"Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Việc những tờ báo hoặc tạp chí có tư tưởng tiến bộ được xem là một tội nặng." Đây là câu viết của Nguyễn Ái Quốc lên án chế độ thực dân Pháp trong Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Xã hội Pháp năm 1920 (1).
Thật ra, tôi nghĩ câu nói của Nguyễn Ái Quốc hình như không hẳn đúng, bởi vì thời Pháp thuộc, chính quyền cũng cho phép ra báo tư nhân và cho lập hội đoàn độc lập. Những tạp chí như An Nam Tạp Chí (do Tản Đà sáng lập), Nam Phong Tạp Chí (của Phạm Quỳnh), Đông Dương Tạp Chí (Nguyễn Văn Vĩnh), Phụ Nữ Tân Văn, Gia Định Báo, v.v. đã ra đời và hoạt động khá tốt. Những tờ báo vừa kể còn có những tranh luận thú vị về văn hóa và học thuật. Nói chung là thời đó đã có báo chí tư nhân do người Việt làm chủ bút, đặc biệt là do các nhà báo và học giả miền Nam đi tiên phong.
Còn lập hội thì trước 1945, Việt Nam đã có khá nhiều đảng phái đối lập và họ hoạt động công khai. Đọc lại sử thấy có Đảng Lập hiến Đông Dương, Việt Nam Quang phục Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính Đảng, v.v. Như vậy, rõ ràng thời Pháp thuộc chẳng những đã có báo chí tư nhân, mà còn có đảng phái đối lập với Pháp.
Còn bây giờ Việt Nam có nền báo chí độc lập chưa? Trớ trêu thay, 95 năm sau, ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước... dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước." Ông khẳng định thêm là không để cho tư nhân sở hữu báo chí (2).
Dù biết là hỏi cho vui thôi, nhưng tôi vẫn thắc mắc nếu Nguyễn Ái Quốc sống lại, ông nghĩ gì câu phát biểu trên của người kế tục ông?
(1) http://www.vnq.edu.vn/tap-chi/nghien-cuu-trao-doi/375-t-tng-h-chi-minh-v-bao-chi-va-t-do-bao-chi.html(Hồ Chí Minh tuyển tập (1919 - 1945) - Tập 1).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét