Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Mỹ học bài học Việt Nam

isis0410

Hiểu biết về chiến tranh


Trong mọi đề tài người ký giả thường phải viết, chiến tranh là đề tài khó viết nhất, dù chỉ viết tường thuật, kể lại một trận đánh vừa xẩy ra giữa 2 lực lượng đối kháng. Chỉ tường thuật thôi, người viết cũng vẫn cần ý thức được danh nghĩa, hậu thuẫn, mục đích chiến tranh của mỗi lực lượng; nếu không đi xa hơn nữa là biết về lãnh tụ, đồng minh, và chiến thuật, chiến lược của mỗi bên. Những điều căn bản đó giúp bài viết chín chắn và sâu sắc hơn.
Ngày 22 tháng Chín 2014, ký giả David D. Kirkpatrick viết trên tờ New York Times:
“Sau suốt 6 tuần được không quân Hoa Kỳ liên tục oanh kích yểm trợ, mà quân đội Iraq cũng chỉ đánh lui quân IS trên vài điểm trong một phần tư lãnh thổ quốc gia bị IS chiếm đóng; nguyên nhân giải thích tình trạng đáng buồn này là các bộ lạc Sunni vẫn cứ đứng ngoài không tham dự cuộc chiến.
Mặc dù những cuộc không kích của Mỹ đã chặn đứng quân IS không cho chúng tiến về thủ đô Baghdad nữa, nhưng lực lượng khủng bố vẫn nện cho quân chính phủ nhiều đòn nhục nhã; như việc chính phủ Iraq nhìn nhận thị trấn Sichar vừa thất thủ, và họ cũng mất liên lạc với đơn vị gồm vài trăm binh sĩ bảo vệ Falluja, một thị xã lớn của tỉnh Anbar.
Nghị viên Ali Bedairi của tỉnh này nói 300 binh sĩ bảo vệ đồn Saqlawiya đầu hàng địch và bị địch xử bắn. Thủ tướng Iraq ra lệnh tống giam những sĩ quan có trách nhiệm trong việc thất thủ đồn Saqlawiya”.
Lối viết này được gọi là “một nửa sự thật” (half truth) – lối viết mà mỗi dữ kiện Kirkpatrick nêu lên trong bài báo đều có thật, nhưng toàn bộ lại không thật, cái kết luận (chê bai khả năng tác chiến của quân đội Iraq) lại chỉ là sản phẩm suy luận rất cá nhân của một mình anh, và cũng là sản phẩm của mặc cảm tự tôn thiếu chín chắn của một phóng viên chiến tranh Mỹ, viết về một trận đánh có sự tham dự của cả quân đội Iraq lẫn quân đội Mỹ.
Việc truyền thông Mỹ hạ nhục chính phủ và quân đội các quốc gia được Mỹ trợ chiến đã trở thành một loại truyền thống tệ hại, mặc dù trong thời gian đại học người phóng viên Mỹ được giáo dục rất kỹ về đức vô tư cần thiết trong việc họ tường thuật lại một diễn biến mà độc giả, khán giả của họ không thấy, không chứng kiến, và chỉ tin tưởng vào lời tường thuật của họ để biết sự thật, rồi từ đó suy đoán để có một nhận định nghiêm túc.
Kirkpatrick, 43 tuổi, không thực hiện đúng thiên chức đó, mặc dù anh là một phóng viên “có hạng” trong làng báo Hoa Kỳ, là trưởng phòng Cairo của tờ New York Times, và đã học đến cấp thạc sĩ về môn American Studies tại Yale.
Chỉ trong một đoạn ngắn trích bài tường thuật anh viết trên tờ New York Times, chúng ta đã có thể nhìn thấy vài điểm sai lầm, trong cái sai lầm toàn bộ của bài báo là không phản ảnh trung thực tình hình chiến trường. Nói cách khác, Kirkpatrick không làm tròn bổn phận của anh là cung cấp cho độc giả hình ảnh đúng về chiến trường Iraq, nơi mà Hoa Kỳ đang “tái đầu tư” nặng nề vào đó.
Trở lại với bài báo “Weeks of U.S. Strikes Fail to Dislodge ISIS in Iraq” (Nhiều tuần không kích, vẫn không đánh bật được quân ISIS ra khỏi Iraq) được chọn làm điển hình cho những bất cập–những điểm anh không đạt tới được–để làm tròn bổn phận của một phóng viên chiến tranh, chúng ta hãy đọc một đoạn khác Kirkpatrick viết: “Một binh sĩ kể lại, ‘chúng tôi thiếu lương thực; suốt 4 ngày không có một miếng gì vào bụng, nên đành tìm cách thoát thân’”. Kirkpatrick mô tả cuộc chiến đấu gian khổ của quân nhân Iraq, như điển hình tình trạng cố gắng đơn độc của quân đội và của chính phủ Iraq, bên cạnh thái độ ghẻ lạnh của người công dân Iraq, tín đồ Sunni. Anh viết: “Bên cạnh cuộc phấn đấu của quân chính phủ trên chiến trường là thái độ ‘đứng ngoài cuộc’ của nhiều bộ lạc Sunni–những bộ lạc mà cả Baghdad lẫn Hoa Thịnh Đốn mong mỏi sẽ đóng một vai quan trọng trong cuộc tranh chấp”.
Điểm sai thứ nhất trong đoạn trích dẫn tường thuật chỉ ngắn có 247 chữ, là Kirkpatrick không nói lên được thái độ cũng đứng ngoài của những công dân Iraq thuộc giáo phái Shiite–giáo phái đang cầm quyền. Nếu tín đồ của cả 2 giáo phái đều không có thái độ–ủng hộ hay chống đối–cuộc chiến tranh thì tình hình lại khác, lại tế nhị hơn, khó hiểu hơn, và cần được hiểu đúng, đánh giá đúng.
Một điển hình việc hiểu sai thái độ của người dân, là trường hợp Nam Việt–nhiều ký giả ngoại quốc viết là nông dân Nam Việt có thiện cảm với Việt Cộng, điển hình là gần 100,000 du kích quân Việt Cộng, không được Bắc Việt tiếp tế, vẫn sống được nhờ gạo của nông dân Nam Việt. Nhưng trong cả 3 trận đánh lớn những năm 1968, 1972, và 1975, người dân Nam Việt–trong lúc chạy trốn thảm họa chiến tranh–vẫn tìm sự an toàn dưới sức bảo vệ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng, năm 1975, một số lớn vẫn bỏ Việt Cộng, bỏ nền hòa bình sắt máu chúng tạo ra, bỏ cả mạng sống để nhẩy xuống Biển Đông, chấp nhận cái chết gần như chắc chắn để mong manh mưu tìm tự do.
Sai lầm thứ nhì nằm trong câu “quân đội Iraq cũng chỉ đánh lui quân IS trên vài điểm trong một phần tư lãnh thổ quốc gia bị IS chiếm đóng”; sai lầm nằm ở 2 chữ “đánh lui”; nếu hiểu biết về chiến tranh hơn, Kirkpatrick sẽ biết là quân IS không hề chiếm đóng thị xã Falluja hay tỉnh Anbar, để quân chính phủ có thể đánh lui họ và tái chiếm 2 địa danh này.
Cũng như trên chiến trường Việt Nam ngày xưa, truyền thông Mỹ tạo cho độc giả và khán giả của họ hình ảnh sai lầm là Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ kiểm soát các thành phố, cách tỉnh và quận lỵ, trong lúc quân Việt Cộng kiểm soát chiến khu C, chiến khu D, và chiếm lãnh 80% lãnh thổ Nam Việt.
Sự thật là quân IS và quân Việt Cộng không kiểm soát gì cả; một phần lớn lãnh thổ Iraq đang không nằm trong quyền kiểm soát của quân đội Iraq, cũng không nằm trong quyền kiểm soát của ai; ít nhất cho đến ngày Hoa Kỳ, hoặc chính phủ Iraq tìm ra sáng kiến nắm chủ quyền lãnh thổ mà không cần sự hiện diện của một đồn binh.
Chiến lược gia Hoa Kỳ và Iraq chưa có sáng kiến này, và tình trạng đó làm toàn bộ vấn đề kiểm soát lãnh thổ vẫn còn rất mơ hồ; nhưng trên thật tế 1/4 lãnh thổ không có đồn binh của chính phủ Iraq, không hề nằm dưới sự kiểm soát của IS, dù những viên chức Hoa Kỳ và Iraq tưởng như vậy.
Trong tình trạng thiếu rõ rệt của chiến trường Iraq hiện nay, nêu được vấn đề đó lên, là giúp giải quyết một nửa khó khăn. Tuy nhiên, muốn nêu lên được vấn đề cần nêu, Kirkpatrick cũng phải có một hiểu biết vững chắc về chiến tranh; và anh không có những hiểu biết đó.
Điểm nguy hiểm của người ký giả viết về chiến tranh mà không hiểu biết chín chắn về chiến tranh có thể ví với việc một giáo sư dạy khoa giải phẫu mà không biết giải phẫu là gì. Ví Kirkpatrick–và những ký giả, phóng viên chiến tranh khác–với một giáo sư, vì những điều anh và những người đồng nghiệp của anh viết ra được nhiều người đọc và tin tưởng; rồi tin tưởng đó tạo nhiều ảnh hưởng trên các chính khách có quyền quyết định về chiến tranh, và những tướng lãnh chỉ huy chiến tranh.
Trong trường hợp Việt Nam, họ–những ký giả và phóng viên bất tài, bất lực đó–đã tạo ra một quốc hội, và một quần chúng (độc giả, khán, thính giả truyền thông) chống lại cuộc chiến tranh chính nghĩa nhất mà Hoa Kỳ tham dự trong suốt 60 năm nay.
Trở lại với Kirkpatrick; anh viết: “Căn bản của kế hoạch Obama là tân thủ tướng Haider al-Abadi, và lời hứa của ông này là sẽ thành lập một chính phủ đáp ứng đòi hỏi chính trị của quần chúng và tái tạo thái độ yểm trợ của giáo phái Sunni. Một số người Sunni vẫn đang tác chiến trong hàng ngũ quân đội Iraq, tuy nhiên, nhiều tu sĩ Sunni vẫn chưa tin là chính sách đảng phái của chính phủ Iraq đang thay đổi”.
Abadi có khả năng tái tạo thái độ yểm trợ của giáo phái Sunni ư? Và vì tin lời Abadi mà Obama đưa quân Mỹ trở lại chiến trường Iraq ư?
Không chỉ lập luận hoang đường, kết nối bừa bãi mọi sự kiện vào với nhau, toàn bộ bài báo Kirkpatrick viết, không mang một giá trị tường thuật nào cả; anh chỉ vuốt đuôi, thảo luận quanh việc Tổng thống Obama đòi Thủ tướng Iraq al-Maliki từ chức, rồi mới yểm trợ quân sự, đẩy lui nguy cơ IS tiến chiếm Baghdad.
Sự mai mỉa đầu tiên là Kirkpatrick không cần có mặt tại Trung Đông để viết một bài báo chỉ mang giá trị biên khảo như vậy, và sự mai mỉa thứ nhì là, dù đang có mặt tại Iraq, đang nhìn thấy tận mắt, đang biết cuộc không kích hằng ngày của không quân Hoa Kỳ và đồng minh, truy diệt quân IS, anh cũng không có khả năng viết một bài báo khác có giá trị hơn về chiến tranh, vì gần sự thật hơn.
Anh không viết được về hiệu năng giới hạn của không quân, vì anh không biết là không quân không có khả năng tạo chiến thắng cho Hoa Kỳ; anh cũng không biết Hoa Kỳ cần những gì nữa để chiến thắng IS, hầu giúp Iraq vững mạnh, trong thế thù nghịch tôn giáo đang hoành hành trên cuộc sống chính trị của quốc gia khốn khổ đó.
Bài báo này kết thúc bằng lời mời gọi thanh niên, thanh nữ gốc Việt, của người viết–một phóng viên chiến tranh đã viết rất lâu, viết rất nhiều về chiến tranh Việt Nam–nhưng không hài lòng với việc mình làm. Người viết mời những người bạn trẻ này ghi tên học môn WAR STUDY, một môn học vô cùng thực dụng, nếu quý bạn có khuynh hướng phục vụ xã hội bằng ngòi bút.
Người viết bài báo này chỉ hiểu biết chiến tranh qua kinh nghiệm của một người lính, và qua những hiểu biết cần thiết học được từ quân trường, để điều hành chiến trường, và để chỉ huy đơn vị, chứ chưa bao giờ được học về chiến tranh qua lý thuyết và qua những nghiên cứu cổ, kim, vô cùng quảng bác.
Tại Hoa Kỳ, chiến tranh được dạy như mọi bộ môn văn hóa hay khoa học khác, và cũng dạy qua mọi trình độ từ cử nhân, đến thạc sĩ, và tiến sĩ chiến tranh.
Người viết ao ước có ngày được đọc bài của ký giả, tiến sĩ chiến tranh học Katherine Trần, Angela Phạm, hay Kevin Lý viết về chiến tranh, chính xác và giá trị đến mức giúp được Obama–và những vị tổng tư lệnh sau này của quân đội Hoa Kỳ–nhìn thấy việc Hoa Kỳ huấn luyện cho kháng chiến quân Syria là sai, vì huấn luyện viên Mỹ chưa bao giờ biết kháng chiến là gì cả. Họ chỉ lập lại cái sai lầm tại Việt Nam, là gửi cố vấn vào chiến trường Việt Nam, để 30 năm sau, một vị đại tướng Hoa Kỳ–tướng Norman Schwarzkopf–vẫn còn viết bài ca ngợi tài cầm quân của Đại tá Ngô Quang Trưởng.
Trong xã hội Hoa Kỳ nhiều diễn biến, anh ký giả, hay cô phóng viên không chọn đề tài để viết, nhưng nếu phải viết về một cuộc chiến đã giết hàng ngàn người và còn đang giết hàng ngàn người khác nữa như cuộc chiến tranh Iraq, mà chỉ viết cho có bài để đăng báo như anh Kirkpatrick viết, thì quả là đáng trách.
Nếu biết trước là anh sẽ sống với nghề viết báo, có thể Kirkpatrick đã không học khoa American Study, mà học WAR STUDY để giờ này viết những bài báo giá trị khiến từ Tổng thống Obama đến anh Abu Bakr al-Baghdadi–kẻ tự xưng là giáo chủ Hồi Giáo và tư lệnh lực lượng IS–cũng phải tìm cho bằng được để đọc.
Nguyễn đạt Thịnh
chientranhvn

Mỹ học bài học Việt Nam


Nguyễn đạt Thịnh
Từ khá lâu, đề tài “Bài Học Việt Nam” đã trở thành nhàm chán đối với dư luận Hoa Kỳ; mỗi lần quân đội Mỹ va chạm khó khăn, phức tạp, trên chiến trường ngoại biên, là một lần một vài học giả lên tiếng cảnh cáo “đừng quên bài học Việt Nam”.
Điều châm biếm là cho đến giờ này, vẫn chưa ai biết “bài học Việt Nam” thật sự là những gì. Mặc dù không ai biết, bài học này lại vừa được một giáo sư sử học – ông Fredrik Logevall dạy sử tại Viện Đại học Cornell – và một học giả chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam – ông Gordon M. Goldstein – nêu lên.
Hai học giả này viết chung một bài báo mang tựa đề “Will Syria Be Obama’s Vietnam?” (Liệu Syria Có Trở Thành Việt Nam của Tổng thống Obama không?).
Lần này có thể là lần thứ 1001 chiến tranh Việt Nam được sử dụng để răn những vị Tổng Tư lệnh Hoa Kỳ đang lâm chiến; răn bằng những lập luận của quyển sách giáo khoa VIETNAM WAR 101 đang được giảng dạy cho những sinh viên sĩ quan mới nhập ngũ, đang được huấn luyện tại trường Võ Bị West Point
Obama’s Vietnam là Việt Nam của Obama! Hai chữ Việt Nam đủ khiếp đảm để gợi lên một hình ảnh sa lầy, thất trận, cho người Mỹ. Không ai nói Obama’s France, hay George W. Bush’s Canada, vì Pháp và Gia Nã Đại chỉ là quốc hiệu của 2 nước đồng minh với Hoa Kỳ, cả 2 cùng không chuyên chở những hình ảnh mang một ý nghĩa nào nguy hiểm cho người Mỹ.
Trong tổng số 196 quốc gia trên toàn cầu, không quốc hiệu của một nước nào gợi nhiều kỷ niệm kinh hãi cho người Mỹ như 2 chữ “Việt Nam”.
Do đó, trận chiến Việt Nam – 41 năm sau ngày chính phủ Mỹ hốt hoảng tháo chạy – vẫn còn mang đầy đủ tính huyền thoại đối với người Mỹ, kể cả những người thông thái nhất, như 2 nhân vật vừa nêu tên ở đoạn trên. Họ thông thái như 2 ông thầy bói mù, mô tả con voi giống như một con đỉa khổng lồ, vì họ chỉ được anh quản tượng cho sờ cái vòi voi.
Câu mở đầu của bài báo viết, “50 năm trước Tổng thống Lyndon B. Johnson cho phép oanh tạc chiến lược tại một số mục tiêu trên lãnh thổ Bắc Việt; quyết định này là hành động leo thang trong cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á, mà tiếp theo là việc bộ binh Mỹ đổ vào chiến trường Việt Nam.
“Tháng trước, Tổng thống Obama quyết định mở rộng chiến dịch oanh kích, đang từ nội vi lãnh thổ Iraq, vượt biên giới Iraq sang lãnh thổ Syria. Liệu Obama có lập lại lịch sử và đưa bộ binh trở vào chiến trường Trung Đông hay không?”
Năm 1968 – năm giáo sư Logevall mới lên 5 – Tổng thống Lyndon B. Johnson phạm vào điều sai lầm đầu tiên của ông trong chiến tranh Việt Nam: ông tưởng Việt Cộng mạnh đến mức có thể đồng loạt tấn công trên 100 mục tiêu – các tỉnh lỵ, quận lỵ, dinh tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn,….
Trong Thế Chiến Thứ Nhì, quân Mỹ hay quân Đức – hai quân lực mạnh nhất thời đó – cũng không có khả năng tấn công đến 10 mục tiêu trong cùng một lúc; điều này làm Johnson tưởng lầm về sức mạnh quân sự của Việt Cộng.
Johnson càng lún sâu vào sai lầm sau khi nhận được yêu cầu của tướng William Childs Westmoreland – Tư lệnh chiến trường Việt Nam – xin tăng thêm 200,000 quân nữa vào quân số Hoa Kỳ đã nhiều đến nửa triệu người.
Dĩ nhiên, năm đó cậu bé Logevall, quan tâm đến chiếc xe đạp 3 hay 4 bánh của cậu hơn là những đoàn chiến xa M 48 của quân đội Mỹ đang sa lầy trên chiến trường Việt Nam; nhưng 45 năm sau – năm 2013 – Logevall đoạt giải Pulitzer về lịch sử với tác phẩm Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam (Đống Than Còn Đỏ Trong Lò Lửa Chiến Tranh: Cuộc Sụp Đổ Của Một Đế Quốc, Và Sự Hình Thành Của Yếu Tố Việt Nam Trong Quan Điểm Mỹ).
Không chỉ đoạt giải Pulitzer lịch sử Mỹ, tác phẩm này còn đoạt giải khai mạc Tủ Sách Mỹ tại Paris, giải Arthur Ross Book Award, và hiện đang là quyển sách đứng đầu trong những tác phẩm được tuyển chọn để tranh giải Cundill Prize.
Nhiều bình luận gia Hoa Kỳ đồng ý với Logevall trong so sánh giữa việc Tổng thống Obama mở rộng vùng oanh kích sang lãnh thổ Syria với việc Tổng thống Johnson mở rộng vùng oanh tạc từ Nam ra Bắc Việt.
Tuy nhiên, Obama vẫn khẳng định chính sách của ông là, để mặc các quốc gia Trung Đông tự bảo vệ lãnh thổ của họ, Hoa Kỳ chỉ trợ chiến bằng hỏa lực không yểm. Trong quan điểm của Obama, đây không chỉ là bài học Việt Nam, mà còn là bài học mới toanh trên 2 chiến trường Iraq và A Phú Hãn – 2 vũng lầy đã níu chân người lính Mỹ vào Trung Đông.
Đa số cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đều biết hiệu năng tuyệt vời của không quân Hoa Kỳ; chính hỏa lực không yểm của Mỹ đã giúp 1 sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa – Sư Đoàn 5 Bộ Binh – chống 3 sư đoàn chính quy Bắc Việt tại mặt trận An Lộc, năm 1972.
Chỉ cần 2 chiếc AC 130 đêm đêm bay yểm trợ, mà trên 20 chiếc T 54 và PT 76 đã bị phá hủy trên lộ trình 50 cây số từ biên giới Miên tiến vào lãnh thổ Việt Nam để uy hiếp An Lộc. Một chiến sĩ đánh tăng của địch – Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, hiện đang sống tại Houston – đã cùng với anh em quân nhân Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh diệt nốt 27 chiếc tăng cuối cùng của trung đoàn thiết kỵ 203 Việt Cộng.
Các chiến lược gia, sử gia Hoa Kỳ vì bỏ sót bài học An Lộc, nên đã không học được phương thức phối hợp tác chiến giữa bộ binh Việt Nam và không quân Hoa Kỳ, bài học có thể giúp Tổng thống Obama giải quyết số phận của đạo quân thánh chiến IS hiện nay. Phương thức phối hợp tác chiến này không chỉ thành công tại An Lộc, mà còn giúp giữ vững cả 2 mặt trận khác – Quảng Trị và Kontum – cũng đồng loạt bị địch bao vây trong cuộc tổng tấn công 1972.
Trở lại với bài báo của giáo sư Logevall; ông trích câu nói tuyệt vọng của Tổng thống Johnson, trước nhiệm vụ khó khăn của quân đội Hoa Kỳ, “Chúng ta chỉ có thể chiến đấu, nếu chúng ta còn nhìn thấy một tia hy vọng; nhưng trên chiến trường Việt Nam không thấy một thoáng hy vọng nhỏ nào cả.”
Logevall viết Johnson thất vọng trước tình trạng quân đội Hoa Kỳ không tiêu diệt được “quân nổi dậy Nam Việt”, và nói lên những lời than thở này vào đầu tháng Ba 1965—16 tháng sau ngày người Mỹ giết Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa – ông Ngô Đình Diệm.
Chỉ riêng trong câu nói ngắn này, Tổng thống Johnson cũng đã phạm 2 lỗi lầm – lỗi lầm thứ nhất mang tính chiến lược là quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa không đối đầu với “quân nổi dậy Nam Việt” mà đối đầu với quân đội Bắc Việt, được sự yểm trợ vô cùng dồi dào của 2 cường quốc Cộng Sản Nga và Trung Cộng.
Việt Cộng – lực lượng mà Logevall gọi là “quân nổi dậy Nam Việt” – chỉ là bức họa do Hà Nội vẽ ra; nếu hiểu đúng và chính xác như vậy, Johnson đã tấn công Bắc Việt, để triệt tiêu nguồn xuất phát của chiến tranh Việt Nam.
Lỗi lầm thứ nhì mang tính chính trị, là Hoa Kỳ giết vị lãnh tụ Ngô Đình Diệm của Nam Việt trong lúc ông ta đang chỉ đạo cuộc chiến tranh tiêu diệt “quân nổi dậy Nam Việt” bằng Ấp Chiến Lược, tiêu diệt bằng cách đoạn lương, không cho du kích quân Cộng Sản sống bằng cách xúc gạo trong khạp gạo của nông dân Nam Việt để tồn tại và đánh phá Nam Việt.
Tóm lại, phần đúng của bài học Việt Nam là sử dụng sức mạnh của không quân Hoa Kỳ, và phần sai là sử dụng bộ binh trong chiến thuật chống du kích – chiến thuật không thích hợp với kích thước kềnh càng của quân đội Mỹ.
Qua chiến lược không để lính Mỹ “chạm gót giầy xuống mặt đất Trung Đông”, Tổng Tư lệnh Obama tỏ ra là ông hiểu bài học Việt Nam – hiểu chính xác hơn 2 học giả Logevall và Goldstein, những người đang nhắc ông là “đế quốc Mỹ sụp đổ” chỉ vì sai lầm trong chiến tranh Việt Nam.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét