Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Hồi ký McNamara: Kỳ 4 - Khi hiểu Nam VN, tôi biết mình đã đánh giá sai Ngô Đình Diệm

Theo McNamara, Ngô Đình Diệm là vị tổng thống độc đoán chuyên quyền, đa nghi, giấu diếm và tự cô lập với dân chúng
Theo McNamara, Ngô Đình Diệm là vị tổng thống độc đoán chuyên quyền, đa nghi, giấu diếm và tự cô lập với dân chúng
Trong số này, người đọc sẽ thấy tân Bộ trưởng Quốc phòng McNamara làm gì để “minh triết” và sau đó sẽ hiểu tại sao cuộc chiến tranh Việt Nam còn mang một tên khác. Sai lầm lớn của ông là đánh giá sai Ngô Đình Diệm dù lúc đó ai cũng hiểu rằng, chỉ có vận đỏ mới tìm được người khác khá hơn Diệm.
Chỉ trong vòng vài tuần lễ sau đó rõ ràng là rối rắm tại Nam Việt Nam tăng nhanh hơn là chúng tôi dự kiến, góp phần vào những rối rắm ở Lào. Vào tháng 3.1962, Tổng thống Kennedy thành lập một ủy ban đặc nhiệm gồm các thứ trưởng đứng đầu bởi Ros Gilpatric (Thứ trưởng Quốc phòng) nhằm thăm dò những khả năng diễn biến hành động theo một cách khác đồng thời đưa ra những khuyến cáo.
Báo cáo của ủy ban này, được đệ trình hôm 8.5, đề xuất một sự gia tăng đáng kể số nhân viên quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam, từ con số vài trăm người lên đến mấy ngàn người. Tổn thống Kennedy cắt giảm kế hoạch này một cách đáng kể, chỉ cho phép tăng có 100 cố vấn và 400 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ huấn luyện các kỹ thuật chống nổi dậy cho binh sĩ Nam Việt Nam.
Thế nhưng vào lúc ấy, tình hình tại Lào xấu đi. Vào tháng 8, trong một buổi họp ở tòa Bạch Ốc, Ngoại trưởng Dean Rusk khuyến cáo vẫn tiếp tục đàm phán ngoại giao song vẫn chuẩn bị sẵn sàng tiến hành hành động quân sự để bảo vệ Đông Dương theo một kế hoạch do Khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) soạn thảo.
Kế hoạch này kêu gọi gởi khoảng 30.000 quân, cung cấp bởi các nước ký tên tham gia khối liên phòng này (SEATO), gồm Anh, Pháp và Mỹ. Song Anh và Pháp lại tỏ rõ là không có dự tính gởi quân.
Tôi bảo với Tổng thống rằng, trước khi quyết định gởi quân đến Đông Dương, cần cân nhắc vấn đề nước Lào so với các vấn đề khác của thế giới. Đặc biệt là vấn đề Berlin, mà theo tôi, khủng hoảng đã gia tăng đến nỗi chúng tôi phải đang tính toán việc gởi sang châu Âu sáu sư đoàn (khoảng 90.000 quân chiến đấu).
Tổng thống quyết rằng chúng tôi không nên dính dự đến kế hoạch của SEATO mà không quan tâm đến những gì khác có thể xảy ra trên thế giới – Ngoại trưởng Dean Rusk đồng ý với kết luận này.
Đến mùa thu năm 1961, Tổng thống Kennedy quyết định cử Maxwell Taylor và Walt Rostow của Hội đồng An ninh quốc gia sang Nam Việt Nam để đánh giá tình hình rồi sau đó đề xuất xem phải làm gì. Trong báo cáo của họ, Maxwell Taylor và Walt Rostow đề nghị tăng hậu thuẫn cho Nam Việt Nam bằng cách gởi thêm cố vấn, thiết bị, và cả một số binh sĩ chiến đấu nữa.
Ngày 11.11, sau khi suy nghĩ và thảo luận sâu hơn, Ngoại trưởng Dean Rusk và tôi cùng đệ trình lên Tổng thống một báo cáo chung chống lại việc gởi quân chiến đấu theo cách thức mà Maxwell Taylor và Walt Rostow khuyến cáo.
Chúng tôi nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu Nam Việt Nam đủ cố gắng, sẽ không cần đến binh sĩ chiến đấu của Mỹ; còn nếu như không có được những cố gắng như vậy, binh sĩ Mỹ sẽ không tài nào hoàn thành được sứ mạng của mình giữa một dân tộc dửng dưng, thậm chí thù địch.
Trong những tháng đầu tiên năm 1962 đó, do lẽ chúng tôi đang còn tiếp tục sắp xếp lại Bộ Quốc phòng, Việt Nam chưa phải là vấn đề lớn nhất. Song, không như nhiều vấn đề mà mà tôi ủy nhiệm cho Thứ trưởng Quốc phòng Ros Gilpatric giải quyết, tôi ngày càng nắm vấn đề Việt Nam như thể đó là trách nhiệm cá nhân của tôi. Điều đó hoàn toàn đúng: Việt Nam là nơi duy nhất mà người Mỹ đang ở trong một cuộc chiến tranh nhức nhối đang đâm chồi, cho dù với tư cách cố vấn. Tôi cảm thấy trách nhiệm với cuộc chiến này rất nặng nề, và tôi đế hết tâm trí vào đấy với hết khả năng của tôi sao cho hiệu quả nhất. Đó là lý do tại sao mà cuối cùng người ra gọi đó là cuộc chiến tranh của McNamara.
Trong năm 1962, càng dấn sâu tiếp xúc với Nam Việt Nam, tôi càng đi đến chỗ hiểu biết nhà lãnh đạo Nam Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm. Diệm và những người chung quanh ông ta cùng cơ cấu chính trị mà ông ta xây dựng thiếu hẳn sự gắn bó với dân chúng Nam Việt Nam; ông không hề phát triển những quan hệ với họ. Chúng tôi đã đánh giá sai điều này. Ông ta tỏ ra độc đoán chuyên quyền, đa nghi, giấu diếm và tự cô lập với dân chúng.
Dẫu cho chúng tôi có nhìn thấy những hạn chế như thế, nhiều người trong chúng tôi vẫn chấp nhận cách đánh giá cố hữu về Diệm, cụ thể là tờ Newsweek năm 1959 gọi ông là “một trong những nhà lãnh đạo có khả năng nhất của Á châu tự do”. Cùng với nhiều người khác, lúc tôi nghĩ rằng viễn tượng tìm được ai khá hơn Diệm quả thật là may, trừ phi gặp vận đỏ.
Chẳng có ai trong chúng tôi tự mãn với những thông tin nhận được từ Việt Nam. Tất nhiên chúng tôi tự hỏi nhận được những báo cáo căn cứ trên sự thật về các chiến dịch quân sự và chúng tôi đọc ngấu nghiến nguồn báo cáo phân tích tường thuật của tòa đại sứ của chúng tôi tại Sài Gòn.
Thế nhưng chúng tôi sớm quyết định cần phải có những buổi họp giữa các viên chức cao cấp Mỹ tại Sài Gòn và Washington có liên quan đến các vấn đề này. Bởi thế, từ cuối năm 1961, tôi thường bay đến Hawaii và Nam Việt Nam. Các chuyến đi Hawaii và Nam Việt Nam cho phép tôi và các cộng sự viên của tôi nghe trực tiếp từ rất đông đồng nghiệp Mỹ và Nam Việt Nam. Chúng tôi luôn bổ sung cho những buổi họp đó bằng những sự tham khảo nơi các nhà quan sát độc lập.
Tháng 3.1962, trong một buổi họp ở Washington, tôi tuyên bố: “Thắng lợi trong cuộc chiến chống du kích ít nhất cũng sẽ tùy thuộc nơi các hành động chính trị và chương trình kinh tế hơn là nơi các kế hoạch quân sự".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét