Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Sân bay Long Thành- sự vội vã tội lỗi


Mô hình sân bay Lonbg Thành- Hình sưu tầm Internet
Xây dựng đất nước và phát triển kinh tế tất phải có tầm nhìn và phải biết quy hoạch. Nhưng ở Việt Nam luôn bị hội chứng tầm nhìn. Mà nhìn thật xa, năm 2030, năm 2050.

Bệnh tầm nhìn: Sự hớt ngọn ăn trước

Lại nói về quy hoạch tầm nhìn 2030, 2050. Những đối tượng nào nằm trong ống kính tầm nhìn nhiều năm như vậy? Thông thường đó là những dự án quy hoạch đất đai phạm vi hàng trăm héc ta, và những dự án xây dựng giao thông hàng tỷ đô la.

Tại sao lại nhìn xa như vậy? Có hai lý do chính.

1. Một là, những dự án như thế rất nhiều tiền, nên bổng lộc phần trăm lại quả vô cùng lớn.

2. Điều quan trọng thứ hai là, đợi đến ngày cuối tầm nhìn để kiểm chứng thì người lập kế hoạch và thực thi đã mấy đời “cao chạy xa bay”. Không ai chịu trách nhiệm cho tầm nhìn viển vông nữa.


Bởi thế, quy hoạch gần thì khó mà quy hoạch xa lại dễ. Cũng giống như vẽ người khó hơn vẽ ma quỷ vậy.

Cho nên, trên thực tế, tầm nhìn ngắn thì thi công đường sá chưa xong đã lại đào lên, máy móc vừa mua về đã lạc hậu hư hỏng. Còn các dự án tầm nhìn xa thì phơi bày dở dang, ngoại trừ phần trăm lại quả thì đã bỏ túi ẵm trước.

Dẫn chứng như thế để thấy tại sao lại có trục “Tâm linh Ba vì – Ba đình”, hay dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trước đây, và bây giờ là dự án sân bay Long Thành.

Sân bay Tân Sơn Nhất: Còn lâu mới quá tải

Nếu những ai đã từng đi nhiều nước thì mới thấy buồn cho sân bay Việt Nam. Thua kém tụt hậu toàn diện, không có một tiêu chí nào đáng nêu, thậm chí khó đạt hạng trung bình. Việc hai sân bay Việt Nam bị xếp hạng trong nhóm 10 sân bay kém nhất châu Á hoàn toàn không oan uổng một chút nào. Thay vì phải cảm ơn kết luận đó để thay đổi chính mình, mong cùng sánh vai với các phi trường hàng đầu, thì lãnh đạo hàng không Việt Nam lại kêu oan không khách quan. Chừng nào còn lãnh đạo ngụy biện kiểu này thì hàng không Việt Nam còn không ngóc đầu lên ngang tầm với các nước được.

Cứ đến hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà quan sát thì thấy hành khách thưa thớt lèo tèo, kém xa cảnh nhộn nhịp của phi trường Singapore và Bangkok. Những ai hay đi lại không thể không tủi hổ cho sự èo ọt của các sân bay Việt Nam.

Không cần phải đưa ra những dữ liệu thống kê chi tiết, cũng chẳng cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, một doanh nhân có đầu óc quản lý kinh tế không khó gì mà không nhận ra sự kém hiệu quả đến tồi tệ của sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu giao cho tư nhân quản lý khai thác, nhắm mắt cũng khẳng định được sân Bay Tân Sơn Nhất sẽ đón được lượng hành khách gấp ba lần hiện nay từ 40-45 triệu lượt khách/năm, mà không phải dời đi đâu cả. Nếu không tin hãy giao cho tư nhân làm.

Tin vào hiệu quả kinh tế sân bay Long Thành: Khuynh gia bại sản

Việt Nam có nghề viết dự án. Điều này các doanh nhân và các nhà quản lý đều biết. Muốn hiệu quả nào cũng vẽ ra được. Vậy nên đừng nhìn và đừng tin vào những dữ liệu hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành. Nhìn vào chỉ mất thời gian. Tin vào hiệu quả thì khuynh gia bại sản.

Nếu lãnh đạo Hàng không Việt Nam tin vào hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành và lớn tiếng mắng nhiếc kẻ viết bài này ngoại đạo nói càn, thì đây:

1. Thách những ai cổ súy cho xây dựng sân bay Long Thành tự bỏ tiền túi ra đầu tư.
2. Hay kêu gọi được các nhà đầu tư xây dựng sân bay Long thành theo hình thức BOT.
Bậc trượng phu nói được làm được.Vậy thì xin các vị hãy khẳng khái đảm nhận đi
.
Sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Long Thành?

Thực ra câu trả lời đã quá rõ. Không cần phải chờ đến các nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ nói đến các nhà đầu tư Việt Nam, nếu họ là nhà đầu tư, không ai sẽ đầu tư cho sân bay Long Thành cả. Như đã nêu ở phần trên, các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam có thể khai thác sân bay Tân Sơn Nhất từ 40-45 triệu lượt khách/năm. Mà mức đầu tư sẽ thấp hơn nhiều so với con số mà lãnh đạo hàng không đang phóng lên để lấy cớ đầu tư sân bay Long Thành. 

Lời nhắn nhủ gửi bộ trưởng Đinh La Thăng: Hãy đút dự án sân bay Long Thành vào ngăn kéo
Thấy bộ trưởng trả lời phỏng vấn rằng với tư cách đại biểu Quốc hội sẽ băn khoăn khi ấn nút thông qua dự án sân bay Long Thành, nên tôi mới mạo muội gửi lời nhắn nhủ này. Thông qua dự án sân bay Long Thành dưới bình phong chủ trương, là một tội lỗi với muôn dân. Bởi lẽ:

1. Tiếp tay cho những người liên quan đến dự án rút tiền tiêu trước cho một dự án chưa cần thiết.
2. Tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội xâu xé sân bay Tân Sơn Nhất.
3. Làm cho ngành hàng không Việt Nam chậm phát triển.
4. Làm cho nền kinh tế quốc dân thêm thất thoát.
5. Đổ gánh nợ lên đầu con cháu.

Đất nước phải có những sân bay hiện đại hơn sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là điều đương nhiên. Nhưng câu hỏi đúng là: Bao giờ và ở đâu? Đừng vin vào tầm nhìn 2025 nên phải thông qua từ bây giờ. Đừng dựa vào bình phong cạnh tranh với các nước để duyệt tổng đầu tư lớn. 

Các đại biểu Quốc hội hãy dũng cảm lên

Quốc hội nước ta dường như có truyền thống phải thảo luận những việc của con cháu, phải phí thời gian cho nhiều điều vô nghĩa. Cũng như đường sắt cao tốc, dự án sân bay mới cho khu vực Sài Gòn nếu phải thông qua Quốc hội thì cũng phải sau năm 2030. Thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành bây giờ là một tội lỗi.

Các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đang ngồi trong tòa nhà siêu đắt ở Việt Nam với giá xây dựng hơn 100 triệu đồng cho một mét vuông, xin hãy dũng cảm nói không với sân bay Long Thành. Thông qua chủ trương cũng là đã thông qua dự án. Đừng mắc lừa những kẻ cơ hội núp dưới bình phong tầm nhìn phát triển đất nước để hớt ngọn dự án trục lợi, đưa đến gánh nợ nặng nề cho các thế hệ sau. Người dân đang trông mong vào sự day dứt lương tâm của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Vương Trí Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét