Ảnh bên:Ý kiến cho rằng lần lấy phiếu tín nhiệm 2014 ở Quốc hội VN đã phản ánh 'khá sát' thực tế.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã phản ánh 'khá sát' thực tế về năng lực của nhiều quan chức, lãnh đạo Việt Nam, là một 'điều tốt, đáng hoan nghênh', tuy nhiên về bản chất đây vẫn chỉ là một dạng thức 'dân chủ còn rất thấp', theo ý của nhà quan sát.
Bình luận về kết quả được Quốc hội Việt Nam công bố cùng ngày, ngay sau phiên lấy phiếu tín nhiệm hôm 15/11/2014, Tiến sỹ Alan Phan, một nhà quan sát tình hình Việt Nam từ Hoa Kỳ nói với BBC:
"Nó là một điều tốt, đáng hoan nghênh, nhưng những người ở vị trí cao họ bị đánh giá thường trực bởi cơ quan ngôn luận, bởi truyền thông, bởi dân chúng bằng những lá bầu trực tiếp, thì đương nhiên là họ không cần phải có những buổi họp của Quốc hội như thế này.
"Và thực tình trong những quốc gia khác, Quốc hội vẫn thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm nhưng mà chỉ có một phiếu, chứ không có cao, thấp hay là trung bình hay là cái gì hết và có thể làm một anh Thủ tướng mất chức.
"Nhưng mà ở Việt Nam cái chuyện đó gần như hoàn toàn không có, nhưng đối với tôi như đã nói tất cả những hình thức gì mà nó có một chút tiến bộ, thì đó là một điều chúng ta nên hoan nghênh," ông Alan Phan nói.
" Khá sát tình hình"
Hôm thứ Bảy, PGS. TS. Phạm Quý Ngọ từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư bình luận với BBC mức độ phản ánh thực tế tình hình Việt Nam và năng lực quan chức, lãnh đạo qua kết quả mới công bố.
Ông nói: "Theo nhận định của tôi, cuộc bỏ phiếu này là khá sát với những tình hình, diễn biến hay là những sự chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của những người lãnh đạo của những lĩnh vực, những ngành, hay những bộ mà các vị này phụ trách.
"Tôi có cảm tưởng là đã có những thay đổi rất là tốt và đánh giá cũng tương đối sát với tình hình thực tế. Tôi chỉ lấy một ví dụ trước kia Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, 'tín nhiệm cao' là thấp, còn 'tín nhiệm thấp' lại rất cao, thế nhưng trong lần này đã có sự thay đổi đột biến."
Vẫn theo ông Thọ thì:
"Đã có những đánh giá nhìn thẳng vào tình hình về hệ thống ngân hàng, tài chính hiện nay và có nghĩa là người ta thấy đã có những chuyển biến, hoặc ít nhất cũng đã có những sự quyết định mạnh tay và 'dám chịu trách nhiệm, chính vì vậy mà nó sẽ thay đổi được tình hình."
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Alan Phan, mặc dù đáng hoan nghênh, lấy tín nhiệm về tính chất vẫn chỉ là một hình thức 'dân chủ rất thấp'.
Trước câu hỏi liệu kết quả đo tín nhiệm có phản ảnh sát được tình hình thực tế ở Việt Nam và năng lực quan chức, lãnh đạo hay không, nhà quan sát nói:
"Thực tình nó có một phần nào, là vì những lĩnh vực mà tôi cho là bị tín nhiệm hơi thấp là những lĩnh vực mà hiện nay đang trì trệ như y tế, giáo dục, kinh tế, tất cả mọi thứ. Dù nó cải thiện hơn lần trước nhưng mà so với những lĩnh vực khác, nó vẫn là một yếu tố có thể nói là thấp hơn.
"Nó có phản ánh một phần nào, nhưng như tôi nói, nó không quan trọng gì và tôi thực tình cũng không có nghiên cứu kỹ về những chi tiết, là vì như tôi nói tôi cho tất cả những cái này chỉ là những hình thức dân chủ còn rất thấp."
" Một số thay đổi"
Hôm thứ Bảy, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), so sánh kết quả về phiếu tín nhiệm năm 2014 của Quốc hội Việt Nam với lần lấy phiếu trước vào tháng 6/2013.
Ông nói: "Kết quả cuôc bỏ phiếu tín nhiệm năm 2014 này cho thấy có một số thay đổi so với kết quả của năm 2013, kết quả thay đổi rõ rệt đó là sự cải thiện phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, của ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình và của ông Bộ trưởng Giao thông, Vận tải Đinh La Thăng.
"Kết quả cũng đáng chú ý đó là vị trí thấp của bà Bộ trưởng Y tế đã lại được tái khẳng định với một mức độ đậm nét hơn rất rõ rệt, và tương tự như vậy, mức tín nhiệm đối với ông Bộ trưởng Văn hóa, ông Bộ trưởng Nội vụ, và ông Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường cũng rất thấp...
"Những kết quả này cho thấy rằng Đại biểu Quốc hội có sự đánh giá nhất định về sự năng động của một số những chức danh được cải thiện và về tình hình không được cải thiện của một số chức danh như đã nêu trên."
Khi được hỏi về so sánh tương quan giữa kết quả với ba vị lãnh đạo là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, Tiến sỹ Doanh cho hay:
"Tôi thấy vị thế của ông Trương Tấn Sang vẫn cao một cách ổn định, còn vị thế của ông Nguyễn Tấn Dũng đã có sự cải thiện tương đối rõ rệt. Vị trí của ông Nguyễn Sinh Hùng, tôi thấy đáng chú ý là tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp tăng lên và đạt đến mức 10%, đấy cũng là một sự thay đổi đáng chú ý."
" Với Đại hội Đảng"
Cũng hôm 15/11, khi được hỏi liên hệ giữa kết quả 'tín nhiệm' ở Quốc hội năm 2014 với 'lộ trình nhân sự' đặc biệt chuẩn bị cho các vị trí lãnh đạo cao cấp nhất trong Đảng và nhà nước, từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận nói:
"Cái này cũng là một bước, theo một nguồn tin mà tôi biết được, kỳ họp (Ban chấp hành) Trung ương (Đảng Cộng sản VN) cuối năm cũng sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm ở trong Đảng, mà đây cũng là lần đầu tiên bỏ phiếu tín nhiệm.
"Và sau đó theo quy trình, khoảng đầu năm thì chốt lại nhân sự, những người nào quá tuổi, những người nào tín nhiệm thấp, những người nào có vấn đề thế này, thế khác, thì lúc đó người ta mới định hình ra nhân sự của Đại hội Đảng sắp tới," nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội nói.
Còn theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nếu có việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Trung ương Đảng, thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hôm 15/11/2014 sẽ có 'giá trị tham khảo rất cao.'
Ông nói: "Như tôi được biết, Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào tháng 12 này và ở đấy cũng có một đợt bỏ phiếu tín nhiệm được dự kiến.
"Và nếu như việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Ban chấp hành Trung ương được thực hiện như là dự định, thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội lần này chắc chắn sẽ có giá trị tham khảo rất cao đối với kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương," nhà phân tích nói với BBC.
Cuộc lấy phiếu của Quốc hội Việt Nam lần này thăm dò tín nhiệm với 50 vị trí quan chức giữ các chức danh mà Quốc hội bầu, hay Hội đồng nhân dân bổ nhiệm.
Trong số quan chức có mức phiếu tín nhiệm cao nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội. Bà có 390 phiếu tín nhiệm cao, 86 phiếu tín nhiệm và chỉ có 9 phiếu tín nhiệm thấp. Trong lần đánh giá tín nhiệm trước, bà cũng đứng đầu về các tỷ lệ thăm dò tín nhiệm.
Trong số có mức tín nhiệm thấp nhất là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà nhận được 97 phiếu tín nhiệm cao, 192 phiếu tín nhiệm và có tới 192 phiếu tín nhiệm thấp. Lần lấy phiếu năm 2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có mức phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong số những người được đánh giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét