Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Nhạc RAP – một vũ khí tranh đấu lợi hại cho giới trẻ

Ngày nay ở Âu châu và Mỹ châu, không ai còn xa lạ với nhạc Rap. Giới trẻ, nhứt là trẻ da đen, đều thích nhạc Rap. Rap đi đôi với loại tranh đường phố (street art) mà phổ thông là những bức vẻ ngoằn ngoèo trên tường, trên những chỗ vẻ được mà khó bôi xóa để đập vào mắt người đi đường càng mạnh, càng lâu càng tốt. Trong xe điện, métro, chúng vẽ trên nệm ghế, trên thành xe, trên cửa kiếng, cả trên trần xe, …Trong tháng máy những chung cư. Hiện tượng này làm tốn kém cho ngân sách bảo quản của chánh quyền không ít.
Có lần Cỏ May hỏi một thanh niên da đen về ý nghĩa của những bức vẻ này thì được trả lời “thể hiện văn vóa đường phố của chúng tôi. Nhứt là đánh dấu sự có mặt của chúng tôi”.
“Nghệ thuật đường phố” là một “cách nói không hợp pháp » của những người hợp pháp. Lịch sử thật sự của nó khá dài từ nền văn minh cổ đại hy-lạp và ai-cặp nhưng người ta chỉ thấy nó xuất hiện ở Paris, trên tường Đại Học Sorbone năm 1969 và ở Huê kỳ năm 1970, rồi tới năm sau, nó tràn ngập cả Âu châu.
Cũng cùng địa vị xã hội, Rap cũng là âm nhạc đường phố của giới trẻ. Nó không có khai sanh ở một Viện âm nhạc nào cả. Nó cũng có thiên chức chuyên chở tiếng nói không chánh thức của xã hội biểu lộ sự phê phán, sự bất mãn, sự kích động mạnh để dẩn đến một sự thay đổi, …
Trong gần đây, Việt Nam có một thanh niên hát nhạc Rap thu hút sự chú ý mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam. Khi anh du học ở Huê kỳ, anh tiếp tục hát nhằm công kích chế độ cộng sản ở Việt Nam. Nhạc Rap của anh hát la tiếng nói bất đồng chánh kiến với chế độ trong nước. Khi hát Rap, anh Nguyễn Vũ Sơn lấy tên là Nah Sơn.
Anh hát Rap do ảnh hưởng ở giới trẻ Âu Mỹ hay từ tâm thức Việt Nam của anh?
Rap chánh trị
RAP do tiếng lóng của tiếng mỹ “to rap” có nghĩa “nói chuyện chơi” trở thành một điệu nhạc xuất hiện vào đầu những năm 70 từ những ghettos Nữu-ước. Cảm nhận đầu tiên thấy như rap gần gũi với văn hóa Phi châu.
Cho tới thập niên 1980 là thời hoàng kim của rap. Ngay tại sanh quán Nữu-ước, các nhóm rap không còn chống nhau nữa, trái lại, các nhóm kết hợp nhau lại thành một nhóm lớn. Tiếp theo, ở Los angeles và cả Californie, cũng lần lược xuất hiện những nhóm rap.
Địa lý khác nhau, những nhóm rap phần lớn đều có chung những chủ đề. Họ hát, đúng ra là họ nói chuyện cho quần chúng của họ một cách có tiết điệu, có nhịp, với tốc độ nhanh nhằm công kích sự bạo hành của cảnh sát, công kích hoặc cổ vũ sự xung đột giữa phe nhóm trong khu phố, công kích một biện pháp nào đó của chánh quyền. Và rap đại diện cho thành phố của họ, nói tiếng nói của thành phố.
Tuy rap phát xuất từ dân da đen ỏ Mỹ nhưng nó đã được dân chủ hóa từ đầu những năm 1990 để xâm nhập vào dân da trắng, không chỉ với những người da trắng hát rap mà cả sáng tác nữa. Sau cùng, trong gần đây, dân Âu châu, Phi châu và Á châu cùng phát triển rap.
Rap từ đây trở thành một trào lưu âm nhạc toàn cầu rất thạnh hành, giúp người chơi nhạc, sản xuất nhạc rap kiếm được khá tiền. Nhiều Đài phát thanh, nhiều nhà xuất bản và phát hành băng nhạc chuyên về rap xuất hiện chỉ phổ biến nhạc rap cho riêng quần chúng thính giả của họ. Những nghệ sĩ không chơi rap được bị loại khỏi thế giới rap. Từ đây, có một lớp nhạc sĩ rap thiên về thương mại.
Trong quá trình phát triển, rap không tránh khỏi pha trộn với nhiều dòng nhạc khác gần gủi với rap về thể loại và có khi giửa rap và các thể loại khác như không còn giử biên giới nữa.
Người ta chỉ còn phân biệt được sự khác nhau giửa rap và hip-hop do rap căn bản là cách diển tả, cách phát biểu bằng lời có tiết tấu nhanh, theo nhịp 4/4 hoặc 2/2 còn hip-hop là một phong trào văn hóa và nghệ thuật tập họp qua bốn cách diển đạt chánh:
- Rap
- Deejaving mà beatbox là chi nhánh
- Vũ
- Vẻ tranh trên tường hay gaffiti (nghệ thuật đường phố)
Những cách trình diễn nghệ thuật này đã xuất hiện trước đây nhưng riêng rẽ trước khi thành hình phong trào hip-hop trong những năm 1970. Nghệ sĩ hip-hop có những qui luật riêng của họ: những giá trị qui chiếu, những thái độ độc đáo, một kiểu riêng y phục và nét văn hóa phố thị.
Rap sau khi xuất hiện ở Mỹ, ngày nay phổ biến khắp nơi trên thế giới, từ Tây qua đông, từ Bắc xuống Nam.
Một nghệ sĩ rap Việt Nam
Hôm 17/O1/2015, trên Đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA ở Hoa thạnh đốn), biên tập viên Mặc Lâm giới thiệu sinh viên Việt Nam Nguyễn Vũ Sơn đang du học tại Oklahoma là nghệ sĩ rap dưới tên hiệu Nah Sơn. Anh Nah Sơn vừa tung lên mạng ca khúc theo thể loại RAP và luôn cả một bức thư của anh chống lại chế độ độc tài cộng sản ờ Hà Nội. Thính giả của anh Nah Sơn tỏ vẻ ngỡ ngàng vì chưa quen nhạc rap từ một thanh niên Việt Nam trình diễn hay vì nhạc rap, vốn là cách nói chuyện của dân đường phố, có những lời quá dung tục, cả những tiếng chửi thề.
Tuy nhiên cũng có nhiều người nghe qua tỏ ý hoan nghênh vì cho đây là một cách bày tỏ quan điểm xã hội chánh trị của người hát. Chơi nhạc rap đúng là biết chọn cách tiếp cận giới trẻ ngày nay, nhứt là giới trẻ nước ngoài. Rap là ngôn ngữ chung của tuổi trẻ thế giới.
Theo nhà báo Mặc Lâm, sinh viên Nguyễn Vũ Sơn còn gia đình ở Việt Nam vì anh đi du học sau khi đã học xong Đại Học ở Singapour. Anh hát nhạc rap để phát biểu sự chống đối chế độ của anh. Được biết qua lời giải bày của anh, trong thời gian ở Mỹ, anh đoc sách báo về Vìệt Nam, nghe thầy giảng bày, cách dạy và học ở Mỹ, nói chuyện với bạn bè,…anh bắt đầu thấy có cái gì khác giữa hai nơi. Những điều anh thâu đạt được ở Việt Nam bắt đầu nhường chỗ cho những kiến thức mới của anh. Chính từ sự phản tỉnh này anh đã quyết định tự chọn cho mình một trách nhiệm, một hướng đi mới.
Dĩ nhiên khi lấy quyết định làm người bất đồng chánh kiến như nhiều bạn trẻ trong nước đang bị tù tội, anh Nah Sơn chấp nhận mọi điều thiếu may mắn sẽ tới cho anh.
Nah Sơn đã trình diễn nhạc rap lúc còn ở Việt Nam. Khi bị phê bình lời nhạc thiếu sự lịch sự, anh Sơn nhìn nhận nhưng theo anh, nhạc rap không thể giống như văn chương bóng bảy vì như vậy, nó không còn đậm nét đường phố nữa. Vả lại tiếng chửi thề có gì ghê gốm lắm đâu. Nó đã quen quá rồi. Chửi thề tùy theo cách chửi. Chửi kiểu nam kỳ thì không còn chửi thề nữa, là là một thứ tiếng đệm mở đấu lới nói cho nó có hồn, đầy ấp thân tình, …
Theo Sơn, các bạn của Sơn cũng căm ghét cộng sản, cũng muốn thay đổi dân chủ tự do nhưng không dám bày tỏ vì sợ hãi. Ai cũng bị chế độ hù dọa từ nhỏ ở khu phố, ở nhà trường nên khi lớn lên cùng mang chung nổi sợ hải. Thậm chí họ không dám đụng tới chánh trị, có tư tưởng chánh trị.
Nguyễn Vũ Sơn hay còn gọi là Nah Sơn. Ảnh RFA
Nguyễn Vũ Sơn hay còn gọi là Nah Sơn. Ảnh RFA
Nah Sơn có nhận xét rất đáng chú ý :
“Bạn bè em hầu như không có ai nghĩ về chính trị hay có tư tưởng về xã hội lắm chỉ là đi học, đi chơi vây thôi. Ngay cả giới trẻ Việt kiều, nói chung là cũng có người ghét cộng sản, muốn thay đổi nhưng em thấy giới trẻ Việt kiều thì một là họ không quan tâm còn nếu có quan tâm thì họ rất cực đoan. Họ hay đặt mối thù dân tộc khi Việt Nam Cộng hòa bị thất bại thì họ coi như một mối hận lớn. Em thấy cái chuyện đó nó hơi không phù hợp vì nó là chuyện quá khứ có đem ra nói đi nói lại nó cũng không tác dụng lắm. Em nghĩ bây giờ nên tập trung vào hiện tại, cộng sản ngay lúc này nó sai cái gì …
Thí dụ như có nhiều người ghét người Bắc (cộng sản) nhưng người Bắc lúc này họ cũng đã nhận ra nhiều vấn đề của cộng sản và rất muốn thay đổi chỉ có điều là bộ máy họ không muốn thay đổi thôi.
Sự quyết tâm chống chế độ hà nội rất rõ:
“…Nếu như mọi chuyện đi theo hướng tốt thì biết đâu mình có thể làm được những thay đổi gì đó trong giới trẻ. Có thể vài năm thì mình lại có thể về. Nếu trong trường hợp đi theo hướng xấu thì em sẽ tìm cách ở đây để tiếp tục tranh đấu.
Một khi đã quyết định làm thì phải chấp nhận hậu quả, em nghĩ vậy. Nếu em như những bạn du học sinh khác, sợ không về được thì nó sẽ không đi tới đâu hết tại vì em cảm thấy mình cũng có một chút tiếng nói trong giới trẻ vì nhiều bạn trẻ có nghe nhạc của em mình nên dựa vào điều đó để làm việc gì tốt hơn chứ suốt ngày cũng chỉ đi học, rồi về, đi chơi hay làm nhạc linh tinh thì nó phí hoài cái tuổi trẻ, khả năng và một chút tên tuổi của mình.
Ba mẹ em khi thấy em có những cái chuyển biến mang tính chính trị thì ba mẹ em có vẻ rất tức giận, như cảm thấy là mình mất một đứa con vậy. Ba em có nói nếu bây giờ con còn tiếp tục làm chính trị như vậy thì cắt đứt mọi liên hệ gia đình …
…Em rất trăn trở …Sau khi đắn đo em nghĩ nếu bây giờ mình không làm thì cũng không ai làm. Không bao giờ có ai làm chuyện này hết thành ra có được thì mừng còn nếu không được thì coi như mình đã cố gắng rồi, nếu không cố gắng làm sao biết được hay không? Vì vậy em cứ làm còn ba mẹ có nói thì em cũng… phải nói là em rất buồn, em rất là buồn nhưng mà biết sao được?
Người thân của em, bạn gái em, gia đình bạn gái em, rồi bạn bè em những người chơi với em 7 – 8 năm luôn vẫn quay lưng với mình ….“(trích RFA).
Rap ở Việt Nam
Khi nghe nói ở Việt Nam có rap chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên lắm. Cách nay hơn mươi năm, cùng dự đám tang của một người bạn ở Paris, Cỏ May được găp Giáo sư Âm nhạc học Trần văn Khê và nhân đó có hỏi ông về rap (Người quá cố là bạn học.Y Khoa ở Hà Nội với ông và bạn vong niên với CM) được ông giải thích “Việt nam trước đây có một thể loại dân ca hoàn toàn giống như rap ngày nay. Người ta có hát để công kích thói hư tật xấu của người trong xóm, trong làng, … Vì loại ca hát này chỉ thỏa mãn nhu cầu ở tầng sinh lý nên không tồn tại. Văn hóa Việt Nam hướng thượng …”.
Ông liền đọc một bài hát dẫn chứng và nới thêm bài hát rap này không còn đủ nhịp bốn:
“ … Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang.
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy.
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông.
Giấy trôi sông người ta còn vớt.
Bậu lỡ thời như ớt chín cây,
… Bậu lở thời ai lấy mần chi …”
Việt Nam từ xa xưa có rap. Ngày nay Nah Sơn có lẽ là người Việt Nam đầu tiên hát rap. Anh hát vì ảnh hưởng thời đại rap hay vì bắt nguồn dân gian Việt Nam? Nhưng âm nhạc và cả rap là tiếng nói chung không biên giới của tuổi trẻ.
Anh hát rap động viên tình cảm của tuổi trẻ để tạo thành một sức mạnh lớn nhằm vào mục tiêu tranh đấu dân chủ ở Việt Nam là một cách tranh đấu mới mẻ vô cùng phấn khởi.
Bà con ta nên cùng nhau chờ đợi ở anh.
© Nguyễn thị Cỏ May

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét