Kỳ họp thứ 8 của quốc hội khóa 13 để lại nhiều dấu ấn. Từ nợ công đến vấn đề thần kinh của các ngài nghị sĩ quốc hội. Một trong những dấu ấn quan trọng của kỳ họp quốc hội lần này đó là việc đại tướng, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đăng đàn trước quốc hội và bày tỏ sự ‘tâm tư’ của mình khi nhiều sĩ quan cấp tá chưa được phong tướng?! Ông đề nghị Quốc hội phong tướng cho nhiều đại tá quân đội, trong đó có chủ nhiệm khoa Mác-Lênin. Ông Thanh cho rằng nếu không phong tướng cho chủ nhiệm khoa Mác-Lênin và nhiều đại tá có thâm niên khác thì ông sẽ ‘thuyết phục anh em rất khó’…Dư luận Việt Nam đã dậy sóng trước ‘tâm tư’ này của ông Thanh và các sĩ quan cấp tá trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là trước năm 1975 Việt Nam chỉ có 36 tướng nhưng bây giờ trong thời bình tại sao lại cần đến gần 500 tướng? Cộng với bên bộ công an gần 500 tướng nữa vị chi là gần 1000 tướng! Lên tướng có nghĩa là phải tăng lương và các khoản phụ cấp và việc này sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tức là tiền đóng thuế của nhân dân. Mà ngân sách thì ngay từ đầu kỳ họp đã nóng lên vì nợ công đã vượt ngưỡng an toàn. Nhiều công trình liên quan đến dân sinh như hạ tầng cơ sở, đường xá, cầu cống, hệ thống cấp thoát nước trong các khu dân cư vẫn không được cải thiện gây khó khăn cho đời sống người dân hàng ngày. Lý do là vì ‘không có ngân sách’. Trong khi đó việc ngân sách phải chi trả một khoản khổng lồ cho việc thăng tướng hàng loạt sĩ quan cấp tá quân đội liệu có hợp lý hay không?
Đã có hàng trăm bài viết về chủ đề ‘tâm tư’ của đại tướng Thanh, đa số đều không đồng tình với việc phong tướng tràn lan như hiện nay. Chúng tôi thích nhất là bài viết của Người Buôn Gió-Bùi Thanh Hiếu ‘Đại tướng tâm tư, đại gia trăn trở’
Tác giả đã có cái nhìn rất đúng về bản chất của sự việc khi cho rằng đằng sau câu nói rất ‘tâm tư’ này của ông Thanh và giới quân đội Việt Nam là cả một sự ‘đe dọa’, ‘được che đậy khéo léo trước những từ ngữ êm ái’! Vậy có đúng như tác giả nhận định không? Câu trả lời của chúng tôi là hoàn toàn chính xác. Vấn đề này chúng tôi đã đề cập từ rất lâu và rất nhiều lần rằng“Đảng cộng sản Việt Nam đã chết”.
Tư tưởng và chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ còn là phương tiện để lừa bịp những kẻ ngu dốt. Chính quyền Việt Nam đang cai trị đất nước bằng một công cụ duy nhất đó là bạo lực. Khi ‘thuyết phục’ không còn tác dụng thì ‘khuất phục’ người dân bằng vũ lực là biện pháp cuối cùng (nên nhớ sự chính đáng của mọi chính quyền hiện nay trên thế giới là ‘thuyết phục’ chứ không phải là ‘khuất phục’ bằng vũ lực). Bằng chứng mới nhất là khi một nhóm người từ Hà Nội về Hải Phòng dự đám tang cụ Trần Lâm, nguyên Thẩm phán tòa án tối cao đã bị côn đồ (công an trá hình) tấn công ném vỡ kính xe gây thương tích cho nhiều người.
Khi không còn chính nghĩa và tư tưởng để gắn kết mọi người lại với nhau thì chất keo còn lại đó chỉ là ‘quyền lợi’. Xã hội Việt Nam ngày hôm nay chỉ có một thượng đế duy nhất và một lý tưởng duy nhất để thờ phụng và là kim chỉ nam cho mọi hành động đó là ‘tiền’, chấm hết. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn là một hư cấu vì nó đã mất lý tưởng. Ngày hôm nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã hiện nguyên hình là một chế độ độc tài và toàn trị. Trong quá trình đào thải tự nhiên của một chế độ độc tài đảng trị là sự bắt buộc chuyển đổi sang chế độ độc tài cá nhân trị. Thế lực nào, nhóm lợi ích nào mạnh nhất sẽ giành hết mọi quyền lợi về phía phe mình và cuộc chiến này sẽ không khoan nhượng cho đến lúc thâu tóm hoàn toàn quyền lực về một mối.
Một trong những phe nhóm lợi ích mạnh nhất tại Việt Nam, tất nhiên là ‘phe quân đội’. Đây là nhóm lợi ích mạnh nhất vì nó có súng, tức là có vũ lực. Đối thủ của ‘phe quân đội’ là ‘phe công an’. Phe công an tuy không mạnh bằng phe quân đội nhưng lại là phe đang nắm quyền quản lý xã hội Việt Nam hiện nay. Mọi vấn đề liên quan đến đời sống của con người trong xã hội Việt Nam đều phải chịu sự chi phối của phe công an, vì vậy phe công an rất giàu có và thế lực. Phe quân đội sẽ không chấp nhận điều này vì họ thật sự mạnh hơn và có thể trấn áp được phe công an. Ai cũng biết là phe công an chỉ mạnh so với người dân tay không tấc sắt chứ không thể nào đọ được phe quân đội. Chúng tôi cho rằng không sớm thì muộn ‘phe quân đội’ sẽ xung đột với ‘phe công an’ và phần thắng sẽ thuộc về ‘phe quân đội’. Thực tế đã chứng minh điều đó, trên các diễn đàn quốc tế ông Phùng Quang Thanh đã lấn sân và làm thay cho sứ mệnh của bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong lĩnh vực kinh tế thì các đơn vị kinh doanh của bộ quốc phòng như Viettel đã lấn sân các công ty của chính phủ và tình trạng này chỉ tăng lên chứ không bao giờ giảm đi.
Trong một cuộc chiến sinh tồn vì tiền bạc thì phe nào có súng phe đó sẽ chiến thắng. Ông Lê Thanh Cung, chủ tịch tỉnh Bình Dương sẽ thắng ông Huỳnh Uy Dũng, giám đốc khu du lịch Đại Nam. Các đại gia làm giàu phi pháp sẽ bị ‘làm thịt’ khi thế lực chống lưng bị suy yếu. Ngay cả cô em của chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bà Nguyễn Hồng Phương và sân sau của ông Hùng là đại gia Hà Văn Thắm cũng đang bị tấn công và số phận của họ cũng sẽ giống như ‘bầu Kiên’.
Đại hội đảng lần thứ 12 đang đến gần vì vậy cuộc thư hùng giữa các phe nhóm lợi ích sẽ còn nhiều kịch tính và gay cấn. ‘Phe đảng’ chỉ còn là hư danh sau Đại hội trung ương 6 năm 2012 khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cố gắng hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng không thành để rồi trong bài bế mạc hội nghị ông Trọng đã khóc mếu máo như cha chết. Ông Nguyễn Bá Thanh, người hùng của Đà Nẵng nhưng lại là tay mơ ở chốn Ba Đình, được ông Trọng tiến cử vào chức ‘trưởng ban nội chính trung ương’ phụ trách chống tham nhũng mới ra Hà Nội nhậm chức đã vội nổ ‘hốt hết, bắt hết’ và rồi chưa hốt được ai thì đã bị dính quả nhiễm xạ phải qua Mỹ điều trị, không biết có ngày về Việt Nam hay không. Các tài phiệt phất lên nhờ đi đêm với chính quyền đang bị nằm trong vòng ngắm của chính quyền và có thể lên thớt bất cứ lúc nào.
Cuối cùng vẫn chỉ là hai tay chơi chính trong bàn cờ gần tàn cuộc này là ‘phe quân đội’ và ‘phe công an’, các phe nhóm khác không đáng kể hoặc phải thần phục hoặc phải nắm được một trong hai phe này. Tuy nhiên ngay cả trong phe quân đội hay phe công an cũng đang gặp nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được đó là sự bất tài của những người chỉ huy. Để bảo vệ chế độ nên chính quyền phải chọn những người lãnh đạo quân đội và công an trung thành thay vì những người giỏi và mâu thuẫn bắt nguồn từ đây. Các sĩ quan trẻ có học thức và có tài sẽ không chấp nhận sự lãnh đạo của các cấp chỉ huy tồi dở, kênh kiệu và ngu dốt. Họ sẽ làm cho những cấp chỉ huy ngày càng tha hóa đi và đến một lúc nào đó, họ sẽ nổi loạn. Loạn tướng, loạn tá và cuối cùng sẽ là loạn quân. Khi quân đã loạn thì tướng và lính đều như nhau, chẳng ai nghe ai và chẳng ai sợ ai. Khi đó tướng phải sợ lính chứ không phải lính sợ tướng…
Trước sau, sớm muộn gì Việt Nam cũng phải thay đổi. Ai thay đổi và thay đổi như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Đúng ra thì câu trả lời đã có nhưng không mấy ai quan tâm. Câu trả lời nằm trong Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà bản tu chính và cập nhật sẽ ra mắt người dân Việt Nam trong vài tháng nữa. Một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh và có uy tín cần xuất hiện để thay thế cho ‘giải pháp cộng sản’ đã hết thời. Một cuộc cách mạng triệt để và dứt khoát, dù là ôn hòa phải xảy ra để chấm dứt một thời kỳ hỗn loạn và một cơn mê đã kéo dài gần 70 năm nay.
Người dân Việt Nam và đặc biệt là giới trí thức Việt Nam đã đến lúc phải suy nghĩ, tính toán và chuẩn bị cho mình những bước đi, những việc làm cần thiết và thích hợp cho một sự đổi thay bắt buộc phải đến khi đất nước bước sang một trang lịch sử mới, trang sử của tự do và dân chủ.
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét