Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

“Hãy Phá Đổ Bức Tường Ô Nhục”

I. TỔNG QUÁT
1
Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc diễn văn trước Cổng Brandenburg ở giữa Bức tường Berlin ngày 12 tháng 6 năm 1987, mà trong đó ông thách thức nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov: “Hãy phá đổ bức tường này !”
Ngày 9-11-2014 năm nay đánh dấu 25 năm bức tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ. Bức tường bị đập nát trong niềm hân hoan của người dân Đức dưới hai chế độ.
“Hãy phá đổ bức tường nầy” (Tear down this wall) là một phần trong bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan mà trong đó ông thách thức nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường Bá Linh.
Bài diễn văn đọc tại cổng Brandenburg, cạnh bức tường Bá Linh vào ngày 12-6-1987. Reagan đã thách thức Gorbachev hãy phá bỏ bức tường để thể hiện sự ước muốn của Gorbachev trong việc làm gia tăng sự tự do trong khối Xô Viết, mặc dù bức tường là của Đông Đức, nhưng Hoa Kỳ xem Đông Đức như là một chánh phủ bù nhìn tay sai của Liên Xô.
Bài diễn văn do Peter Robinson soạn, mặc dù bị Bộ Ngoại giao HK, Hội Đồng An Ninh Quốc gia và Phó cố vấn an ninh là tướng Colin Powell chống đối mạnh mẽ, nhưng Tổng thống Reagan vẫn đọc.
Những câu nói nổi tiếng nhất trong bài diễn văn như sau:
“Tổng bí thư Gorbachev, nếu ông muốn mưu tìm hoà bình, nếu ông mưu tìm thịnh vượng cho Liên Xô và Đông Âu, nếu ông mưu tìm giải phóng, thì hãy đến nơi cổng nầy, ông Gorbachev, hãy mở cổng nầy. Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường nầy!”.
(“General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union and Eastern Europe, if you seek liberation, come here to this gate. Mr Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev tear down this wall!”)
Vào ngày 18-10-1989, nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker từ chức và vào ngày 9-11-1989 các nhà lãnh đạo mới, đã nới lỏng hạn chế, cho dân Đông Đức được rời khỏi quốc gia, và ngay lập tức, đánh dấu sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh (Berlin), chính thức vào ngày 10-11-1989.
II.CHI TIẾT
1* Bức Tường Bá Linh
Bức Tường Bá Linh (Berlin wall) là bức tường ngăn chia thành phố Bá Linh ra làm hai, một bên thuộc về Đông Đức là chế độ độc tài Cộng Sản, lệ thuộc vào Liên Xô và một bên thuộc về thế giới Tự do của Tây Đức.
Điểm đặc biệt đáng chú ý là thành phố Bá Linh nằm sâu 160km trong vùng kiểm soát của Cộng Sản Đông Đức.
Bức Tường Bá Linh được thế giới gọi là “Bức Tường Ô Nhục” do Cộng Sản Đông Đức dựng lên để ngăn chận, không cho người Đức trong vùng bị Cộng Sản chiếm đóng chạy trốn sang Tây Bá Linh.
Cuộc chạy trốn được gọi là việc “Bỏ phiếu bằng chân”. Người Việt Nam chuộng tự do bỏ phiếu bằng ghe trong phong trào Thuyền Nhân sau năm 1975.
Người lính đông Đức Hans Conrad Schumann liều mình nhảy qua hàng rào dây thép gai để sang Tây Berlin ngày 15/8/1961
Người lính đông Đức Hans Conrad Schumann liều mình nhảy qua hàng rào dây thép gai để sang Tây Berlin ngày 15/8/1961
Từ năm 1949 đến năm 1961, đã có 2.5 triệu người từ Đông Đức và Đông Bá Linh chạy trốn chế độ Cộng Sản, sang Tây Bá Linh và Tây Đức. Sự việc nầy làm mất mặt mũi lãnh đạo đảng CS Đông Đức và bôi đen chế độ, đồng thời dân chúng sẽ chạy trốn hết, không còn người để xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, cho nên, ngày 13-8-1961, Bức Tường Ô Nhục được dựng lên để nhốt dân ở Đông Đức.
2* Tóm lược về thành phố Bá Linh
Bá Linh (Berlin) là thủ đô cũ của nước Đức. Sau khi quân Phát xít Đức của Hitler thua trận, đầu hàng trong Thế Chiến II, thì nước Đức chia làm 4 vùng chiếm đóng, theo thoả thuận của Hội Nghị Yalta ngày 4-2-1945.
Thủ đô Bá Linh cũng được chia làm 4 phần. Một phần thuộc Liên Xô chiếm đóng và 3 phần do Hoa Kỳ, Anh, Pháp cai quản.
Điểm đặc biệt là thành phố Bá Linh nằm trọn trong lãnh thủ do Liên Xô chiếm đóng.
Stalin của Liên Xô muốn chiếm trọn bộ Bá Linh, nên đã bao vây thành phố nầy bằng cách ngăn chận tất cả các ngỏ ra vào đường bộ và đường xe lửa.
Tây phương không nhượng bộ. Không lực Hoàng Gia Anh và Không Lực Hoa Kỳ lập cầu không vận, chở lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, nhiên liệu đến cho người Đức ở phía Tây Bá Linh.
Cuộc phong toả kéo dài kể từ ngày 26-4-1948 đến ngày 11-5-1949. Hoa Kỳ và Anh Quốc đã thực hiện 200,000 chuyến bay trong một năm, chuyên chở 13,000 tấn lương thực và nhu yếu phẩm cho Tây Bá Linh.
Cuộc phong toả Bá Linh của Liên Xô thất bại. Chấm dứt ngày 11-5-1949.
3* Xây dựng bức tường Bá Linh
Nếp sống văn minh, dân chủ và phồn vinh thật sự của Tây Đức và Tây Bá Linh làm cho khối Cộng Sản cảm thấy nhột. Những lời tuyên truyền láo khoét về thiên đàng Cộng Sản làm cho họ tự cảm thấy xấu hổ, mắc cở miệng.
Nhà sử học Taylor cho biết dân số Đông Đức 17 triệu thế mà từ năm 1949 đến 1951 đã có hơn hai triệu người rời bỏ thiên đàng Cộng Sản. Vì thế, các đồng ấy bèn xây bức tường ô nhục để giam hãm đồng bào của họ.
Trong đêm 12 rạng sáng ngày 13-8-1961, 5,000 quân đội, 5,000 cảnh sát, 4,500 công nhân bắt đầu phong tỏa những con đường đến Bá Linh. Quân đội Xô Viết đặt trong tình trạng báo động.
Erich Honecker lãnh đạo kế hoạch và bắt đầu xây Tường Bá Linh ngày 13-8-1961.
Trong vòng một tháng đầu, tháng 9 năm 1961, chỉ riêng lực lượng canh phòng đã có 85 người đào ngủ trốn sang Tây Bá Linh. Ngoài ra, 400 người chạy trốn thành công trong 216 lần.
Bức tường được trang bị và củng cố bằng nhiều hệ thống hàng rào kẽm gai, hào hố, vật cản đường xe tăng, các đường tuần tra và những tháp canh.
Có 1,000 con chó “đặc nhiệm”. Các ngôi nhà gần bức tường bị giật sập. Nhà thờ gần đó cũng bị san bằng.
Theo tài liệu của Bộ An Ninh Quốc Gia Đông Đức, thì bức tường gồm có:
– 41 km 91 tường có chiều cao 3 m 60
– 58 Km 95 tường có chiều cao 3 m 40
– 68 km 42 hàng rào kim loại có chiều cao 2 m 90 dùng làm vật cản dựng trước bức tường.
– 161 Km đường đi có hệ thống chiếu sáng.
– 113 Km 85 hàng rào có hệ thống báo động tự động.
– 186 tháp canh.
– 31 cơ sở chỉ huy.
Lực lượng biên phòng Đông Đức ở Bá Linh gồm có:
– 11,500 quân nhân và 500 nhân viên dân sự.
Ngoài Bộ Tham mưu đóng ở Bá Linh, lực lượng nầy bao gồm 7 trung đoàn và 2 trung đoàn tập huấn.
Mỗi đơn vị nhỏ có công binh, truyền tin, vận tải, súng cối, pháo binh, súng phun lửa, chó đặc nhiệm. Có hơn 156 xe bọc thép và 2,295 xe cơ giới các loại.
Trong tổng số 156 Km 400 biên giới với Bá Linh, có 43 Km 700 nằm trong thành phố Bá Linh và 112 Km 700 nằm trong tỉnh Potsdam.
Hệ thống bảo vệ biên giới giữa Đông và Tây Đức, bao gồm thành phố Bá Linh:
– Tường bê tông hay rào sắt cao từ 2m đến 3 mét.
– Dưới đất có hệ thống phát tín hiệu khi chạm vào.
– Rào sắt cao hơn đầu người có gắn kẻm gai và dây báo động.
– Có chó đặc nhiệm, hào hố cản xe tăng và xe cơ giới.
– Tháp canh tổng cộng là 302 tháp.
– Bức tường Bá Linh nằm trong hệ thống bảo vệ biên giới giữa Đông và Tây Đức.
– Hệ thống bảo vệ biên giới có chiều rộng từ 30 mét đến 500 mét tùy thuộc vào địa hình.
– Mìn và súng bắn tự động được thiết kế.
4* Nạn nhân
                 Tưởng nhớ các nạn nhân của Bức tường Berlin (ảnh chụp năm 1990)
Số người chết dưới chân tường trên đường tìm tự do đến nay chưa được biết chắc chắn vì nhà nước CS Đông Đức che đậy có hệ thống.
Theo tin của tổ chức “13 tháng 8″ thì số người thiệt mạng là 1,135. Theo điều tra của Phòng Tổng Kiểm Soát (Staatsanwaltschaft) thì có 270 người bị nhà nước Đông Đức hành hình dã man. 421 người vượt tường bị hạ sát.
Nạn nhân đầu tiên tên Ida Siek chết ngày 22-4-1961, vì tại nạn khi nhảy từ cửa sổ của một căn nhà qua bức tường.
Vào ngày 24-8-1961, những phát súng đầu tiên đã bắn chết Gunter Litfin, 24 tuổi khi anh cố vượt qua tường.
Năm 1966, hai trẻ em 10 tuổi và 13 tuổi bị bắn chết trên đường đào thoát với tổng số 44 phát đạn của lính biên phòng.
Nạn nhân cuối cùng là Chris Gueffroy bị bắn chết ngày 24-2-1989. Nhưng đáng chú ý và gây xúc động nhất là cái chết của Peter Fechter. Peter sinh ngày 14-1-1944, là một thợ hồ ở Đông Đức. Peter cùng bạn là Helmut Kulbeik quyết định chạy trốn sang Tây Bá Linh, chỉ cách nhau có một bức tường cao 2 mét, có kẻm gai quấn ở trên.
Trưa ngày 17-8-1962, một năm sau ngày bức tường hoàn thành, Họ trốn trong một xưởng gổ để theo dõi lính biên phòng.
Cả hai cùng chạy ra và leo tường. Lính Đông Đức xả súng bắn. Kulbeik nhảy thoát được qua Tây Bá Linh. Fechter bị bắn vào lưng bị thương té xuống. Fechter khóc lóc, kêu cứu thảm thương, nhưng lính Đông Đức vô cảm bỏ mặc. Tiếng kêu khóc và rên rĩ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Chết vì mất máu.
Trong lúc đó, bên Tây Bá Linh hàng trăm người kéo đến bức tường, phẩn nộ, la hét và chữi to là “Lũ Cộng Sản giết người!”.
Sau khi Fechter chết, nhiều người ở Tây Bá Linh thương tiếc, ông tỉnh trưởng Tây Bá Linh đến chân tường đặt vòng hoa tưởng niệm Fechter.
Mặc dù lính CS Đông Đức được lịnh bắn hạ tất cả những người vuợt tường, kể cả đàn bà và trẻ em, nhưng đã có 5,000 người liều mạng leo qua tường trốn thoát đưọc. Và có khoảng 200 người bị giết chết.
Có khoảng 75,000 ở Đông Đức phải ra toà án vì tội chạy trốn, mà theo điều “88” của Bộ Hình luật thì bị 8 năm tù giam. Cũng giống như tội vượt biên ở VN vậy.
5* Bức tường Bá Linh sụp đổ
Bức tường sụp đổ vào đêm 9 tháng 11 rạng sáng ngày 10-11-1989.
Nhiều nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ là:
* Nhiều cuộc biểu tình tuần hành rộng lớn ở Đông Đức, dân chúng yêu cầu được tự do đi lại giữa Đông và Tây Đức, thực chất là đòi tự do, chống lại chế độ độc tài Cộng Sản.
** Một làn sóng người bỏ trốn sang Tây Đức bằng con đường vòng, là qua các nước Hungary, Tiệp Khắc để đến Tây Đức hoặc đến các Toà Đại sứ Tây Đức ở các nước để xin về phần đất tự do.
Vì Hungary và Tiệp Khắc khi còn chế độ Cộng Sản, thì đã mở cửa biên giới với Đông Đức, và sau khi CS sụp đổ, thì mở cửa biên giới với Tây Đức, nghĩa là dân Đông Đức không cần phải có hộ chiếu để qua các nước nầy.
Trước tình trạng dân chúng bỏ trốn và biểu tình, cộng thêm sự phản đối của Hungary về làn sóng người ào ạt đổ vào nước đó, nên đảng CS Đông Đức họp lập bản dự thảo luật cho xuất cảnh dễ dàng và nhanh chóng.
Bản Dự thảo luật trình lên Bộ Chính Trị Đảng qua tay ông Gunter Schabowski đang chủ toạ cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí QT của Đông Đức. Buổi họp báo được trực tiếp truyền hình và được nhiều người theo dõi.
*** Các đài truyền hình Tây Đức diễn giải sai lầm, trực tiếp tạo ra sự sụp đổ của Tường Bá Linh.
Vào cuối buổi họp báo, lúc 18 giờ 57 phút, xem như là một phần phụ, ông Gunter Schabowski đọc từ tờ những mảnh giấy được đưa cho ông, trong đó có bản Dự thảo luật về việc cho xuất cảnh dễ dàng.
“Người dân có thể làm đơn xin xuất cảnh đi du lịch mà không cần điều kiện về lý do đi, không cần phải có thân nhân…Các cơ quan chức năng sẽ cấp hộ chiếu nhanh chóng cho họ, họ có thể liên tục ra nước ngoài tại các cửa khẩu trên biên giới giữa Đông và Tây Bá Linh”
Đến đây, nhà báo của tờ Bild, Đông Đức, ông Peter Brinkmann đặt câu hỏi: “Khi nào” Hay lập tức””.
Ông Gunter Schabowski lục lọi trong đống giấy tờ…và trả lời:
“Theo tôi nghĩ thì ngay lập tức, chớ không chậm trễ đâu”
Dựa vào câu trả lời nầy, các đài truyền hình Tây Bá Linh và Tây Đức đưa tin với cái tựa đề là “Bức tường đã mở”.
Đông và Tây Bá Linh chỉ cách nhau có một bức tường, nên dân chúng Đông Đức thường xem truyền hình của phía Tây hơn, khi nghe tin nầy, thì ngay trong đêm, có hàng ngàn người đổ xô về các trạm cửa khẩu đòi mở cửa sang Tây Bá Linh.
Lính canh và nhân viên cửa khẩu chả có nhận được tin tức gì cả, nhưng trước khí thế bừng bừng hung hăng, cuồng nhiệt của hàng ngàn người mỗi lúc một đông, cho nên đến 23 giờ đêm 9-11-1989, cửa khẩu trên đường Bornhohn, Bá Linh đầu tiên đã mở mà không có lịnh lạc gì của cấp trên cả.
Tiếp theo, trước tình trạng các làn sóng người hăm hở, cuồng nhiệt quyết chí ra đi, khiến cho các cửa khẩu khác trong thành phố Bá Linh cũng đã mở cửa. Sáng hôm sau, ngày 10-11-1989, cơn bão tràn qua các cửa khẩu chính thức mở màng.
Công dân Đông Đức được người Tây Đức đón chào nồng nhiệt. Các quán bia gần bức tường đãi bia miễn trả tiền. Hàng đoàn xe bóp còi vang trời diễn hành trên các đường phố. Thành phố trở nên sôi động. Những người xa lạ ôm choàng lấy nhau, nhiều người nước mắt tuôn tràn vì được thở không khí tự do. Quốc Hội Liên Bang Đức (Tây Đức) ngừng họp, các dân biểu ngẩu hứng đứng nghiêm hát bài quốc ca.
Những người Đức hăng say, trúc bỏ uất ức vào những dụng cụ, như điên cuồng đập đổ bức tường Ô Nhục kéo dài suốt 28 năm.
6* Lãnh đạo đảng Cộng Sản Đông Đức vác chiếu ra toà.
                                   Chủ tịch Erich và vợ Margot Honecker vác chiếu ra tòa
Bức tường Ô Nhục xây lên ngày 13-8-1961.
Bị đập đổ ngày 10-11-1989.
Nước Đức thống nhất ngày 3-10-1990.
Những người đã ra lịnh bắn người vượt tường bị đưa ra toà hỏi tội.
Đến năm 2004, sau những phiên toà kéo dài, những lãnh đạo đảng Cộng Sản Đông Đức “ra lịnh bắn” phải ra trước toà đền tội.
– Chủ chốt là Erich Honecker, Chủ tịch Hội đồng nhà nước,
– Người kế nhiệm chức vụ đó là Egon Krenz,
– Các thành viên Bộ Quốc phòng : Erich Mielke, Willi Stoph, Heinz KeBler, Fritz Streletz và Hans Albrechi,
– Đại tướng Klaus Dieter Baumgarten…
Kết quả:
– 35 trắng án.
– 44 tù treo,
– 11 tù giam từ 4 năm đến 7 năm.
  1. KẾT LUẬN
Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh mang lại nhiều ý nghĩa to lớn.
Xây tường, rào cản hay buông bức màn sắt xuống để giam cầm đồng bào mình trong nghèo đói, lạc hậu và mất quyền con người, chỉ khống chế được thân xác của con người mà thôi. Nó thất bại trong việc giam hãm ý chí của con người .
* Bức tường sụp đổ là hồi chuông báo tử cho một thứ chủ nghĩa độc tài tàn bạo, đã giết chết trên 100 triệu mạng sống con người, bị xem là tội ác chống nhân loại, như Nghị Quyết 1481 của Hội Đồng Liên Âu đã xác nhận.
* Bức tường Bá Linh sụp xuống, phơi bày ra một nước Công Sản Đông Đức lạc hậu, thua kém so với Tây Đức. Cũng giống như Cộng Sản Bắc Hàn hùng hổ, hung hăng, nhưng vẫn giơ tay đều đều, nhận viện trợ nhân đạo của Nam Hàn mà không biết xấu hổ vì không có khả năng nuôi sống đồng bào của mình.
Sự thống nhất nước Đức trái ngược với sự thống nhất của Việt Nam năm 1975 cho nên đân Đức may mắn không phải bị ăn bo bo dài dài.
Trước sự việc những lãnh đạo CS Đông Đức vác chiếu ra toà, có thể làm cho Chủ Tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải cảnh cáo “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Có nghĩa là, tự cảm thấy mình có tội với nhân dân, khi buông mã tấu xuống là bị giết ngay.
Trúc Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét