Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Từ vụ ông Trần Văn Truyền: Những ai chưa bị lộ nên tự giác trả lại tài sản!

VNTB: Tuy bài viết không thể hiện nội dung mới so với tinh thần phản biện của giới chức đảng về hưu ở một số báo khác, nhưng chi tiết đáng chú ý là tựa đề mà Một Thế Giới đặt. Trước đây, ít có tờ báo nhà nước nào dám nêu đầy đủ về các cụm từ "đã bị lộ" và "tự giác trả lại tài sản" cùng dấu chấm than (!).
Dù thời gian sinh thành chưa lâu, Một Thế Giới đã trở thành một trong số ít tờ báo nhà nước có chất lượng thông tin và ý chí phản biện tương đối sắc sảo.

Từ vụ ông Trần Văn Truyền: Những ai chưa bị lộ nên tự giác trả lại tài sản!
Từ vụ ông Trần Văn Truyền: Những ai chưa bị lộ nên tự giác trả lại tài sản!
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố sai phạm và thu hồi tài sản của cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, phóng viên đã ghi nhận những ý kiến khác nhau xung quanh sự kiện được dư luận đánh giá là rất trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, đối với những sai phạm của cán bộ cao cấp dù đã nghỉ hưu!

Đã đến lúc cần phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức, nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng cần khắc phục.
Những ai chưa bị lộ nên tự giác trả lại tài sản
ong vu quoc hung hinh anh
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng

Vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền,đối với tôi, đây là tin xót xa, dẫu sao thì UBKT TƯ đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn. Tôi cho rằng, nếu thực hiện sớm hơn nữa để nhân dân hiểu rằng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không chừa một ai thì tốt hơn. Điều nhức nhối và cần bàn nhất hiện nay là làm thế nào để cán bộ Đảng viên, nhất là các cán bộ cao cấp ngay khi đang đương chức sai phạm thì phải kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn được.
Đây không chỉ là giữ cái uy tín cho người cán bộ ấy, mà còn giữ uy tín cho Đảng, cho cả hệ thống chính trị. Bài học của ông Trần Văn Truyền cho thấy, cần thiết phải có một sự rà soát lại tất cả những cán bộ khi đương chức và cả những cán bộ đã về hưu trên cơ sở ý kiến của nhân dân.
Đồng chí nào khi đương chức có khuyết điểm nhưng giờ nghỉ hưu phải được UBKT  và các cơ quan chức năng của TƯ kịp thời nhắc nhở, làm rõ, giải quyết và xử lý. Phải chủ động tránh việc để dư luận ầm ĩ một thời gian dài rồi mới đi đến kết luận.
Bên cạnh đó, việc quan trọng nhất vẫn là để phòng ngừa chuyện tiêu cực xảy ra, rút kinh nghiệm từ vụ việc ông Truyền, công tác giám sát tài sản cán bộ công chức và đấu tranh chống tham nhũng cần thiết phải làm quyết liệt hơn.Thanh tra Chính phủ cũng có đảng bộ, có Ban cán sự Đảng, trong đó ông Truyền cũng là một Đảng viên, tại sao để sự việc kéo dài đến khi UBTU vào cuộc mới phát hiện ra.
Sau vụ việc của ông Truyền có thể thấy, chống tham nhũng hiện nay không có vùng cấm. Cán bộ thuộc diện ông Truyền thì nên ra khai báo khẩn cấp.
Chỉ tịch thu tài sản đứng tên “quan tham”  là vẫn chưa thỏa đáng!
ong Ha Tuan Trung hinh anh

Ông Hà Tuấn Trung, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Trước hết tôi rất ủng hộ việc làm của UBKT TƯ Đảng trong vụ việc liên quan đến nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Qua vụ việc này cho thấy việc kê khai tài sản đối với các cán bộ đảng viên trong thời gian qua là chưa đạt yêu cầu như kỳ vọng.
Vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát tốt được tài sản của cán bộ công chức. Việc để đến khi về hưu được vài năm rồi mới phát hiện ra được tài sản phi pháp là muộn so với thực tiễn đòi hỏi trong công tác chống tham nhũng.
Sở dĩ, việc phát hiện tài sản phi pháp của các bộ có chức quyền hiện nay muộn là vì công tác kê khai tài sản cá nhân làm mang nặng tính hình thức. Giám sát việc kê khai tài sản thì nửa vời và không có tính răn đe. Điều này khiến cán bộ công chức tham lam vẫn ngang nhiên hưởng thụ tài sản phi pháp trong một thời gian dài.
Người kê thì kê không đúng thực tế, kê xong, cơ quan lại có chức năng kiểm tra, giám sát lại để đó. Thông tin kê khai không công khai để cho dân biết. Đáng lẽ, đối với tài sản của cán bộ cao cấp như ông Truyền phải được kê khai rõ và công khai trước dư luận để nhân dân cùng thấy và giám sát. Do không công khai, không có sự giám sát của nhân dân nên dẫn tới việc ai muốn kê khai thế nào thì tùy tiện kê.
Việc xử lý tài sản phi pháp phải chủ động, không nên để dư luận phản ứng mạnh quá không thể bỏ qua được thì mới bắt tay vào xử lý. Tôi cho rằng, kê khai tài sản rồi để đó thì kê khai làm cái gì?! Có thông tin về tài sản mà người kê khai không muốn tiến hành kê khai thì phải điều tra xác minh.
Công tác kiểm tra giám sát tài sản của cán bộ, công chức đòi hỏi phải chủ động, còn như hiện nay không thiếu. Liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Truyền tôi cho rằng, cần thiết phải làm rõ về việc bổ nhiệm một loạt cán bộ trước khi về hưu của ông Truyền. Những cán bộ nào bị phát hiện là bổ nhiệm “có vấn đề” thì phải có hình thức xử lý nghiêm.
Để tịch thu lại tài sản phi pháp mà chỉ dựa vào tài sản đứng tên “quan tham” là chưa thỏa đáng so với thực tế. Nhiều nước khi phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng ở một cán bộ cấp cao, lập tức họ tiến hành niêm phong, khoanh vùng tài sản của các thành viên trong gia đình . Làm như thế mới gọi là làm đến nơi đến chốn!  
Nhóm PV Đời sống & Pháp luật
Một Thế Giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét