Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Hạn chế báo chí thông tin: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói gì?


Ảnh bên:Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí chiều 14/11 (Ảnh HL)

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chính thức lên tiếng sau sự cố "nhầm lẫn" thông tin việc “báo chí không được đưa tin công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”.

Chiều 13/11, Văn phòng Quốc hội đã phát đi thông cáo báo chí số 3 trong đó có nội dung đề nghị báo chí không tham dự, đưa tin việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Thông tin này đã khiến nhiều phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí bất ngờ. Một số báo đã lập tức đưa tin về với tiêu đề “báo chí không được đưa tin công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”.

Tuy nhiên ngay sau đó, Văn phòng Quốc hội đã có thông cáo báo chí số 4, đính chính nội dung này, khẳng định “báo chí được đưa tin công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”. Tuy vậy, việc báo chí được tham dự ra sao, bắt đầu từ thời điểm nào vẫn chưa được công bố rõ ràng.
 
Trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài hành lang Quốc hội chiều nay (14/11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc thông tin hạn chế báo chí đưa tin công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ là sự nhầm lẫn của cán bộ văn phòng Quốc hội.

“Đó chỉ là sự nhầm lẫn trong cách diễn đạt thông tin của anh em cán bộ văn phòng. Quốc hội không có chủ trương hạn chế báo chí, tất cả đều được làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 35, thông tin công khai minh bạch kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến cử tri”, ông Phúc khẳng định.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, báo chí được tham gia thông tin từ lúc bắt đầu bỏ phiếu. Sau đó, khi kiểm phiếu thì báo chí chờ. Đến khi có kết quả rồi thì báo chí được vào nghe, ghi hình để thông tin đầy đủ cho cử tri biết về kết quả của việc bỏ phiếu.
 
“Tất cả báo chí được vào từ lúc bỏ phiếu cho đến lúc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm”, ông Phúc tái khẳng định.

Liên quan đến quy định "Quốc hội sẽ dành thời gian 30 phút để các đại biểu có thời gian suy nghĩ, cân nhắc thận trọng trước khi ghi vào lá phiếu" trong lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 này, ông Phúc cho biết đây là điểm mới, xuất phát từ thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp, cho đúng.

Theo ông Phúc, do trước đây hội trường họp Quốc hội quá chật, đại biểu phải ngồi sát nhau, cả người được lấy phiếu và người ghi phiếu ngồi cạnh nhau nên có những cái bất tiện.

“Bây giờ thì hội trường của ta cũng rộng rãi rồi, đại biểu ngồi đâu cũng được, ngồi trong hội trường cũng được, về các đoàn của mình ghi phiếu cũng được, sau đó hẹn nhau 30 phút quay lại. Như vậy thì các đại biểu không phải chịu áp lực gì, thoải mái thời gian suy nghĩ, cân nhắc trước khi ghi vào lá phiếu”, ông Phúc lý giải.

Ngoài ra, theo ông Phúc, trong lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây đã có chuyện khi đại biểu ghi phiếu thì có phóng viên vào chụp ảnh cả cảnh đại biểu đang ghi phiếu, cái đó các đại biểu cũng thấy bất tiện, bất lợi cho đại biểu nên mình làm nhanh.

“Lần này khi các đại biểu ghi phiếu thì phóng viên không vào, để thời gian cho đại biểu yên tĩnh suy nghĩ, để ghi phiếu cho chính xác, cái đó rất cần thiết, rất đúng”, ông Phúc nói.

 Hoàng Lan/ VTC News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét