Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Thư cho một bạn trẻ

Bạn quý mến, rất tiếc là tôi chưa được quen thân với bạn, nhưng tôi đã thấy bạn từ bục giảng của tôi, nghe bạn tâm tình qua những bức thư đầy bức xúc về đất nước, về tương lai, và về nhân loại nữa.
Qua đó tôi cảm nhận một nghịch lý: bạn vừa có niềm tin ở một tương lai xán lạn hơn, nhưng niềm tin ấy lại bị xao xuyến do cái hiện tại này. Bởi vậy, nhân dịp xuân về, Tết đến, trước hết tôi cầu mong bạn giữ vững niềm tin ấy, và có ít dòng tâm sự.
Trước tiên, một lời tạ lỗi...
Tôi không có “kinh nghiệm” hay lời dặn dò gì để truyền lại cho bạn, bởi vì tôi nghĩ mỗi thế hệ phải tìm một tương lai cho mình. Hơn nữa, dù nghĩ rằng chúng tôi (thế hệ trước các bạn) đã có nhiều cống hiến nhất định cho đất nước (chúng ta không bao giờ quên hàng triệu người thế hệ tôi, và trước nữa, đã hy sinh để mang lại độc lập, thanh bình và thống nhất cho tổ quốc), chúng tôi cũng đã có rất nhiều lỗi lầm, yếu kém...
Các bạn đang tiếp nhận một xã hội và một đất nước còn nhiều mảng tối, thậm chí có người sẽ nói là, về vài mặt, chúng có chiều đi xuống. Cụ thể, không ai có thể thành thực mà nói rằng nước ta có một nền giáo dục đáng hãnh diện. Và sông núi, ruộng đồng! Có ai dám nói rằng tất cả đều đẹp đẽ như xưa? Để lại cho các bạn một nền giáo dục như thế, núi sông như thế, có lẽ là “tội” lớn nhất của những người mà trách nhiệm là chuẩn bị cho tương lai các bạn, là gìn giữ giang sơn cho các bạn. Những người ấy là chúng tôi.
Tôi phải nhìn nhận rằng trong những năm gần đây, khi cơn lốc “thị trường” bao phủ lên đất nước ta thì (cùng với sự phồn vinh vật chất mà nó đem lại) một bộ phận không nhỏ chúng tôi, nhất là giới được xem là “trí thức”, đã tha hóa. Chúng tôi đã góp phần không nhỏ vào sự “chụp giựt” của cuộc sống ngày nay, một số không ít chúng tôi đã co cụm lại, chỉ lo cho gia đình, con cháu mình mà không nghĩ đến các bạn, thái độ đạo đức giả của một số chúng tôi hẳn đã làm nhiều bạn chán ngán. Một số chúng tôi đã có quyền, có lợi, nhưng chưa làm đầy đủ bổn phận với các bạn. Bởi vậy, trước hết, tôi có lời xin lỗi bạn, thế hệ trẻ. Tôi không dám thay mặt ai để xin lỗi, chỉ xin lỗi cho cá nhân tôi, song tôi nghĩ nhiều người ở thế hệ tôi cũng cùng một tâm trạng.
Nhưng dù hiện tại có thế nào thì tương lai cũng sẽ đến, và tương lai đó sẽ trong tay các bạn. Chẳng những tôi không biết hình tượng vật chất, cơ cấu xã hội hay thể chế kinh tế của tương lai ấy sẽ thế nào, tôi còn ngờ rằng bạn sẽ phải đương đầu với những vấn đề triết lý cực kỳ cơ bản mà tôi chưa thể hình dung. (Ví dụ như với sự tiến bộ của y sinh học, nhất là công nghệ nháy (cloning), đông lạnh thân xác..., tất sẽ có những câu hỏi: “con người là gì?”, “sự sống là gì?”). Mỗi thế hệ phải đi vào một tương lai hoàn toàn mới mà không thế hệ nào trước đó hình dung được. Dù vậy, có vài vấn đề mà tôi nghĩ sẽ là cái trục mà tương lai sẽ xoay quanh. Tôi xin chia sẻ với các bạn.
Toàn cầu hóa và dân tộc tính
Chúng ta đang vào một kỷ nguyên trong đó thế giới thay đổi với một nhịp độ và tầm mức chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, vùn vụt và sâu rộng. Đó là tiến trình vũ bão của cái gọi là “toàn cầu hóa” (gọi cho gọn, dù tôi không thích cho lắm cụm từ thời thượng này). Tin tức từ khắp nơi trên thế giới đến với mọi người từng phút, từng giờ. Các bạn đi du học, du lịch, gặp gỡ bạn bè, thân nhân, từ các nước về thăm nhà. Toàn cầu hóa đem lại cho bạn vô vàn cơ hội, và bạn nên sẵn sàng (trong tư duy cũng như trong kỹ năng) để tận dụng những cơ hội ấy (một việc cụ thể là trau dồi ngoại ngữ), nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề mà tôi mong các bạn cùng suy nghĩ.
Thứ nhất là sự giữ gìn dân tộc tính. Tôi không khẳng định là bạn phải bảo tồn dân tộc tính (cũng xin lưu ý các bạn rằng không phải mọi người đều nhất trí “dân tộc tính” là gì) nhưng tôi muốn chúng ta (bạn lẫn tôi) cùng suy nghĩ có nên “giữ gìn bản sắc dân tộc”, theo nghĩa nào đó, và nếu nên thì nên giữ phần nào, đến mức độ nào. Chọn lựa ấy đòi hỏi những cân nhắc khách quan (không để những sô-vanh phi lý chi phối) song cũng khó thể không chủ quan, bởi vì nó sẽ phản ảnh tình cảm (nào đó) đối với quê hương đất nước, nguồn cội của mình.
Trần Hữu Dũng là giáo sư kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ông chuyên về nghiên cứu kinh tế vùng Đông Á, đặc biệt là Việt Nam.
Giáo sư Dũng cũng là biên tập viên quản lý của cổng web nổi tiếng Arts & Letters Daily
Riêng về Việt Nam, ông là tác giả của website Viet-studiescập nhật thường xuyên các bài báo, báo cáo nổi bật trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.
Vươn ra với thế giới không có nghĩa là chúng ta sẽ xóa nhòa những đặc thù của văn hóa, của ngôn ngữ chúng ta, nhưng cùng với những cơ hội tràn vào từ ngoài là xu thế đồng hóa (tưởng tượng xem: đời sống sẽ dễ dàng biết bao nếu mọi người trên thế giới đều sử dụng... tiếng Anh!). Trong lúc đó, “dân tộc tính” (tạm gọi như vậy) là cái đặc thù. Làm sao để khai thác mọi cơ hội của toàn cầu hóa trong lúc giữ đến một chừng mực nào đó tính đặc thù, cái cá biệt của chúng ta, là một bài toán cho các bạn.
Thứ hai, toàn cầu hóa không có nghĩa là bạn không còn là một công dân của một nước. Nói cách khác, dù bạn có trở thành một “công dân quốc tế” thì bạn cũng vẫn là thành viên của một “địa phương” nào đó. Dù bạn có sang Âu, sang Mỹ sống thì bạn cũng phải đối diện với những vấn đề của cộng đồng, địa phương ấy... Đó không nhất thiết là một ràng buộc đạo đức nhưng là một yêu cầu xã hội thiết thân (và thiết yếu!). Chọn lựa sự dung hòa, kết hợp những trách nhiệm ấy, chính là đóng góp cụ thể vào sự xích gần nhau giữa người và người, xuyên qua lằn ranh quốc gia và chủng tộc. Nói như nhà xã hội học Ted Ward, bạn sẽ là thành viên của một nền “văn hóa thứ ba”.
Nếu bạn đã có dịp du học, hoặc đang du học, thì bạn thật là may mắn, và một quyết định mà bạn phải đối đầu là có nên về nước hay không. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe ý kiến tôi: điều đó không thật sự là quan trọng! Tôi tin rằng bạn đủ sáng suốt để quyết định cho chính bạn, bởi nó tùy vào hoàn cảnh, ngành nghề, của mỗi người, và nhất là - trong kỷ nguyên đi đi về về dễ dàng như hiện nay - nó không còn là một quyết định cho suốt đời bạn, không thể thay đổi sau này. Nhưng tôi nghĩ rằng nhu cầu “làm cái gì đó” cho đồng bào mình, nhất là khi đại đa số những người ruột thịt ấy vẫn còn cực kỳ nghèo khổ, là một ước muốn cơ bản nhất của con người. Cũng không nên xem hồi hương là “cống hiến” một chiều của bạn cho đất nước, bởi vì sống giữa lòng dân tộc bạn còn nhận được những tình cảm yêu thương, những ý nghĩa của sự sống, mà bạn không tìm được ở nơi nào khác.
Nhìn rộng ra, tôi nghĩ rằng khi mà sự tương phản giữa dân tộc và quốc tế mờ nhạt đi (vì sự di chuyển dễ dàng) thì những vấn đề tài nguyên, môi trường - nói cách khác là sự phát triển bền vững - sẽ trở thành sâu sắc, bức xúc hơn. Toàn cầu hóa, nhìn theo góc cạnh này, không có nghĩa là không còn biên giới quốc gia, cụ thể là không còn những tranh chấp giữa các quốc gia, dân tộc. Chỉ là, trong kỷ nguyên mới này những xung khắc cũ sẽ tái hiện qua những phương diện khác: tranh chấp về tài nguyên (nhất là năng lượng) và môi trường. Chúng ta phải tỉnh táo, không thể ngây thơ. Chúng ta chia sẻ những quan tâm của quốc tế, hợp tác để tìm những giải pháp chung cho nhân loại, nhưng cũng không quên những quyền lợi thực tế mà mỗi quốc gia đều phải bảo vệ cho mình, dù có toàn cầu hóa hay không.
“Hai văn hóa” và những giá trị nhân văn
Trên đây tôi đã nói về sự giằng co giữa cái đặc thù của dân tộc và cái chung của thế giới, một sự giằng co mà tiến trình toàn cầu hóa làm nổi bật, thậm chí căng hơn. Nhưng còn một bộ mặt nữa trong đời sống của chúng ta - và sẽ rõ hơn trong tương lai các bạn - đó là sự quan trọng của công nghệ trong sinh hoạt hàng ngày. Bộ mặt này sẽ gây ra một sự giằng co nữa, giữa một nền văn hóa dựa vào công nghệ, vào kinh tế thị trường, và một nền văn hóa nhân văn, đi sâu hơn vào con người, mà tượng hình là văn chương và nghệ thuật.
Gần nửa thế kỷ trước, tác giả C.P. Snow (người Anh) đã báo động về cái mà ông gọi là sự xung khắc của “hai văn hóa”: văn hóa nhân văn và văn hóa công nghệ. Dù cảnh báo này của C.P. Snow đã bị nhiều người cho là một báo động lầm, chí ít cũng là phóng đại (tư duy nhân văn và tư duy công nghệ tuy hơi khác nhau nhưng không tương phản như Snow nghĩ), nó là tiền thân của một bức xúc thời thượng: “liệu thị trường có xói mòn đạo đức?”. Cũng vậy, sự tranh chấp giữa hai “văn hóa” (theo cách nói của C.P. Snow): khoa học và nhân văn sẽ làm nổi bật sự xung khắc giữa văn hóa thương mại và văn hóa “ưu tú” (tạm gọi như thế). Nhiệm vụ của bạn sẽ không đơn thuần là bảo tồn những “giá trị cổ truyền”, nhưng là khuếch trương văn hóa nhân văn - một phần đó sẽ là văn hóa dân tộc, nhưng một phần nào nó sẽ đòi hỏi sự sáng tạo của các bạn, cố nhiên là với cái tố chất của dân tộc mình.
Sự hội nhập vào thế giới mang theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn, và có vẻ ngày càng trầm trọng. Cuộc sống hối hả, vội vàng, để lại cho chúng ta ngày càng ít thời giờ để suy nghĩ, nhìn lại nội tâm. Đó là thế giới của CNN, của Google, của Wikipedia... Chúng ta có thể tưởng là mình “biết” nhiều, nhưng đó là một thứ kiến thức manh mún, rộng mà không sâu. Thông tin tràn ngập song hầu hết là vô ích. Bạn nên nhín chút thời gian để lắng đọng, ngồi lại một nơi cô tịch để trầm tư.
Với sự tiến bộ của công nghệ thì vai trò của văn chương, nghệ thuật có phần bị lu mờ. Đây là một xu hướng toàn cầu mà nhiều trí thức khắp nơi đã báo động, than phiền. Tôi vẫn biết rằng không phải tất cả các bạn đều “kiếm cơm” trong lĩnh vực văn hóa. Các bạn sẽ là nhà kinh doanh, là kỹ sư, là nhà nông... nhưng tôi mong các bạn lưu tâm, và khuyến khích - ít nhất là trong cương vị một người “tiêu dùng” văn hóa - sinh hoạt ấy, bởi vì một xã hội không thể là “phát triển” nếu nó thiếu vắng những sinh hoạt văn hóa sống động, những người thẩm định văn hóa có trình độ. Và những người đó là bạn, chính là bạn, dù công việc kiếm cơm hàng ngày của bạn nằm trong lĩnh vực nào.
Thay lời kết
Trên đây tôi đã thử đưa một cái nhìn khách quan về những vấn đề mà bạn sẽ đương đầu, và tôi đã hứa sẽ không dám “dạy” bạn điều gì. Thế hệ đi trước bao giờ cũng có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi xin để những người khác, sống nhiều hơn và hiểu biết hơn tôi, truyền lại các bạn những kinh nghiệm ấy, và tất nhiên, sẽ có nhiều điều mà chính các bạn, cũng như những thế hệ trước, phải tự trải nghiệm. Tôi chỉ xin chia sẻ với bạn một số linh cảm của tôi về tương lai và gửi gắm vài hoài vọng.
Ở nước ta, sự chênh lệch giàu nghèo, những bất công trong xã hội, còn quá nhiều (và có vẻ ngày càng sâu đậm hơn!). Nếu bạn được may mắn là người khá giả ở thành thị thì thỉnh thoảng cũng nên nhìn đến những người mà đời sống vật chất khó khăn hơn mình (tôi không nói là “bất hạnh”, vì chắc chắn là họ không cần thương hại, và cũng chưa chắc là bạn hơn họ về tri thức, về những đức tính khác của con người). Phải nghĩ rằng chỉ vì một tình cờ nào đó của lịch sử mà bạn được như ngày nay. Tôi luôn nghĩ rằng một xã hội tươi đẹp - một xã hội đáng sống - là một xã hội mà mọi người đều có cơ hội tiến thân, một xã hội mà mọi người “tử tế” với nhau... Đối với những bạn đang có đời sống chật vật thì tôi chỉ xin bạn nhẫn nại và cố gắng, và hãy tin rằng không gì là không có thể...
Nhưng, bạn còn trẻ, trước mặt bạn còn là những ngày nồng ấm của yêu đương, hãy dìu nhau đi trong những buổi chiều hồng, hãy dành nhiều thời giờ cho những đứa con còn đang lớn, với người vợ trẻ, ông chồng chưa... già. Tuổi trẻ không chỉ là chặng đường chuẩn bị cho tương lai. Tuổi trẻ còn là một khoảng hiện thực của chính cuộc đời bạn, với những sướng vui mà bạn sẽ chẳng bao giờ tìm lại được. Bạn hãy tận hưởng tuổi trẻ ấy. Và ngay những lúc bạn... thất tình (hay ve vuốt thú đau thương?), bạn nên nhớ một điều: rồi tất cả cũng qua đi. Điều cần nhất là phải luôn luôn giữ gìn sức khỏe, và tránh những gì mà hậu quả sẽ làm bạn hối tiếc sau này.
Tôi mong rằng trong số các bạn đọc thư này hôm nay, rồi đây sẽ có người viết một bức thư như thế này cho một bạn trẻ khác, và nước Việt Nam - không, cả thế giới này - lúc ấy sẽ đẹp đẽ hơn, và bạn sẽ mãn nguyện về những đóng góp của bạn cho cuộc đời này, trong bất cứ lĩnh vực nào mà bạn chọn lựa.
Cái nguy hiểm là chúng ta sẽ nản chí, chua cay, cho là mình không thể làm gì được nữa... Dù hiện tại có vẻ ảm đạm như thế nào (và thực sự thì nó không ảm đạm như bạn tưởng!), khó khăn ra sao, chúng ta phải giữ niềm tin, và tích cực cùng nhau thực hiện niềm tin ấy, vì đó là bổn phận của chúng ta đối với chính mình...
Xin chúc bạn và gia đình một năm Kỷ Sửu đầy thành công và may mắn.
Trần Hữu Dũng
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét