Mười sáu năm sau Đại hội III, đảng họp Đại hội 4 (1976). Kết thúc thời kỳ vũ trang với cả nước quy phục đảng và Liên Xô đàng hoàng vào Đông Nam Á, Trung Quốc vớ bẫm: với địch thì thay Đài Loan ở Thường trực Bao an Liên hợp quốc, với đồng chí thì thay thế chủ quyền Việt Nam ở một phần lãnh thổ.
Máu Việt Nam mới có sức dịch chuyển địa chính trị mạnh mẽ và quý giá làm sao!
Sau Thế chiến 2, tồn tại hai phe đã đẻ ra cục diện chiến tranh lạnh với ba lò lửa chiến tranh là ba nước bị chia cắt (chưa kể lục địa Trung Quốc với Đài Loan mà một dạo Mao vờ như khiền đến nơi). Cộng sản ở ba nơi này đều phụng thờ bạo lực vũ trang nhưng chỉ hai nơi quyết chủ động tung quân đánh trước.
Cục diện đã đi tới:
- Cộng sản Hà Nội thắng – sau hàng chục năm vũ trang mang tên “chiến tranh cách mạng” hay “giải phóng” (hoa lá cành che đi phương châm “chính quyền ra từ nòng súng”) với hàng trăm nghìn chiến binh vừa cài lại vừa xâm nhập hoạt động ở trên đất địch và bom đạn hai bên bắn nhau là của đế quốc và cộng sản cung cấp ê hề.
- Cộng sản Bình Nhưỡng cũng từng dùng nòng súng nhưng thất bại để rồi bằng lòng hoà bình theo ý của “kẻ thù” tức Nam Hàn dù hàng chục nghìn quân Mỹ đồn trú ở đó hàng chục năm và chỉ huy luôn cả quân Nam Hàn. (Chú ý: Mỹ không chỉ huy quân đội Sài Gòn).
- Và cộng sản Đông Đức, với tư cách hàng binh, tự nguyện ùa sang chiếm luôn “đất địch” Tây Đức đầy ắp Đê mác. Bằng nhân phẩm cao, mức sống cao, Tây Đức tư bản sáp nhập trong nháy mắt Đức Cộng và nước Đức thống nhất bèn thành tảng nam châm hút bong mất Đông Âu.
Đâu phải chiến tranh cách mạng với mục tiêu xã hội chủ nghĩa ở ngay trước mắt như đảng vẫn xa xả rao giảng là xu thế phát triển trội.
Và nên chú ý: các nước Đức, Nhật, Nam Han… hiện đều có đầy quân Mỹ nhưng không ai gọi họ “chó săn tay sai Mỹ” như gọi Sài Gòn hồi nào để tiêu diệt. (Cũng cần chú ý nữa: nói cách mạng Tân Trào cùng từng có binh lính Mỹ – và chỗ giao du hơi có chất “chuông nguyện hồn ai” này chắc Hồ Chí Minh đã phải giải thích chật vật với Mao, Xịt-ta-lin)
1972, Mỹ “cút” nhưng nguỵ “chưa nhào” nên 1975, Hà Nội phải nổ súng tiêu diệt chúng để cuối cùng thắng Mỹ vẹn toàn bằng màn thắng… Mỹ vắng mặt. Màn này rất quan trọng. Này nhá, quyết tâm diệt Mỹ của Đảng cao chưa? Và như thế là Đảng không hề nội chiến, vâng, “người Việt Nam không ai thắng ai” mà, Đảng đã nói. Cho bọn “chó săn tay sai” đi cải tạo cũng là mượn hình hài chúng để cải tạo linh hồn Mỹ vắng mặt thôi!
Thắng lợi cuối cùng đã để lộ ra hai bản ngã của dân tộc Việt! Một được Đảng dạy cho nên biết yêu nước đúng bài đúng vở Quốc tế vô sản rồi thành anh hùng đánh đâu thắng đó, một do thiển cận quốc gia nên phải làm “chó săn bán nước tay sai” rồi thua hèn thua hạ.
Chung quy tại Mẹ Việt Nam có hai buồng trứng – dị dạng hơn Mẹ Âu Cơ chỉ có một – cho ra đời cả chiến sĩ Việt Cộng lẫn “nguỵ quân bán nước phản động”.
Có lẽ đã đến lúc thống kê xem có bao nhiêu mẹ Việt Nam mang song thai quốc gia và cộng sản tương tàn tương diệt và bao nhiêu mẹ đơn thai đẻ ra thuần “anh hùng” hay thuần “nguỵ” giết hại nhau. Đến hơn 50% không? Nếu thống kê xin chớ bỏ sót mẹ tôi! Cả bà mẹ đẻ ra tổng đốc Phan Đình Hòe và chánh tổng “bạt nhĩ bẹp tai” Quế – Nguyễn Tuân rỉ tai tôi, khoái trá vì cũng từng đều dân pum – là bố của Lê Đức Thọ.
Xưa ông bác tổng đốc đã chạy chọt phần nào cho anh em Sáu Thọ ra tù đế quốc Pháp thì sau này Thọ giúp lại cho con cháu ông ung dung bỏ Sài Gòn đã vào tay cộng sản để ra ngoài định cư sớm sủa, tiếp nối huyết thống song thai. Và bà mẹ của Võ Nguyên Giáp. Em gái ruột Giáp lấy trung tướng “nguỵ” Nguyễn Ngọc Lễ, ngày 30-4-1975 bỏ Sài Gòn chạy sang Mỹ đã nghĩ gì về ông anh cộng sản đang thần tốc tung quân truy sát lính quốc gia… Ôi, ai làm cho những đứa con của các mẹ Việt Nam chĩa súng giết nhau?
Non sông gấm vóc Đảng thu về một mối cho mình – hay mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa cho cả phe, rồi Đảng trịnh trọng tuyên bố “người Việt Nam không ai thắng ai”.
Song nói ù xoẹ thế để “yên dân” đấy! Vì theo đúng nguyên lý trí tuệ đầu sổ của Đảng thì cứ phải duy trì bằng được ranh giới địch – ta! Cho nên xoá được giới tuyến phân chia địa lý Bến Hải, bèn vội vã thay cho nó bằng một giới tuyến phân chia sinh học dễ xúc động lòng người – ấy là suy tôn Bà mẹ anh hùng, vạc ra ở trên mặt Mẹ Việt Nam một mảng vẻ vang – và dĩ nhiên một mảng nhục nhã hay những đứa mẹ đẻ ra các nguỵ quân, nguỵ quyền, tay sai Mỹ lùng giết con các Bà mẹ anh hùng! Rồi nói đại: “Không có ai thắng ai, chỉ có nhân dân Việt Nam thắng Mỹ”. Thế sao không gọi ráo tất cả Mẹ anh hùng?
Năm 1998 tôi đã nói với nhà báo Mỹ Kevin Whitelaw ở tờ US News and World Reportrằng để dân thường xuyên nhớ đến sự nghiệp đánh Mỹ do Đảng khởi xướng, Đảng đã vạc nên một vết thương ác độc trên mặt Mẹ Việt Nam.
Đúng ra là mánh chia để trị quen thuộc của cộng sản. Trong dân thì công nhân tiên tiến nhất, nông dân trung gian, trí thức lạc hậu (nên không bằng cục cứt). Trong nông dân thì bần cố nông tích cực, trung nông dao động và phú nông thiên về phản động. Ngay đảng viên cũng còn chia đảng viên ưu tú, trung gian và lạc hậu!
Có lẽ nơi duy nhất không chia tiên tiến với trung gian, lạc hậu là Trung ương đảng. Tuy bụng cũng ngầm phân loại xếp hạng cho nhau cả.
Theo Tổng tập luận văn của Võ Nguyên Giáp, sau Điện Biên Phủ, về An toàn khu, Giáp đến chào Hồ Chủ tịch. Chủ tịch ôm Giáp nói: “Chúc chú thắng trận trở về, nhưng chúng ta còn phải đánh Mỹ”. (tôi nhấn).
Tôi đọc và hơi buồn. Tôi đã ngỡ Bác nói: Chúng ta sẽ phải đối đầu với Mỹ nhưng hãy gắng thống nhất hoà bình, dân ta chín năm chiến tranh đau khổ quá đi rồi!
Thế là vừa từ nô lệ bước ra dân ta đã bị Đảng nhét thanh gươm Giải phóng vào tay. Giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng giai cấp và loài người, làm một cuộc tiến quân thường trực và trường kỳ. Đi đời sức dân ơi hỡi sức dân!
Muốn gì tôi vẫn muốn nêu câu hỏi mở đầu: liệu Việt Nam có thể tự trị năm năm ở trong Liên hiệp Pháp rồi tiến tới độc lập không? Nên biết Pháp giải chế độ thuộc địa chính là trong thời tổng thống de Gaulle chứ đâu phải như CB tức Hồ Chí Minh viết trên báo: đế quốc đánh chết vẫn không chừa cái nết chiếm hữu thuộc địa. Thôi, nói xa chả bằng nói gần: sao không học Bắc Kinh nán chờ để thu hồi hoà bình Hồng Kông, Macao và cả Đài Loan? Hay sao không như Nam Hàn nhìn các đồng bào suy nghĩ khác mình, yêu nước khác mình là anh em cốt nhục để cùng bàn bạc và cưu mang cứu đói chứ không là kẻ thù phải diệt? Hay, ừ nhỉ, sao không nghĩ được như Đặng Tiểu Bình: một quốc gia hai chế độ? (Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa chính là con đẻ không che giấu nổi của tư tưởng Tito đời mới này. Thập niên 40, 50 thế kỷ trước chửi nó dữ lắm!)
Kỷ niệm trăm năm ngày sinh Lê Duẩn, 10-7-2006, (nhưng sau báo chí lại công bố là ngày 7-4-2007. Mới một tí đã hai dị bản). Lê Đức Anh có bài ca ngợi Lê Duẩn giỏi chọn thời cơ hạ thủ Việt Nam Cộng hoà. Theo Anh, Duẩn cho rằng để Sài Gòn thực hiện Việt Nam hoá thì “nó sẽ mạnh lên và ta khó đánh đổ”.
A, đâu phải vì Sài Gòn phá hoại hiệp định Paris! Mà là vì đừng hòng ông cho chế độ chúng mày ưu việt.
Một trí thức bảo tôi: Đầy một kho các lưỡi Ê-dốp, các ông rất giỏi dựng kẻ thù để căm thù và tiêu diệt. Nghe nói cứ thấy cứt Sài Gòn là chó Hà Nội nổi đoá liền! Còn khi được một tủ lạnh đã mất động cơ để làm trạn thì người Bắc vui. Rồi tự hào “giỏi kết hợp thô sơ với hiện đại!”
***
Trong Báo cáo chính trị Đại hội 4, Lê Duẩn đánh giá thắng lợi như sau: đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng (tức chủ yếu Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô) đã đẩy lùi trận địa đế quốc, mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa (xin chú ý : then chốt đây. Một cách nói nữa là đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận chủ nghĩa đế quốc), phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á (phòng tuyến SEATO này sau đổi ra là ASEAN), làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy.
Về miền Bac, ông nói: “Thành tựu to lớn nhất là đã thủ tiêu chế độ người bóc lột người (…) Các giai cấp bóc lột đã bị xoá bỏ…, người với người sống có tình có nghĩa, đoàn kết, thương yêu nhau cùng với “vô sản chuyên chính được củng cố” (…) “hệ tư tưởng và nền văn hoá xã hội chủ nghĩa được đặt trên những nền móng vững chắc”… (Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ 4, NXB Sự Thật, 1977).
Lê Duẩn cũng thông báo thời kỳ hậu Việt Nam là thời kỳ chủ nghĩa xã hội xuất hiện thành mục tiêu đấu tranh trực tiếp (tôi nhấn) của tất cả các nước trên thế giới. Ngụ ý: công ông mở giai đoạn cho cách mạng to chưa?
Nhưng hiện thực Việt Nam luôn bố láo như cố hĩ! Nó ngược lại Duẩn hoàn toàn! Phe xã hội chủ nghĩa tan, không còn ai cho súng, cho tiền, cho khoa học quân sự và cho tin tình báo ở phạm vi thế giới để làm “tiền đồn”
đùng đoàng nữa, sức mạnh binh khí của Việt Nam suy yếu hẳn. Việt Nam bị cô lập kín mít, không mở ra nổi chuyện gì, trừ sáu tỉnh biên giới bị quân anh em chí cốt tràn vào dạy bài “thuỷ chung”.
Đặc biệt đáng chú ý: Đại hội 4 là Đại hội thắng Mỹ nhưng Trung Cộng không gửi đại biểu đến dự. Thế đấy, ông anh cú!
Đã hứa với Mỹ không cho domino ở vùng này thì chú em cứ domino! Ngày nào nó theo mình đánh Liên Xô ra trò thì nay nó trở cờ, cam làm “Cuba ở phương Đông” mở cửa cho Liên Xô vào Đông Nam Á bao vây mình.
Và nhân đang thời trăng mật với Mỹ, Bắc Kinh đánh luôn Việt Cộng để thanh minh mình không xúi Việt Cộng xé hiệp định Paris chiếm Sài Gòn.
Mãi tôi mới thấy trong canh bạc với Mỹ, người ta toàn xì tố bằng máu Việt. (Nhắc lại: máu Việt Nam có sức dịch chuyển quý giá). Báo Time đăng ảnh các hộp đèn quảng cáo Coca Cola, Big Mac… lần đầu tiên hiện ra rực đỏ ở dọc Bund Thượng Hải, Thành Đô, Khai Phong… cuối những năm 70 với dòng chú thích “Đông phương lại hồng”. Tôi xem thấy ở mỗi hộp đèn đỏ hình như còn có thon thót ánh máu Việt.
***
Sau đại hội 4, tôi đến Nguyễn Thành Long. Anh nói Chế Lan Viên dự đại hội về hơi buồn. Không vào Trung ương mặc dù Tố Hữu hết sức đùn vào. Đồn là vì có đại biểu Bình Định đến đại hội nhận ra Chế Lan Viên xưa đi ủng Nhật, thắt khăn mặt trắng to quanh cổ hô ủng hộ Đại Việt thân Nhật. (Xin nói thêm cho công bằng: nếu có thế thì Chế cũng đâu bằng Phạm Ngọc Thạch được Nhật cấp hàng nghìn cây súng cho Thanh niên Tiền Phong?)…
Long nói Chế Lan Viên bảo đại hội có chất vấn Trung ương vụ xét lại, yêu cầu tổng kết vụ án… Rồi lắc lư mái tóc rậm đẹp, khẽ thêm:
- Có vẻ Chế muốn qua tôi đánh động với ông hình như sắp có cái gì với ông.
Tôi không để ý mấy.
Thì đùng một cái, chi bộ họp bất thường. Biểu quyết khai trừ tôi. Màn kịch để nói kỷ luật là theo đúng nguyên tắc tư chi bộ.
Nửa tháng sau, Trọng, vụ trưởng Ban kiểm tra trung ương và Trần Trung Tá, vụ phó bảo vệ đến triệu tập tôi họp. Bí thư đảng uỷ và Hữu Thọ, trưởng ban kiêm bí thư chi bộ ban nông nghiệp cùng dự. Hữu Thọ ngồi đúng trước mặt tôi.
Trọng đọc nghị quyết khai trừ. Số 271 hay 171, 73 gì đó, (chả thiết lục sổ tay ra xem lại). Ngô Thuyền, phó trưởng ban kiểm tra ký. (Thuyền có con gái tên là Bè cùng học ở Trung Quốc với tôi, bé nhỏ, ngoan).
Nghị quyết viết:
Tội danh bao trùm: Trong tổ chức xét lại, chống đảng, lật đổ, gián điệp, tay sai nước ngoài. Ở dưới nói rõ: Thuộc nhóm Vũ Đình Huỳnh, Minh Việt. Và ba tội trạng cụ thể:
1. Phủ nhận mọi đường lối, chính sách của Đảng, nhất là đường lối kháng chiến chống Mỹ;
2. Lăng mạ lãnh tụ giai cấp, lãnh tụ dân tộc Hồ Chủ tịch;
3. Chuẩn bị viết tiểu thuyết chống Đảng.
Tổng kết hỏi cung tôi, Ban tổ chức trung ương không hề kết luận tôi ở trong “tổ chức chống đảng, lật đổ”. Vậy là theo điều lệ Đảng tôi có quyền khiếu kiện.
Nhưng tôi cho qua.
Chỉ thanh minh:
- Nói tôi lăng mạ Hồ Chủ tịch là không đúng… Tôi nói những điều không phải về Bác cũng như đứa con có khi bực mình nói bố.
Tá cười rất thú vị (như đã chuẩn bị sẵn bước này):
- Đây, có bằng chứng, để tôi lấy.
Miệng nói tay mở cặp da. Tôi vội nói:
- Thôi, thôi, tôi đồng ý.
Tôi chợn. Đã có bài học của Lưu Cộng Hoà ở Ban nghiên cứu lịch sử Đảng: anh bị phó ban vốn là bí thư tỉnh Kiến An phang cho cả một cái gạt tàn pha lê nửa ký vào mặt. May có cặp kính lão che. Hữu Thọ có thể tái diễn trò “A, thằng phản động dám lăng mạ Bác chúng tao” mà tặng cái gạt tàn thuốc nửa ký pha lê Tiệp kia vào đầu tôi lắm. Tôi bèn đưa hai tay ôm thóp, vẻ suy nghĩ. Tiệp Khắc hồi ấy tặng ta toàn đồ pha lê để “khôi phục kinh tế” sau 1954. Cơ quan nào cũng đầy gạt tàn pha lê tuy đều chủ yếu hút điếu cầy.
Trọng hỏi:
- Anh Trần Đĩnh có ý kiến gì không?
- Không, việc của Đảng mà.
Tôi ngạc nhiên nghe cái giọng tôi dửng dưng. Còn tiễn Trọng và Tá ra tận gốc đa cơ quan như chủ nhân vậy. Bỗng nhẹ tênh. Hê luôn cả cái quyền pháp lý tối thiểu của đảng viên ghi trong điều lệ: đảng viên bị kỷ luật khai trừ được dự các cuộc họp kiểm điểm và đề xuất kỷ luật với đảng viên. Tự nhiên đọc thầm thơ Thế Lữ thích từ ngày thiếu niên: “Đã quyết không mong xum họp nữa, Bận lòng chi lắm phút chia phôi…”
Đã có lúc tôi khá xấu hổ vì bị khai trừ. Nhưng rồi lành lặn khá nhanh. Nhờ cái gì? Nhờ – xin hiểu cho là tôi không bịa đặt ở đây – nhờ tôi nhớ lại câu nói của ông tham tán thương mại Ba Lan tháng 6 tháng 7 gì đó bị sốt xuất huyết nằm chung phòng ở Khoa lây Việt Xô với tôi năm 1970 (danh thiếp ông đưa đã mất): “Giá nước chúng mày ra ở tít giữa Thái Bình Dương rồi mọi người xúm lại cung cấp mọi thứ cho chúng mày sống riêng với nhau thì thế giới đỡ mệt. Chúng mày phá quấy quá!”. Cũng một kiểu khai trừ! Ra khỏi nhân loại.
So với xấu hổ của Đảng trước toàn thế giới thì xấu hổ của tôi ở cơ quan chỉ bằng con muỗi mắt?
***
Fin de partie - tên một vở kịch của Samuel Beckett: Hết ván, rời sòng.
1947, ở thôn Mè, Ninh Giang, nơi mẹ tôi và anh em tôi tản cư tới, tôi đã được bí thư Mậm nhắm kết nạp. Đã một sáng lên huyện uỷ làm cái việc mà nay có lẽ gọi là “phỏng vấn”. Tuổi mười bảy, lại thêm tung tích ông bố mịt mùng, nên chỉ chuyện trò vụn vài câu. Không vinh quy trở về, tôi lên cơn sốt rét, run cầm cập đi giữa thảm gấm vàng: đê bối bời bời hàng cây số toàn tơ hồng chín tới. Tôi và Mậm rất thân nhau. Tôi thường ở nhà anh, thường gặp cô cháu ruột của anh, T., con gái đầu lòng ông chủ tịch xã Hồng Lạc, rất mỏng mày hay hạt, thuộc loại dễ thành Ỷ Lan. Tình cảm lúc đó với Đảng gắn cùng mối thiện cảm với cô gái hay liếc trộm tôi rồi đỏ mặt. Lúc ấy tôi đã kén được một đối tượng điển hình để tập dượt đấu tranh ý hệ: sư cụ Chùa Mè. Bốn chục tuổi, trắng hồng, môi đỏ, giỏi võ – huấn luyện cho dân quân du kích xã. Phải cái tội mù.
Cụ dạy tôi đánh đàn nguyệt – nhà tôi trú ở chùa – và trả ơn thì tôi lên lớp phê phán tôn giáo, nhất là đạo Phật, thuốc phiện đầu độc người lao động. Chủ nghĩa cộng sản hay nhất! Giải phóng dân tộc, giải phóng thế giới, giải phóng con người. Sư cụ chỉ cười, răng rất bóng (cụ có một thanh tre hình bơi chèo, đầu to đập rập suốt ngày lia cọ răng) nhưng một bà vãi cãi lại, làm tôi rất khó chịu. Chồng đi lính sang Pháp đóng tới bếp, bà quá mê sư cụ. Nhoáng cái bà đã vào buồng sư cụ.
Mười ba năm sau, ở Bắc Kinh về, tôi trở lại Mè. Cảnh xưa mà người khác quá. Cải cách ruộng đất, Mậm bị quy là Quốc Dân Đảng, bị tù. Sửa sai về nhà ít lâu chết. Vợ anh bảo: “Phẫn quá mà vỡ tim, vỡ toang như quả bóng ấy, chú ạ. Hai anh em chủ tịch với bí thư cùng bị gông cổ điệu đi”. Cô cháu gái lấy người chồng thứ hai nghe đâu bị nó đổ tim la cho rồi chết. Sư cụ Chùa Mè bỏ đi đâu không biết. Dắt cụ đi là người đàn bà cười cứ ròn khanh khách mỗi khi vào buồng cụ ngày nào. Tôi thầm nghĩ nếu lúc ấy đứng tuổi có thể tôi cũng bị đổ vì đôi mắt lênh láng ướt sau hai hàng mi dài mượt làm xây xẩm cả người đàn ông trước mặt. Nhưng sư cụ không biết đôi mắt ấy và bà cũng chẳng cần người tình mù biết mình ra sao. Tình yêu này vô tư nhất.
Nhìn địa hình rêu mặt sân gạch và mốc ở thân cây cau mẹ tôi thường vịn vẫn như xưa, tôi muốn khóc. Ôi, con người, sinh vật mong manh nhất! Sư cụ có lúc nào nghĩ đến tôi, kẻ nhiếc đạo? Ở Bắc Kinh đọc Nietzsche, tôi mới biết ý thức hệ là ma tuý, và chúa gây lắc là ý thức hệ cộng sản.
***
Nửa năm sau người ta khuyên Phan Kế An xin ra đảng, chơ để bị đuổi như Trần Đĩnh! An cho biết khi chi bộ khai trừ An, Nguyễn Đình Thi nói:
- Bọn xét lại là con dao đâm vào lưng Đảng khi đang chống Mỹ.
Thi biết chúng tôi phản đối chiến tranh, thứ hội lễ lớn Đảng mở ra cho dân tộc.
Vài tháng trước một sáng, Thi tặng tôi quyển “Mặt trận trên cao” ghi: “Tặng Trần Đĩnh, những ngày hè nóng bỏng” rồi lầm rầm: “Khổ Hoàng Minh Chính, giờ thì thăm thẳm”.
Ít lâu sau Tô Hoài cũng bảo tôi: “Bọn Chính thăm thẳm nhỉ!”. Họp khai trừ An, Tô Hoài ngồi im.
… Hai nét về chuyện khai trừ Ung Văn Khiêm, Lê Liêm. Đọc nghị quyết khai trừ Khiêm xong, Lê Văn Lương dặn: anh cải tạo tốt thì lại trở lại với Đảng.
- Cha này, – Khiêm nói, lúc mới ở Hà Nội vào, mình bí thư Xứ uỷ phân công cha ra Ba Son vô sản hoá. Đã thổ cải theo Mao tan nát rồi lại bảo mình gắng Mao hoá tư tưởng lập trường!
Còn Lê Liêm? Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Trần Quốc Hoàn dự cuộc khai trừ anh. Lúc anh về, Hoàn đi theo nói:
- Từ nay làm việc cho tớ nhá. Chúng nó có gì thì báo tớ…
- Mình nhìn hắn rất lâu, – anh nói, rồi lắc đầu: Không! Tởm quá. Mà họ đâu có cho mình dự cuộc họp họ ra kỷ luật khai trừ mình, vi phạm luôn Điều lệ.
Đảng tạo ra hẳn một xã hội mới toanh cho loài người bất cần loài người có bằng lòng hay không thì há còn phải theo pháp luật, điều lệ nào nữa chứ?
***
Một đoạn nhỏ của Nghị quyết trung ương 21 khoá 3 về vụ án xét lại tôi còn nhớ: Bè lũ xét lại hiện đại tìm cách tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin. Một số phần tử trong nước ta đã sao chép các luận điểm của chúng, sử dụng các khái niệm xét lại để tuyên truyền chống lại các chính sách của Đảng ta… Cần ghi nhận rằng bè lũ này đã tập hợp các cá nhân bất mãn, ghen tị và đồi truỵ bên trong Đảng lập ra một “tổ chức chính trị phản động làm tay sai cho nước ngoài”.
Đúng là một kho tổ bố toàn lưỡi Ê-dốp!
Tổ chức tay sai cho nước ngoài. Nước ngoài nào? Mỹ? Pháp? Anh? Nhật?… Thế nào cũng phải đổ cho là tay sai nước ngoài nhưng rêu rao tên cụ thể nào lên lại sợ. Khruschev ngại chiến tranh với Mỹ nhưng rồi bị lật. Ngửi thấy mùi khói lửa Trung Quốc sắp cho tràn ngập Việt Nam hết sức thơm ngon, thế là từ 1965 Brezhnev đã mau lẹ nhảy ngay vào và cuối cùng còn viện trợ nhiều hơn cả Trung Quốc. Nhưng chúng tôi?
Chúng tôi không bao giờ thấy máu lửa ngập đất nước là thơm là ngon! Lại xem nữa: ký hiệp ước tương trợ hữu nghị với Việt Cộng, Liên Xô có móc đứa nào trong “đám tay sai” của nó ra không?
Có lẽ trong những người phản đối cộng sản, có một số rất ghét xét lại chúng tôi vì là “tay sai Liên Xô”. Họ nghe Đảng nên không hiểu là do kiên trì phản đối nội chiến, chúng tôi đã bị khép tội chống Đảng, phản động trong bóng tối bí mật bao la của Đảng. Câu nói khá công khai của Trần Châu, anh tôi: “Chiến tranh đau khổ thì dân nổi dậy lật đổ” đã là một trong mấy bằng chứng quan trọng để Việt Cộng lập vụ án chống Đảng lật đổ lẫy lừng trong đảng sử. Lúc đó với chúng tôi, đào đâu ra Human Right Watch, ra Internet, ra Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết đòi Việt Nam tôn trọng nhân quyền, đào đâu ra các thứ blogs ngày ngày đòi thả chúng tôi v.v…
Xin biết cho rằng chúng tôi đã bị bịt mồm hoàn toàn. Giá giống như Nhân Văn – Giai phẩm, chúng tôi được kiểm thảo công khai ở Thái Hà Ấp? Được thưa chuyện với dân rằng chúng ta không nên chém giết lẫn nhau. Rằng thống nhất đất nước có thể trì hoãn được. Và có thể thống nhất hoà bình v.v…… Giá như chúng tôi được ra toà như Cha Nguyễn Văn Lý. Thì anh Nam, phóng viên thông tấn nước ngoài sẽ chớp được cảnh bịt mồm ít nhất ba người. Kiểu này Hồng vệ binh gọi là văn đấu kết hợp vũ đấu. Lúc ấy đào đâu ra toà án dù là giả dối? Lúc ấy chúng tôi là đồ chó ghẻ lạc lõng trong biển “nhân dân hăng say đánh Mỹ”, người người xua đuổi!
Trần Dần có lần bảo tôi – trên mảnh sân bằng cái chiếu trên tầng ba ở nhà Lê Đạt, Dần đến cố vấn cho việc nuôi hai đõ ong Dần mới san cho Đạt: – Bọn Nhân văn chúng tao đòi tự do sáng tác, ừ, đòi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận…, bọn “xét lại” chúng mày lại đòi giữ mạng sống cho bất cứ người Việt nào, dù nó có là phản động chống Cộng ở Sài Gòn đi chăng nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà đêm đầu tiên hết bom B52, tại quảng trường 1-5 vắng lặng, Trần Dần bảo tôi: “Trần Đĩnh à, ra cái con lừa này nó cũng không ưa nặng mày nhỉ?”
Và Văn Cao:
- Hoà bình, tao làm Mùa xuân đầu tiên là tao vùi chôn đi cái thứ quân hành tanh tưởi máu Đảng bắt dân ta theo… Bài ấy chính là tao nức nở nghẹn ngào, đúng, đến độ thành ra êm đềm như ánh sáng ban mai vừa mới ló, cuộc sống run rẩy mới lên mầm. Mày ơi, mấy chục năm máu xương liên miên liệu “người đã biết yêu người” như tao hy vọng chưa hả?
Nhưng ít người hiểu được “bè lũ xét lại” như đám nạn nhân chính trị này.
Mà thường lại tin vào luận điệu của Đảng, sẵn sàng coi bọn tôi “tay sai của Liên Xô” tức là cũng một mớ “uýnh chác khát máu” thế cả thôi. Kia, Kiến Giang nom như cha cố mà là đầu mối gián điệp cắm ở Hải Phòng để đón tàu ngầm Liên Xô vào đưa bọn xét lại đi đấy. Hay Minh Việt vào đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội ăn tiệc với thủ tướng xét lại Kosygin mách cách phá Đảng. Lúc ấy, trừ Lê Trọng Nghĩa, chúng tôi nào biết có Cục tình báo Hoa Nam đỡ đần nên chưa ngờ có lẽ nó đã mớm cho tình báo Hà Nội biết bao tin “đặc biệt”.
Nhưng rồi chúng tôi đều phản cung, cơ sở pháp lý cho Nguyễn Trung Thành lật án.
Riêng Phan Thế Vấn, bác sĩ nha khoa thì lại bị buộc phải phản cung! Chuyện này đủ nói lên tính hề hài cùa tội danh “tay sai nước ngoài”.
Năm 1968, đòi gửi thư cho Lê Duẩn khiếu nại việc anh vô cớ bị bắt, Vấn đã được đưa về Hoả Lò gặp Hồ Chúc, cục trưởng Cục chấp pháp. Chúc bảo anh ngồi viết đơn. Theo như thường lệ, viết tên tuổi xong, Vấn đề tiếp: “Gián điệp của Liên Xô” thì Chúc gắt: “Sao lại gián điệp? Xoá đi”. Vấn nói: “Ô kìa, mấy năm qua toàn bắt chúng tôi phải nhận cái tội này không thì cột cho là ngoan cố mà lại!”. Xoá tội “gián điệp tay sai Liên Xô” xong, Vấn viết đơn cho Lê Duẩn.
Lần này Hồ Chúc vặn:
- Không là đảng viên sao anh viết thư cho Tổng bí thư? Rồi anh là quần chúng sao lại viết là hồi học tập Nghị quyết 9?
Vụ trưởng chấp pháp tóm dân mà không hiểu tất cả ai ở trong cơ quan, tổ chức đều phải học cái nghị quyết lừng danh đánh Liên Xô thờ Trung Quốc.
Đảng đổi hướng như con thò lò. Cần Trung cộng, Đảng cộp chúng tôi vào cái rổ “tay sai Liên Xô” nộp làm thế chấp, nay cần Liên Xô thì Đảng lẳng lặng vớt Vấn ra khỏi cái rổ tay sai gián điệp Liên Xô nhưng vẫn giữ lũ chúng tôi làm “tay sai gián điệp” hoài.
Bù vào chỗ mất tội danh “tay sai Liên Xô”, vấn phải nhận thêm ba năm tù nữa. Lý do: quần chúng không đảng viên mà chơi trèo, dám đòi pháp quyền và dân chủ với Tổng bí thư.
Sau khi ra tù, Vấn được thứ trưởng Y tế Nguyễn Văn Thủ – – bạn nghề và bạn ten-nit – cho đi làm. Người ta không chịu.
Vặn: mười năm qua anh ở đâu, lý lịch cần rõ chỗ này.
- Tôi bị tù.
- Giấy bắt và tha tù đâu?
- Không có, bắt suông tha suông thế thôi.
- Thế thì anh thôi vào biên chế.
- Ai bảo Đảng ta quan liêu giấy tờ?
Thế mà tôi có giấy chứng nhận! Nguyên do: đầu những năm 1980, Uỷ ban nhân dân phường mấy lần giục tôi nộp bản thành tích chống Mỹ để lấy trợ cấp chống Mỹ. Tôi không thích nhận. Phản đối chiến tranh mà nay lại lấy tiền công đánh Mỹ?
Tôi bèn đến nộp vụ tổ chức báo Nhân Dân một sơ yếu lý lịch xin đóng dấu chứng nhận. Dấu liền đóng cái phắp. Tôi đưa lý lịch cho Uỷ ban. Người ta bèn lờ tôi ngay. Phần kỷ luật trong đó đề rõ: “Trong tổ chức chống đảng, lật đổ, thường gọi là vụ Hoàng Minh Chính”.
Sướng quá, thoát nạn lĩnh tiền.
Xem giấy này, Kiến Giang cứ nói:
- Họ ỉm vụ án, nhưng tờ chứng nhận này của Đĩnh quá hay! Văn bản công khai duy nhất đấy!
***
Ở ngay buổi mừng chiến thắng đặc biệt tại báo Nhân Dân mà người chủ lễ danh dự là Tổng bí thư Lê Duẩn, tôi đã trải qua một phen điên rồ.
Sáng hôm ấy, Lê Duẩn đến báo đảng nói chuyện đại thắng Mỹ, mượn dịp để ông với báo đảng cùng vui mừng lại vừa là cách tuyên dương công trạng báo đảng đã trung thành với từng lời của ông trong suốt cuộc chống Mỹ.
Toàn cơ quan có mặt, chả ai “moong” và tất cả đều ăn mặc đẹp, đều hớn hở, đều cười nói rộn ràng và đều dồn hết cả lên mấy hàng ghế đầu.
Vâng, để được nhìn cho tỏ vị anh hùng vừa thắng Mỹ, thế cho nên cả một nửa trên hội trường chật kín vào nhau như sung, còn nửa bên dưới, chừng năm sáu hàng ghế dài có lưng tựa thì vắng ngắt. Có thể lấy cảnh này làm biểu trưng cho tình “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” được lắm, tuy trông nó hơi học sinh trung học. Trong đám đông chen chúc sung sướng tột cùng ấy, nổi lên chiếc cà vạt mầu đỏ ớt cay xè mắt mũi của Hữu Thọ.
Lê Duẩn nói được vài phút, mà xui quỷ khiến làm sao, tôi bỗng từ từ đứng lên, từ từ lách ra đầu hàng, từ từ đi xuống sau lưng hàng ghế cuối cùng rồi đứng đó, chọn cái chỗ ngay ngắn tại chính giữa hội trường, hai tay chống lên lưng ghế, mặt thản nhiên…
Để làm gì? Thật tình tôi cũng chả rõ tại sao! Bệnh tôi là bồng bột, bốc đồng thì còn mong gì tìm ra động cơ trực tiếp, cụ thể nữa. Có lẽ chọn lìa khỏi số đông nồng nhiệt – xuất chúng,outstanding - tôi muốn trình cho mọi người thấy kẻ hèn nhát phạm tội “sợ chiến tranh” kia trước sau vẫn kiên trì
chống lại bạo lực đến cùng dù hắn đơn độc, dù bạo lực đang vỡ trời cuồng hoan.
Vừa đứng đặt tay lên lưng ghế nhìn lên nửa hội trường trống không đến bảy tám mét thì thấy luôn hai anh thanh niên quần kaki vàng, sơ mi trắng đến ốp ở hai bên, ở phía sau tôi một ít. Rồi một anh thứ ba lớn tuổi hơn, đến khép lại ở sau lưng. Tôi thấy hình thành ngay ở quanh tôi thế trận vành móng ngựa của toà án mở ngược. Bụng liền bảo dạ: “Hố to!” và bắt đầu bồn chồn không yên. Nhưng làm thế nào bây giờ?
Chẳng lẽ cười lấy lòng họ mà nói: “Đông quá nên tôi hơi khó thở phải ra đứng đây?” Mà trở về chỗ cũ thì càng xoàng! Bèn đành cứ chịu trận ở mẩu đất hoang vắng tự mình trích biếm mình đến đó, để thấy gáy luôn nặng trình trịch như đeo một cái vạ đời. Lúc đó mới nhận ra hết nghĩa chữ “vùng không người” và “vùng tự do bắn phá”. Nhìn lên cứ thấy mắt Lê Duẩn nhìn thẳng vào mình. Tôi đoán thế nào ông cũng nghĩ sao lại để người đã tóc hoa râm đi bảo vệ tôi? Cục trưởng bảo vệ an ninh Kháng tóc bạc nhưng nom có giống tay này đâu?
Qua kiểu lập nghiêm khác tập thể một trời một vực của tôi, ai cũng có thể kết luận rõ ràng tôi đang “đi ngược dòng thời đại”. Và dĩ nhiên đã ngược dòng thì chẳng còn nghe thấy gì nữa, mặc dù hội trường luôn rầm rầm vỗ tay và reo hò.
Lễ vừa tan, tôi lẻn vội ra hồ Gươm, không cùng cả cơ quan chụp ảnh với Lê Duẩn. (Hôm sau, xem bức ảnh Lê Duẩn chụp với báo đảng to gần hết cả trang nhất. Nhà báo tên tuổi Th. T. ngả hẳn người vào vai Lê Duẩn, cười khoái lạc, tay ôm một quyển to tổ bố – chắc là một cụ kinh điển Mác-xít nào anh vừa vào thư viện mượn ra làm đạo cụ diễn show – tôi cả quyết thế vì chả lẽ đến để toàn tâm toàn ý nghe Tổng bí thư mà lại vẫn kè kè đèo theo một khối sách nặng đến nửa ký?)
Gió mát, mặt hồ in bóng mây, tôi chợt nhận ra: bị trừng trị vì tội phản đối chiến tranh, tôi vẫn khăng khăng theo đuổi tới cùng nguồn cơn “tội lỗi” của tôi chứ không ùa theo đám đông mà quay mặt lại cả với chính mình. Không, hơn thế, tôi đã cho mình nhân danh phái đối lập đơn độc trình diện ở ngay trước mặt Tổng bí thư!
Nhưng phải nói nếu biết bỏ ra đứng một mình là thế nào an ninh cũng ốp sát thì tôi chả ra mắt như vậy.
Bây giờ viết lại chuyện này, tôi mới thấy ra là từ lâu trong vô thức, tôi đã cất công xây nên vững chắc khoảng xa lìa rành rọt với phe chiến tranh, và nó, khoảng trống cách biệt như âm với dương này đã ôm bọc tôi mà bảo vệ suốt. Và cũng có lẽ hồn ma các nạn nhân chiến tranh mà tôi âm thầm thương cảm hồi đó đã cử tôi ra làm một luật sư câm lặng chất vấn tác giả của “thắng lợi”: “Thắng gì? Thắng ai?”
Mà cũng có lẽ tất cả chỉ là dục lực mông lung này thôi: “Tôi không sợ ông, dù ông là trùm bạo lực, tôi đương đầu lại đây…”. Thôi, dù chả làm nổi trò gì thì ít ra tôi cũng nhất quán tuyên xưng mình là kẻ chống chiến tranh.
À, còn chuyện này. Ba chục năm sau, tháng 3 – 2006, ở hội nghị báo Nhân Dân – gồm cả các Tổng biên tập đã về hưu như Hoàng Tùng, Hồng Hà… – kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi người ta giới thiệu tôi là “phóng viên chiến tranh”, tôi đứng lên nói rành từng tiếng:
- Tôi không chiến tranh, tôi chỉ bất khuất.
Tôi nhìn mặt các quan chức đồ sộ. Không một phản ứng.
Sự thật của tôi được chấp nhận. Đây không phải Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận mà là bất khuất viết thường của Trần Đĩnh. Trong khi không ít anh em đang làm việc vỗ tay hoan hô… Tôi có thể kể tên ra.
Còn một số chị, như chị Lý y tế, thì tan họp ra cứ thì thào:
- Ui, nghe anh nói mà sợ goá đi à! Mọi người lấy làm vinh dự thì anh lại lắc.
Trần Đĩnh- Xem tiếp "Đèn Cù" - Chương 38
- "Đèn Cù" - Chương 1
- "Đèn Cù" - Chương 2 & 3
- "Đèn Cù" - Chương 4
- "Đèn Cù" - Chương 5
- "Đèn Cù" - Chương 6
- "Đèn Cù" - Chương 7
- "Đèn Cù" - Chương 8
- "Đèn Cù" - Chương 9
- "Đèn Cù" - Chương 10
- "Đèn Cù" - Chương 11
- "Đèn Cù" - Chương 12
- "Đèn Cù" - Chương 13
- "Đèn Cù" - Chương 14
- "Đèn Cù" - Chương 15
- "Đèn Cù" - Chương 16
- "Đèn Cù" - Chương 17
- "Đèn Cù" - Chương 18
- "Đèn Cù" - Chương 19
- "Đèn Cù" - Chương 20
- "Đèn Cù" - Chương 21
- "Đèn Cù" - Chương 22
- "Đèn Cù" - Chương 23
- "Đèn Cù" - Chương 24
- "Đèn Cù" - Chương 25
- "Đèn Cù" - Chương 26
- "Đèn Cù" - Chương 27
- "Đèn Cù" - Chương 28
- "Đèn Cù" - Chương 29
- "Đèn Cù" - Chương 30
- "Đèn Cù" - Chương 31
- "Đèn Cù" - Chương 32
- "Đèn Cù" - Chương 33
- "Đèn Cù" - Chương 34
- "Đèn Cù" - Chương 35
- "Đèn Cù" - Chương 36
- "Đèn Cù" - Chương 37
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét