Trong kỳ đầu tiên, tác giả thuật lại thời thơ ấu của mình và cho biết làm thế nào đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của TT John F.Kenedy. Đây là đoạn trích giải thích tại sao sau này McNamara sẽ khăng khăng tiếp tục cuộc chiến với những tính toán chỉ dựa trên phép tính cộng đơn giản: bao nhiêu bom để thả, bao nhiêu phi vụ đã thực hiện, bao nhiêu thương tổn phía địch quân, cần có bao nhiêu lính Mỹ thì sẽ chiến thắng.
Hành trình đến Washington của tôi (9.6.1916 – 20.1.1961)
McNamara trên trực thăm đến thăm căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ tại Chu Lai năm 1965
Ngày hôm sau lễ nhậm chức của John F.Kennedy là một trong những ngày đáng tự hào nhất của đời tôi. Bốn giờ chiều ngày 21.1.1961 ấy, trong văn phòng hướng Đông của tòa Bạch Ốc, cùng với 7 bạn đồng liêu vừa được đề cử vào nội các, tôi chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức.
Chúng tôi đứng thành hình bán nguyệt dưới cái chụp đèn bằng pha lê, đối diện với Bộ trưởng Tư pháp Earl Warren xúng xính trong bộ lễ phục màu đen của ông. Cùng với những người khác, tôi đọc lời tuyên thệ trước sự chứng kiến của tổng thống và phu nhân Kennedy, các vị lãnh đạo quốc hội và gia đình chúng tôi.
Giờ đây tôi đã là người thứ tám và cũng là trẻ nhất trong chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Thế nhưng cho dù tôi mới vừa được 44 tuổi, tôi vẫn chưa phải là người trẻ nhất trong nhóm. Tổng thống mới có 43 tuổi và bảo đệ Robert Kennedy mới 35 tuổi đấy thôi. Như nhiều người trong những vị này, tôi đã lớn lên giữa hai trận thế chiến và đã phục vụ như là một sĩ quan trẻ trong thế chiến thứ nhì.
Tổng thống Kennedy nghĩ rằng, cũng như 7 bạn học cũ của tôi ở Đại học Harvard, tôi có thể đem đến cho giới quân nhân những kỹ thuật điều hành từ thế giới kinh doanh, và rằng tôi trong chiến tranh đã từng công tác như là sĩ quan kiểm tra thống kê. Tôi rộn ràng vì lại được gọi phục vụ cho đất nước.
Tôi nằm trong lứa trẻ em “bùng nổ”, sinh ra sau thế chiến thứ nhất, đông đến nỗi khi tôi theo học lớp 1 vào năm 1922, nạn thiếu phòng lớp trở nên trầm trọng. Lớp học của tôi nằm trong một cái lán bằng gỗ thiếu tiện nghi nhưng cô giáo thì thật tuyệt vời. Cứ đến cuối tháng cô giáo lại ra bài kiểm tra và sau đó sắp xếp lại chỗ ngồi các học sinh tùy theo kết quả học tập. Học sinh nào được xếp hạng cao nhất được ngồi ở hàng đầu phía trái.
Tôi quyết tâm chiếm chỗ ngồi đó…Khuynh hướng học hành cho thật giỏi của tôi phản ánh sự kiện sau: cả cha lẫn mẹ tôi đều không được học trung học (cha tôi học chưa qua lớp 8); chính vì thế ông bà nhất quyết rằng tôi phải học hành đến nơi đến chốn. Chính quyết tâm này đã hun đúc cuộc đời tôi.
Tôi tốt nghiệp trung học năm 1933. Vào thời điểm đó, có tới 25% nam giới bị thất nghiệp. Cha của một bạn học tôi đã tự tử vì không nuôi nổi gia đình. Một bạn học khác, con gái một gia đình giàu có, thì gia nhập Đảng Cộng sản. Mùa hè 1935, tôi nhận một chân thủy thủ trên tàu hàng SS Peter Kerr. Lương tháng là 20 đô la.
Sau đó, tôi vào Đại học California ở Berkeley và gặp gỡ Margaret (sau này là vợ tôi). Đại học Berkeley mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn mới – thế giới của sử học, của các tư tưởng, của các giá trị luân lý và đạo đức, của sự uyên thông bác học và men tố trí thức.
Tôi chọn kinh tế học như là chuyên đề chính và triết học cùng toán học như là chuyên đề phụ; lúc đó tôi vẫn chưa đặc biệt chọn chuyên ngành nào. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó (cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ), thật dễ hiểu tại sao kinh tế học lại có vẻ hấp dẫn. Dẫu sao thì những khoảnh khắc quyết định trong quá trình giáo dục của tôi chính là trong những giảng khóa triết học và toán học.
Các giáo sư toán học của tôi đã dạy cho tôi nhìn nơi toán học như là một phương pháp tư duy – một ngôn ngữ biểu thị rất nhiều, tuy không là trọn vẹn, những hoạt động của con người. Đó chính là một sự mặc khải. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn xem định lượng như là một thứ ngôn ngữ làm gia tăng sự chính xác trong suy luận về thế giới.
Tất nhiên, điều đó không giải quyết gì được các vấn đề như đạo đức, cái đẹp và tình yêu, song đó là một công cụ rất uy lực nhưng thường khi lại bị xem thường trong việc vượt qua khó nghèo, thâm thủng thuế khóa, hoặc các thất bại trong các chương trình y tế quốc gia.
Một kinh nghiệm khác có một tác động lớn đối với cuộc đời tôi, mặc dù lúc đó tôi chắc chắn không ý thức được, đó là hai năm tôi phục vụ tron lực lượng sĩ quan trừ bị của sinh viên trong ngành bộ binh sau khi hải quân bác đơn tôi do thị lực tôi kém. Điều tôi rút tỉa ra là lúc đó chẳng ai coi trọng giới quân nhân
Tất nhiên, trong vòng vài năm huấn luyện đó, tôi và các bạn học đã có đầy đủ lý do để tự hỏi tại sao cả một thế hệ quân nhân chuyên nghiệp như George Marshall, Hap Arnord, Max Taylor và Dwight Eisenhower lại đã chọn con đường này vào lúc mà chẳng ai them đếm xỉa. Kinh tế có suy thoái hay không, những người như Max Taylor đều có thể rời quân ngũ và làm giàu trước thế chiến thứ hai. Chúng tôi quả đã mắc nợ họ đến mãi mãi.
Sau Berkeley, tôi theo học Đại học quản trị Kinh doanh Harvard. Tốt nghiệp năm 1939, tôi trở lại San Francisco và nhận một chỗ làm với lương 125 đô la một tháng. Mùa hè năm sau, Wallace Donham khoa trưởng ĐH Quản trị Kinh doanh mời tôi về lại trường giữ một chân trợ giảng khiêm tốn.
Tôi trả lời rằng quyết định không chỉ thuộc về tôi. Tôi đang đeo đuổi một cô gái, nếu thuyết phục được cô ấy lấy tôi, tôi sẽ trở lại Harvard, bằng không thì đành chịu. Lúc đó, Marg đang nghỉ hè cùng mẹ và dì rong ruổi khắp nước. Qua điện thoại, Marg nhận lời cầu hôn của tôi. Chúng tôi sinh con đầu lòng ngày 31.10.1941.(còn nữa)
- Hồi ký McNamara Kỳ 1 - Tại sao tôi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng?
- Hồi ký McNamara Kỳ 2 - Cuộc "mặc cả" với tổng thống J.F.Kennedy
- Hồi ký McNamara: Kỳ 3 – Lún sâu vào Việt Nam, Mỹ đã đoán sai mục tiêu của Trung Quốc
- Hồi ký McNamara: Kỳ 4 - Khi hiểu Nam VN, tôi biết mình đã đánh giá sai Ngô Đình Diệm
9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét