Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

"Đèn Cù" - Chương 31

dc
Tôi đã cơ bản nói hết ý nghĩ và nhận định của tôi về Đảng. Gan góc này nhờ một phần nghĩ đến bạn bè tù đau khổ hơn: tôi sẵn lòng chung hưởng cảnh ngộ của các bạn, tôi đang nhờ các bạn để nâng bản thân lên. Nhờ câu của Trần Châu: “Họ sợ tinh thần chúng mình!”, nói với tôi một sáng ở sân báo Nhân Dân khi đám xét lại đã bị đánh tan tác, chỉ còn hai anh em chúng tôi ở lại đó. Còn nữa. Nietzsche nói khi đau khổ người ta nhìn thấu sự vật, Tôi đã nghĩ về câu này và thay tôi nhìn thấu rồi đấy. Nghĩa là tôi đúng. Phản đối Mao là quá đúng chứ! Phản đối bạo lực là quá hay chứ! Cách mạng Văn hoá yểm hộ tôi rất mạnh kia. Đấy, chiến hữu chí cốt đã cùng cực man rợ chưa, đấy, Đảng chỉ có lợi ích nhân dân mà nay dìm dân dìm nhau trong máu.
Tôi biết mấu chốt khai cung là tránh chi tiết, chi tiết làm nên nhân vật văn học mà. Khai cung cũng thế. Nhưng đôi khi tôi thoáng có ý trả hận. Khai thật ý nghĩ về Đảng – cố nhiên với một thái độ ra vẻ ân hận – cũng là một cách trút giận.
Tôi đã khai và ký vào biên bản rằng tôi nghĩ Đảng đã tha hoá, biến chất, aliéné (viết cả chữ Tây vào biên bản). Bởi hai nguyên nhân:
Một, đảng không cốt trung thực, chỉ cốt nhất trí. Đảng coi nhất trí với đảng là đạo đức quyết định tất cả. Thì sẽ đi tới tiêu chuẩn lô gích này: mày bụng dạ cứt đái ra sao tao bất cần, miễn mày nghe tao là mày sạch sẽ, thơm tho, còn ngược lại thì mày toi. Nhất trí, khoản đạo đức xem ra dễ phấn đấu để đạt tới nhanh nhất này mở đường cho dối trá trổ tài. Lẫn lộn nhất trí với trung thành là nguy hiểm. Và nếu cứ trung thành là đúng thì đã không có chữ ngu trung.
Hai, người phụ trách đơn vị, từ tổ trưởng lên đến uỷ viên trung ương quyết định lương cho cấp dưới. Chế độ này chính là nền móng vật chất của “nhất trí”, “ngậm miệng ăn tiền”, chủ nghĩa Mác-xít thành “chủ nghĩa mác- mít” – cái nồi cơm (tiếng Pháp: marmite) hay chủ nghĩa cơ hội và nịnh bợ.
Tôi nói tôi không thích chiến tranh. Không tất yếu phải đánh Mỹ. Đất nước phải thống nhất, đúng, nhưng có thể lấy thời gian thay cho máu chảy đầu rơi mà thống nhất không?
Tôi đã phê bình một số uỷ viên Bộ chính trị đạo đức giả, liêm khiết vờ, tả khuynh. Người ta hỏi anh đã đặt cho Nghị quyết 9 một cái tên? À, có, là la neuvième dodécaphonie – Loảng xoảng hưởng số 9, vì nghe chướng, ngược với Giao hưởng số 9. Tôi bảo khi chịu “điểm chỉ làm bố dượng tinh thần của Loảng xoảng hưởng số 9”, Trường Chinh đã nhận lấy vai trò mẹ Mao thay cho Duẩn để Duẩn rút khỏi cái tiếng tăm bắt đầu nghe không hay này. Trước cơn động đất chính trị bên Trung Quốc và tâm trạng hoang mang của cán bộ đảng viên, Duẩn bắt đầu nói đến vài sai sót của Mao. Vì thế tôi dự đoán và nhận định với vài anh em như Phạm Viết là để giữ uy tín cho mình, Lê Duẩn rồi sẽ sớm bỏ Trung Quốc, sẽ phải đưa các Mao-nhều ra khỏi Trung ương. (Ôi, ngây ngô).
Tôi không bao giờ nhận anh em và tôi đã lập tổ chức cũng như có âm mưu lật đổ hay làm gián điệp, tay sai của Liên Xô.
Nhưng nhiều khi bị vặn hỏi về hoạt động gián điệp của anh em, (“Anh đến Phạm Viết thấy trà uống nhiều thế mà không lạ ư? Liên Xô cho mới nhiều thế chứ!”) tôi không thể không sửng sốt. Nhưng tôi đã nói: “Nếu biết tiếng Nga thì tôi cũng làm gián điệp. Để làm gì à? Để cho bên ngoài biết thực trạng mà giúp ta thoát khỏi kìm kẹp của Mao”.
Người ta bảo vẽ sơ đồ tổ chức. Tôi vẽ. Hôm sau, Tuấn xem và nói thôi. Đúng, dê đực mà đẻ thì chúng tôi mới vẽ ra được cái sơ đồ suy luận ra ấy!
Có hai điều khai xong tôi khóc. Khóc thật lòng.
Một là tôi đã có những ý nghĩ hỗn láo với Cụ Hồ. Cho rằng Cụ đã thua Mao nhưng lại nống Mao-ít lên cho mà tha hồ hợm hĩnh đi vào chủ nghĩa dân tộc sô-vanh ngạo mạn, coi thiên hạ như bèo bọt. Ở Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua, Cụ mặc quần áo cánh, mặt đỏ au ra ca ngợi chính phủ ta anh hùng nhất vì bao nhiêu năm mà không thay đổi luôn như các nước khác. Nhìn cái dáng thanh thản tối ấy của cụ, tôi nghĩ cụ có ý mượn tích Gia Cát Lượng đánh cờ trên thành để cho thấy thế trận nhàn trong khi dân lao đao, khốn khổ bỏ cha.
Hai là nói tôi chán nhân dân ta vì “nhân dân ta anh hùng – không sợ bom đạn” nhưng lại thua Thằng Hèn. Hèn vì nhân dân ta khiếp sợ quyền lực, khuất phục từ tổ trưởng trở đi.
Tôi đã khóc vì thấy như mình thoá mạ bố mẹ. Sao lại bảo nhân dân ta hèn?
Nhưng nhận xét dân ta hèn trước hết là từ thể nghiệm bản thân. Tôi được tiếng ngay thẳng, dũng cảm thế nhưng tôi cũng đã nhiều phen sợ và đầu hàng bạo lực. Còn xung quanh, trong cán bộ, đảng viên? Tôi thấy người ta quá dễ dàng “sáng ra” để được ùa theo quyền lực, dù quyền lực ấy dối trá, nhổ rồi lại liếm.
Tôi đã nói tôi như bị “thất tình” với Trường Chinh. Với cả Cụ Hồ. Tôi từng coi hai vị là tấm gương trung thực. Rồi hai “vì sao sáng” như lời mẹ tôi bảo tôi ngoan để học tập thì nay hai “vì sao sáng” ấy đã mờ tối đi ở trong tôi từ Nghị quyết 9.
Trong “khai cung” tôi đã nói thật hết – của phần mình – chính là để tỏ cho họ thấy con người tôi nó như thế nào. Tôi đã nghĩ nhiều về nguy hại của “nhất trí”, khuôn đúc trí lự a dua, vơ vào, chỉ cốt được khen là trung thành, nhất trí không cần biến hoá, phát triển. Nghĩ như bị ám về tai hoạ năng lực lãnh đạo ngày một teo đi đến mức sau này, một lần Đào Năng An hỏi sao lãnh đạo cứ ngày một kém, tôi đã bật nói ngay:
– Do nguyên tắc tuyển người thay thế lãnh đạo phải theo cung bậc giáng thoái hoá, nghĩa là không tìm người kế tiếp ở trong những cái đầu ngang hàng mà đi đôn lên ở trong đám tay quân hầu đày tớ chuyên ăn theo, nói leo tức là trung thành, bởi đảng không cần năng lực mà chỉ cần ai giỏi bám theo vết xe cũ cho nên kết quả tất yếu sẽ là tay chân thay thế đầu như hiện nay rồi mai kia thay thế tay chân là đuôi. Sau đuôi đến gì vén lên sẽ thấy…
Tuấn, Côn còn bắt tôi khai “thủ đoạn bôi nhọ, hạ thấp uy thế Mao Chủ tịch”.
– Anh đọc báo của bạn chăm lắm mà…
– Vâng, chăm. Nhưng các anh hỏi để làm gì? – tôi hỏi.
– Trên ban muốn nghiên cứu thủ đoạn hạ uy tín lãnh tụ của anh.
A, hay là muốn bao che cả cho Trung Nam Hải? Tôi thầm thấy sướng là sẽ được nói lại chính những điều đảng viên Trung Quốc chửi lãnh tụ của họ.
– À, cái này dễ, – tôi nói. Nhân Dân nhật báo Trung Quốc một dạo đăng công khai các bài bọn xét lại phản động chửi Mao Chủ tịch, đại khái như loạt tạp văn của Đặng Thác trong nhóm “Thôn ba nhà” để công luận phê phán họ. Tôi đọc rồi đem kể thật rộng cho mọi người. Chẳng hạn bài “Bệnh hay quên”. Một người thời xưa đần độn hay quên. Vợ chán quá bảo đi kiếm thày mà học. Cưỡi ngựa, đeo cung tên đi nhưng giữa đường buồn ị. Tụt xuống ngựa ngồi vào ven đường thì chợt thấy mũi tên ở túi tên mình rơi ra. Bèn hốt hoảng kêu:
– Chí nguy! Kẻ thù rình rập. Kẻ thù mọi ngả. Âm mưu khắp nơi.
Định chạy trốn thì trông thấy con ngựa. Mừng quá kêu lên:
– A, cơ hội thuận lợi không bao giờ cạn.
Vội leo lên ngựa thì giẫm phải bãi cứt của mình. Than:
– Bài học lớn đây. Đừng bao giờ chủ quan cho là địch hết hãm hại…
Ngựa quen đường cũ quay về. Thấy chồng ở trước cửa, chị vợ rủa:
– Gã ngu độn kia, sao mới đi đã về hả?
Anh ta trả lời:
– Nương tử ơi nương tử, cớ sao ta mới gặp nương tử lần đầu mà nương tử lại nặng lời với ta?
Đặng Thác viết ngày xưa các cụ chữa bệnh hay quên bằng đánh một cái gậy vào đầu cho ngất đi rồi hắt một chậu máu chó vào mặt. Tỉnh lại được thì tốt không thì thôi. Ngày nay văn minh hơn, chữa bằng sốc điện. Tỉnh lại còn nói được tiếng người thì có thể cho tiếp tục phục vụ.
Tôi còn kể cho Tuấn một bài nữa. Một cái khe có một thân cây bắc làm cầu. Một gã đã qua được nửa cầu thì thình lình tụt xuống hai tay ôm lấy cây cầu, co chân lên, nhắm mắt lại mà giẫy mà hét: “Ôi thậm cấp chí nguy, chí nguy, kẻ thù tứ phía, âm mưu chúng bao phủ đen ngòm, hãy chống trả…”. Thật ra cái khe sâu có một mét và trời vẫn nắng, đời vẫn bình thường.
Khi tôi giải thích:
– Ý là chửi Cụ Mao cường điệu đấu tranh địch – ta, nhìn đâu cũng ra địch để kêu gọi chiến tranh, bạo lực.
Nom cáu ra mặt, chắc chạm nọc, Tuấn ngắt:
– Thôi, anh chả cần phải thêm thắt!
Sau này khi Hồng vệ binh đến nhà vây bắt, Đặng Thác đã nhảy lầu. Lúc ấy ông là phó bí thư Bắc Kinh. Nguyên Tổng biên tập Nhân Dân nhật báo, sử gia Đặng Thác chủ trương dân chủ ngôn luận rồi bị kỷ luật sau phong trào chống phái hữu. Bành Chân, bí thư Bắc Kinh kéo ông ở báo đảng về.
Có mấy cái mánh giúp tôi vượt qua được thử thách khai cung. Trước hết, như đã nói, tôi luôn muốn được chia sẻ cùng bạn bè đang tù. Nghĩ đến anh chị em là cách tự động viên không được sa ngã. Thậm chí còn tự dặn sẵn sàng theo anh em vào tù – mà điều này có khi lại làm cho tôi khuây khoả. Rồi những lời các nhà văn nói về dũng cảm.
Tình cờ trước khi đi khai cung, tôi đọc The green hills of Africa, Những đồi xanh châu Phi (hay Across the river and into the trees?) của Hemingway. Ông viết trong đó: Nếu không bị đi đày ở Xi-bia, Dostoievski có khi cũng chỉ là một nhà văn loàng xoàng nhưng rồi ông đã đau khổ. Thì đúng như Đốt từng nói trước đó: Muốn viết hay, phải đau khổ, đau khổ, đau khổ. (Lúc đọc câu này, tôi đã ngán ngẩm nghĩ mình thì đau khổ cái gì để mà viết được hay đây?. Hemingway viết trong Đồi xanh châu Phi: Nhà văn rèn luyện trong bất công như lưỡi kiếm. (Như thế này tôi đã được trui rèn như lưỡi kiếm chưa? – Tôi tự hỏi).. Và một câu nữa ở một quyển khác cũng của Hemingway – hình như trong Những hòn đảo trong hải lưu – “Dũng cảm là trang nhã trước khó khăn…”. và một mẩu trong dã sử xứ Daghestan: “Người ta hỏi: Trong thế gian cái gì ghê tởm nhất, gớm ghiếc nhất? – Một người run rẩy vì sợ. Người ta lại hỏi: Trong thế gian, cái gì ghê tởm nhất và gớm ghiếc nhất? – Một người run rẩy vì sợ…”. Tôi đã thường nhắc thầm lại trong đầu những câu này và tự xét đã run rẩy chưa? Chúng là những người bạn rất hữu ích.
Nhưng phải nói rằng còn có cả câu của Lê Đức Thọ: “Tớ nói cậu có ghi đây, cậu không làm sao cả, nếu cậu làm sao thì cậu cứ viết thư chất vấn tớ tại sao là người cộng sản tớ lại nói năng bất nhất?”. Và tôi nghĩ Lê Đức Thọ đã nói là dao chém cột.
Rằm trung thu, Trần Trung Tá lên xem tình hình khai cung của tôi. Chiều hôm ấy, Tá và tôi ra một ven đồi ngồi chuyện.
Ven đồi trước mặt, một dãy hồng, quả lúc lỉu, xanh câng câng như bằng sắt tây khiến tôi nghĩ đến bối cảnh trang trí sân khấu với màu vàng tà dương thoi thóp buồn trong Cậu Vania của Tchekhov tôi xem ở Bắc Kinh. Rồi tự nhiên nhớ con gái suýt bật nấc lên. Tá nói Hà Nội đang có vụ phê phán quyển Cái Gốc của Nguyễn Thành Long. Bài này xuyên tạc đất nước ta hết nhẵn đàn ông, mọi sự vào tay đàn bà tất. Tôi nói thế thì tội quá cho Long. Hội phụ nữ và Bác Hồ ca ngợi phụ nữ ba đảm đang, trung hậu, kiên cường, Long tin cậy nghe theo. Nay quay ra bảo anh ấy có dụng ý xấu mà đánh là oan cho anh ấy vô cùng. Tá nói anh bảo như thế nhưng với nghiệp vụ của mình, chúng tôi cứ phải cảnh giác, soi vào từng chữ.
– Anh là bạn thân của Nguyễn Thành Long? – Tá hỏi.
– Rất thân, tôi đáp. Anh ấy bị là vì quá tốt với Đảng. Hội phụ nữ và Bác Hồ bảo sao là cứ thế hưởng ứng… Tôi viết Bất Khuất cho Nguyễn Đức Thuận chắc các anh cũng soi từng chữ đấy nhỉ? – Tôi đùa.
Lúc ấy chưa nghĩ người ta ngờ tôi đã xúi Long. Cũng không biết người ta xếp loại tôi là phần tử xét lại hoạt động trong giới văn nghệ và Long, chốn tôi thường tới lui đã bị tôi tác động.
Tá ra về mấy hôm rồi tôi mới sực nhớ một lần Tuấn, Côn bảo tôi:
– Anh “hoạt động” trong văn nghệ sĩ gớm lắm!
Lại thấy họ đã đánh giá sai.
***
Trời đã lạnh, tôi nhận được chăn mỏng, quần áo. Và một giấy của Công đoàn báo Nhân Dân chứng nhận tôi là chồng Hồng Linh để tôi ký vào cho Hồng Linh được phá thai. Khi đi thẩm vấn rẽ qua chào Linh, tôi đã dặn Linh làm gì nếu xảy ra chuyện này. Chỉ có thể một con, hoàn cảnh của tôi, ai biết thế nào mà đẻ thêm! Linh đã từ Mai Dịch đi xích lô đến tận Chợ Bưởi để nạo thai. Chiều xích lô về. Rét run trên đoạn về dài dặc vắng ngắt.
Cung hỏi đã vãn. Tôi mượn xe đạp Côn đi chơi loanh quanh một sáng chủ nhật. Tình cờ đến Hoàng Xá, Quốc Oai lại vồ phải vợ chồng Trần Các đi thăm con sơ tán. Các níu tôi lại ở một quán nước. Anh cho một tin rất hay: Mỹ sẽ ngừng ném bom và ta thì sẽ ngừng đưa quân vào.
– Có đi có lại thế mới được chứ! – tôi buột miệng nói
Các hấp tấp nói:
– Có, ta phải ngừng đưa quân vào mà.
Các không giấu được mừng khi nói đàm phán có thể thành. Cũng rất mừng, tôi bảo anh:
– Đàm phán là tốt. Đánh Mỹ mà đằng lưng, đại hậu phương rối như canh hẹ và còn chưa biết lành dữ ra sao. Cứ ôm lấy ông anh đa sự này có ngày khốn.
Các nhay nháy mắt ờ ờ tán thành. Bốn năm sau, 1972, anh bảo tôi ở bến tàu điện Bờ Hồ khi tôi đang đi với Lê Đạt: Ông chống Mao là đúng, tôi tin lão ta là tôi sai. Nhưng tôi trung thực tôi nhận tôi sai. Họ không nhận sai là họ kém tôi…
Về lại Cần Kiệm, tôi bảo ngay Tuấn, Côn là sắp ngừng bom. Tháng 8 ngừng từ Quỳnh Lưu ra. Tháng 11 thì ngừng hẳn từ vĩ tuyến 17. Không nói đổi lại ta ngừng đưa quân vào, làm như ta thắng. Thế mà Tuấn nhếch mép mỉa mai:
– Ông ghê thật, vừa chạy đi một tý mà đã có tin giật gân. Khéo tin đồn nhảm đấy.
Tôi cười:
– Lạ nhỉ, báo tin Mỹ chịu ngừng bom là tôi báo tin thắng lợi chứ? Chiến tranh không ra ngoài Bắc, ngoài Bắc mới xây dựng chủ nghĩa xã hội được.
Bụng biết thóp Tuấn mắc nặng quan điểm không đàm phán với đế quốc của Mao.
Hôm sau Tuấn bảo tôi viết một bản nhận xét Hồng Hà. Tôi đã viết. Viết cả chuyện năm 1964, một sáng Thái Duy tức Trần Đình Vân đến báo tôi anh sắp đi Bê thì tình cờ Hồng Hà qua phòng khách. Vừa đi Trung Quốc với Hoàng Tùng về, thấy Thái Duy, Hồng Hà rẽ vào. Thái Duy nói anh ở nước bạn về chắc là phải có thuốc lá Bắc Kinh mời anh em chứ. Hà đưa ra bao Tam Đảo. Thái Duy lấy hai điếu rồi nói:
– Tôi hút một còn một để về triển lãm cho anh em Cứu Quốc biết anh Hồng Hà gương mẫu đến thế nào, đi nước bạn mà cứ hút thuốc ta.
Hồng Hà đi rồi, Thái Duy nói cha này vờ gỉỏi lắm. Trên rừng anh em đã nói hễ đến sông suối nào phải lội thì cha xắn quần nhanh nhất, hô lội to nhất nhưng bao giờ cũng qua sau cùng.
Thế nào mấy hôm sau, đài phát thanh nhắc đến Hồng Hà, nhà báo của đoàn đàm phán ta ở Paris. Tuấn cười hỏi tôi:
– Lẽ ra là ai, anh có biết không?
– Là tôi, – tôi nói.
– Sao anh biết?
– À, anh Thọ bảo tôi từ năm 1966.
Lúc ấy chưa biết tờ nhận xét của tôi đã đôn Hồng Hà vào trúng long mạch “nhất trí” mà Đảng cần. Người mà khóc trước đảng bộ và cảm ơn Mao Chủ tịch đã mở mắt ra cho nhìn thấy cách mạng thì đáng quý lắm. Giá như tôi khen anh thì chắc Đảng vất anh vào sọt. Mao Chủ tịch dạy đó: kẻ địch chửi ta là khen ta đúng, kẻ địch khen ta là chửi ta sai.
Tuấn lại nói:
– Anh Chính Yên hay kêu tiếc cho anh. Chúng tôi bảo anh Chính Yên là anh tiếc một, Đảng tiếc mười.
Tôi thấy hả. Phải tiếc chứ!
Có một dạo, cơm chiều xong tôi hay ra con đường một ngả lên đường 32 đến Phố Gạch, một ngả về Quốc Oai. Thường thấy một người vung cái vợt nan giang tay dẹp đè sóng luá.
Tôi nghĩ thời nguyên thuỷ không chừng những người mới rời đời vượn vẫn hay từ trên đỉnh núi kia, cho nay ngồi 108 vị La Hán, xuống đây, cánh đồng là đầm lầy, các vị bắt rắn nước xé ăn… Thế là chợt ngửi ra mùi nguyên thuỷ. Mênh mang, thăm thẳm… vương trên mặt các vị La hán. Một hôm, người vợt châu chấu hỏi tôi:
– Sao ngày nào cũng cứ ngồi nói chuyện mãi với nhau như thế chứ anh? Chuyện gì sẵn mà nói không cạn thế?
– Với nhau nào nhỉ?
– Đấy, anh nói, một bác nghe, một bác viết hí hoáy.
– À, tôi báo cáo tình hình nước ngoài, tôi ở bên đó về.
– Trước anh đã có một anh cũng ngồi nói như thế. Anh ấy ấy thở dài lắm. Tối toàn nằm vắt tay lên trán thở dài. Tình hình nước nào mà phải thở dài?
Tôi cười, không đáp.
Lại nói:
– Chúng tôi xung quanh thấy cứ bên nói, bên ghi cả tháng lạ quá nên để ý. Không phải tham ô. Càng không phải Việt gian. Là cái gì thế anh? (Cười rất hồn nhiên).
Tôi hỏi lại:
– Thế theo bác thì là gì?
– … Anh ấy à… Anh đừng giận nhá…, có nhẽ là làm giặc.
Thấy cái giọng chợt mượt mà, con mắt nhìn chợt cợt ghẹo, tôi đùa lại:
– Thế thì tôi ăn củ đậu mất.
– Không, không… Các cụ nói làm giặc với ăn cướp chứ không nói ăn giặc làm cướp. Xưa ở đây có một ông giỏi chữ làm giặc rất nổi tiếng rồi bị chém.
Tôi nghĩ: À, Cao Bá Quát, ông vợt châu chấu ca ngợi “giặc châu chấu”.
Đến đây phải quay về. Không nên kéo dài đề tài này.
Đồng lúa đang tối xẫm xuống, êm ả. Cứ thấy vui vui. Chả lẽ vì được coi là giặc? Đúng, chỉ nói ăn cướp, còn nói làm giặc. Làm ăn, hai chữ hay đi với nhau nhưng ở đây rẽ ra và nghĩa có khác. Sắc thái ngôn ngữ hay quá. Làm giặc là hành động có cả chí hướng tinh thần còn ăn cướp thì mục đích chỉ là ăn!
Nhưng vừa leo lên con đường đất đỏ rộng thênh thang cả một sườn đồi với những rãnh ngoằn ngoèo rất sâu dẫn vào làng, tôi chợt nhận ra mình vui chính là vì hai câu thơ cuối cùng của Cao Bá Quát chúng cựa quậy trong vô thức sau khi được chữ làm giặc của ông vợt châu chấu gọi nó dậy:
Ba hồi trống giục đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời
Tìm ra gốc vui thì lại rơm rớm nước mắt… Hai câu chửi triết học nhất tổng kết nhân sinh đắng cay; hai câu chửi tục tĩu, khinh mạn, mà khoan dung, trong kiếp người nhất, hiện đại nhất… Đối thật là hay với cái kiêu kỳ sang trọng:
Thập tải giao luân cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Mười năm giao lưu xa gần cầu mong kiếm cổ,
Một đời cúi đầu vái hoa mai.
Đi một lúc lại thấy họ Cao là người sớm nhạy bén với Tây phương như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ… Cao Bá Quát tự phê phán tích cực hơn. Phủ nhận chữ nghĩa của mình sau khi đi Singapore: Hướng tích văn chương đẳng nhi hí. (Xem lại văn chương ngang trò trẻ).
Ừ, hình như Cao Bá Quát khởi nghĩa ở Chương Mỹ.
Bữa đầu sơ tán bom Mỹ, Phan Kế An đưa tôi về đó tìm chỗ chạy cho cả vợ con An. An và tôi vào một khu vườn rộng, nắng chấp chới. Cồ cộ bay xè xè, trẻ con reo. Cồ cộ bay cao, cồ cộ bay cao và tôi rớm nước mắt, con gái tôi mới nửa tháng, nó sẽ là bạn của những cháu cởi truồng nhảy quẫng theo cánh cồ cộ vàng thẫm màu nghệ già, cái màu khiến các con cồ cộ lần đầu lọt vào mắt tôi hoá thành những sinh vật thời nguyên thuỷ, cái màu rừng hoang lạ của Gaughin. Mấy hôm sau xe com măng ca cơ quan đưa vợ con tôi về đây, chuyện duy nhất tôi hưởng. Xì xào ngay:
– Chống Cụ Mao mà Tamtam vẫn cứ cưng thế…
Tamtam tiếng Pháp là cái trống, được mượn chỉ Hoàng Tùng.
Đại khái như thế những ý nghĩ vụn của tôi những khi rỗi rãi thư nhàn tại cái nơi giam lỏng tôi…
Sau này hồi 1972, đi thăm vợ con sơ tán ở Chợ Bùng, quê Phùng Khắc Khoan, hay tắt lối qua mấy quả núi đá và một ngôi chùa rất dã sử – đúng hơn, mấy hòn non bộ phóng đại lên hàng tỉ tỉ lần – ở Yên Sơn, Quốc Oai tôi lại cứ nghĩ Cao Bá Quát có lẽ bị tử hình ở gần đây. Rồi không ngờ thế nào Trần Châu tù về lại đến ở hẳn đấy hơn ba mươi chín năm và rồi nằm xuống mãi mãi ở cạnh ngôi chùa hoang vắng, thanh bạch, hư vô đến nỗi làm cho ta chỉ có nhìn nó thôi mà đã ngỡ nhập thiền và biến đi đâu mất – Chùa Ngoài. Quá hay chữ Ngoài…
Tháng 5-2012, ngồi trên xe cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai về chốn quê thứ hai của anh, tôi chỉ nắm bàn chân trái của anh: xù xì, mốc meo… Tôi muốn lường được hết gian truân anh đã trải. Những năm gần đây, hễ cầm phone là anh lại nói:
– Đĩnh., mình vui lắm… Chả lẽ nói là như ra đời lần thứ hai.
Tôi hiểu. Anh là bên chính. Bên tà đang tháo chạy. Anh li bì. Con mắt nhắm nghiền. Mê rồi. Thở bình ô xi. Còn có trí tuệ hiện ra ở hàng lông mày bạc trắng hơi nhíu lại nghĩ ngợi một mình kia. Anh hay nói những lúc khó khăn mình đều có Đĩnh.
Nhưng lần này anh không thấy tôi ở bên cạnh. Mà ai bảo đây là khó khăn?
Anh Châu, thôi vĩnh biệt. Chúng mình đi với nhau như thế là trọn đời đấy.

Đón xem "Đèn Cù" - Chương 32


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét