Cái title rất hay:
Những vụ hối lộ được điều tra một nửa
Một nửa còn lơ lửng trong… đêm đen
Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ công an đề nghị vào cuộc điều tra vụ hối lộ quan chức Y tế của công ty Bio-Rad (Mỹ). Đây không phải lần đầu tiên khi ở nước ngoài đã xử xong người đưa hối lộ, thì trong nước mới “hoả tốc” đi tìm đi tìm xem ai nhận hối lộ.
Công ty Bio-Rad mới bị Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban Chứng khoán-Thương mại Mỹ (SEC) cáo buộc “hối lộ quan chức Việt Nam” với số tiền là 2,2 triệu USD. Và sau khi thông tin này xuất hiện trên báo chí, Bio-Rad đã nộp 55 triệu USD tiền phạt, thì trong nước Bộ Y tế mới đề nghị Bộ công an vào cuộc.
Kịch bản tưởng lạ mà quen: Sau khi cơ quan hành pháp ở nước bạn đã có kết luận về bên đưa hối lộ rồi, thì ở Việt Nam cuộc điều tra tìm người nhận món tiền khổng lồ ấy mới bắt đầu.
Năm 2008, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ SEC cáo buộc Siemens AG “dùng các khoản hối lộ để thắng thầu các thiết bị y tế tại Việt Nam”.
Năm 2010, căn cứ theo tài liệu của tòa án Đức, “Daimler AG và các chi nhánh đã chi 10 triệu USD hối lộ cho các quan chức ở ít nhất 22 quốc gia” trong đó có Việt Nam.
Cũng năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc Công ty Viễn thông VERAZ đã “hối lộ tổng giám đốc của một công ty viễn thông nhà nước ở Việt Nam để thắng thầu”.
Năm 2010, Nexus Technology của Mỹ bị phạt 27 triệu USD, ba nhân viên của họ nhận án tù hàng chục năm vì “hối lộ các cơ quan chính phủ tại Việt Nam”. Vụ án này cũng đã được nhắc đến trên báo chí Việt Nam, nhưng sau đó trôi vào quên lãng.
Năm 2011, cũng vì các vụ hối lộ ở Việt Nam, hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới Aon bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 1,75 triệu USD.
Đầu năm 2014, công ty JTC bị cơ quan hành pháp Nhật khẳng định đã hối lộ 80 triệu yên tại Việt Nam…
Bất kỳ một vụ nào như cách nước ngoài thông tin trên cũng đều có thể trở thành trọng án. Nhưng đáng ngạc nhiên, không phải vụ nào cũng có một cuộc điều tra công khai và đem lại kết quả. Thậm chí không phải vụ nào cũng được nhắc đến và được dư luận quan tâm như vụ của Bio-Rad lần này và JTC mới đây. Tức là có những trường hợp, kẻ đưa hối lộ đã nhận tội nhưng… không có kẻ nhận hối lộ.
Về nguyên tắc, những cuộc điều tra của nước ngoài về bên đưa hối lộ phải gắn liền với cuộc điều tra của Việt Nam về bên bị cáo buộc nhận hối lộ. Nhưng rốt cục thực tiễn lại ghi nhận những “một nửa vụ án” do nước ngoài thực hiện còn một nửa còn lại thì không, chưa thể hoàn tất.
Quy trình ở đây dường như rất bất ổn: Nước bạn đã điều tra ròng rã một thời gian, rồi kết luận, đưa ra thông cáo báo chí, báo chí nước ngoài đăng tải, báo chí trong nước dịch lại, rồi các bộ ngành địa phương liên quan của VN mới “giật mình” vào cuộc.
Nếu vấn đề là chờ để được chia sẻ thông tin giữa các cơ quan điều tra, thì đó là điều cần xem lại. Vì chống tham nhũng là nhiệm vụ rất cấp bách và chúng ta cần tìm một cơ chế “phản ứng nhanh” cùng nước bạn chứ không phải là “chờ sung nước bạn” như thế này.
Nếu vấn đề là năng lực điều tra thì càng cần phải xem lại. Vì hai năm rõ mười là có kẻ đưa thì chắc chắn phải có người nhận. Trừ khi, trong tất cả các trường hợp kể trên, kẻ thú nhận đưa hối lộ có ý đồ vu khống quan chức Việt Nam.
Tác giả: Đức Hoàng
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét