Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Trí thức và bệnh… tâm thần!

"...Anh em chúng tôi cũng có lúc tự nghĩ rằng không biết mình có bị ‘tâm thần’ không khi cố đấu tranh đòi dân chủ, đòi công bằng và cơ hội cho mọi người khi bản thân mọi người lại không quan tâm? Không biết chúng tôi có bị tâm thần không khi cố gắng xây dựng một tầng lớp ‘trí thức chính trị’ cho Việt Nam..."


danguyen01
Đất nước phát triển hay tụt hậu là do các quyết định mang tính sống còn của những người lãnh đạo. Để xây dựng được một tầng lớp trí thức chính trị tinh hoa đó cho đất nước thì dù có mang tiếng là ‘tâm thần’ chúng tôi cũng sẵn lòng.
Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 8 đang tiếp diễn tại thủ đô Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu thì dư luận đã nóng lên với nợ công, kinh tế khó khăn, giáo dục và y tế tiếp tục xuống cấp, đòi hỏi đổi mới thể chế chính trị v.v. Có lẽ do nghị trường quá nóng về những vấn đề ‘quốc kế dân sinh’, để giải lao và thư giãn, giữa kỳ họp đã xuất hiện nhiều phát biểu gây sốc của các ông nghị trong quốc hội. Dẫn đầu trong số đó là nghị Phước và nghị Đương. Ngoài ra còn ông nghị kiêm nhà sư đòi xây dựng quân đội hùng mạnh như Bắc Triều Tiên hay ông nghị đòi phong tướng cho chủ nhiệm khoa Mác-Lê nin trong Học viện quốc phòng…
Còn rất nhiều phát ngôn gây sốc của các ông nghị Việt Nam, để rồi ông nghị Trần Du Lịch lên tiếng là ‘phải khám sức khỏe và tâm thần cho các ĐBQH’ vì ‘tiêu chuẩn ứng cử đại biểu đơn giản quá, một người tâm thần cũng ứng cử được’… Người dân Việt Nam nghe xong cười xòa vì những chuyện như vậy đã trở thành ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Không chỉ có các ông ‘nghị gật’ trong quốc hội là có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần mà kể cả bên chính phủ, là cơ quan hành pháp đang phải lo điều hành và quản lý đất nước hay bên các cơ quan đảng, là ‘đội tiên phong của giai cấp nông dân và công nhân’, là ‘đỉnh cao trí tuệ’ cũng mắc phải căn bệnh tâm thần y như vậy.
Từ ông tổng Trọng, đến ngài thủ tướng hay ông chủ tịch nước… Mỗi khi họ phát ngôn thì ai cũng cảm nhận được là không hiểu tại sao họ lại nói như vậy? Hoặc là họ không hiểu họ đang nói gì? Hoặc là họ quá coi thường người dân? Lẽ nào là họ bị… tâm thần chăng? Nhưng cũng vô lý, vì nếu bị tâm thần thì làm sao họ ngồi đó và lãnh đạo Việt Nam đến tận giờ? Sau gần 70 năm? Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, chúng tôi mới phát hiện ra một điều là chính người dân Việt Nam mới bị… tâm thần sau khi nghe ông nghị Thuyết trả lời BBC mới đây rằng ‘dân nào chính phủ đấy’, ‘tại người dân không chịu chọn lựa kỹ khi bầu cho các ĐBQH nên quốc hội mới ra nông nỗi như thế!?’.
Chúng tôi không biết nhân dân là những ai vì danh từ nhân dân quá chung chung và rộng lớn nên đành thử tìm hiểu những người xung quanh xem thế nào và phát hiện ra một điều là rất nhiều người mắc phải căn bệnh tâm thần mà không biết. Đầu tiên là các bạn bè của tôi, là những doanh nhân, có người là kỹ sư, tiến sĩ, và đang lãnh đạo cộng đồng hay các công ty lớn (ở nước ngoài). Tôi biết là họ không có quyền lợi hay bổng lộc gì từ đảng và nhà nước Việt Nam, những suy nghĩ của họ hoàn toàn thành thật và vô tư. Họ đồng ý là Việt Nam tụt hậu và thua kém thế giới rất nhiều, nguyên nhân là do tham nhũng và cách quản lý xã hội, sử dụng con người không đúng và không phù hợp với qui luật của thị trường… Nhưng khi nói đến việc cần thay đổi thể chế chính trị, cần đa đảng để cạnh tranh nhau thì họ lại… không đồng ý vì họ cho rằng đa đảng sẽ hỗn loạn và rồi đảng nào cũng vậy thôi. (Thậm chí có người là giáo sư, đang giảng dạy tại Mỹ cũng nghĩ như vậy). Người khác thì cho rằng dân trí Việt Nam thấp nên không thể dân chủ ngay được, phải từ từ một thời gian, khi nào giàu có rồi hãy nghĩ đến dân chủ. Hỏi đến bao giờ thì có thể thực hành dân chủ? Họ không trả lời được. Họ không hiểu, hay cố tình không hiểu rằng phát triển, giàu có là thành quả của dân chủ chứ không phải lý do dẫn đến dân chủ.
Một đặc điểm nữa để nhận biết một người có dấu hiệu tâm thần là khi họ sử dụng và hưởng thụ các thành quả của các nước dân chủ nhưng lại quay lưng với các giá trị tinh thần làm nên sự phát triển từ các nước dân chủ đó. Rất nhiều bạn bè tôi thích đô-la Mỹ, thích điện thoại Mỹ (iphone), thích xem phim Mỹ, ăn đồ Mỹ (Mc Donald’s), uống đồ Mỹ (Coca-cola), thích con cái đi học ở Mỹ nhưng cứ khi đụng đến các vấn đề như dân chủ hay nhân quyền lại lôi Mỹ ra chửi không tiếc lời. Họ không biết rằng nếu không có dân chủ và tự do thì làm sao nước Mỹ có những thứ đó cho họ dùng?
Bạn bè tôi có người kinh doanh tương đối thành đạt nhưng vẫn cố tình chạy chọt, xin xỏ để cho con mình được… vào đảng. Hỏi để làm gì? Họ bảo là muốn con cái sau này về Việt Nam làm việc và vì vậy phải có đảng mới tiến thân được! Bản thân họ tự mình vươn lên và trưởng thành trong cuộc sống nhưng lại muốn con mình đi bằng đầu gối. Quả thật không tâm thần mới là chuyện lạ. Tôi cũng giải thích cho họ hiểu rằng con cái họ không bao giờ có cơ hội tiến thân và thành đạt trong chế độ cộng sản vì rằng không có chỗ dành cho con cái họ ‘con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa’. Tiếu lâm Nga có câu chuyện rằng, một anh sĩ quan trẻ mới tốt nghiệp học viện quân sự về khoe với bố mình, là một đại tá, rằng anh đã là trung úy. Ông bố trả lời: Rất tốt. Anh nói: Con sẽ cố gắng để trở thành đại úy. Ông bố: Ok. Anh nói tiếp: Con sẽ là thiếu tá, trung tá, đại tá như bố. Ông bố: Ok. Anh ta hào hứng: Con sẽ cố gắng hơn nữa để trở thành một vị tướng. Ông bố: Ồ, điều này thì không được đâu con trai yêu quí. Anh ta thắc mắc: Vì sao vậy bố? Ông bố: Vì những ông tướng họ cũng có con trai!
Cũng có người Việt khi được người địa phương hỏi Việt Nam bây giờ thế nào thì trả lời thao thao bất tuyệt rằng, Việt Nam phát triển và giàu có lắm nhưng khi bị vặc lại là nếu Việt Nam tốt thế sao bọn mày không về nước, ở đây làm gì, thì lại tịt. Cũng có những người tôi quen biết đã có tuổi, sau khi bươn chải và thất bại hoàn toàn trên thương trường phải ngậm ngùi về quê nuôi vịt nhưng trước khi về nước cũng không quên đến bí thư chi bộ để rút hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng về địa phương. Tôi hỏi để làm gì? Họ bảo cũng chẳng biết để làm gì nhưng đã sinh hoạt đảng bao nhiêu năm rồi nên thấy cần phải làm như vậy! Ở các nước Đông Âu vẫn thường xuyên tổ chức các buổi lễ trao huy hiệu 30 năm tuổi đảng cho các đảng viên kỳ cựu và vẫn có người tham gia. Thế mới lạ. Tuy nhiên người ngoài thì thấy lạ nhưng bản thân người đó thì không thấy thế là lạ. Điều này cũng giống như một số thành phần trong các cộng đồng người Việt sống ở Phương Tây và Mỹ. Với họ chỉ có một lá cờ duy nhất, một chính nghĩa duy nhất, một thể chế dân chủ duy nhất, một biểu tượng duy nhất: Lá cờ vàng. Ai không chấp nhận lá cờ vàng thì đều là cộng sản?! Họ không cần biết một sự thật mà ai cũng biết là Việt Nam Cộng Hòa đã chết 40 năm rồi và Việt Nam bây giờ bao gồm cả hai miền Nam-Bắc, vì vậy không thể áp đặt chuyện cờ vàng cho những người Việt Nam ở miền Bắc…
Vậy còn những người dấn thân cho dân chủ thì sao? Ai cũng thừa nhận rằng họ là những người yêu nước, dũng cảm, trung thực, yêu ghét rõ ràng và không bị lây nhiễm căn bệnh tâm thần của nhiều người Việt. Tuy vậy khiếm khuyết lớn nhất của họ đó là không biết lượng sức mình và họ đấu tranh chỉ để đấu tranh chứ không có kịch bản để giành thắng lợi. Cách đấu tranh một mình, không tổ chức, không đảng phái, không cương lĩnh, không có giải pháp… chỉ là cách đấu tranh nhân sĩ. Nó sẽ mãi mãi không có kết quả. Đấu tranh để dân chủ hóa đất nước là một cuộc cách mạng vĩ đại và lớn lao vì vậy một người, một cá nhân sẽ không thể nào làm được gì. Muốn tập hợp được quần chúng thì bản thân trí thức Việt Nam phải chọn lựa và quyết định đứng vào một tổ chức để người dân Việt Nam thấy được sự quyết tâm và sự nghiêm túc của những người dấn thân cho dân chủ. Đó cũng là lý do vì sao cho đến bây giờ, dù chịu muôn vàn cơ cực và bất công mà người dân Việt Nam vẫn không chịu đứng dậy để thay đổi đời mình như người dân Đông Đức đã làm cách đây 25 năm. Không có một tổ chức chính trị hùng mạnh và có uy tín để lãnh đạo và dẫn dắt phong trào thì người dân sẽ không bao giờ đứng dậy.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã kiên trì suốt 30 năm qua kêu gọi trí thức Việt Nam tập hợp và đứng chung cùng một đội ngũ để hình thành một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh để buộc đảng cộng sản thay đổi về hướng dân chủ, nhưng trí thức Việt Nam vẫn hờ hững và không dành cho Tập Hợp sự quan tâm cần thiết. Muốn thuyết phục người dân từ bỏ chế độ cộng sản thì phải có dự án thay thế, muốn người dân bỏ không đi xe đạp thì phải có xe cơ động thay thế… Người dân không thể ủng hộ dân chủ khi không biết đối lập dân chủ là ai? Sẽ làm gì và thay đổi ra sao khi thay thế đảng cộng sản trong vai trò đảng cầm quyền? Hiểu điều đó nên Tập Hợp chú trọng kêu gọi trí thức Việt Nam làm gương trước. Có trách thì chúng tôi cũng chỉ trách trí thức Việt Nam chứ không bao giờ trách người dân Việt Nam. Điều đáng buồn là trí thức Việt Nam là những người khó thay đổi nhất. Khi có chút học thức, danh vọng và tiền bạc thì họ hài lòng và không muốn thay đổi nữa. Chính vì lẽ đó mà Việt Nam đến tận bây giờ vẫn chưa có dân chủ.
Anh em chúng tôi cũng có lúc tự nghĩ rằng không biết mình có bị ‘tâm thần’ không khi cố đấu tranh đòi dân chủ, đòi công bằng và cơ hội cho mọi người khi bản thân mọi người lại không quan tâm? Không biết chúng tôi có bị tâm thần không khi cố gắng xây dựng một tầng lớp ‘trí thức chính trị’ cho Việt Nam? Không biết chúng tôi có tâm thần không khi kêu gọi đấu tranh có tổ chức thay vì tranh đấu cá nhân? Chúng tôi sai chăng khi kêu gọi đấu tranh ‘Bất bạo động’ với tinh thần ‘Hòa giải và hòa hợp dân tộc’ để thiết lập nền ‘Dân chủ đa nguyên’ cho Việt Nam? Nếu sai thì chúng tôi sai chổ nào? Ai, tổ chức nào có dự án và giải pháp nào khả thi hơn không? Nếu chúng tôi không sai vậy tại sao trí thức Việt Nam không ủng hộ chúng tôi?
Là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập (đối lập chứ không đối kháng hay đối đầu theo kiểu một mất một còn) chúng tôi có tham vọng thuyết phục người dân Việt Nam lựa chọn ‘giải pháp thay thế’ mà chúng tôi đề nghị trong ‘dự án chính trị’ của mình để trở thành đảng cầm quyền để chúng tôi có cơ hội thực hiện ‘Dự án chính trị’ mà chúng tôi đã nêu ra. Tuy nhiên chúng tôi còn có một tham vọng lớn hơn nhiều đó là xây dựng một tầng lớp ‘trí thức chính trị’ cho Việt Nam. Đứng trước một thế giới đa cực và nhiều lựa chọn khó khăn, những người lãnh đạo đất nước cần có một sự hiểu biết, sáng suốt và dũng cảm để quyết định cho dân tộc mình một con đường đi thích hợp. Đất nước phát triển hay tụt hậu là do các quyết định mang tính sống còn của những người lãnh đạo. Để xây dựng được một tầng lớp trí thức chính trị tinh hoa đó cho đất nước thì dù có mang tiếng là ‘tâm thần’ chúng tôi cũng sẵn lòng.
Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét