Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Giới thiệu Đèn Cù 2

dcc
Đèn Cù cuốn I của Trần Đĩnh xuất hiện giữa mùa Thu năm nay đã được chiếu cố và hoan nghênh từ nước ngoài về lại trong nước. Cuốn sách, với lối văn nói, trình bày nội dung phóng khoáng, rất người và rất thực, đã thu hút người đọc với vô số chuyện xảy ra mà tác giả là vai chính hay ít ra là nhân chứng. Chuyện “cung đình” cộng sản, điều mà ai trong chúng ta, tò mò hay không tò mò, cũng đều muốn biết.
“Truyện tôi” của Trần Đĩnh kể lại với cái tôi của người viết, đương nhiên, và chỉ một người viết này mới có cái tôi như thế… “Một lối kể tếu táo của người chứng kiến, không cần đưa ra dữ liệu, ai tin thì tin, không tin thì thôi… ” như nhận xét của nhà văn Vũ Thư Hiên.
Trần Đĩnh cho biết từ ngày Đèn Cù I xuất hiện, cuộc sống (của ông) quả có gặp “khó khăn.” Các mối giao dịch xưa nay trở nên “lạ lùng, kỳ quái,” theo lời của tác giả. Cũng còn là may vì đừng quên rằng tác giả vẫn còn sống dưới chế độ “kỳ quái” được mô tả rành rọt trong cuốn sách. Vì may mắn nào mà Đèn Cù II vẫn còn được tiếp tục xuất hiện và hy vọng tới tay bạn đọc?
Không, không có gì thay đổi cả. Vẫn giọng văn ấy, vẫn “lối kể tếu táo” ấy, và với những muộn phiền ấy trong cuộc sống của chế độ mà tác giả cố gắng luồn lách qua ngày… Những điều trông thấy mà đau đớn lòng… Trải dài trên mấy trăm trang giấy, đọc mệt luôn!
Cuốn II tiếp tục tiết lộ nhiều chuyện ly kỳ… xin trưng dẫn vài chuyện:
Chuyện ông Hồ, đúng ra chuyện giả cụ Hồ. Ở nước nào, cộng sản hay không cộng sản, lãnh tụ nào cũng sợ bị ám sát, chết không kịp ngáp. Thế nên mới có chuyện nhờ người giả dạng lúc xuất hiện trước công chúng. Chuyện nghe cũng bình thường thôi và không có chi lạ. Vậy lạ ở đây là cái gì? Xin nghe tác giả thuật lại chuyện của người đã giả ông Hồ theo lời kể của Xương.
“Chuyện của Xương nói chung rất khác người. Rất bông phèng:”
“Có lần anh hỏi tôi năm 1946, lúc còn là thiếu niên tiền phong… có ra ga Hàng Cỏ đón ông Bác đi tàu thủy ở Pháp về Hải Phòng rồi lên Hà Nội bằng xe lửa. À, có đón hả?
“Xương cười nói tiếp: Thế thì cậu hoan hô với vẫy hão rồi. Hôm ấy ở xe lửa xuống, cụ lên dự cuộc đón tiếp công khai xong là có người dắt đi, bịt râu, đi tắt trong sân ga đến chỗ thằng Qua, thằng này sau là cục trưởng cục trại giam, chờ sẵn lái đưa cụ đi.
“Sợ phản động nó xơi mà. Còn Bác trên xe chính thức giễu phố là một cậu lâu ngày tớ quên tên nó mất rồi, thằng này giống ông cụ kinh khủng, nó đeo râu giả làm ông cụ, nhòm ra vẫy đồng bào. Phản động phơ thì thằng này hứng…
“Đến cải cách ruộng đất, tay hình nhân này bị đấu tố là địa chủ phản động gian ác, suýt ngỏm. Nó khóc: Tôi từng đóng thay Bác Hồ để phản động có bắn thì tôi chết thay bác, thế nhưng phản động không bắn mà nay Ðảng lại bắn tôi, ôi bác Hồ ơi, hu hu… ”
Chuyện thứ hai liên quan đến cuộc sống của công nông trong cái “thiên đường cộng sản” đó. Ly kỳ lắm vì rằng lương của họ chỉ đủ sống 10 ngày… mà vẫn sống. Lương chỉ đủ sống 10 ngảy, người nói câu đó không phải là “một tên phản động, tàn dư Mỹ ngụy… ” mà là Trường Chinh, Tổng bí thư đảng.
Trần Đĩnh viết:
“Tái xuất giang hồ, Trường Chinh có một câu quá hay: Lương của công nhân viên chức chỉ đủ để sống trong mười ngày.
“Hoàng Ước, thư ký của Trường Chinh bảo tôi là một hôm Trường Chinh nói với mấy người giúp việc rằng ta trả cho người lao động đồng lương bóc lột. Hoàng Ước bèn nói lương chúng tôi chỉ đủ sống mười ngày. Trường Chinh cau mày khó tin – bóc lột thì có nhưng sao lại có thể ác nghiệt hơn cả đế quốc đến thế?
“Hôm sau [Trường Chinh] bảo Hoàng Ước: Tôi đã hỏi nhà tôi, nhà tôi nói không có chế độ cung cấp đặc biệt thì lương ông cũng chỉ đủ cho nhà này ăn mười ngày. 
“Sau đó Trường Chinh đến nhà máy thuốc lá Thăng Long nói Phải cứu giai cấp công nhân!
“Hay thật! Ở một nước do giai cấp công nhân lãnh đạo mà đảng phải cứu giai cấp công nhân ra khỏi đồng lương bóc lột? Tôi thấy ở đó một khẩu lệnh hành động. Trường Chinh rất giỏi đề khẩu lệnh. Nhưng ông không nói cứu công nhân khỏi tay ai? Và thằng khốn nào nó bóc lột công nhân?
“Song dân biết rất rõ cái cơ chế gà què mổ lẫn nhau nó cho phép bộ máy với lương sống mười ngày vẫn cù cưa được cả tháng, tất nhiên ở mức khốn nạn… ”
Thế là xong, hết thắc mắc. Nói chung cho cả nước.
Gia đình Trần Đĩnh còn gặp khó khăn hơn với nạn đánh Hoa Kiều sau khi đương sự bị đuổi. Tại sao? Bà Trần Đĩnh là người Hoa.
“Tôi bị đuổi việc so với cái họa của Hồng Linh vợ tôi, còn sướng hơn nhiều. Một sáng, phó phòng tổ chức Nhà hát giao hưởng – hợp xướng – Nhạc vũ kịch Việt Nam gọi Linh đến bảo: 
“Chị phải đi khỏi Việt Nam. Và đi một mình, vì Trần Đĩnh không được phép đi đâu cả, còn con gái chị là người Việt Nam nên phải ở lại. Chị không đi, mai kia phòng tuyến Bắc Giang vỡ là sẽ tập trung các người Hoa như chị vào một khu vực xa lắm, khổ ra.”
Tại sao Trần Đĩnh tiếc nuối chế độ? Bị cho nghỉ việc, không lương, vợ bị trục xuất. “Trong biên bản khai cung năm 1968, tôi (tác giả) viết:
“Chân lý Mác Lê nay như một vòm pha lê vở vụn, mỗi anh nhận một mãnh và bảo đó là chân lý chung.
“Tôi nhìn đảng như một quái vật hai đầu. Một đầu của cô gái xinh đẹp là cuộc tổng khởi nghĩa và một đầu nghiệt ngã dữ dằn là đảng hiện nay. Có khi muốn đẩy cái đầu dữ đi thì đầu cô gái mà tôi mê lại khuyên ráng chịu.”
Một chế độ công an trị đang vây bủa. Một lưới trời (thiên võng) đang chụp trên đầu cả nước, chỉ có internet, họa hoằn lắm, mới qua lọt.
Vẫn từng đó người trong từng đó chức vụ, của đảng, của chính phủ, của quốc hội, của đoàn… nối tiếp nhau… Voi giấy ối a, ngựa giấy, ơi tít mù nó chạy vòng quanh…
Nhà xuất bản Người Việt (Nguồn Fb Trần Triết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét