Tượng Giác Hoàng Trần Nhân Tông đặt trong tháp Huệ Quang
Quay lại ba bài thơ mà nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ gọi là ba bài thơ mùathu được anh trích dẫn và chuyển dịch (mới đăng trên Sáng tạo) do một nhà thơ cũng là một vị vua đời Trần sáng tác nguyên bản bằng chữ Hán cách nay đã 700 năm.
Trước hết tôi có chút ngạc nhiên vì thế hệ Nguyễn Lương Vỵ (sanh đầu thập niên ’50) chữ Hán đã vào hồi mạt lộ, có được một kiến thức cổ văn như anh chắc hẳn đã được truyền dạy từ một cơ duyên xuất phát từ gia đình, từ dòng họ, hoặc từ một vị thâm nho, một vị sư già mà đất Quảng nam không bao giờ thiếu.
Tôi vốn đọc thơ anh, cụ thể tập Năm chữ năm câu và biết anh là người hay chơi chữ, dụng chữ khá uyên bác, nên khi đọc ba bài thơ cổ được chuyển dịch thành ngữ Việt, tôi biết anh đã cân nhắc và khổ công biên tập để toát lên được hồn thơ của một thi nhân không phải chỉ là vì vua đã hai lần lãnh đạo thần dân đại phá quân Nguyên mà còn là vị chân tu hay ngao du sơn thủy và sáng tổ của một dòng Thiền lâu đời nhất Việt nam (phái Trúc Lâm/Yên tử).
Ba bài thơ chọn lọc mang âm hưởng mùa thu được vua Trần cảm hứng nhân đi vãn cảnh ở một số cảnh quan mà tôi ngờ rằng nằm trong chốn quê ở một nơi gần phủ Thiên Trường (Nam Định), nơi các vua Trần hay về ở ẩn sau khi đã nhường ngôì cho con để lên vai Thái Thượng hoàng.
Không gian cả ba bài đề vịnh đều là dịp đi vãn cảnh chùa, một ở làng Vũ Lâm, một ở thôn Châu Lạng và một có tên cụ thể là chùa Phổ Minh. Các địa danh đều nằm quanh một quần thể theo mô hình kiến trúc gần như phổ biến ở các chùa chiền làng quê vùng châu thổ Sông Hồng từ thời nhà Lý, cũng có chính điện nằm sâu phía trong, có tháp chuông phía cổng tam quan lối vào chùa, có cây đa, cây si nằm choán ngay mặt tiền có rễ nổi phủ cả nóc chùa và là nơi dừng chân ngơi nghỉ của bà con bá tánh. Phía sau chánh điện hoặc phía trước cảnh chùa như các cổ tự quê tôi luôn có một cái ao, có khi nhỏ như một ao làng, ao sâu cá lội sen thả quanh năm, có chỗ như một mặt hồ lớn như chùa Phổ Minh có cả một nhà thủy tạ khi vua dừng chân vãn cảnh rồi ngẫu hứng đề thơ.
Thời gian khai bút của chùm thơ đều là cảnh chiều tà lúc vầng thái dương ngả sang ‘vệt nắng chiều nhòa’, làm bật lên cảnh yên ắng, tĩnh mịch, tĩnh lặng của một cảnh chùa lúc trời vào thu. Mà thu nào thì cũng man mác lảng vảng hình ảnh của… mây thu xanh thẳm, nước thu trong biếc, ao thu lặng lẽ, gió thu hiu nhẹ, lá thu bay bay, ‘mây ướt sương mờ chuông chiều rơi’ tùy thời khắc trong ngày.
Diễn dịch thì như vậy, nhưng thấm sâu được ý, tứ, bối cảnh, cảm quan một cách sâu sắc thì phải đọc nhiều lần và đối chiếu nguyên bản. Tôi mê chùm thơ này có thể do phần dịch vì không phải lần này tôi mới đọc (mà tôi đã tiếp cận nhưng ít chú ý vì còn nhiều chi tiết thú vị hơn trong một tiểu phẩm sẽ nói ở phần sau), tự nhiên muốn tản mạn sang một chùm thơ khác cũng là ba bài vịnh tả về thu của Tam Nguyên Yên Đổ tức nhà thơ Nguyễn Khuyến mà học trò chúng tôi ai cũng phải thuộc lòng.
Đối chiếu ba bài Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm bằng thơ Nôm ở bảy thế kỷsau với ba bài cổ thi mà Nguyễn Lương Vỵ giới thiệu, ta thấy có cái gì rất chung mà rất riêng ở hai thi nhân; một ông vua ở ẩn, một thượng quan về hưu, một trí thức vương giả, một khoa bảng dân dã, một chân tu cầu tìm chốn thanh khiết, một lão trần vui hưởng chốn làng quê. Cả hai có khác biệt về dòng dõi, vai vế, thế đại, nhân sinh quan, nhưng dưới lăng kính của một nhà thơ họ có một góc nhìn khá tương đồng về cảnh vật và sự vật. Mà ở đây lại là cảnh thu, hương sắc và âm hướng của nó là nguồn cảm hứng vô tận của bất cứ ai muốn trở thành thi sĩ qua các thời đại, vì xét cho cùng mùa thu được kể là mùa của thi nhân.
Cho nên ý thơ trùng hợp đến lạ lùng, tứ thơ in dấu những sắc hình ảo ảnh lung linh vừa tịnh trên bề mặt vừa động trong bề sâu, vừa tinh tế vừa bình dị của một cảnh vật lúc chiều nhòa, của một cảnh chùa vốn là chốn thiêng liêng nhưng cũng thân thương với sinh hoạt dân quê miền Bắc, kết hợp với đình làng trở thành biểu tượng của một nền ‘văn-hóa-đình-chùa’ vùng châu thổ với kiến trúc tiêu biểu đặc trưng qua mái đình, cổng chùa (cửa tam quan) và cổng làng khi nhắc đến những ký ức làng quê của một thời thanh bình thuở trước.
Càng lạ khi một người sinh ra để làm vua và một người sinh ra để làm quan nhưng khi ngẫu hứng trước cảnh non nước hữu tình thì cả hai hồn thơ đều nhìn về một góc, cái gì được diễn tả trong thơ Hán lại được lập lại trong thơ Nôm, các hình tượng phản ánh cảnh thu sau trở thành ‘mô típ’ trong thơ vẫn bàng bạc qua nhiều thế kỷ, nếu họ không là những khuôn mặt lớn trong thi ca, ta tưởng họ đã ‘đạo thơ’ của nhau; gió hìu hiu/phong đinh, mây phủ/vân nhàn, nước biếc/thuỷ minh, lá bay/diệp lạc, ao thu/ thủy lưu, thuyền câu/ngư thuyền…cái khéo và cái khác biệt là khi chọn từ xếp chữ theo luật thơ một bên dùng văn chương bác học một xử dụng ngôn ngữ dân gian tùy thời điểm họ đang sống và sáng tác.
Nếu Nguyễn Khuyến được kể là nhà thơ lớn của đầu thế kỷ 20, thì qua mấy vần thơ tiêu biểu của Trần Nhân Tông ta không thể phủ nhận hồn thơ và thi tài của một vì vua ở thế kỷ 13. Chính vậy mà người viết không đủ tài để luận bình thêm mà xin miên man sang thân thế và sự nghiệp của Người, một khuôn mặt có chỗ đứng nhất định trong lịch sử Việt của một thời có giặc ngoại xâm mà tài lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của ông xa hơn cả thi tài và tác phẩm để lại.
Cũng là một cái duyên cách đây ba năm tôi được anh Phan Tấn Hải, Chủ bút Việt Báo tặng cho một cuốn sách quý. Đây là một tiểu phẩm vì có số trang nhất định (khoảng 160 trang cả hai phần song ngữ Việt-Anh), tựa đềTRẦN NHÂN TÔNG, Đức Vua Sáng Tổ Một Dòng Thiền. Tôi đọc và chú ý phần dịch thuật của tác giả dưới bút danh Nguyên Giác, một người tôi mến mộ về tài dịch thơ của anh đặc biệt qua những bài thơ chọn lọc của nhiều thi sĩ hải ngoại (có cả thơ NLV). Qua tiểu phẩm này anh đi vào một thách thức mới khi dịch thơ và phú của một nhà thơ cổ văn uyên bác mà tôi nghĩ anh vốn khâm phục về kiến thức thâm sâu vừa Thiền học vừa Phật học của Trần Nhân Tông. Sách quý không bán, anh dành tặng cho giới trẻ Việt nam và các độc giả tín hữu quen dùng tiếng Anh để hiểu thêm về vị vua cao tăng đời Trần.
Nhiều giai thoại khá thú vị về ông vua Trần trong sách này. Trước hết về cuộc đời,Trần Nhân Tôn được tập làm vua từ khi 16 tuổi, sau nhiều lần cố từ để nhường lại cho em, thậm chí trốn khỏi hoàng cung, định tìm về núi Yên Tử để tu tập, bị phát giác lại quay về để…làm vua. Vốn có căn tu hay ăn chay, thân thể gầy yếu khiến vua cha phải khóc khuyên con ăn uống giữ gìn sức khỏe còn lo việc nước. Thiếu thời rất thông minh, ham đọc cả sách kinh lẫn sách đời, hay tham vấn các bậc thiền sư và sau này chính người cũng là sáng tổ một dòng Thiền.
Hai mươi tuổi lên ngôi Hoàng đế, chưa đầy ba mươi đã phải gánh vác trọng trách lịch sử hai lần chống lại quân Nguyên Mông (1285, 1288). Nổi tiếng về tài lãnh đạo khi lấy dân làm gốc, biết trọng dụng người tài, đã triệu tập hội nghị Diên hồng lấy ý kiến bô lão nên hòa hay nên chiến, rồi chủ trì hội nghị Bình Than gồm tướng lãnh vương hầu bàn kế sách đánh giặc ra sao. Tất nhiên người ta cũng không phủ nhận có công của vua cha (Trần Thánh Tông) trong vai cố vấn và Hưng Đạo vương (Trần quốc Tuấn) về tài quân sự trong chiến công hiển hách này.
Khi giặc tan, người trị nước thêm 5 năm nữa rồi nhường ngôi cho con lên vai Thái thượng hoàng. Vốn có chân tu, người thôi việc nước ở tuổi 41, tìm đường về lại Yên Tử tu tập, thiền định rồi sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm tồn tại bảy thế kỷ nay.
Từ cuốn sách này Nguyên Giác cũng tham khảo và dựa trên các công trình biên khảo và dịch thuật từ Hán văn của các nhà sư thâm nho và phật học (GSTS Trí Siêu Lê mạnh Thát, Thiền sư Thích Tịch Chiếu, HT Thích Thanh Từ…) để trích dẫn về thơ và phú của nhà vua. Đáng chú ý có hai bài phú (viết thể văn vần không theo luật thơ) rất dài như hai kịch bản ngắn và 35 bài thơ tiêu biểu, trong đó có cả ba bài vịnh cảnh thu (nhưng không được xếp thành chùm) như ta vừa bàn. Có hai câu thơ trong bài Tức sựvỏn vẹn 14 chữ (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng) tôi không ngờ là của người.
Ngoài tài làm thơ, tài dạy dỗ và lý giải kinh kệ sao cho dễ hiểu, vua Trần dụng công khá nhiều cho việc quảng bá công dụng của lối tu tập rèn luyện tâm, trí, thể qua phương pháp thiền định mở đường cho một dòng Thiền có tên Trúc Lâm trong vùng Yên Tử vừa lâu đời vừa tồn tại cho đến ngày nay.
Bài viết có hạn nên chỉ xin trích dẫn mấy câu trong một bài phú của vua từ khi còn là Thái tử Khâm cho đến khi trở thành một cao tăng Sáng tổ một dòng Thiền, nhân sinh quan của Trần Nhân Tông vẫn trước sau như một,
Công danh chẳng trọng
Phú quý chẳng màng
Tần Hán xưa kia
Xem đà hèn hạ
Yên bề phận khó
Kiếm chốn dưỡng thân
Khuất tịch non cao
Náu mình ở ẩn
Người viên tịch ở tuổi 51, ngắn ngủi so với đời người nhưng lại là viên mãn với một nhà vua-nhà thơ-thiền sư-cao tăng uyên bác khi đã làm trọn việc đời việc đạo của một kiếp người trong chốn nhân gian.
Đỗ Xuân Tê
Cali, cuối thu 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét