“…Thật vậy, tại hai nước này, người ta không trông đợi gì nhiều về những biến chuyển trong phạm vi của hai yếu tố đầu. Còn lại yếu tố thứ ba có lẽ là niềm hy vọng duy nhất. Khơi dậy lòng can đảm, khơi dậy sự ý thức, qua thông tin, qua truyền thông ... là điều còn lại trong tầm tay, có thể làm được…”
Lời giơi thiệu: Khi tôi đề cập đến bài viết “Bức tường Berlin” của tác giả Nguyễn Gia Tiến trên trang facebook của tôi, độc giả có tên là Anh Le đã bình luận: "Một bài viết rất logic dù cách đây 5 năm, nhưng giá trị không bị mất đi một miligram. Những người yêu chuộng tự do, nhất là các nhà dân chủ ở Việt Nam, nên đọc và nghiền ngẫm bài này, để làm hành trang trên con đường rất dài và đầy ngõ hẹp". Lời bình này đã thúc đẩy tôi tiếp tục giới thiệu bài viết này đến với Thông luận để bạn đọc trong và ngoài nước có thể tiếp cận đông đảo. Quả nhiên bài được viết cách đây 5 năm nhưng vẫn giữ trọn vẹn tính thời sự. Đặng Xương Hùng
Ngày 9 Tháng 11/2009 vừa qua, Âu Châu đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ. Lần này buổi lễ được diễn tiến rầm rộ, qui mô, hơn hẳn so với lần kỷ niệm 10 năm trước đây, năm 1999, khi dư luận Âu châu lúc đó còn đang bị thu hút bởi cuộc chiến Kosovo.
Hiện diện trong buổi lễ tại Berlin vừa rồi, người ta nhận thấy nhiều nguyên thủ quốc gia, và đặc biệt là 3 nhân vật đầu não khi Bức tường sụp đổ. Đó là Gorbatchev, Tổng Bí Thư cuối cùng của Liên Xô, cựu TT. Mỹ Bush “ bố “, và cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl.
Dưới trời mưa tầm tã, hàng trăm ngàn người đã tụ tập tại cổng Brandenburg của thủ đô Berlin để chứng kiến các nghi lễ. Đặc biệt là cảnh tượng các con bài dominos khổng lồ lần lượt theo nhau đổ sập, tượng trưng cho sự sụp đổ dây chuyền của các chế độ CS Đông Âu. Người có vinh dự được khai mạc, đẩy con bài domino đầu tiên, là Lech Walesa, nguyên thủ lãnh công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc), được coi là người đầu tiên đã khởi xướng phong trào Dân chủ tại Ba Lan.
Ngoài ra, dịp này báo chí quốc tế cũng phát giác cho thấy một số sự kiện, chẳng hạn không phải các lãnh tụ Phương Tây khi đó đều muốn Bức tường Berlin sụp đổ. Điển hình là các nhân vật như Thatcher (Anh quốc), Mitterrand, Giscard (Pháp), và Brandt (Đức) … đều không muốn thấy một nước Đức thống nhất, và thầm mong giới lãnh đạo Liên Xô hành động để ngăn chặn điều này.
Nhân vật Gorbatchev
Nhiều người nhắc lại vai trò quan trọng của Gorbatchev, cho rằng ông là người đã có công giựt sập đế quốc Đỏ tại Đông Âu.
Tuy nhiên một số dư luận phương Tây đã phân tích, và nhận định khá chính xác, khi cho rằng Gorbatchev cũng chỉ là “ nạn nhân “ của một sự sụp đổ mà chính bản thân ông, chính thâm tâm Gorbatchev không mong muốn.
Điểm lại tình trạng Khối Liên Xô tại Đông Âu thời Chiến tranh Lạnh, trong thập niên 1980, để thấy những gì “phải đến đã đến” . Sau nhiều thập niên dưới chế độ “bao cấp” theo mô hình CS, nền kinh tế đã suy sụp đến giai đoạn “hết thuốc chữa”. Lại thêm nhiều năm chịu đựng các áp lực từ bên ngoài, là cuộc chiến hao mòn tại Afghanistan, là chính sách cứng rắn bao vây của Mỹ thời Reagan, là cuộc chạy đua vũ khí trên không gian tốn kém (Star Wars). Tất cả các sự kiện này đã gây sức ép, đã làm Liên Xô “mất máu” trầm trọng, gây xuất huyết hiểm nghèo cho Đế quốc CS, mà chẳng cần phải trực tiếp đụng độ, chiến tranh với Phương Tây. Người dân dưới các chế độ CS thiếu thốn kinh niên đủ mọi thứ. Họ đã bất mãn cùng cực, lại thêm việc họ ý thức, so sánh thân phận của mình với cuộc sống sung túc của người dân Tây Đức, đang hàng ngày diễn ra, sát ngay bên cạnh. Các hình ảnh tin tức thường xuyên từ Phương Tây tràn sang, qua truyền thanh truyền hình mà các chế độ CS không cấm cản nổi.
(Ở đây mở dấu ngoặc để ghi nhận sự lợi hại của truyền thông, thông tin, vũ khí sắc bén mà các thể chế độc tài rất khiếp sợ, sẽ được nhắc lại ở đoạn sau)
Chưa ai quên cảnh tượng, khi bức tường Berlin vừa sụp đổ, người dân Đông Đức được xổ lồng, thì hành động đầu tiên là nhào tới các siêu thị Tây Đức để tìm mua nhu yếu phẩm! Cần phục vụ dạ dày, phục vụ nhu cầu của đời sống hàng ngày trước đã, trước cả các nhu cầu khác về Tự do, về Dân chủ … !
Nhắc lại khi lên cầm quyền giữa thập niên 1980 và nhận thức được tình trạng bi đát của Đông Âu lúc đó, Gorbatchev là một trong số hiếm hoi các lãnh tụ CS hiểu rằng không thể tiếp tục con đường cũ. Nhưng có lẽ ông ta còn phần nào ngây thơ, chưa giác ngộ hẳn. Gorbatchev còn ảo tưởng rằng hệ thống Xô Viết có thể sửa đổi mà không cần thay thế. Tưởng rằng có thể đem lại cho chế độ CS một bộ mặt nhân đạo hơn, có “nhân tính” hơn! (như Phương Tây thường mô tả : le Communisme à “ visage humain “).
Để “sửa sai” , Gorbatchev cho áp dụng các chính sách Perestroika (cải tổ, đổi mới), và Glasnost (minh bạch, trong sáng) ... hy vọng cứu vãn tình hình. Nhưng ông ta quên một điều cơ bản là trước đó, Stalin, Mao, và đám đàn em, sở dĩ đã duy trì được hệ thống CS trong nhiều thập niên, là không dựa trên bất cứ chuyện gì khác ngoài sức mạnh của nòng súng. Không có súng đạn xe tăng hỗ trợ thì các thể chế CS đã tất yếu phải tan rã từ lâu.
Có lẽ người CS duy nhất lúc đó đã hiểu rằng “CS chỉ có thể bị thay thế, không thể thay đổi” là Boris Eltsin. Và ngày nay người ta đã quên vai trò quyết định của ông ta, khi đứng trên xe tăng hô hào cổ động dân chúng Nga xuống đường, không chấp nhận bọn quân phiệt Liên Xô đang nổi loạn, muốn tái lập trật tự CS bằng sắt máu.
Còn Gorbatchev, công trạng duy nhất của ông có lẽ là đã tuyên bố sẽ bỏ mặc các đàn em CS Đông Âu, không ra lịnh đưa xe tăng sang giúp để dẹp loạn, khi dân chúng bất mãn nổi lên. Cả một guồng máy độc tài vĩ đại tại Đông Âu, khi mất chỗ dựa sinh tử là vũ lực, đã “hụt cẳng” và sụp đổ dây chuyền không thể cứu gỡ.
Phải công nhận các thể chế CS “da trắng” có lẽ đã phần nào “nhân đạo” hơn các đồng đảng “da vàng” của họ bên Á Châu, tại Thiên An Môn, nơi mà chỉ 7 tháng trước cùng trong năm 1989 đó, một Đặng Tiểu Bình đã sẵn sàng nghiền nát trong máu lửa hàng ngàn sinh viên vô tội để cứu vãn chế độ.
Đám lãnh đạo Trung Cộng này hiểu rõ hơn ai hết là đối với Cộng Sản, chỉ có “độc tài hay là chết” , chứ không thể “vừa làm Cộng Sản vừa có nhân tính” ! Sau này Trung Cộng, có Việt Cộng theo đuôi, đã khôn ngoan không đi vào vết xe đổ của Liên Xô. Thay vào đó, để thích ứng tình thế, họ đã biến thể Cộng Sản sang một mô hình khác để tiếp tục cai trị. Đó là các chế độ Mafia Đỏ, vững vàng hơn!
Thành ra trên khía cạnh nào đó, đám thủ lãnh da vàng Bắc Kinh đã khôn ngoan hơn các lãnh tụ da trắng kiểu Gorbatchev. Với tâm địa thâm sâu quỷ quyệt của người Tàu, di truyền từ đời Tần Thủy Hoàng, nhóm đầu não Bắc Kinh đã nhận định là không thể để cho nhen nhúm phong trào Dân Chủ. Đối với họ, một thể chế CS “chân chính” là phải triệt để độc tài sắt máu. Trong chế độ CS, không thể có chỗ cho một bộ mặt “cởi mở, trong sáng”, mang “nhân tính” như ảo tưởng của Gorbatchev.
Vài nhận định
Quan sát sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết tại Âu Châu cho phép nhận diện được vài yếu tố đã đóng vai trò quyết định trong việc giải thể các chế độ độc tài.
Thứ nhất là các áp lực đến từ bên ngoài để bao vây kinh tế, quân sự ... Điều này trong Chiến tranh Lạnh đã được phe Tự Do áp dụng hữu hiệu. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta thấy không ai khác hơn, lại chính là các nước Tư Bản Phương Tây, vì lợi nhuận kinh tế ngắn hạn, đang hà hơi tiếp sức cho các thể chế độc tài như Trung Cộng, Việt Cộng ...
Thứ hai là sự tàn bạo của cấp lãnh đạo. Nhóm độc tài nào, dám bắn vào đám biểu tình, dám giết dân lành để giữ vững chế độ, sẽ tồn tại lâu bền. Điểm này tại Liên Xô trước đây, coi bộ đám thủ lãnh CS da trắng còn “run tay”, chưa dám “hạ quyết tâm”, “nhất trí”, chưa dứt khoát được như các đồng chí “ da vàng “ của họ tại Bắc Kinh, tại Hà Nội...
Sau cùng, yếu tố thứ ba, và cũng là quan trọng nhất. Đó là sự can đảm của người dân bị áp bức, dám vùng lên đòi lại quyền sống cho mình. Người dân Đông Âu trước đây đã chứng tỏ lòng can đảm này, và ngày nay họ xứng đáng được hưởng Tự do Dân chủ.
Sự can đảm thường đi đôi với mức giáo dục, với việc ý thức được nỗi “nhục nhã” khi mất Tự Do, mất các quyền cơ bản của con người. Nếu người dân vẫn cảm thấy “ thoải mái” với cảnh chim lồng cá chậu, không thấy “nhục nhã”, thì có lẽ cũng khó khơi dậy lòng “can đảm”!
Qua những nhận xét về 3 yếu tố kể trên, hình như viễn ảnh cho Tự Do Dân Chủ không mấy sáng sủa cho trường hợp hai nước CS còn tồn tại ở Á Châu là Trung Hoa và Việt Nam.
Thật vậy, tại hai nước này, người ta không trông đợi gì nhiều về những biến chuyển trong phạm vi của hai yếu tố đầu. Còn lại yếu tố thứ ba có lẽ là niềm hy vọng duy nhất. Khơi dậy lòng can đảm, khơi dậy sự ý thức, qua thông tin, qua truyền thông ... là điều còn lại trong tầm tay, có thể làm được.
Cơ hội bằng vàng là các phương tiện truyền tin điện tử, Internet hiện nay. Người Việt Nam còn có thuận lợi hơn vì dùng Quốc ngữ bằng mẫu tự La-tinh. Biết quốc ngữ rồi từ đó học, và đọc ngoại ngữ (cũng dùng Latin) dễ dàng hơn người Trung Hoa.
Các tư tưởng về Bình đẳng, Tự Do, Dân chủ ... thường phát xuất từ Phương Tây, qua tin tức, báo chí dùng mẫu tự Latin, được phổ biến dễ dàng hơn. Một số thức giả Phương Tây đã nhận định rằng truyền bá những tư tưởng này vào khối dân hơn một tỷ người Trung Hoa mà đa số không đọc được ngoại ngữ, ngoài chữ "Nho" (Hán), là điều khó khăn vô cùng.
Thành ra, một cơ may cho Việt Nam là nhờ quốc ngữ mà mọi thông tin được quảng bá rộng rãi hơn trong quần chúng. Người Việt hiểu thêm về thế giới bên ngoài, ý thức được sự cần thiết phải phá bỏ các xiềng xích tại quê hương mình, để có kiếp sống xứng đáng hơn. Số người ý thức càng đông thì ngày tàn của chế độ càng gần.
Cho nên trên phương diện nào đó, chúng ta hy vọng 8 chục triệu người Việt sẽ chuyển mình sớm hơn 1 tỷ người Trung Hoa.
Đặng Xương Hùng và Nguyễn Gia Tiến
Thụy Sĩ, tháng 11/2009
Nguyễn Gia Tiến
Nguyễn Gia Tiến
* Ông Nguyễn Gia Tiến, sinh năm 1934 tại Hà Nội.
Học các trường Dũng Lạc và Chu Văn An - Hà Nội trước khi di cư vào Nam 1954.
Tốt nghiệp Y khoa Sài gòn năm 1964, rồi phục vụ trong Không Quân VNCH đến 1975.
Đi tù của cộng sản 3 năm (1975-1978) rồi định cư tại Thụy Sĩ từ năm 1981.
Thi lấy lại bằng Bác sĩ Y Khoa và hành nghề tại Lausanne Thụy sĩ.
Về hưu từ năm 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét