Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Ý tưởng của bức “The Silent Piano” đã hình thành như thế nào?

Nguyễn Đình Đăng
Salvador Dalí nói ông nảy ra ý tưởng vẽ đồng hồ mềm trong bức The persitence of memory khi ăn pho-mat camembert, một loại pho-mat mềm, ruột như kem, cùi cứng hơn, phủ mốc trắng. Dĩ nhiên, trước Dalí, đã có vô số hoạ sĩ vẽ đồng hồ cũng như không thể đếm hết số tranh vẽ camembert. Nhưng vẽ đồng hồ chảy mềm như camembert thì có lẽ chưa có ai thể hiện. Còn sau Dalí thì có cả đống hoạ sĩ noi gương. Chính vì vậy, Gala, vợ Dalí, đã nói rằng đây là bức tranh mà người nào đã nhìn thấy một lần thì sẽ không bao giờ quên.
Kể từ sau khi đàn piano được Bartolomeo Cristofori phát minh ra vào năm 1700, không biết bao nhiêu hoạ sĩ đã từng vẽ đàn piano. Cũng vậy, kể từ khi tàu hỏa ra đời vào năm 1804 tại Anh, nó cũng đã xuất hiện trong vô số bức hoạ.
Nhưng còn ý tưởng vẽ đoàn tàu chạy trên đàn piano như trong bố cục của bức “The silent piano” thì sao?
Nguyễn Đình Đăng, "Piano câm”,  sơn dầu 60.5 x 72.5 cm, 2001
Nguyễn Đình Đăng
The silent piano (2001)
sơn dầu, 60.5 x 72.5 cm (sưu tập tư nhân)
Trong logic học, muốn chứng minh sự tồn tại của một điều gì đó ta cần tìm ra bằng chứng của nó. Nhưng việc thiếu bằng chứng chưa đủ để chứng minh điều đó không tồn tại. Chứng minh cái gì đó không tồn tại là loại chứng minh bất khả, được gọi là “probatio diabolica” (devil’s proof), hay “chứng minh sự tồn tại của quỷ sứ“. Vì thế tôi không dám chắc có ai đó đã vẽ một đoàn tàu chạy trên một cây đàn grand piano trước năm 2001 hay không. Tôi chỉ khẳng định rằng, theo hiểu biết của tôi, cho đến khi tôi vẽ bức tranh này vào năm 2001, tôi không biết đến một bức tranh thứ hai. Vì hiểu biết của tôi có giới hạn tôi cảm ơn quý vị nào có thể tìm ra một ý tưởng như vậy trước bức “The silent piano” (2001).
Đó là nói về ý tưởng văn học. Nhưng trong hội hoạ, chỉ ném ra một ý tưởng văn học bâng quơ thôi thì chưa đủ. Ý tưởng phải được bộc lộ thông qua bố cục, hình khối, đường nét, màu sắc, kỹ thuật thể hiện thì mới trở thành hình tượng nghệ thuật của riêng hoạ sĩ. Đó là lý do khiến “Người đàn bà rót sữa” của Johannes Vermeer vượt lên trên “Người đàn bà rót nước vào bình” của Gerrit Dou hay “Đầu bếp” của Gabriel Metsu [1].
Tôi nảy ra ý tưởng vẽ bức “The silent piano” sau khi tôi mua cây đàn Gran’Touch GT1 vào khoảng năm 2000. Đó là model đầu tiên của loại đàn này trên thế giới do hãng Yamaha của Nhật phát minh ra vào khoảng năm 1995. Quý vị nào từng chơi piano cổ điển có thể hiểu digital piano không thể nào tạo được cảm giác của đàn acoustic piano. Độ nhậy và độ nặng của phím digital piano khác xa các tính chất của phím acoustic piano. Những tính chất này chỉ có thể được tạo ra nhờ hệ thống cơ học phức tạp gọi là bộ truyền động (action) của acoustic piano. Do sự khác biệt rất lớn về cảm giác đó mà không thể tập các kỹ thuật chạy ngón trên digital piano rồi đem áp dụng trên acoustic piano. Đàn Gran’Touch giải quyết được khó khăn này nhờ action gồm phím và bộ búa giống hệt action của acoustic piano. Nhờ vậy nhạc cảm của nghệ sĩ có thể được truyền qua phím đàn và bộ búa giống như khi chơi trên piano thật. Tuy nhiên hệ thống búa đó không nện vào dây mà kích động các digital samples âm thanh thu từ đàn Yamaha Concert Grand CFIIIS, loại grand piano biểu diễn đầu bảng của Yamaha. Gran’Touch cũng có hệ thống silent (câm hay im lặng) cho phép pianist đeo tai nghe (headphones) và chơi mà không làm ồn người xung quanh, trừ tiếng lịch bịch của phím đàn. Chỉ có người Nhật mới nghĩ ra hệ thống silent này, vì ở Nhật có nhu cầu chơi piano trong những căn hộ chật hẹp, cách âm không tốt, để khỏi làm phiền hàng xóm, bởi đã từng có người, do tập acoustic piano quá ầm, đã bị hàng xóm nổi điên vác súng bắn thiệt mạng.
Yamaha Gran'Touch GT1
Yamaha Gran’Touch GT1
Trong bức “The Silent piano” pianist đang đeo headphones chơi trong chế độ silent, và tập trung vào âm nhạc đến nỗi không nghe thấy tiếng xình xịch của đoàn tàu đang từ xa chạy tới (vì tai chỉ nghe thấy tiếng đàn vang bên trong headphones). Thông thường đàn acoustic grand piano khi chơi được chống nắp lên, trong khi đàn Gran’Touch GT1 chỉ có bề ngoài hơi giống acoustic grand piano, nhưng không có nắp mở. Lúc đầu tôi có cảm giác như muốn kéo dài cái đuôi đàn ra … cho nó đâm qua bức tường trước mặt, cho nó thành … con đường … tàu hoả. Sau vài phác hoạ bằng bút bi trong một quyển vở học sinh, bắt đầu từ các ý tưởng tầm thường như Chúa Jesus nằm trên đàn, v.v. tôi đạt được một hình tượng mà tôi cho là hay và bền vững.
Cuộn dây thừng nằm ở góc phải có một đầu buộc vào cây vilolin treo trên cành cây như người bị treo cổ, đầu kia vắt qua mặt đàn. Dây thừng được kéo dài thành dây điện trên hàng cột điện men theo đường cong ven bờ biển, tạo ra một counterpoint (đối âm) cho một đường cong khác, được vạch bởi đoàn tàu, đường tàu, và cây đàn piano. Phía sau pianist tôi vẽ một miệng hố. Người xem có thể cảm thấy tình trạng căng thẳng trong bố cục, và tự hình dung điều gì sẽ xảy ra khi đoàn tàu ập tới.
Khi “The silent piano” được trưng bày tại triển lãm cá nhân đầu tiên ở Nhật của tôi vào tháng 10 năm 2001, một khách xem đã viết một bài thơ sau đây vào sổ cảm tưởng:
The tension I feel
When I hear the sound of a train on the beach
The nostalgia for my hometown deepens
On the boat that rests
The object that shines defines the beauty
Blows in the wind
A woman’s dream cheerfully captured.
Futami Masanori
11.10.2001
(Bản dịch tiếng Anh của Rie Kuwana)
Tôi tạm dịch nghĩa tiếng Việt của bài thơ này như sau:
Tôi cảm thấy sự căng thẳng
Khi tôi nghe thấy tiếng đoàn tàu chạy trên bãi biển
Niềm nhung nhớ thành phố quê hương
Thấm sâu trên những con thuyền phơi trên cát
Vật thể toả sáng tạo nên vẻ đẹp
Bay trong gió là giấc mơ của người phụ nữ đã được khắc hoạ.
Năm 2003, tôi nhận được email từ một nhà sưu tập tranh ở Berlin hỏi mua bức “The silent piano” mà ông thấy trên trang web của tôi. Ông cũng muốn tôi gửi cả những bức phác hoạ ý tưởng để ông thấy được quá trình “thai nghén” bức tranh. Tôi đã gửi cho ông quyển vở nói trên kèm theo bức tranh. Tôi còn tặng ông một cuốn “The joy of imagination” (Niềm sung sướng của trí tưởng tượng) xuất bản cùng năm đó, in 28 bức tranh của tôi.
Trang bìa cuốn "Niềm sung sướng của trí tưởng tượng" với bức "Ngưỡng cửa" của Nguyễn Đình Đăng
Trang bìa cuốn “Niềm sung sướng của trí tưởng tượng
với bức “Ngưỡng cửa” của Nguyễn Đình Đăng
Bức “The silent piano” cùng nhiều bức tranh khác của tôi cũng đã được nhiều người (xin phép hoặc tự ý) đăng trên các trang web ở các nước khác. Trong số đó có các trang web tiếng Nga nơi các bức tranh của tôi được bàn luận trong khoảng 10 năm gần đây (cả thán phục lẫn miệt thị). Đối với tôi, đó là điều thú vị bởi, sau hơn một thập niên sống tại Nga, tôi hiểu rằng đa số người Nga coi mỹ thuật Á-Đông chỉ đơn thuần như một thứ dị lạ (exotic). Họ chỉ để ý tới hội hoạ của chính họ và Âu – Mỹ. Có người thậm chí không biết Hà Nội ở đâu, nên đã phiên âm sai thành Ганой thay vì Ханой.
Trái: Leonid Shchigel, Road to nowhere (2004), không rõ kích thước. Phải: Michael Cheval, Anna (2014), sơn dầu trên canvas, 91.4 x 76.2 cm
Trái: Leonid Shchigel [2], Road to nowhere (2004), không rõ kích thước.Phải: Michael Cheval [3], Anna (2014), sơn dầu trên canvas, 91.4 x 76.2 cm
Vì vậy khi nhìn thấy bức “Anna” của Michael Cheval vừa vẽ năm nay, trong đó có người phụ nữ đội khăn voan ngồi chơi piano tại trung tâm của bố cục, với đoàn tàu chạy từ xa lại gần trên đường tàu chuyển thành phím đàn, một đường tàu cong bên trái (thay vì bờ biển), một khối tròn bên phải (cái bàn thay vì cuộn dây thừng), cùng một nét sổ do cây nến tạo ra (thay vì cái cây có treo cây đàn violin), trực giác của một người vẽ sơn dầu 40 năm đã mách tôi rằng tác giả của nó có nhiều khả năng đã nhìn thấy bức “The silent piano” được vẽ trước đó 13 năm. Tương tự như vậy, khi xem bức “Temptation of Saint Antony” do Salvator Rosa vẽ năm 1645 và bức tranh cùng tên do Salvador Dalí vẽ 3 thế kỷ sau, tôi cho rằng Dalí đã vay mượn ý tưởng của Salvator Rosa, tuy tôi không có bằng chứng nào khác ngoài hai bức tranh đó [1]. Quay trở lại hai bức tranh của hai hoạ sĩ Nga, có lẽ để cho kín kẽ hơn, tôi đã có thể viết “một người thì copy nguyên xi bố cục gồm cái đàn piano và đoàn tàu chạy tới, người kiacó thể đã vay mượn ý tưởng đoàn tàu chạy lên cây đàn piano nhưng cho đường tàu chạy lên phím đàn.” Nhưng đây là trực giác của tôi nên tôi cứ để nguyên như vậy.
Nhất là sau khi tôi đã kiểm định được trực giác của mình nhờ trang web Mis Pintores Favoritos (Các hoạ sĩ tôi yêu thích) của một người không rõ danh tính, trong đó có tranh của nhiều hoạ sĩ, kể cả của tôi và của Michael Cheval. Điều đó có nghĩa hoạ sĩ này chắc chắn đã nhìn thấy bức “The silent piano“.
Dù sao tôi vẫn thích từ “ảnh hưởng” (influence) và “vay mượn” (borrow) hơn từ “kế thừa” (inherit) vì nó đúng bản chất của bức “Anna“.
8.09.2014
__________________
[2] Leonid Shchigel (35 tuổi) là một hoạ sĩ tự học người Nga, hiện sống tại Minesota (Mỹ). Bức “Con đường tới không đâu” (Road to nowhere) xuất hiện lần đầu tiên trên Minesota News ngày 3.12.2004.
[3] Michael Cheval (tên khai sinh Mikhail Khoklachev) sinh 1966 tại Nga, đã tốt nghiệp trường hoạ Ashgabad tại tại Turkmenia trước khi di cư sang Mỹ vào năm 1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét