Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

“Social Capital” là “Xã hội tử hình”?


Chuyện khó tin nhưng có thật, mới xảy ra hồi cuối tháng 10-2014. Một công ty giáo dục muốn đổi tên thành Công ty cổ phần Social Capital. Chuyện công ty Việt Nam mà lại muốn đặt tên tiếng Anh như thế - đúng sai thế nào, xin nói ở phần dưới. Vấn đề là cơ quan cấp phép ở địa phương đã từ chối cái tên này vì lý do, dịch ra tiếng Việt thành “Xã hội tử hình”, là “vi phạm truyền thống văn hóa, đạo đức”!

Tin nổi không cán bộ nhà nước tùy tiện diễn dịch một cụm từ rất bình thường “Vốn xã hội” thành chuyện tày trời có cả hình phạt tử hình ở trong nữa.

Thật ra đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ “cười ra nước mắt” liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp. Các bạn có tin có công ty mang tên “Bay Bổng Đầu Óc”, “Nam Yến Đại Cát”, “Én Sa Yến Sa”, “Người Lái Xe Mặt Trời”...

Có lẽ ít ai trong chúng ta nghe đến các tên này bởi ngay chính người làm trong các doanh nghiệp này cũng ít khi sử dụng chúng. Họ chỉ đặt tên như vậy rồi ngay sau đó sử dụng tên doanh nghiệp viết tắt hay tên giao dịch bằng tiếng Anh. Hóa ra đó mới là tên chính, tên quen thuộc nhưng không dịch ra tiếng Việt được. “Bay Bổng Đầu Óc” là BBDO - một doanh nghiệp quảng cáo lớn của thế giới (BBDO là viết tắt tên của những người sáng lập). Có lẽ trong 289 văn phòng của tập đoàn này tại 80 nước, không nơi nào bắt phải đặt lại tên theo kiểu “Bay Bổng Đầu Óc”!

Còn “Nam Yến Đại Cát” là NYDC - tên chuỗi nhà hàng có trụ sở chính ở Singapore; “Én Sa Yến Sa” là eSys - nhà phân phối các sản phẩm tin học và “Người Lái Xe Mặt Trời” - một công ty phân phối sản phẩm thảo dược theo kiểu đa cấp, với công ty mẹ là... Sunrider.

Trước đây doanh nghiệp không được đặt tên bằng tiếng Anh mà phải đặt tên “thuần Việt” cho nên một người khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin muốn dùng từ NET đưa vào tên không được đồng ý bèn phải viết thành NÉT; một công ty khác phải mang tên Việt Cốm Bồ.

Nói cụ thể, Nghị định 88 năm 2006 quy định: “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được”. “Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp”.

Như vậy các doanh nghiệp nước ngoài như Honda, Samsung, Toyota vào làm ăn ở Việt Nam vẫn được giữ nguyên tên chứ không cần dịch sang tiếng Việt. Thế nhưng có một số trường hợp, mặc dù thực chất là công ty con của một tập đoàn nước ngoài nào đó nhưng lại muốn thành lập dưới dạng công ty trong nước, do người trong nước đứng tên. Thế là nảy sinh các tình huống “dở cười, dở khóc”. Cũng có một số công ty muốn đặt tên bằng tiếng Anh để dễ làm ăn, dễ giao dịch như kiểu Net Lab cũng không được.

Cái quy định cứng nhắc này đã được sửa đổi. Đến Nghị định 43 ban hành năm 2010 thì “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái f, j, z, w, chữ số và ký hiệu, phát âm được”.

Như vậy về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền đặt tên bằng tiếng Anh. Thực tế đã có những cái tên tiếng Anh được đăng ký như “Công ty cổ phần Hospi Tech”, “Công ty cổ phần Thép Sunrise”, “Công ty cổ phần Good Day Hospitality”. Thậm chí có những tên rất “dung dị” như “Công ty cổ phần Good & Great”, “Công ty TNHH Good Morning Korea”.

Chính vì thế nên cái công ty Social Capital nói ở đầu bài cuối cùng cũng được cấp phép đổi tên - một kết thúc có hậu!

Thế nhưng dường như cảm nhận của nhiều doanh nghiệp vẫn là không được đặt tên bằng tiếng nước ngoài, một số nơi tư vấn vẫn bày theo kiểu dùng một từ tiếng Việt sao cho đến khi dịch sang tiếng Anh làm tên giao dịch thì ra lại đúng cái tên muốn đặt. Chẳng hạn chuỗi bán bánh mì khá nổi tiếng Subway khi sang Việt Nam đã có một “đại diện” là “Công ty TNHH Đường Hầm” mặc dù bản thân từ Subway chẳng phải là đường hầm gì cả.

Thực tế, việc đồng ý cho đặt tên “không thuần Việt” hay không còn tùy từng sở kế hoạch đầu tư, tùy từng cán bộ thụ lý hồ sơ. Nếu thấy lấn cấn thì viện lý do “Xã hội tử hình” như ở đầu bài là mắc vào lỗi “Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp” của Nghị định 43.

Nói cho cùng vẫn còn nhiều người cho rằng, đã là công ty Việt Nam tại sao lại đặt tên “Social Capital” làm chi, tại sao không gọi “Vốn Xã Hội” cho khỏe? Nhiều người khác cũng dị ứng với các tên công ty toàn tiếng Anh như “Good Food - Good Life”, “Fast Care”, “Think Great”...

Chỉ cần nhìn ra bên ngoài một chút, chúng ta sẽ thấy nếu các nước không cho doanh nghiệp của mình đặt tên bằng tiếng nước ngoài hay tên thuần theo ngôn ngữ của nước họ thì làm gì có các thương hiệu như Sony của Nhật Bản, Lenovo (Trung Quốc), Ikea (Thụy Điển)...

Cứ cứng nhắc “thuần Mỹ” thì hàng loạt doanh nghiệp Mỹ nhưng của người gốc Việt thành lập làm sao đặt tên như Phở Hòa, Thẩm mỹ viện Hạnh Phước, Địa ốc Thần Tài... trên đất Mỹ?

Cho nên tên doanh nghiệp thì cứ để doanh nghiệp toàn quyền quyết định, luật pháp không nên can thiệp vào làm gì. Nếu doanh nghiệp chỉ giao dịch với nông dân mà đặt tên Tây, khách hàng không hiểu, không gọi được thì cứ ráng mà chịu. Nếu doanh nghiệp đặt tên phản cảm bị khách hàng tẩy chay thì họ chỉ còn biết trách chính họ mà thôi. Xét cho cùng tên doanh nghiệp là tài sản của họ, họ phải lo chứ không ai khác.

Thiên hạ người ta đang lo chuyện mô hình kinh doanh mới, làm sao có khung pháp lý cho phù hợp - còn mình vẫn cứ lay hoay với cái tên!

Nguyễn Vạn Phú/ TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét