Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Công đoàn Liên Xô

Anatoly Tille
Phạm Nguyên Trường dịch 

Công đoàn là tổ chức thối tha nhất, giả dối nhất ở Liên Xô (không kể KGB, một tổ chức mà ai cũng biết), mặc dù chứng minh rằng nó là tổ chức như thế là việc không dễ. Nhưng không phải vô tình mà Stalin đưa “công đoàn” vào vị trí đầu tiên. 

Trái với các nguyên tắc tổ chức công đoàn trên thế giới, “công đoàn” Liên Xô không phải là tổ chức kinh tế mà là một tổ chức chính trị, một phần của hệ thống chính trị của nhà nước. 

“Công đoàn (liên minh những người cùng nghề nghiệp) ở Liên Xô là một tổ chức quần chúng liên kết tất cả công nhân và viên chức trên cơ sở tự nguyện… Công đoàn Liên Xô thực hiện công tác của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, giúp Đảng động viên quần chúng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản ”. 

Trái với tên gọi của nó, “công đoàn” Liên Xô không phải là tổ chức nghề nghiệp mà được tổ chức theo xí nghiệp: tất cả công nhân viên chức của cơ quan hay xí nghiệp đều là thành viên của một tổ chức công đoàn, dù họ có làm nghề gì cũng vậy, vì vậy, về mặt tổ chức các “công đoàn” Liên Xô không thể bảo vệ quyền lợi của những người làm cùng một nghề . 

Vì nhiệm vụ chủ yếu là “động viên quần chúng” thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng cho nên “công đoàn” chưa bao giờ và cũng không bao giờ bảo vệ được quyền lợi của người lao động. Hơn thế nữa, đã trở thành truyền thống, những đạo luật có mục đích nô dịch người lao động kinh tởm nhất bao giờ cũng được thông qua với sự đồng ý của ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức công đoàn, thí dụ nghị quyết liên tịch của Hội đồng dân ủy, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (b), Ban chấp hành trung ương các công đoàn Liên Xô ngày 26 tháng 6 năm 1940 vê việc khởi tố hình sự nếu không có mặt tại chỗ làm việc trong vòng 20 phút mà không có lí do chính đáng! “Công đoàn” đã lên tiếng ca ngợi và giúp áp dụng cái đạo luật tàn ác này cũng như đạo luật về trách nhiệm hình sự nếu tự ý bỏ việc và nhiều đạo luật khác. 

Sự đê tiện của tổ chức này chính là thể hiện trong sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa bộ mặt của nó và những nhiệm vụ mà nó công khai tuyên bố với bản chất thật sự của nó. Tất cả mọi phương tiện sản xuất: nhà máy, công trường, đất đai, phương tiện giao thông đều là của nhà nước, nghĩa là của “Đảng”. Như vậy, nhà nước chính là người sử dụng lao động. Nhưng “công đoàn”, ngay cả theo lí thuyết cộng sản, cũng chỉ là một “đòn bẩy” của Đảng, nghĩa là một phần của bộ máy nhà nước và vì vậy mà nó không thể có mục đích bảo vệ người làm thuê. Tư tưởng của Trotsky về việc “nhà nước hóa tổ chức công đoàn” cũng như nhiều tư tưởng khác của ông ta đã được Stalin đem ra áp dụng. “Công đoàn” của các nước “xã hội chủ nghĩa” khác, do cơ cấu kinh tế của xã hội, cũng được xây dựng và hoạt động y hệt các “công đoàn” ở Liên Xô. Đấy là khác biệt quan trọng nhất giữa chế độ phong kiến hiện đại và chế độ phong kiến thời trung cổ, thời trung cổ nhà nước không khuyến khích nô nông thành lập công đoàn. Khi nâng cốc trong những bữa tiệc sang trọng được tổ chức bằng tiền của những nông nô và nô lệ đói khát, bị bóc lột đến tàn tệ ở nước ta, các “nhà dân chủ” phương Tây chỉ tròng thêm vào cổ họ một gánh nặng nữa mà thôi. Họ đang chúc phúc và biện hộ cho sự tồn tại của cái tổ chức công-đoàn-dối trá. Lậy trời cho một kẻ nào đó trong số “các chiến sĩ đấu tranh cho quyền lợi người lao động” ấy bị chết nghẹn với những chiếc bánh mì kẹp trứng cá hồi đen, món ăn mà họ nỡ giằng khỏi tay các cháu bé mồ côi! 

Tháng 12 năm 1989, trong thời gian tố cáo những vụ tham nhũng của các “Đảng viên Đảng cộng sản” Đông Đức, người ta mới được biết rằng, Tisch, lãnh tụ công đoàn nước này, có những khu săn bắn riêng, và một tòa lâu đài mà tầng hầm của nó chứa đầy rượu vang và thực phẩm của các nước phương Tây. Khi ông ta đi săn, gia nhân phục vụ lên đến 35 người. Có khác gì những cuộc đi săn của các bá tước ngày xưa? Hẳn các nhà lãnh đạo Tổ chức lao động thế giới (ILO) và lãnh đạo công đoàn các nước phương Tây đã hiểu được mức sống của người lao động Đông Đức trong các buổi tiếp tân của Tisch. Có thể đến một lúc nào đó chúng ta cũng biết được mức sống của các “lãnh tụ công đoàn” của chúng ta. Lúc đó liệu những nhà lãnh đạo ILO, những người vẫn ủng hộ nó có xấu hổ không? Chưa chắc. 

Tất cả những ý định thành lập công đoàn độc lập đều bị đàn áp ngay từ trong trứng nước. Trong các nước “xã hội chủ nghĩa” cuộc đấu tranh của công nhân nhằm cải thiện điều kiện lao động đều bị coi là đấu tranh chính trị nhằm chống lại chế độ, dĩ nhiên bản chất của nó là như thế. Chuyện đó đã diễn ra ở Ba Lan, sau một cuộc đấu tranh quyết liệt, “Công đoàn đoàn kết” đã được tồn tại song song với “công đoàn quốc doanh” và sau đó thì giành được chính quyền. Bộ máy của Đảng luôn luôn coi “công đoàn quốc doanh” là cơ quan loại hai cho nên người ta thường cử đến đó những cán bộ đã bị kỉ luật . Thí dụ như Shelepin, người đã tham gia vào vụ đảo chính Brezhnev bất thành, dù trước đó đã giữ những chức vụ quan trọng, kể cả chủ tịch KGB, được cử ngay làm chủ tịch ban chấp hành công đoàn toàn liên bang. Việc “bầu” các chức vụ công đoàn thấp nhất cũng chỉ mang tính tượng trưng, thực ra họ đã được bộ máy Đảng “cử” cho dân “bầu” rồi .

Mặc dù chỉ được coi là công việc “loại hai” nhưng làm trong “công đoàn” lại rất có lợi về kinh tế vì tổ chức này nắm rất nhiều phương tiện: các xí nghiệp sản xuất, nhà an dưỡng, nhà nghỉ và cơ hội đi các nước tư bản ..v.v.. Vừa ngồi chưa ấm chỗ trên chiếc ghế chủ tịch các “công đoàn” Liên Xô là Shilaev đã “xơi” rồi. Nhưng ông ta “ăn dày” quá cho nên người ta buộc phải hạ bệ mà chẳng cần “công khai” cho ai biết. Shilaev được cử thay Shibaev. Gần đây thì Shilaev cũng bị bãi và Ianaev lên thay, không một tờ báo nào, kể cả tờ “Lao Động” của “công đoàn”, đứng ra giải thích cho người lao động rõ lí do của những vụ thuyên chuyển nói trên. Tất cả các cấp, từ ban chấp hành trung ương cho đến chủ tịch công đoàn bộ phận, đều là những kẻ bảo vệ hết lòng quyền lợi của bộ máy nhà nước và là những người đầu tiên đứng lên đàn áp công nhân . 

Thái độ của “công đoàn” thể hiện rõ nhất trong làn sóng bãi công của thợ thuyền những năm 1989-1990. Ở đâu họ cũng chống lại công nhân. Tháng 3 năm 1990, tại Moskva đã diễn ra đại hội (bất thường) của công đoàn ngành than. Thành phần tham dự gồm có những ai? Trong số 570 đại biểu có 123 thợ mỏ, 319 “cán bộ công đoàn”, 75 cán bộ Đảng v.v… Kết quả, như tờ Tin Tức ngày 1 tháng 4 năm 1990 viết, thành ra là “đại hội của các cán bộ Đảng và chủ doanh nghiệp”, cho nên 70 công nhân đã lập tức bỏ đại hội. 

Trong phóng sự “Cải tổ – 1988” có kể lại câu chuyện một cô thợ may làm đơn xin “công đoàn” tỉnh trợ cấp ốm đau. Cô đã làm việc tại một xí nghiệp suốt 29 năm. Nhưng đơn của cô, như vẫn thường thấy, lại được gửi về chính xí nghiệp nơi cô công tác. Người ta đưa cô ra kiểm điểm và vì vậy mà bệnh của cô càng nặng thêm. Người phóng viên nói chuyện với chủ tịch công đoàn và hỏi: “Đã bao giờ công đoàn đứng ra bảo vệ công nhân chưa?”. “Không, tôi không biết nói thế nào. Nói chung công nhân không tiếp xúc với chúng tôi”, ông ta đã trả lời như thế đấy. (Báo Công nghiệp xã hội chủ nghĩa, ngày 2 tháng 9 năm 1988). 

Xin nêu một trích dẫn nữa (chuyện xảy ra ở Moskva): “Công đoàn thành phố, sau nhiều năm không hoạt động, sau khi “liên kết” với chính quyền, công đoàn thành phố đã quên nhiệm vụ chính của mình là bảo vệ quyền lợi người lao động, họ quan tâm đến nhu cầu của lãnh đạo hơn là nhu cầu của công nhân” (Sự thật Moskva, ngày 22 tháng 1 năm 1987). 

Đây chỉ là mấy thí dụ trong giai đoạn gọi là “cải tổ”. 

Tất cả các cấp công đoàn, từ Ban chấp hành công đoàn trung ương, một tổ chức chỉ có nhiệm vụ thông qua các đạo luật chống lại công nhân, cho đến chủ tịch công đoàn bộ phận, mà trách nhiệm là đưa những người công nhân hay phàn nàn vào “bệnh viện tâm thần”, chỉ phục vụ nhà nước chứ không phải công nhân. 

Nhưng nếu như thế thì tại sao mọi người lao động đều là đoàn viên “công đoàn”? Tại sao số lượng đoàn viên công đoàn ở ta lại bằng số lượng đoàn viên công đoàn ở Mĩ và Trung Quốc cộng lại? 

Tại phương Tây nhiều ông chủ không muốn có công đoàn trong xí nghiệp và không muốn công nhân của mình tham gia công đoàn. Vì vậy ILO bảo vệ quyền của công nhân là được tham gia công đoàn. Còn tại nước ta tham gia “công đoàn” là bắt buộc! ILO không đấu tranh chống lại hiện tượng như thế! Stalin, “người cha thân yêu của chúng ta” đã nghĩ ra một trò láu cá: Nghị quyết liên tịch ngày 28 tháng 12 năm 1938 của Hội đồng dân ủy, Ban chấp hàng trung ương Đảng cộng sản (b) và dĩ nhiên là cả Ban chấp hành trung ương các công đoàn nữa, quy định rằng những người không phải đoàn viên “công đoàn” chỉ được lĩnh một nửa trợ cấp nghỉ việc tạm thời! Một quy định chẳng dựa trên cơ sở kinh tế hay pháp lí nào vì phần đóng góp từ quỹ lương cho mỗi người lao động của từng xí nghiệp, cơ quan, kể cả hợp tác xã vào quỹ quốc gia là bằng nhau và không phụ thuộc vào việc người ấy có là đoàn viên “công đoàn” hay không. 

Hiên nay tại nhiều nơi người ta đã cho phép thành lập các công đoàn tự do, nhưng đoàn viên các công đoàn này còn phải tham gia cả “công đoàn quốc doanh” nữa, “công đoàn quốc doanh” vẫn hoàn toàn yên tâm. 

Tôi phải thú nhận rằng mình đã không hiểu được hậu quả của việc hủy bỏ đạo luật ban hành ngày 28 tháng 12 năm 1938. Trước đây tôi từng tin rằng sau khi đạo luật bị hủy bỏ thì chỉ còn các quan chức tham gia “công đoàn quốc doanh” mà thôi. Nhưng tôi đã lầm. Thực ra, chưa mấy người hiểu, nhưng nguyên nhân chính không phải là đạo luật này. Tôi đã cố gắng trình bày sự kiện đó trong các bài giảng của mình, nhưng vô ích. “Công đoàn” của chúng ta luôn luôn làm công việc phân phối một số quyền lợi vật chất: những suất đi du lịch, an dưỡng, tiền thưởng, giấy khen, huy hiệu… Ngay cả khi đấy không phải là tiền hay hiện vật của công đoàn thì họ vẫn là một trong những người tham gia phân phối. Ban giám đốc cũng tham khảo ý kiến công đoàn mỗi khi phải sa thải vì giảm biên chế… Vì vậy các thính giả đã chia sẻ những ý kiến, thậm chí hoàn toàn đồng ý với quan niệm của tôi về “công đoàn”, nhưng họ… vẫn là đoàn viên như cũ. 

Không phải vô tình mà Stalin đặt “công đoàn” ở vị trí thứ nhất. Không phải vô tình mà sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã thì “công đoàn” là tổ chức duy nhất vẫn duy trì được một cách trọn vẹn và bất biến cơ cấu cũ. 

Anatoly Tille
Phạm Nguyên Trường dịch
 Rút từ bài Chế độ phong kiến ở Liên Xô (4)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét