“…việc tập trung quyền lực để nhằm chuyển đổi thể chế độc tài đảng trị thành độc tài cá nhân trị do sự thúc đẩy của các nhóm lợi ích thì đây sẽ là tai họa cho nhà độc tài trong tương lai và cho chính đất nước Việt Nam Khi đó chính phủ của nhà độc tài sẽ tập trung và hướng mọi đánh phá của các thế lực thù địch trong nội bộ và cả trong dân chúng về phía mình…”
1.Đảng đã trở thành vật cản đường chính phủ?
Kỳ họp quốc hội lần thứ 8 khóa 13 đã khai mạc vào ngày 20/10/2014. Ngay trong những bản báo cáo đầu tiên của chính phủ thì tình hình kinh tế xấu đi do nợ công và bội chi ngân sách đã làm nóng nghị trường và dư luận. Con số nợ công chạm ngưỡng an toàn là 65% GDP chắc chắn chưa phải là con số thực vì nợ của khối doanh nghiệp nhà nước đã vượt hơn 1,6 triệu tỉ đồng (gần 80 tỉ đôla) vẫn chưa được tính vào số nợ công. Dù chính phủ đã cố gắng tô hồng cho nền kinh tế nhưng báo cáo của thủ tướng vẫn bị các đại biểu nghi ngờ và không thể đồng tình, ví dụ: việc tăng lương vẫn không thể thực hiện được vì không có tiền, hơn 70.000 doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phá sản trong năm 2014, chi thường xuyên luôn lớn hơn chi cho đầu tư, vay nợ mới để trả nợ cũ… là bức tranh u ám của nền kinh tế mà không ai là không cảm nhận được.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một nhà nước mà có đến hai bộ máy song trùng lãnh đạo, đó là chính phủ và các cơ quan đảng. Bên chính phủ có các bộ phận và cơ cấu như thế nào thì bên đảng cũng có y chang như vậy. Điều khác nhau duy nhất là khi có chuyện gì xảy ra thì chỉ một mình bên chính phủ chịu trách nhiệm còn bên đảng thì không phải chịu trách nhiệm gì vì đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Đảng không chịu ràng buộc bất cứ một hình thức pháp lý nào dù rằng hiến pháp có qui định là ‘mọi cơ quan và tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật’. Về lý thuyết đảng chỉ là cơ quan tham mưu cho chính phủ nhưng trong thực tế đảng lãnh đạo và nhúng tay vào mọi chuyện nhưng lại không chịu bất cứ trách nhiệm nào. Điều này dẫn đến nghịch lý là chính phủ luôn phải đi ‘đổ vỏ’ cho đảng trong mọi trường hợp. Ngân sách dành cho đảng và các cơ quan trực thuộc đảng luôn được lấy từ ngân sách nhà nước và theo qui định mới đây thì các khoản chi đó là ‘bí mật’ không được công khai cho người dân biết!
Trước tình hình bội chi ngân sách thường xuyên (thu không đủ chi do thất thu ngân sách vì tham nhũng và nền kinh tế yếu kém) thì các khoản chi thường xuyên cho các cơ quan đảng và bộ máy nhân sự của nó đã chiếm một khoản đáng kể từ ngân sách nhà nước. Muốn hay không thì cũng đã đến lúc quốc hội và chính phủ phải mạnh dạn cắt giảm khoản chi phí khổng lồ này để cứu vãn nền kinh tế và chế độ. Những nỗ lực cứu nguy nền kinh tế của chính phủ như việc hạ giá xăng 7 lần trong thời gian qua vẫn chỉ là muối bỏ bể và hoàn toàn vô ích. Ngoài chuyện đảng không làm gì mà vẫn đốt một khoản ngân sách rất lớn thì điều tác hại nghiêm trọng hơn rất nhiều đến từ những cơ quan ‘tham mưu của đảng’ đó là việc đẻ ra nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê để hành dân và doanh nghiệp để vòi vĩnh, làm tiền và chứng tỏ quyền lực của mình thông qua các nghị quyết của các cấp ủy đảng…
Lý do thứ ba khiến đảng trở thành vật cản đường cho chính phủ đó là làm phân tán quyền lực và gây áp lực trên các quyết định quan trọng của chính phủ. Đã có một tờ báo lên tiếng về chuyện các trung tâm quyền lực của Việt Nam, nó không chỉ có một như thường thấy trên thế giới mà có đến bốn (4) trung tâm quyền lực là: Tổng bí thư đảng, thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội. Các đối tác muốn làm việc với Việt Nam không biết ai là nguyên thủ quốc gia, ai là người đứng đầu nhà nước có quyền quyết định cao nhất? Đã không ít lần xảy ra chuyện ‘trống đánh xuôi kèn thổi ngược’ giữa chính phủ và đảng, ví dụ chuyện chính phủ muốn quan hệ tốt với Mỹ và các tổ chức phi chính phủ, ca ngợi họ và tặng bằng khen cho các tổ chức này trong khi đó đảng lại chửi bới và vu cho các tổ chức này là ‘thế lực thù địch’…Rõ ràng là để lấy được các quyết định nhanh chóng và quan trọng thì với bốn cơ quan quyền lực như hiện nay thì chính phủ cũng không thể nào làm gì được do quyền lợi bị xung đột và vì thế không ai muốn làm gì cả (cha chung không ai khóc, lắm cha con khó lấy chồng).
2.Chính phủ nên làm gì?
Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn về mọi mặt: Kinh tế khó khăn; văn hóa xuống cấp; an ninh và chủ quyền đang bị Trung Quốc đe dọa; chính trị thì chia năm xẻ bảy, không ai nghe ai… Nếu chính phủ Việt Nam không giải quyết được các mối nguy cơ này thì sự sụp đổ của nền kinh tế là không thể tránh khỏi và sau đó là sụp đổ về chính trị. Đầu tiên để làm được việc thì chính phủ cần tập trung quyền lực về một mối để có thể lấy được các quyết định quan trọng một cách nhanh chóng. Mô hình ‘dân chủ đại nghị’, tức là một thể chế chính trị mà thủ tướng do quốc hội bầu ra là người có quyền hành cao nhất và chịu trách nhiệm cao nhất trước toàn dân là mô hình chính trị mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề nghị trong Dự Án Chính Trị của mình.
Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi nhằm tập trung quyền lực về một mối duy nhất thông qua việc ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm ủy ban pháp luật của quốc hội đề nghị sửa đổi ‘Luật về tổ chức chính phủ’, trong đó chuyển mọi quyền hành về tay thủ tướng như bổ nhiệm các bộ trưởng và thứ trưởng, bổ nhiệm và cách chức các đại sứ và chủ tịch tỉnh, bổ nhiệm và điều động các tướng lĩnh quân đội và công an… Đây là những việc thuộc quyền hạn của chủ tịch nước trước đây và điều đáng chú ý là việc này đã được hiến pháp 2013 thông qua nhằm tăng cường quyền hạn cho chủ tịch nước. Việc cắt bỏ các cơ quan đảng và một phần ba công chức ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’ sẽ giảm được một khoản chi phí đáng kể cho ngân sách. Những chức danh nào của đảng mà không thể bỏ được thì sáp nhập luôn vào bộ máy của chính phủ, hoặc các viên chức chính phủ kiêm nhiệm luôn các chức danh bên đảng (như bên Trung Quốc).
Việc chính phủ tập trung quyền lực về mình là bước đi tất yếu của lịch sử. Tuy là tất yếu nhưng mục đích và hậu quả lại khác nhau. Có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, nếu mục đích tập trung quyền lực để tạo sự thống nhất và tính chính danh để điều hành đất nước thì đây là bước đi đúng đắn và cần thiết. Việc này chỉ thành công khi chính phủ thực hiện lộ trình này công khai và minh bạch. Trường hợp thứ hai, việc tập trung quyền lực để nhằm chuyển đổi thể chế độc tài đảng trị thành độc tài cá nhân trị do sự thúc đẩy của các nhóm lợi ích thì đây sẽ là tai họa cho nhà độc tài trong tương lai và cho chính đất nước Việt Nam. Khi đó chính phủ của nhà độc tài sẽ tập trung và hướng mọi đánh phá của các thế lực thù địch trong nội bộ và cả trong dân chúng về phía mình. Đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
3.Quan điểm của chúng tôi
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Chúng tôi không phải là dân oan hay bất đồng chính kiến. Chúng tôi là đối lập dân chủ vì vậy chúng tôi không phải là kẻ thù của đảng cộng sản hay chính phủ Việt Nam. Là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp cho nên về lý thuyết hay trong thực tế thì chúng tôi là ‘đồng nghiệp’ của các chính trị gia trong đảng và chính phủ. Chúng tôi khác với họ là chúng tôi không chọn mô hình chính trị và ‘giải pháp cộng sản’ mà chúng tôi chọn giải pháp khác: Giải pháp dân chủ đa nguyên. Mô hình chính trị mà chúng tôi đề nghị là ‘Dân chủ đại nghị và tản quyền’. Chúng tôi không mong chế độ Việt Nam sụp đổ trong hỗn loạn mà chỉ muốn mọi thay đổi tại Việt Nam diễn ra trong hòa bình và êm thấm. Chúng tôi sẵn sàng cùng chia sẻ và gánh vác trách nhiệm với đất nước, với người dân và chính phủ Việt Nam trong vai trò đối lập dân chủ. Chúng tôi tin rằng “giải pháp dân chủ đa nguyên” mà chúng tôi đề nghị và cổ vũ từ nhiều năm qua là thích hợp và cần thiết cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng trong việc thuyết phục người dân Việt Nam chấp nhận và lựa chọn cho giải pháp đó của chúng tôi.
Chúng tôi cũng xin ‘bật mí’ một tin vui đó là Dự Án Chính Trị 2015 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã được cập nhật và tu chính. Dự Án đó đang được thảo luận trong nội bộ Tập Hợp trong vòng 6 tháng trước khi được công bố rộng rãi ra trước dân chúng. Dự kiến là Dự Án của Tập Hợp sẽ được công bố cùng thời điểm với Dự thảo cương lĩnh chính trị của đảng cộng sản Việt Nam trước đại hội đảng lần thứ 12. Hy vọng đến lúc đó người dân Việt Nam có thể đọc và so sánh giữa hai cương lĩnh chính trị của đảng cộng sản và Tập Hợp Dân Chủ Đa nguyên.
Chúng tôi cho rằng vai trò lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam đã đến lúc đi vào…lịch sử vì sau gần 70 năm cầm quyền và lãnh đạo tuyệt đối của đảng mà Việt Nam vẫn không thể làm nổi cái ốc vít cho hãng điện thoại Samsung. Đã đến lúc người dân và chính phủ Việt Nam phải lựa chọn cho mình giải pháp khác ngoài giải pháp cộng sản.
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét