“…Không biết các quan chức Việt Nam có bao giờ đặt ra câu hỏi, lý do gì đã thúc đẩy các quan chức cao cấp Thụy sĩ này bỏ thời gian và sức lực để thực hiện một công việc chả có lợi ích trực tiếp nào với họ? Vì sao họ tìm mọi phương cách để có thể được gặp và trao thư nhằm bảo vệ cho một tù nhân lương tâm ở Việt Nam, đất nước xa họ hàng vạn cây số?...”
Bà Anne-Marie von Arx-Vernon,
Dân biểu Quốc Hội tiểu bang Genève
Chiến dịch « Knock on the door » mà tôi tự diễn giải ra tiếng Việt là « Gõ cửa đánh thức lương tri » là việc, ngày 10/11/ 2014, một phái đoàn dân biểu và chính giới Thụy Sĩ đã đến tòa lãnh sự Việt Nam tại Genève - Thuy Sĩ để trao cho bà lãnh sự Đỗ Hà Thảo một Thỉnh Nguyện Thư gửi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về trường hợp tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu bị cầm tù trong hoàn cảnh khắc nghiệt với tình trạng sức khỏe của anh đang gặp nguy cơ.
Phái đoàn được dẫn đầu bởi bà Anne-Marie von Arx-Vernon, Dân biểu Quốc Hội tiểu bang Genève; ông Michel Rossetti, cựu thành viên Hội đồng quản trị và cựu thị trưởng thành phố Genève; ông Jean-Marc Comte, thành viên Hội đồng quản trị và đương kim thị trưởng thành phố Grand-Saconnex, tiểu bang Genève; và ông Rolin Wavre, nghị viên thị xã Pregny-Chambesy, tiểu bang Genève.
Thay vì viết thư mà không bao giờ nhận được hồi âm như những lần trước đây, phái đoàn này đã chọn một phương cách mới, đến thẳng trụ sở Lãnh sự quán Việt Nam, gõ cửa xin gặp để trao thư, với tư thế sẵn sàng đón nhận cả với khả năng bị từ chối, không được đón tiếp.
Không biết các quan chức Việt Nam có bao giờ đặt ra câu hỏi, lý do gì đã thúc đẩy các quan chức cao cấp Thụy sĩ này bỏ thời gian và sức lực để thực hiện một công việc chả có lợi ích trực tiếp nào với họ? Vì sao họ tìm mọi phương cách để có thể được gặp và trao thư nhằm bảo vệ cho một tù nhân lương tâm ở Việt Nam, đất nước xa họ hàng vạn cây số?
Vì tiền bạc, vì danh tiếng, bị xúi bẩy, bị lôi kéo, vì âm mưu thâm độc? Xin thưa, một triệu lần không phải vậy. Viết trần trụi ra những lý giải này, tôi chân thành xin lỗi vì đã chạm đến danh dự của những con người cao quý này. Nhưng thật là xấu hổ thay, đây lại là những lý giải « thông thường » mà chính quyền đang gán cho đồng bào phản động và các lực lượng thù địch khi họ có những hành động tương tự như trên.
Chỉ có thể là lương tri và tình thương con người - đồng loại, thúc đẩy những con người đáng kính trọng này thực hiện những công việc đó. Họ đang muốn dùng lương tri của mình thức tỉnh lương tri của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
* * *
Tôi muốn chen ngang vào bài viết này, để chép lại câu chuyện nói về tình yêu, tình người, mà tôi gặp trên mạng của một tác giả vô danh. Cũng chỉ nhằm làm đậm thêm điều tôi muốn nói.
« Bàn bên cạnh có 2 người đàn ông mặc quần áo chàm vừa nốc từng bát rượu đầy vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi né ra xa một chút là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng bạc lủng lẳng.
Suốt gần nửa tiếng đồng hồ chỉ thấy có một anh nói, khi thì giận dữ, khi thì nghẹn ngào, lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men rượu nhấn chìm. Can rượu to trên bàn đã vơi đi quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau khóc rưng rức. Lẳng lặng nhìn hai người đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống nghiêng can rót rượu đầy tràn 2 miệng bát. Xong xuôi lại trở về chỗ, ngồi nhìn bâng quơ ra rặng núi giăng ngang trước mặt.
Hai gã đàn ông này chính là tình địch của nhau. Một anh là chồng, còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây. Nhìn kỹ ra thì cô vẫn còn khá trẻ nhưng vẻ tiều tụy và cam chịu làm cho người ta nghĩ rằng đấy đã là một thiếu phụ nhan sắc đang tàn.
Chiều tối ngày hôm qua họ đã xuống chợ. Như nhiều đôi khác, 2 vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau. Sáng hôm nay họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường để rồi sẽ lại ăn 1 bữa trước khi túc tắc dắt ngựa đi về. Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình mà dẫn theo anh người yêu cũ.
Câu chuyện giữa 2 người đàn ông, 1 người chỉ nói, vừa nói vừa nghẹn ngào, một người cúi gằm mặt xuống vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng. Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện đó như sau :
- Thằng Xín Thàu kia, mày uống hết cái bát kia đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao theo vợ mày về đây tìm mày .
- ….
- Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết 1 túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi đạn sỏi vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này.
- …..
- Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng Tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó, thế là tao vui .
- ……
- Phiên chợ trước tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây gặp vợ mày.
- …..
- Mày phải biết. Khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ ko bắn 2 con chim to trên cành, bỏ ko bắn 1 con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Thật đấy. Tao vẫn còn thương con vợ mày lắm mà.
- …..
- Đến lúc tao tìm được con vợ mày, tao vui đến chảy cả nước mắt. Tao lại hát lại cái bài mà ngày xưa lần đầu tao hát bên tai con vợ mày, cái đêm đầu tiên tao gặp được nó.
- …..
- Thế mà dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi, ngày xưa cái mặt nó tròn như trăng rằm, hai cái vú nó tròn to như hai quả dưa chín, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo.
- ….
- Giàng ơi . Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần, ngực nó nhăn như hai quả bí héo. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá. Giàng ơi.
- …..
- Mày nói đi. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?
- …..
- Mày là thằng tốt số nhất đời. Mày sinh ra vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày. Mày thật là có cái tội to. Hôm nay tao định đánh mày nhưng tao thương con vợ mày quá .
- …..
- Lần này tao mang 2 bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho.
- …..
- Đến kỳ ngô ra bắp, tao bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc, bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu. Tao sẽ cho mày. Nếu nhím sập bẫy, mày bắt nguyên cả con mang ra chợ. Có người mua ngay, 3 cái dạ dày nhím sống là đổi được 1 con lợn giống to.
- …..
- Mày không được lười. Mày đói thì tao kệ mày nhưng vợ mày đói là tao đánh mày đấy.
- …
- Thằng Xín Thàu kia, mày có phải là thằng đàn ông hay không?
* * *
Gã người tình, bằng tình yêu, tình người không vụ lợi của mình làm thức tỉnh lương tri và trách nhiệm của người chồng. Câu chuyện có thể không có thật, nhưng nó làm tôi không bao giờ quên mỗi khi quốc tế có sự « can thiệp » nào đó để bảo vệ hoặc giúp đỡ cho người dân Việt Nam chúng ta.
Mong lắm thay, quan chức Việt Nam được như người chồng để mà ôm lấy, khóc rưng rức, cảm nhận được tình cảm chân tình mà thế giới bên ngoài dành cho đất nước và dân tộc chúng ta.
Bài viết này được viết ra cũng để muốn nói lên lời cảm ơn chân thành đối với những tình cảm cao thượng, tình thương yêu con người không biên giới của các cá nhân chính khách Thụy sĩ nói riêng và của đông đảo cộng đồng quốc tế nói chung.
Đặng Xương Hùng
11/2014
11/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét