Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Bắc Kinh và Hồng Kông: Ai sẽ chiến thắng?

Ai đó nói rằng cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông là một cơn bão mà sức ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa tới Trung Quốc đại lục và Việt nam là một sự lạc quan hơi sớm. Nếu nó là bão thì chính quyền Bắc Kinh sẽ bằng mọi giá chặn nó lại và cơ hội thành công của nó có lẽ chỉ bằng 0. Biến cố Thiên An Môn 25 năm trước vẫn là một bài học còn nóng hổi.
Nhưng nếu gọi chính xác thì đây là một trận lũ lịch sử lớn nhất Hồng Kông. Bão đến nhanh và tan đi nhanh, lũ thì vẫn còn ở lại. Bão có sức tàn phá khủng khiếp nhưng lũ thì chỉ gây đình trệ, ách tắc cục bộ. Đa phần cuộc đấu tranh bất bạo động đơn thuần chỉ là cuộc "thi gan" giữa người dân và chính quyền. Kẻ chiến thắng là kẻ kiên trì hơn.
Xem ra thì lãnh đạo cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã hiểu rất rõ điều này. Ngoài việc tặng hoa cho cảnh sát họ cũng đã biến cuộc xuống đường thành một cuộc biểu tình lịch sự nhất thế giới. Tất cả đều diễn ra một cách trật tự, ngăn nắp. Sinh viên mang bài tập về nhà ra làm ngay trên đường phố. Các tấm bảng xin lỗi vì chắn đường hiện diện khắp nơi. Rác thải được người biểu tình dọn dẹp cần mẫn sau mỗi ngày. Nguyên tắc bất bạo động thể hiện rất rõ ràng qua một mẩu chuyện nhỏ của phóng viên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng: "Một người đàn ông ném trứng vào đoàn biểu tình ở Causeway Bay, miệng hét: "Về đi học đi, đừng chắn đường nữa!". Các sinh viên biểu tình phản ứng bằng cách dọn dẹp những gì ông ta ném ra."
Có thể nói cuộc biểu tình ở Hồng Kông có rất nhiều cơ hội thắng lợi vì những lý do sau đây:
- Hồng Kông llà một xã hội châu Âu thu nhỏ trong lòng châu Á. Sự chú ý giúp đỡ và ủng hộ của các nước phương Tây đặc biệt là Anh, Mỹ có ảnh hưởng to lớn đến mức độ thành công của cuộc biểu tình.
- Hồng Kông là một trong ba trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Sự đình trệ hoạt động ở đây sẽ gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế và dưới áp lực lớn của các tổ chức tài chính thế giới chính quyền Bắc Kinh sẽ phải tính đến phương án nhượng bộ.
- Hồng Kông đang được hưởng quy chế tự trị "một quốc gia hai chế độ", mục đích của cuộc biểu tình không phải là lật đổ thể chế mà chỉ là đòi hỏi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu, phá bỏ nguyên tắc bầu cử tập trung. Do đó chính quyền có lý do không phải lo ngại sự noi gương của các vùng lãnh thổ khác trên toàn cõi Trung Quốc.
- Xã hội Hồng Kông là một xã hội pháp trị, nơi mà công ánh sáng công lý được thực thi nghiêm chỉnh nhất trong các cộng đồng người Hoa. Người dân Hồng Kông cũng là người ý thức rõ trách nhiệm công dân nhất. Họ không dễ dàng từ bỏ cái mà họ đã được hưởng trong suốt hơn 150 năm qua. Khẩu hiệu"Họ không thể giết hết tất cả chúng ta" đã nói rất rõ quyết tâm của người Hông Kông trong cuộc biểu tình này.
- Chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng xe tăng, vũ khí quân đội để đàn áp nhưng sẽ không bao giờ dám bắn vào đoàn biểu tình. Người dân Hồng Kông biết luật pháp cho nên họ sẽ không sợ bị bắt và bị trả thù. Hơn nữa đội ngũ luật sư của Hồng Kông cũng sẽ đứng về phia họ để buộc tòa án phải trả tự do tức khắc cho bất cứ người biểu tình bị bắt nào,
Như vậy sẽ không có một Thiên An Môn nào tái diễn trên đất Hồng Kông và Tập Cận Bình dù có cương quyết bao nhiêu cũng không thể cương quyết hơn dân Hồng Kông. Tuy nhiên với tính chất đặc thù của mình, "cách mạng ô dù" của Hồng Kông chỉ khiến phong trào dân chủ ở Trung Quốc và các nước khác như Việt nam học tập về phương pháp tổ chức chứ không thể đảm bảo về mặt thành công, vì Hồng Kông đang ở một đẳng cấp rất cao so với phần còn lại. Và cũng có thể đây là lý do chính khiến Đảng CSTQ buông súng đầu hàng.


Dương Hoài Linh
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét