Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Bên ngoài cuộc tọa đàm về “bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền” ngày 26-11-2014

Tọa đàm về người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam

nhan
Một buổi tọa đàm về chủ đề bảo vệ ‘Người bảo vệ nhân quyền’ đã được hai nhóm xã hội dân sự trong nước hợp tác tổ chức tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội sáng 26/11.
Trong thông cáo về nội dung chương trình, hai tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự và Vietnam UPR Working Group cũng mời cả đại diện từ phía Bộ Công an Việt Nam và công an TP. Hà Nội đến tham dự.
Tuy nhiên, trả lời BBC ngày 26/11, một trong các diễn giả chính tại buổi tọa đàm, cho biết chỉ có một số an ninh được cử theo để theo dõi và gây khó khăn cho ông trên đường đến buổi tọa đàm.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam trở nên “tồi tệ hơn” sau kỳ UPR.
Mục tiêu của buổi tọa đàm là nhằm “phổ biến và giám sát” quá trình thực thi những khuyến nghị trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) hồi tháng Sáu, thông cáo viết.
Trong kỳ UPR hồi giữa năm nay, phía Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị từ Luxembourg, Na Uy và Tunisia về việc “công nhận, bảo vệ và bảo đảm môi trường hoạt động cho những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam”, thông cáo cho biết thêm.
BBC: Xin ông cho biết một số diễn biến chính trong buổi tọa đàm sáng nay?
nqa
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Số người dự cuộc tọa đàm sáng nay là trên 70 người, trong đó có một đại diện của khối Liên hiệp châu Âu, bảy đại diện từ các đại sứ quán của Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc và nhiều nước khác.
Khi tôi chuẩn bị lên xe buýt thì có 10 an ninh quận Long Biên xúm lại ngăn chặn. Tôi vẫy taxi thì họ đuổi taxi đi.
Tôi chỉ còn cách duy nhất là đi bộ và họ bám theo tôi suốt từ nhà đến nhà thờ Thái Hà.
Tuy nhiên diễn biến trong phòng tọa đàm rất suôn sẻ. Chương trình đã bắt đầu đúng giờ và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa theo kế hoạch.
BBC: Mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn của những buổi tọa đàm thế này là gì, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Mục tiêu cuộc tọa đàm thực chất là để giới thiệu cho công chúng Việt Nam, những người trong bộ máy công quyền hiểu rõ những người bảo vệ nhân quyền là ai, có những quyền gì và nghĩa vụ của nhà nước là ra sao.
Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là giúp những cuộc tọa đàm ôn hòa, mang tính xây dựng và phổ biến kiến thức được tổ chức nhiều hơn nhằm củng cố sức mạnh cho xã hội dân sự tại Việt Nam.
Khi xã hội dân sự phát triển lên và có nhiều hoạt động như thế thì chính quyền sẽ hiểu rằng các hoạt động này là tốt cho đất nước, không phải do các thế lực thù địch xúi giục để làm hại đất nước.
Khi đã hiểu ra thì người ta có thể sửa đổi các quy định pháp luật để những hoạt động như vậy không còn gặp những trở ngại như ngày hôm nay.
BBC: Khi chính quyền không công nhận những tổ chức dân sự độc lập thì điều đó gây những khó khăn gì cho những ‘Người bảo vệ nhân quyền’ trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Có nhiều loại nhân quyền, như quyền của người khuyết tật, quyền người nhiễm HIV, quyền phụ nữ, dân tộc thiểu số, quyền làm kinh tế.
Nếu là những tổ chức bảo vệ cho các quyền đó thì họ có thể đăng ký hoạt động đàng hoàng ở Việt Nam.
Tuy nhiên những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền tù nhân thì bị chính quyền coi là nhạy cảm và gây khó khăn, có muốn đăng ký cũng không được.
Họ coi những tổ chức đó là bất hợp pháp.
Trong khi đó quy định của Liên Hiệp Quốc quy định không phân biệt giữa các tổ chức đăng ký hay không đăng ký và nhà nước phải tạo thuận lợi cho bất cứ tổ chức nhân quyền nào.
Tại phiên UPR vừa rồi, chúng tôi đã gặp Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và đại diện các nước EU, tất cả đều tôn trọng và công nhận chúng tôi, rất đáng tiếc chúng tôi lại không được công nhận ở chính nước mình.
Tuy nhiên theo đúng như tinh thần chung thì chúng tôi coi chúng tôi là những tổ chức hợp pháp, không quan trọng là có đăng ký hay không.
Chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh ôn hòa để thuyết phục họ rằng nếu họ để các tổ chức dân sự như chúng tôi được đăng ký thì điều đó sẽ chỉ có lợi cho đất nước và cho chính bản thân họ.
Tất nhiên là trong thời gian vẫn bị xem là bất hợp pháp thì hoạt động của chúng tôi sẽ còn nhiều khó khăn.
BBC: Ông có thấy những cải thiện đáng kể nào về nhân quyền tại Việt Nam kể từ sau kỳ UPR vừa qua hay không?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Những lời nói của Thủ tướng trong đầu năm và suốt thời gian vừa qua thì có nhiều điểm nghe rất hay. Nếu làm được những gì đã nói thì rất tốt.
Nhưng tôi vẫn chưa thấy có chuyển động có ý nghĩa gì về mặt nhân quyền cả.
Trước phiên kiểm điểm họ mềm dẻo đi một chút, và sau đó thì đâu lại hoàn đấy.
Vừa qua chúng ta chứng kiến việc bắt giữ ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Ngay cả Điếu Cày và Cù Huy Hà Vũ có được thả cũng bị đẩy sang Mỹ.
Bên cạnh đó, còn các vụ mới đây như phiên xử phúc thẩm các nông dân Dương Nội và hành hung ông Dương Minh Đức và nhiều người khác.
Tôi thấy rằng lời nói hay nhưng không đi đôi với việc làm, và dường như tình hình nhân quyền sau phiên UPR lại tồi đi.
Theo BBC


Bên ngoài cuộc tọa đàm về “bảo vệ những

người bảo vệ nhân quyền” ngày 26-11-2014


Sau khi sửa xong 2 thư mời đại diện của Bộ Công an và Sở Công an thành phố Hà Nội, tôi đưa 2 files vào USB và lên xe bus số 40 đi sang Hà Nội. Tôi xuống ở bến gần Cung Thiếu nhi (một bến khá quen thuộc mà những ai đã đi biểu tình ở Bờ Hồ thì biết nó nằm cạnh Nhà Hát Lớn và vườn hoa sau Tượng Lê Thái Tổ. Tôi quay lại vài trăm mét để vào tiệm photocopy in ra 2 bản (bản in 2 mặt, tức là tổng cộng 4 trang, giá bèo chỉ 2.000 VNĐ). Tôi đi tiếp qua Nhà khách Chính phủ (đường Lê Thạch) ra Bờ Hồ đến Bưu điện Hà Nội để gửi phát chuyển nhanh (cũng chỉ hết 2 chục). Gửi xong tôi ra về và hy vọng muộn nhất sáng hôm sau 2 cơ quan đó nhận được giấy mời.
Lý do mời 2 cơ quan đó như sau:
  • Chúng ta làm công khai, mời họ đường hoàng
  • Nếu họ đến dự thì cả 2 bên (chúng ta và họ) đều thắng to. Chúng ta thắng vì họ coi chúng ta là bất hợp pháp, việc đến của họ ngầm thừa nhận rằng chúng ta hợp pháp; chúng ta có thể khởi động đối thoại với họ để tránh hiều lầm nhau; vân vân. Họ thắng to bởi vì họ giúp Nhà nước cải thiện hình ảnh Việt Nam một cách đáng kể trước cộng đồng quốc tế; họ có thể học được những kiến thức mà họ có thể chưa biết về người bảo vệ nhân quyền, về nghĩa vụ của Nhà nước và của chính họ (công an) mà đã được quy định rất rõ trong tuyên ngôn; họ có thể mở ra một kênh đối thoại hữu hiệu; vân vân. Đấy là kết cục 2 bên đều thắng của trò chơi (Cả 2 bên đều được điểm 10). [Tôi hay nghĩ dưới dạng trò chơi với 2 người chơi tung đồng tiền: kết cục 2 bên đều thắng nếu đồng tiền tung lên thấy mặt ngửa = Ngửa (thắng, thắng)]
  • Nếu họ không tham dự (vì lý do “tế nhị như trên”) và không cản trở thì chúng ta được 8 điểm họ được 5 điểm.
  • Nếu họ cản trở khốc liệt thì họ thua to bởi vì chính họ là những người bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; chính họ làm mất uy tín của Việt Nam với tư cách một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ mà lại không thực hiện nghĩa vụ của mình được nêu trong tuyên ngôn 1999 (có quy định Nhà nước phải có trách nhiệm gì, riêng công an phải có trách nhiệm gì).
Nếu chúng ta vẫn tổ chức thành công tọa đàm chắc chúng ta được 7 điểm và họ được 0 điểm [Kết cục Sấp (Thắng, thua)].
Nói cách khác việc mời họ tham gia là tính toán cái mình có thể làm được (viết giấy mời, gửi giấy mời, công bố giấy mời) để biến trò chơi thành trò chơi Ngửa (ta thắng, họ thắng), Sấp (ta thắng, họ thua). Tất nhiên chúng ta muốn họ cũng thắng.
Ngày 25-11-2014
Lúc 10h01 phút tôi nhận được điện thoại của một người xưng tên Dương Văn Cừ từ Bộ Công an muốn gặp tôi trao đổi. Tôi mời các anh ấy 14h cùng ngày đến Highland Café gần Nhà Hát Lớn uống cà phê. Tôi đến đúng 14h nhìn thấy một xe biển xanh đậu bên ngoài và chắc là anh ấy đã đến. Bước vào thì thấy 2 người vẫy tay gọi, các anh ấy đã đến trước. Họ giới thiệu là Dương Văn Cừ, Cục phó A83 và Nguyễn Xuân Nam, Phó phòng NGO.
Tôi trình bày lý do mời (đại loại về thiệt hơn như nêu ở trên và rất mong các anh đến dự và thuyết phục Sở Công an Hà Nội cử người đến dự. Anh Cừ bảo chúng tôi đưa các anh ấy vào thế khó xử quá. Tôi hỏi sao lại khó xử? Anh ấy nêu ra hai lý do:
a) Các anh ấy là công an và công an phải tuân thủ luật pháp hiện hành. Thế mà theo luật pháp hiện hành (Quyết định số 76 của Thủ tướng Chính phủ, luật pháp về an ninh; Quyết định số 28 của UBND TP Hà Nội) quy định về hội họp như cuộc tọa đàm dự kiến thì cuộc tọa đàm là bất hợp pháp. Mà công an thì không thể tham gia cái cuộc bất hợp pháp ấy.
b) Tọa đàm dự kiến làm ở Nhà thờ Thái Hà là nơi “nhạy cảm” ai cũng biết nên công an lại càng không thể đến đó để dự.
Vì thế họ sẽ không thể tham gia. Tôi nói rất tiếc và thông cảm với lý do a) và như thế đành chấp nhận vậy. Còn lý do b) thì do kinh nghiệm tổ chức tọa đàm ở Sài Gòn lần trước, khi đã đặt phòng, trả tiền cọc rồi nhưng chính bên công an can thiệp nên New World Hotel từ chối cho thuê, may mà chúng tôi nhờ được Dòng Chúa Cứu Thế giúp nên đã tổ chức ở Nhà thờ Kỳ Đồng. Tại Hà Nội cũng vậy chúng ta rất muốn làm ở nơi công cộng, trung lập nhưng đã bị công an can thiệp rất phản cảm trước mặt các nhà ngoại giao mà anh Hảo và tôi đã chứng kiến, cho nên muốn giải tỏa lý do b) thì đề nghị các anh tạo điều kiện bình thường để chúng tôi có thể thuê hội trường hay phòng ở Khách sạn, trường học một cách đường hoàng.
Vì lý do a) nên các anh ấy đề nghị:
c) tôi tác động để hoãn buổi tọa đàm ngày mai đợi đến khi làm xong thủ tục phép tắc.
Tôi trả lời, tôi không tác động và không thể tác động. Lúc này tôi rút 2 danh thiếp mà mặt sau có in 4 khẩu hiệu của Diễn Đàn XHDS (Thực thi dân quyền; Nâng cao dân trí; Chấn hưng dân khí; Cải thiện dân sinh) và giải thích để 2 anh hiểu về các quyền của dân, dân cứ thế thực thi, Nhà nước phải có nghĩa vụ ra luật pháp tạo điều kiện cho dân thực thi quyền của mình đã được ghi trongTuyên ngôn nhân quyền, công ước về các quyền dân sự và chính trị, các quyền được ghi trong Hiến pháp mà ở đây là quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận và theo tinh thần đó các Quyết định nêu trên của Thủ tướng và của UBND TP Hà Nội là vi hiến và như thế chúng tôi không phải tuân theo và đề nghị Quốc hội ra luật (không phải để cắt xén các quyền tự do và các quyền con người). Chưa có các quy định luật như vậy là lỗi của Quốc hội của Nhà nước chứ không phải người dân. Vì thế tọa đàm ngày mai là hợp pháp và không có lý do gì để hoãn cả. Hai bên thống nhất với nhau là chưa có sự nhất trí về vấn đề này. Các anh ấy bảo vì điểm a) nên công an sẽ phải làm nhiệm vụ để tọa đàm không thể diễn ra. Tôi cố giải thích cho 2 anh rằng tốt nhất là các anh không cản, các anh không dự chúng tôi thông cảm tuy lấy làm tiếc, nhưng các anh cản trở thô bạo thì kết cục sẽ là chúng tôi được 7 điểm mà các anh được 0 thì quả thực chúng tôi không muốn chút nào. Họ không hứa gì, cả 2 bên nghi nhận đối thoại như thế để hiểu nhau hơn là tốt, nên tiếp tục. Còn nói qua mấy chuyện linh tinh chẳng liên quan gì đến nội dung chính. Sau 1h20 phút trao đổi tôi ra về, các anh ấy có nhã ý đưa tôi về bằng xe cơ quan, tôi đã từ chối (như đã từ chối việc đón bằng xe của họ khi anh Cừ gọi điện lúc 10h01 phút sáng) và cảm ơn thịnh tình của các anh nhưng tôi không muốn tốn thêm tiền thuế của dân. Các anh ấy bảo nói thế thì các anh ấy chịu thôi.
Chiều tối 25-11-2014.
Cảnh sát khu vực gọi điện muốn trao đổi với tôi. Tôi từ chối vì không có gì trao đổi với họ cả. Sau đó ông Trưởng Phường gọi điện nói các anh ấy muốn tới thăm. Tôi cảm ơn thịnh tình thăm viếng nhưng từ chối vì có gì tôi đã trao đổi với Cục phó A83 rồi (hóa ra, chỉ sáng hôm sau mới rõ họ muốn đưa cho tôi xem thông báo của Phó chủ tịch Quận Đống Đa yêu cầu Linh mục Nguyễn Văn Phượng chính xứ Thái Hà không tổ chức tọa đàm, không cho thuê địa điểm mà tôi sẽ nói đến sau).
Tôi yên chí bên công an sẽ không cản trở sau những gì đã thảo luận với Cục phó A83 và hẹn đánh thức lúc 4h50 phút ngày 26 để đi cho sớm sủa.
Sáng 26-11-2014
Tôi bảo cậu con út nhà tôi đi cùng để có 2 người, không phải đi một mình. Lúc đầu bảo nó đưa ra bến xe bus, lên xong xe thì nó có thể về ngủ tiếp. Tôi mang chiếc ô có cán dài vẫn thường mang đi trong các cuộc biểu tình.
Ra đến đầu ngõ (cách nhà tôi khoảng 150 m) thì thấy 10 người ở đó. Một anh xúm lại hỏi chú đi đâu? Tôi không trả lời và tiếp tục đi. Trời còn tối nên ảnh chụp không rõ. Đi khoảng 250 m thì đến đường Nguyễn Văn Cừ, bố con tôi đợi đèn xanh và sang đường đến bến xe bus (thêm khoảng 100 m nữa), mấy anh đi bộ theo, số còn lại đi xe máy. Đến bến xe khi định lên thì 3 anh lực lưỡng nhất chặn cửa lên để tôi không thể lên xe. Cứ thế cò cưa mất 15-20 phút và vài lần thử. Họ tránh đụng vào tôi mà chỉ cản đường thôi. Tôi đi bộ tiếp đến bến tiếp theo và chuyện lại xảy ra như cũ. Tôi đã dùng chiếc ô làm cái chỉ đường lên bus nhưng họ đẩy ra. Gãy mất chiếc ô quen thuộc vừa dùng che mưa nắng vừa dùng làm đồ “dọa” bọn côn đồ. Tôi vứt nó vào xó vỉa hè và đi tiếp. Họ bảo bác đừng đi vì bác không thể đi, xe bus không, taxi cũng không. Chúng cháu khuyên bác đừng đi. Có lúc tôi cáu nhưng nói chung giữ mức độ, chỉ bảo họ rằng họ vi phạm quyền tự do đi lại, một quyền con người cơ bản và vi phạm Hiến pháp. Mãi rồi họ cũng bảo chú muốn đi đến Thái Hà là không thể đi được. Tôi bảo con vào quán ăn sáng, mời các bạn vào ăn cùng, nhưng không ai nhận lời. Gọi 2 tô phở, trong quán có 1 người đàn ông hình như ở đó từ trước hay vào trước tôi không biết. Người này bảo bác làm thế rất đúng và nói cháu mời bố con bác vì quý trọng. Tôi xin từ chối và hỏi chuyện anh là chủ quán hay sao? Anh ta trả lời chỉ là liên doanh thôi. Rồi anh ta vào trong. Ăn xong bảo cô chủ ra để trả tiền thì hóa ra anh ta đã trả trước rồi và nói những lời tốt đẹp về việc tôi làm. Tôi cảm động thật sự, sao lại có người tốt bụng thế, xin anh ta cho chụp bức ảnh kỷ niệm và ngoài ra tôi chụp bức ảnh quán phở để nhớ sau này đến cảm ơn ông đồng chủ hay đối tác liên doanh. Con tôi bảo chú này nãy cũng đi theo đấy. Tôi bảo tôi không biết, đừng nghĩ oan cho người ta.
Chúng tôi đi tiếp. 3 anh cứ cản và khuyên tôi đi về. Tôi phát bực nên gọi điện cho anh Cừ A83 vừa biết hôm qua với ý trách móc rằng tôi đã giải thích kỹ mà các anh lại chọn phương án cản trở rất không tốt cho chính công an các anh, không tốt cho Nhà nước và đất nước Việt Nam. Anh Cừ nói thế tôi chưa nhận thông báo tối qua về việc không được tổ chức tọa đàm ư? Tôi bảo tôi không biết gì cả. Tôi bảo thế anh nói người đưa tôi xem thế nào, tôi đứng ở bến đối diện với Tổng cục Hải quan. Giữa chừng vợ tôi lo nên cũng phóng xe ra. Và ông Bình (nghe nói tên thế, có lẽ là lãnh đạo của An ninh Long Biên) đưa cho vợ tôi xem. Lúc đó tôi mới biết có cái thông báo đó, liền chụp 1 bức ảnh về cái thông báo đó lưu vào máy. Cũng chẳng có thời gian đọc kỹ nên tôi tưởng là của UBND Hà Nội. Chí ít mình có bằng chứng rành rành về chính quyền cản trở (ở Sài Gòn mấy tháng trước chỉ nghe Khách sạn nói công an can thiệp mà không biết có văn bản hay không). Tôi bảo thông báo này vi hiến nên tôi cứ đi và việc này cũng chẳng liên quan gì đến tôi vì nó được gửi cho Linh mục Nguyễn Văn Phượng. Họ bảo tôi, đấy chú thấy chưa, chú đi đến đấy cũng vô ích không có tọa đàm gì đâu. Tôi bảo thế thì tôi đi thăm các Cha ở đó.
Tôi gọi điện đến Thái Hà để xác minh và được biết đúng họ có đến đưa cho Linh mục nhưng Linh mục không nhận. Hóa ra họ dùng cái thông báo ấy để thuyết phục tôi đừng đi. Từ bến này đi đến cầu Chương Dương là tịt đường, vì cầu này không cho người đi bộ đi qua. Họ hỏi tôi chú đi thế nào được, đến đấy chú đi bằng gì. Chúng cháu được lệnh không cho chú lên bất kể phương tiện giao thông nào. Tôi bảo sao tôi phải cho các anh biết. Mà bờ sông có thể cũng có thuyền có xuồng chứ? Nhưng thuyền, xuồng cũng là phương tiện giao thông! Tôi nói nhỏ với vợ con rẽ sang cầu Long Biên. Đứng ở đầu cầu Chương Dương họ nghĩ chắc tôi phải quay về. Rồi khi thấy tôi đi bộ hướng về phía cầu Long Biên họ lại bám theo. Họ đi xe, 1 anh đi kế bên tôi. Rồi lại ngồi lên xe mà không đội mũ bảo hiểm. Tôi bảo công an ai lại vi phạm thế, đi không đội mũ. Anh ta nhảy phắt xuống, bác thấy chưa cháu không tham gia giao thông nữa nên không vi phạm.
Chúng tôi rảo bước trên cầu Long Biên, họ lên xe hết cả, mấy xe đi sau và không dám đi nhanh vượt qua tôi. Tôi tính thử quay lại xem sao vì xe chỉ đi được 1 chiều, quay lại khoảng 100 m thì thấy 2 anh hớn hở, ừ bác đi về thế là phải, chắc bác mỏi lắm rồi và lại làm khổ người nhà và chúng cháu (họ bảo đã phải canh ở ngõ suốt đêm, tôi không biết họ có thay ca không, nhưng nếu thế thì họ khổ thật). Tôi bảo tôi xin lỗi đã làm các cậu khổ nhưng nguyên nhân chính không phải là tôi mà là sếp các cậu, ông ấy làm khổ các cậu và làm hại thanh danh công an và hình ảnh Việt Nam. Và tôi quay ngược lại đi tiếp sang phía Hà Nội.
Xuống cầu Long Biên rẽ Hàng Khoai, đi thẳng sang Phùng Hưng, rẽ cửa Đông sang Lý Nam Đế. Họ kêu sao bác đi khỏe thế, chúng cháu theo bác mà mệt. Chúng tôi tìm quán cà phê và mời họ vào uống nước, chỉ có 1 chú nhận lời, còn tất cả ở ngoài hay đi đâu không rõ. Uống nước xong chúng tôi đi tiếp, họ bám sát. Rẽ Trần Phú đi thẳng đến Bệnh viện Saint Paul, rẽ sang Văn Miếu và cứ dọc Hàng Bột, Tôn Đức Thắng đi tiếp. Họ vẫn bám như cũ và tiếp tục thuyết phục tôi vì việc làm của tôi không có ý nghĩa. Tôi vận động họ về nhân quyền về nghĩa vụ của nhà nước và công an. Ai giữ ý kiến của người đó.
Đến Ô Chợ Dừa phải đợi khá lâu để đi qua cái ngã năm mới mở khá khang trang này để đi tiếp. Sang đến bên kia thì họ được lệnh cả 10 người để xe lại và chặn không cho tôi đi tiếp nữa, đi bộ cũng không. Lúc này phố đã đông người tôi nói to, sao công an lại vi phạm luật vi phạm nhân quyền cản trở quyền tự do đi lại của dân. Nhưng vô ích, họ nói chúng cháu phải chặn chú và chỉ biết thế thôi. Tôi hỏi các bạn chặn tôi thế có đúng không, quyền tôi đi có đúng không. Không ai trả lời, có 1 chú đứng hàng sau nói chú đúng nhưng thuyết phục chú mãi không được. Tôi bảo nếu tớ đúng thì các cậu sai và phải để tớ đi. Tôi gọi điện vào chỗ tọa đàm nói anh em ra ứng cứu. Cứ giằng co như vậy cả chục phút. Rồi cũng thấy anh Dũng (quán quân bị an ninh hành hung), Phương Bích đến cùng 2 anh và 1 chị (anh Dũng nói là người bên Nhà thờ), họ phá vòng vây và tạo ra một kẽ hở, tôi cứ thế vút lên và rảo bước. Chỉ còn 5-600 mét nữa là đến chỗ rẽ vào Thái Hà. Phương Bích và anh Dũng nói ở đấy còn đông hơn nhiều. Đến nơi thấy 1 xe cảnh sát và khoảng ba chục bảo vệ, cảnh sát thường phục và đồng phục có cả. Họ vây chặt lấy tôi và cố đẩy 1 anh sang bên kia đường để “giải quyết”. Tôi nói to, chính các anh gây rối trật tự, gây cản trở giao thông, vi phạm nhân quyền chứ không phải chúng tôi. Họ cố đẩy tôi sang bên kia đường. Tôi bảo vào quán café uống nước. Hai anh chặn cửa và bảo quán đóng cửa rồi. Tôi định lẻn qua khe giữa tường và cột điện để đi vào. Họ chặn ngay. Chịu không sao đi được. Đúng lúc đó tôi thấy cô Jenifer cất tiếng chào, rồi 2 cô nữa từ Sứ quán Úc và Anh. J. B. Nguyễn Hữu Vinh, Lã Việt Dũng và mấy người nữa. Dũng chen vào nói ai cho các anh cản người đi lại và tạo ra một kẽ hở để tôi lẻn qua. Bắt tay mấy cô đại diện Sứ quán Mỹ, Úc và Anh xong tôi rảo bước đi cùng đoàn vào Nhà thờ Thái Hà. Tôi lên đến tầng 3 nhìn vào hội trường có sức chứa 100 người gần chật và cảm thấy hết sạch mệt mỏi. Lúc đó khoảng 9 giờ. Tôi muộn mất 30 phút, bài trình bày thứ nhất của tôi đã được người khác trình bày hộ.
Trưa sau 12 giờ tôi mắc việc khác nên không cùng ở lại ăn trưa với anh em. Không còn thấy công an ở cổng Nhà thờ và ở đầu đường nữa, đường thoáng. Tôi bảo cậu con trai xem có ai bám sau xe máy không, nó bảo có 2 xe. Trên 1 xe có cái ông ở quán phở. Đi đến Bảo tàng Mỹ thuật vào để xe ở đó, lại thấy 2 [người], đi qua Cao Bá Quát một lúc thấy họ quay lại. Đi tiếp đến Cung Văn hóa, con tôi đi làm tiếp, tôi lên xe bus về nhà và có lẽ 2 xe ấy không theo nữa.
Đấy là vài tình tiết xung quanh, bên ngoài cuộc tọa đàm.
Hà Nội 26-11-2014 (21 h và đến lúc này chắc phải ngủ một giấc cho bõ, may là chân chẳng thấy đau gì cả)
N.Q.A.

P/S:

  1. Tôi cảm ơn anh đã trả tiền phở cho bố con tôi bất luận anh ấy là ai:
A) nếu anh ấy là người liên doanh làm ăn với bà chủ quán thì tôi thực sự cảm động và biết ơn như đã viết ở trên;
B) Nếu anh ta là 1 trong số an ninh theo tôi từ đầu đến cuối, thì tôi cảm ơn anh ta vì đã bày tỏ sự đồng tình với những việc làm của tôi.
  1. Không có sự đoàn kết và ứng cứu kịp thời của anh chị em thì tôi đã không thể đến để dự và thuyết trình (dù chỉ 1 trong 2 bài) tại một tọa đàm mà tôi hài lòng nhất cả về số người tham gia (trên 70 người từ khắp nơi, 8 đại diện của 7 Sứ quán và EU) và về nội dung cũng như sự thảo luận sôi nổi và rất có ý nghĩa. Xin cảm ơn tất cả mọi người.
  2. Một cô dư luận viên trẻ khi được giới thiệu và yêu cầu phát biểu đã lẻn đi rất nhanh.
  3. Tôi nghe nói có 2 người của lực lượng an ninh có dự (nhưng về mặt chính thức thì công an từ chối tham gia) nếu đúng vậy thì hy vọng 2 người ấy sẽ báo cáo trung thực với cấp trên của họ về tọa đàm chẳng có gì “nhạy cảm” này mà ngược lại chỉ có lợi cho dân, cho nước và cho chính lực lượng công an và tránh việc ngăn cản vô lối, làm xấu mặt lực lượng công an, xấu mặt Việt Nam như đã xảy ra sáng nay.
    Một số hình ảnh an ninh dày đặc quanh nhà thờ Thái Hà sáng 26/11/2014
    Ảnh của JB Nguyễn Hữu Vinh:
    Và bên trong hội trường của buổi tọa đàm
    Nguyễn Quang A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét