Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Vì sao có chuyện được "đưa tin"?


Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Ảnh minh họa VTC News
Sáng nay đồng loạt nhiều báo đưa tin “Báo chí không được đưa tin về việc lấy phiếu tín nhiệm”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả bản tin này đều được sửa thành “Báo chí được đưa tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm”. Vì sao có chuyện như thế?

Tin đầu tiên là do có sự nhầm lẫn trong thông cáo báo chí do Trung Tâm báo chí (Vụ Thông tin của Văn phòng Quốc hội) khi đưa ra yêu cầu phóng viên các báo không tham dự và đưa tin một số nội dung của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra trong đó có nội dung buổi chiều ngày 15-11 khi ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sau đó thì nội dung thông báo này được sửa đổi, bỏ đi phần không cho báo chí đưa tin phiên họp công bố kết quả kiểm phiếu.

Tuy nhiên phần đầu thì thông báo sau cũng giữ nguyên như thông báo trước: "Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự và đưa tin các nội dung: Buổi sáng 14/11: Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm; Buổi sáng 15/11: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội bầu ban kiểm phiếu và đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu."

Việc nhanh chóng điều chỉnh sai sót của nội dung thông báo đầu tiên đã giải tỏa phần nào thắc mắc của nhiều người dân, vì sao báo chí lại không được đưa tin kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng cũng do đó, tin đưa trên các báo rất lạ kỳ: “Báo chí được đưa tin kết quả lấy phiếu tín nhiệm”. Đưa tin kết quả lấy phiếu tín nhiệm là chuyện đương nhiên, là trách nhiệm của báo chí, làm gì có chuyện được hay không được ở đây?

Và vẫn còn đó một nội dung rất trái Luật Tổ chức Quốc hội: báo chí không được tham dự và đưa tin các hoạt động khác liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Nên nhớ nguyên tắc tổ chức Quốc hội là “họp công khai”. Thỉnh thoảng Quốc hội cũng họp kín nhưng ai quyết định cuộc họp nào là cuộc họp kín? Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp kín “trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”. Như vậy không có chuyện Vụ Thông tin của Văn phòng Quốc hội lại có quyền tuyên bố cuộc họp này là họp kín, báo chí không được tham dự. Ngay cả lãnh đạo Quốc hội cũng không có quyền này.

Điều thứ nhì, trong Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì Điều 4 đã nêu rõ: “Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” là “công khai, công bằng, dân chủ, khách quan”. Tức mọi quy trình mọi thủ tục đã được quy định từ trước bằng sự đồng ý của các đại biểu, nay cứ theo đó mà tiến hành, kể cả danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Tại sao một vụ của Văn phòng Quốc hội có quyền thay đổi quy trình này?

Ở đây chưa nói đến chuyện quyền được nhận thông tin của người dân, chỉ xét đến chuyện tuân thủ luật lệ do chính mình đặt ra, các đại biểu Quốc hội phải giám sát việc tuân thủ này và uốn nắn các vi phạm ngay khi có thể. Bởi Quốc hội phải là nơi làm gương trong việc tuân thủ luật pháp.

Nguyễn Vạn Phú/TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét