Qua bài viết mới được đăng trên trang Chân Dung Quyền Lực, CDQL, ngày 28 tháng 1 năm 2015, “Dân Nghèo Quảng Ngãi và ông Bí Thư Tỉnh Ủy Nguyễn Hòa Bình”, có lẻ đây là lần đầu tiên trang mạng nổi tiếng CDQL đề cập đến người nghèo nhiều như vậy:
Bài viết đã diễn tả những cảnh sống cơ cực, thiếu thốn, nghèo nàn, và tăm tối của người dân Quảng Ngãi với tên và hình ảnh rõ ràng làm người đọc không khỏi se lòng. Nhưng bên cạnh những cảm xúc buồn thương cho số phận những người dân Việt còn nhiều nổi đọa đày, người đọc không khỏi căm giận khi nhìn những hình ảnh tương phản ở cuộc sống xa hoa của những quan chức lãnh đạo quốc gia, ngồi mát ăn bát vàng, làm giàu trên xương máu của nhân dân. Những ngôi biệt thự đồ sộ bên cạnh những túp lều tranh rách nát làm nổi bật lên cái hố giàu nghèo chia cách. Những buổi dạ tiệc sang trọng thâu đêm suốt sáng làm chua xót thêm hình ảnh của những em bé thiếu ăn nhìn đời bằng con mắt vô vọng.
Dù cho trong bài viết ở trên, tác giả chỉ nêu lên một vài trường hợp điển hình của dân nghèo và so sánh cuộc sống khốn khổ của họ với cuộc sống xa hoa phú quý của một quan chức tại quyền là ông Bí Thư Tỉnh Ủy Nguyễn Hòa Bình, thì người đọc hẳn cũng không khỏi hình dung tình trạng chung của hàng triệu dân nghèo cả nước đang sống lầm than cơ cực trước sự giàu sang tột bực của tầng lớp quan lại bây giờ, mà điển hình là những người như cha con ông Nguyễn Xuân phúc, cha con ông Phùng Quang Thanh, cha con ông Nguyễn Hòa Bình mà trang mạng CDQL đã đưa ra. Dù vô tình hay cố ý, trang mạng CDQL đã đứng về phía nhân dân trong trường hợp nầy. Tuy nhiên đây không phải là một bài viết duy nhất có hình ảnh người dân, CDQL cũng đã đăng lại bài tường trình cuộc hội luận của Chân Như ở đài Á Châu Tự Do, FRA, và ba bạn trẻ ở ngay trang đầu của mình, bài “Gìới trẻ nghĩ gì về phát biểu của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam” vào ngày 24 tháng 1 năm 2015.
Trong cuộc hội luận nầy đại diện cho nhân dân Việt Nam là ba bạn trẻ Trường Sơn, Minh Hiển và Tiến Trung. Họ đã chứng tỏ là những người am hiểu thời cuộc và tình hình đất nước hiện nay.
Trong buổi hội luận, Trường Sơn đã cho biết: “Như anh Trung và anh Hiển đã đồng tình, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trước đến giờ không hề có một ảnh hưởng nào lên trên nền chính trị của Việt Nam. Ông giống như một biểu tượng thôi. Về tuyên bố của ông, cái này na ná giống lý thuyết kinh tế của ĐCS áp đặt trên đất nước Việt Nam - đó là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông nói muốn đổi mới thể chế chính trị mà đã gọi là đổi mới thì phải thay đổi thế nhưng ông lại xoáy thêm “không thay đổi chế độ”. Theo tôi nghĩ ông phải tuyên bố như vậy hoặc ĐCSVN cũng đã cảm nhận một cái gì đó rằng suy nghĩ của người dân Việt Nam cũng đang dần thay đổi buộc họ phải có những tuyên bố để làm thế nào đó bưng bít hoặc chống chế. Thế nhưng hành động chống chế của họ giống như vá một con đường. Họ không làm lại con đường càng vá càng thêm chằng chịt. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà ĐCSVN đang thực hiện ở Việt Nam đã khiến cho nền kinh tế tại Việt Nam trở nên lạc hậu, cồng kềnh và sắp sửa đi đến mức sụp đổ. Bây giờ đến lượt chính trị, họ nói rằng đổi mới chính trị thế nhưng lại không chịu thay đổi thể chế. Thế có nghĩa là bình mới rượu cũ chẳng có gì thay đổi ở đây. Và ông còn nói rằng “tăng cường chống tham nhũng cũng như an ninh quốc phòng”. Trong khi 99% người dân Việt Nam đều có suy nghĩ giống như tôi đó là “đã là quan chức thì tham nhũng” và ai đảm bảo rằng bản thân ông Tổng bí thư có tham nhũng hay không?”
Tiến Trung cũng nhận xét về tình trạng nghèo nàn của đất nước một phần là do bộ máy cồng kềnh mà người dân phải làm để nuôi là chính phủ, Đảng Cộng Sản và mặt trận tổ quốc: “Thật ra chuyện nói là “tinh giản biên chế” những người lãnh đạo ĐCSVN đã nói cách đây từ 40 năm rồi, cho nên bây giờ họ có nói tiếp nữa thì không ai nghe. Trung muốn nhấn mạnh ở đây một điều là người dân không có nghĩa vụ phải đi nuôi ĐCS. ĐCSVN cần phải tự lực cánh sinh bằng cách sống bằng tiền đảng phí của những đảng viên và các tổ chức mặt trận tổ quốc cũng vậy. Họ không thể nào lấy tiền từ ngân sách ra được. Dân chỉ có nghĩa vụ đóng thuế để nuôi chính phủ, và chính phủ đó phục vụ cho dân thôi. Khi Trung thấy bỏ hệ thống đảng và mặt trận tổ quốc ra khỏi ngân sách thì tự động những người trong chính phủ lương được tăng cao, hạn chế bớt tình trạng tham nhũng.”
Còn Minh Hiển thì lên tiếng về tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam: “Mình rất đồng ý với ý kiến của anh Trung ở điểm là Viêt Nam bây giờ hiện tại không hề có một tờ báo tư nhân nào. Cái đấy là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ra tất cả báo chí ở Việt Nam đều mang tính đảng tức là nó là công cụ tuyên truyền của ĐCS.”
Tiến Trung kết luận bằng một nhận xét vô cùng xác đáng về nguồn gốc của mọi tệ nạn ở Việt Nam là do cơ chế độc tài đảng trị: “Vấn đề của Việt Nam là tư duy độc quyền và cơ chế là tước quyền làm chủ của người dân. Cơ chế đó gọi là cơ chế đảng chủ thì với tư duy với cơ chế như vậy chúng ta dự đoán không có ý nghĩa gì cả. Bất kỳ ai lên nắm chức tổng bí thư hay chủ tịch nước hay thủ tướng hay chủ tịch quốc hội thì cũng vẫn sẽ là như vậy thôi nếu cơ chế vẫn còn như vậy. Đã bao nhiêu năm rồi vẫn lập đi lập lại những lời sáo rỗng. Vấn đề đây là vấn đề tư duy và cơ chế phải thay đổi. Thế nên, khi chúng ta thấy tư duy độc tài và cơ chế đảng chủ như vậy thì những người dân Việt Nam chúng ta cùng phải cùng nhau lên tiếng.”
CDQL đã đăng bài hội luận ở trên có lẽ cũng để phê bình ông Nguyễn Phú Trọng với những nhận xét và phát biểu vô cùng ấu trĩ, giáo điều và lạc hậu. Tuy nhiên điều quan trọng là CDQL đã loan truyền những tiếng nói vô cùng đúng đắn và chính xác, tiến bộ của người dân. Những tiếng nói rất phù hợp với phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.
CDQL đã làm một điều đáng được đề cao và tán thưởng là phổ biến hình ảnh thực sự của dân nghèo, khác với sự tuyên truyền của Đảng và nhà nước Cộng Sản lâu nay là đời sống nhân dân đã được cải thiện. CDQL đã phổ biến những lời phản biện của nhân dân dù cho nó đi ngược lại với những lời tuyên truyền mị dân và chính sách quyết giữ độc quyền cai trị của Đảng.
Trang mạng CDQL ngày càng được nói đến nhiều vì những bài viết và hình ảnh có giá trị. Người dân vô đọc tin tức ở CDQL vì sự tò mò, vì những tin tức động trời mà khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Và người dân sẽ càng đọc nhiều hơn nữa nếu CDQL có thêm nhiều bài viết và hình ảnh liên hệ đến nhân dân và mang tính tương phản như những bài viết đề cập ở trên. Cho dù bất cứ thế lực nào đang đứng đàng sau CDQL, sức mạnh lớn nhất để quyết định vận mệnh nước nhà vẫn ở nhân dân Việt Nam. CDQL nên đi theo con đường vì dân đúng đắn đó.
Tác giả gửi tới Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét