Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Không có công nghệ, Việt Nam đừng tự hào “rừng vàng biển bạc”

Tôi vẫn nhớ mãi bài học ngày trước tôi được học trong trường phổ thông: “Nước Việt Nam rất giàu và đẹp, có rừng vàng, biển bạc, đất đai phì nhiêu”. Khi đó tôi cảm thấy tự hào về đất nước mình nhiều lắm. Lớn lên một chút, tôi càng thêm tự hào vì nước mình nhiều cái nhất quá, con đường dài nhất, cây cầu dài nhất, xuất khẩu nông sản xếp nhất nhì thế giới. 

Tuy nhiên, dần dần, mặc dù lòng tự hào đó vẫn còn nguyên trong tôi, nhưng tôi lại tự hỏi “Vì sao nước mình giàu và đẹp thế, nhiều cái nhất thế, mà chúng ta vẫn thua kém nhiều quốc gia khác?”. Tại sao Việt Nam có dân số đứng thứ 14 thế giới, nhưng nền kinh tế lại chỉ đứng thứ 42 thế giới? Tại sao Việt Nam có 24.000 Tiến sỹ và giành được rất nhiều giải thưởng quốc tế nhưng nền khoa học công nghệ Việt Nam vẫn thua kém nhiều quốc gia khác? 
Chúng ta đang làm chủ những công nghệ nào? Chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới? Và tôi nhận ra rằng, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần dẹp bỏ những tự hào hão huyền để nhìn thẳng vào sự thật: Nước Việt Nam còn nghèo và lạc hậu. 

khong-co-cong-nghe-viet-nam-dung-tu-hao-rung-vang-bien-bac-1

Tại sao Việt Nam còn nghèo và lạc hậu? 

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, với hơn 60 triệu người (xấp xỉ 70% dân số) làm nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 801 nghìn tỷ đồng (tương đương 38 tỷ usd) giá trị sản xuất, trong số 171,39 tỷ usd GDP toàn quốc năm 2013, tức là 70% dân số chỉ tạo ra khoảng 22% giá trị GDP. Tại sao Việt Nam luôn đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, café mà lại tạo ra giá trị sản xuất không tương xứng như vậy? Tôi nghĩ, lý do chính là vì chúng ta đang không làm chủ được những công nghệ sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp. 
Tại sao cứ mỗi lần được mùa thì người nông dân lại khốn khổ hơn? Phần lớn là vì công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch của Việt Nam còn đang yếu kém. Đó cũng là lý do tại sao hạt café của Việt Nam mặc dù được xuất khẩu đi khắp thế giới nhưng Việt Nam không hề có tên trên bản đồ café thế giới. 

Từ nông nghiệp, đến khai khoáng, sản xuất nguyên vật liệu, Việt Nam vẫn chỉ là quốc gia xuất khẩu sản phẩm thô chứ vẫn chưa có công nghệ chế biến tiên tiến để có thể xuất khẩu những thành phẩm ở dạng tinh chế. Phải chăng chúng ta cứ mải mê tự hào mà quên mất rằng thế giới đang chuyển động? 

Trong sản xuất công nghiệp, mặc dù Việt Nam đề ra 6 ngành công nghiệp mũi nhọn gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến thực phẩm; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng, chúng ta vẫn đang loay hoay đi tìm ngành công nghiệp mũi nhọn. Cũng không cần phải là người theo chủ nghĩa hoài nghi, chỉ cần tự đặt câu hỏi “Việt Nam đang làm chủ công nghệ nào trong những ngành kể trên?” để có thể thấy mức độ lạc hậu của Việt Nam so với thế giới. 

Có thể nói, để làm chủ công nghệ sản xuất ô tô và đóng tàu đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến về luyện kim, cơ khí chính xác, tự động hoá, điện, điện tử và phần mềm điều khiển. Tuy rằng không nhất thiết phải làm chủ tất cả công nghệ, nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn là phần lớn những công nghệ đó chúng ta chưa làm chủ được. 

Nói ví dụ, nếu muốn sản xuất ô tô, chúng ta không nhất thiết phải giỏi về công nghệ luyện kim, nhưng chúng ta phải làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo động cơ và điều khiển tự động. Chúng ta phải có năng lực phát triển, thay đổi những công nghệ đó mà không bị phụ thuộc vào những nhà cung cấp khác. Nếu không, đó chỉ có thể là ngành công nghiệp lắp ráp chứ không thể gọi là sản xuất. 

khong-co-cong-nghe-viet-nam-dung-tu-hao-rung-vang-bien-bac-2

Khi Việt Nam chưa có một thế hệ kỹ sư tay nghề cao như vậy, thì có lẽ chúng ta vẫn phải chấp nhận tiếp tục gia công cho nước ngoài và dần tiếp thu, với hi vọng một ngày nào đó có thể làm chủ công nghệ hiện đại. 

Tôi từng cảm thấy vô cùng tự hào khi Việt Nam đoạt giải nhì Robocon Châu Á, nhưng những thành tựu về điện tử, tự động hoá, điều khiển tự động đó dường như vẫn chưa được phát huy trong những ứng dụng thực tế. Tôi có một anh bạn làm ra chiếc máy rửa xe tự động đầu tiên ở Việt Nam, đó là một kỹ sư từng học ở Hàn Quốc về. Khi anh thông báo với tôi việc đó, tôi mừng cho anh vô cùng, tuy nhiên thẳng thắn mà nói, điều đó vẫn chưa làm tôi thấy thoả mãn. 

Tôi chưa thoả mãn, không phải bởi vì tôi đố kỵ với anh ấy, mà bởi vì tôi muốn Việt Nam phải làm chủ được công nghệ sản xuất tàu ngầm mi-ni, hay máy bay trực thăng mi-ni. Điều này hiển nhiên là bất khả thi, ít ra là tại thời điểm này. Tuy nhiên tôi vẫn mơ ước. Tôi không muốn nhìn thấy kỹ sư Việt Nam chỉ làm ra máy cắt cỏ, máy thu hoạch café, thậm chí là máy rửa xe tự động. 

Việt Nam có thiếu nhân tài không? Xin thưa là “Không”. Tôi khẳng định là Việt Nam không thiếu nhân tài. Việt Nam có Lê Bá Khánh Trình, có Ngô Bảo Châu, có biết bao người hàng năm vẫn mang về cho Việt Nam những chiếc huy chương vàng Olympic Toán học, Vật lý, Hoá học thế giới. Vậy tại sao nền khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn lạc hậu? Phải chăng vì Việt Nam vẫn chỉ mải mê với những thành tích đạt được từ khoa học cơ bản và nặng tính lý thuyết mà quên mất khoa học ứng dụng? 

Những tấm huy chương và giải thưởng vẫn sẽ chỉ là những tấm huy chương nếu như không thể đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của nền khoa học công nghệ Việt Nam. Và với những thành tựu về khoa học công nghệ mà Việt Nam đạt được cho tới nay, phải thẳng thắn thừa nhận rằng chẳng mấy ai trên thế giới quan tâm. 



Những bài học phát triển nhờ công nghệ từ thế giới. 


Sau chiến tranh thế giới thứ 2, có 2 quốc gia bị kiệt quệ về nền kinh tế là Nhật Bản và Đức.

Hơn 60 năm sau chiến tranh, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Để làm nên điều thần kỳ này, theo lời những bạn Nhật Bản của tôi, đó là vì người Nhật luôn ý thức được rằng đất nước họ nghèo tài nguyên, do đó họ phải lao động và không ngừng sáng tạo. Người Nhật không ngần ngại dẹp bỏ quá khứ, bắt tay với người Mỹ, và hơn hết, người Nhật lao động 20 tiếng/ngày. 

Để có tập đoàn Sony hôm nay, người Nhật đã cử kỹ sư của mình sang hãng Phillip để học hỏi trong 15 năm. Để có thể tự sản xuất được ô tô, Honda đã nghiên cứu không biết bao nhiêu động cơ của các hãng Châu Âu. Người Nhật làm việc quên mình để có một nước Nhật Bản như ngày nay. Và tất nhiên, trước đó, công nghệ sản xuất máy bay và đóng tàu chiến của người Nhật đã có thừa. 

khong-co-cong-nghe-viet-nam-dung-tu-hao-rung-vang-bien-bac-3

Nói về nước Đức, hiển nhiên mọi người thừa biết quốc gia này có nền tảng đứng đầu thế giới về cơ khí chế tạo và cơ khí chính xác. Tuy nhiên, điều làm tôi ấn tượng nhất về dân tộc luôn nguyên tắc và chính xác tuyệt đối này lại đến từ những chia sẻ của ngài Tổng Lãnh sự Đức trong một buổi hoà nhạc tổ chức tại Tp.HCM: 

"Nước Đức chúng tôi nghèo tài nguyên, chúng tôi không có thép, không có dầu mỏ, không có than, vì vậy người Đức chúng tôi phải lao động chăm chỉ. Tài nguyên của chúng tôi chính là con người và sự sáng tạo của mỗi người Đức, do đó chúng tôi lao động và sáng tạo bằng trái tim và khối óc."

Ở một khía cạnh khác, tôi muốn nhắc đến Đặng Tiểu Bình. Tôi sẽ không đề cập đến vai trò của ông trong việc phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam, mà tôi muốn nói đến một Đặng Tiểu Bình có vai trò rất lớn trong đổi mới kinh tế và phát triển khoa học của Trung Quốc. Một trong những triết lý cải cách của Đặng Tiểu Bình mà tôi vẫn nhớ đó là “Hơi thở phương Đông và luồng gió mới phương Tây”, nghĩa là sự kết hợp giữa tinh thần và tư tưởng phương Đông với các thành tựu về khoa học công nghệ của phương Tây. Đó là thời kỳ mà Đặng Tiểu Bình chấp nhận cử 10 người đi du học, chỉ cần 1 người trở về. 

Đồng thời cũng không thể không nhắc tới thời kỳ mà Trung Quốc chấp nhận trở thành đại công xưởng gia công của thế giới, và hãy xem, giờ đây Trung Quốc tung hoành và làm chủ, đồng thời sở hữu những công nghệ nào! 

Đương nhiên, mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng chúng ta có thể thấy, có những quốc gia không giàu có về tài nguyên thiên nhiên, kiệt quệ về kinh tế sau chiến tranh, chỉ nhờ vào công nghệ và nguồn lực con người đã vươn lên trở thành những cường quốc. Và Việt Nam cũng đừng quên rằng, Campuchia đã nghiên cứu và chế tạo thành công xe điện điều khiển bằng smartphone. 

Việt Nam được dự báo sẽ trở thành con rồng Châu Á, nhưng con rồng này đang ngủ quên quá lâu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét