tiền gửi ban đầu là 3 đồng, tương đương tháng lương lúc ông gửi. “Nhưng tôi muốn NH giải quyết để biết cuốn sổ của mình kết quả thế nào, mọi thứ cần rõ ràng” - ông Thống nói.
    Về trường hợp của ông Thống, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết đã nhờ NHNN Việt Nam tra cứu lại, bước đầu xác định được VietinBank sẽ chịu trách nhiệm chi trả.
    Trong thời gian ngắn nữa, khi rà soát được chi nhánh chịu trách nhiệm, VietinBank sẽ tiến hành chi trả cho ông Thống.

    • Bạch Hưng Hùng 14:42 11/11/2014
      Quý ngài cứ nói lòng vòng. Trước hết, mất dữ liệu người gửi tiền tại ngân hàng là lỗi hoàn toàn thuộc về ngân hàng . Người dân không cần nghe gì thêm nữa cả. Và điều tối thiểu cần làm là nhận lỗi và xin lỗi người gửi tiền. Sao chúng tôi an tâm gửi tiền cho quí vị nếu bị mất hồ sơ mà cứ nói lòng vòng kiểu này?
    • Ngọc Lan 13:36 11/11/2014
      Yên tâm rồi nhé, những ai giữ cuốn sổ tiết kiệm như trên thì thì cứ tiếp tục giữ, đừng đi đổi cho mất công. Không thì gửi hết đến báo Tuổi Trẻ, nhờ báo tổ chức triển lãm hoặc bán đấu giá cũng được.
    • Lê Đức Vinh 17:25 11/11/2014
      Đọc bài này, thấy buồn và phẫn uất! Người Pháp sau khi thua ở Đông Dương rút đi trên nửa Thế kỷ rồi, mà hàng năm, người ta vẫn gửi thư sang nhắc nhở những công trình do họ xây dựng thậm chí có tuổi thọ hàng trăm năm rồi, xem cần tu sửa cái gì, khi nào thì hết hạn sử dụng!
      Tiền gửi hàng trăm năm, người ta vẫn cập nhật, thậm chí tự tìm ra con cháu thừa kế để trao tiền cho người thừa kế nếu người gửi chết đi. Đằng này, còn sống sờ sờ mà như mất trắng! Mất trắng cả về giá trị, cả về hồ sơ sổ sách! Thôi, thà mua vàng, mua đất để đấy. Lời ăn lỗ chịu, nhưng cũng không đến nỗi mất trắng!
    • Hai cua đồng 17:51 11/11/2014
      "Ông tướng" nói chẳng ra gì. Mặc dù tiền gởi không được đảm bảo bằng vàng hay thóc, nhưng lại phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, vi mô, kinh tế thế giới gì gì đó là chuyện của ngân hàng. Chuyện bây giờ là tiền người dân được huy động để xây dựng đất nước biến đâu rồi? Nó còn trong NH không? Các ông quản trị kém quá nên giờ chưa kiếm ra....Cần tiền, không cần câu trả lời lòng vòng.
    • Huy 18:32 11/11/2014
      Bây giờ ai gửi tiết kiệm tiền VN đồng vào ngân hàng thì nên cân nhắc nhé!
    • Chuthang 09:32 13/11/2014
      Ông Minh phát biểu không được. Nếu đã gửi tiền vào NH và có sổ tiết kiệm thật do NH phát hành thì đó có thể coi là một bản hợp đồng gốc với NH có đầy đủ giá trị pháp lý. Còn việc NH không lưu giữ được hồ sơ về việc giao kết Hợp đồng tiền gửi này là LỖI của NH. NH phải chịu trách nhiệm cho việc làm thất lạc hồ sơ. Không có chuyện Hợp đồng mất hiệu lực khi có một bên làm thất lạc hồ sơ hợp đồng.
    • nvtuan 19:30 11/11/2014
      Cha tôi gửi sổ tiết kiệm năm 1978, ban đầu là 40 đồng (tiền bán mấy con bò), sau đó có việc và về thăm quê nên rút tiền vào năm 1979. Số tiền còn lại hơn 10 đồng. Đến năm 1981, cha tôi mất và tôi giữ cuốn sổ tiết kiệm còn hơn 10 đồng để làm kỉ niệm cho đến bây giờ. Qua các bài báo trên, mình cũng muốn tìm hiểu xem với hơn 10 đồng thời giá lúc đó cũng có giá trị và đến nay không biết có được bao nhiêu. Mình chỉ muốn tìm hiểu xem việc quản lý tiền gửi của NH và việc sinh lời thế nào chứ không có ý định để rút tiền vì xác định đó là vật kỉ niệm của cha để lại.


    Vậy việc xử lý tất toán và tiến hành chi trả cho chủ nhân những cuốn sổ tiết kiệm này như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét