Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Ngô Đình Diệm, Việt Nam Cộng Hòa và bài học cho hậu thế

“…Biết đến bao giờ người Việt chúng ta mới tự trọng và tự lực cho tương lai của chính mình thay vì chủ yếu chỉ lo vận động cầu cạnh sự giúp đỡ, nâng đỡ của các chính quyền, những chính trị gia nước ngoài. Người Việt ơi! Cho dù gian truân đến cỡ nào hãy đứng thẳng người để tự lo liệu cho chính mình trước đã…


ngodinhdiem04
Cách đây 51 năm, ngày 1/11/1963 tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Ngô Đình Diệm đã bị nhóm quân nhân đảo chánh sát hại. Nguyễn Khánh và sau đó là Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành người lãnh đạo VNCH. Năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết với việc người Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc ngày 30/4/1975 với phần thắng thuộc về miền Bắc Việt Nam. Chế độ VNCH cáo chung, Việt Nam thống nhất với tên gọi mới cho đến tận ngày hôm nay “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đối với thế hệ 7X như tôi thì cố tổng thống Ngô Đình Diệm được biết như là một viên quan lại sớm thành đạt, 30 tuổi ông đã là Thượng thư bộ lại của triều đình Huế. Do bất mãn với triều đình nên ông từ quan và sau đó được Mỹ đưa lên làm tổng thống VNCH. Theo sử sách của chính quyền cộng sản thì ông Diệm là tay sai của đế quốc Mỹ và do bướng bỉnh nên bị Mỹ bật đèn xanh cho các tướng tá dưới quyền lật đổ bằng cuộc đảo chính đẫm máu ngày 1/11/1963 với cái chết của chính ông Diệm và người em là ông Nhu; ông Ngô Đình Cẩn sau đó cũng bị xử bắn.
Đã hơn 50 năm trôi qua, công tội của ông Ngô Đình Diệm vẫn đang còn được bàn cãi và có lẽ là không bao giờ chấm dứt. Người Việt hải ngoại và một bộ phận người Việt sống tại Miền Nam vẫn còn ngưỡng mộ và ca ngợi ông Diệm hết lời. Những người này cho rằng ông bị hạ bệ và lật đổ là do sự tráo trở và lật lọng của người Mỹ chứ bản thân ông Diệm không có lỗi lầm gì lớn, v.v… Vậy sự thực nằm ở đâu?
Cho đến ngày hôm nay thì các tài liệu lịch sử đã chứng minh rằng ông Diệm không phải do người Mỹ dựng lên mà là do người Pháp dựng lên để duy trì và bảo vệ các quyền lợi của người Pháp tại Đông Dương. Ông Diệm chỉ được người Mỹ thừa nhận sau khi ông đánh bại Bình Xuyên và lập lại trật tự tại Miền Nam Việt Nam. Một trong những điểm sáng của ông Diệm khiến người đời ca tụng ông và cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho chính ông và người em của ông đó là ông đã phản đối việc người Mỹ đem quân vào Việt Nam và khi biết được quyết tâm đó của người Mỹ thì ông đã âm thầm thương thuyết với chính quyền cộng sản Bắc Việt để tiến tới việc “thống nhất đất nước”!?
Theo ý kiến chủ quan của người viết thì ngay cả trong “thành tích” này ông Diệm cũng đã sai. Thứ nhất, ông Diệm chỉ là công cụ của người Pháp và sau đó là của người Mỹ. Ông lên nắm quyền là do một thế lực ngoại bang dựng lên chứ không phải nhờ vào tài năng hay tinh thần yêu nước, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng. Đã là một công cụ thì ông không thể chống lại ý muốn của người sử dụng công cụ. Ông Diệm không thể chống lại ý muốn của quan thầy. Ngay cả việc ông “đi đêm” bí mật với chính quyền Bắc Việt cũng là sai lầm, vì nó không thực tế và đi ngược lại mong muốn và lợi ích của nước Mỹ khi đó. Ông Diệm đã không hiểu gì về tình hình thế giới lẫn những suy nghĩ của người Mỹ, vừa là “quan thầy” vừa là người bảo trợ cho chế độ. VNCH đã không hề có một cơ quan nghiên cứu nào về chính quyền Mỹ để đưa ra những dự đoán về những thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ (người Do Thái đã thành công do họ thâm nhập rất sâu vào giới chính khách và chính quyền Mỹ). Bối cảnh quốc tế khi đó đang diễn ra cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ trong phe “xã hội chủ nghĩa” giữa Liên Xô và Trung Quốc, một cuộc chiến tổng lực giữa hai nước cộng sản khổng lồ này có nguy cơ xảy ra và vì thế người Mỹ rất cần có mặt ở Việt Nam để có thể can thiệp kịp thời vào cuộc chiến. Hành động cản đường của ông Diệm và nhất là khi người Mỹ phát hiện ông Diệm là quân bài của Pháp càng khiến họ quyết tâm lật đổ ông.
Lý do thứ hai và là lý do quan trọng nhất khiến ông Diệm bị lật đổ đó là vì ông không phải là một chính trị gia đúng nghĩa, hay nói một cách khác ông không phải là một ‘trí thức chính trị’ đúng nghĩa. Ông không có sự chuẩn bị để cầm quyền và lãnh đạo đất nước. Ông đã không hề có một “dự án chính trị” nào để thuyết phục và động viên quần chúng. Ông cũng không hề xây dựng cho mình một “tổ chức chính trị” bao gồm những người có cùng quyết tâm và ý chí để cùng chiến đấu và hy sinh cho một lý tưởng cao cả. Cách làm chính trị của ông hoàn toàn theo lối nhân sĩ, tức là xây dựng hình ảnh và tiếng tăm cho cá nhân mình và sau đó dùng uy tín cá nhân để chờ thời. Đảng Cần Lao mà ông Ngô Đình Nhu thành lập sau khi đã cầm quyền chỉ là “hữu danh vô thực” vì nó theo đuổi một lý tưởng mơ hồ là “chủ nghĩa nhân vị” mà không mấy ai hiểu được đó là cái gì. Các thành viên của đảng Cần Lao chỉ là những kẻ theo đóm ăn tàn, cơ hội và bất tài. Tổ chức này đã tan như bong bóng xà phòng sau khi ông Diệm bị sát hại. Một chính đảng thực sự chỉ có thể hình thành trong gian khó, khi chưa cầm quyền. Chính đảng đó bắt buộc phải có một “dự án chính trị” đứng đắn, trong sáng và khả thi để kết nối các thành viên lại với nhau và để chứng tỏ sự nghiêm túc của mình trước quần chúng nhân dân.
Chính vì không có một “dự án chính trị” khả thi và không có một đội ngũ cán bộ nòng cốt để chia sẻ việc nước nên ông Diệm bắt buộc phải dùng đến anh em bạn bè thân cận trong gia đình để cùng… cầm quyền. Điều này đã khiến ông Diệm trở thành “độc tài” và “gia đình trị”. Và rồi chuyện đau lòng đã xảy ra khi chính những kẻ mà ông tin dùng quay lại phản bội ông, giết hại ông. Những kẻ này đến với ông Diệm vì tiền tài và danh vọng cho nên họ sẵn sàng vì tiền bạc và danh vọng mà phản bội ông. Không ai phủ nhận lòng yêu nước của ông, nhưng chỉ yêu nước không thôi cũng chưa đủ. Sự yêu nước cộng với sự mù quáng và hoang tưởng còn làm hại đất nước nhiều hơn là những người không làm gì. Những người cộng sản ngày nay cũng đang đi vào vết xe đổ mà ông Diệm đã mắc phải.
Vẫn có người, đến giờ vẫn cho rằng chính người Mỹ là nguyên nhân gây ra cái chết cho anh em ông Diệm và là nguyên nhân khiến Miền Nam thua cuộc…! Điều này có phần đúng nhưng không phải là tất cả nguyên nhân. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chúng ta phải tự trách mình trước khi trách người, Mỹ chỉ quan tâm đến quyền lợi của họ và khi thấy một “công cụ” nào đó không còn tác dụng nữa thì họ bỏ rơi. Đó là lý lẽ và luật chơi của kẻ mạnh. Đúng là người Mỹ đã mắc rất nhiều sai lầm, từ Việt Nam cho đến Iraq nhưng vì người Mỹ quá mạnh nên dù sai lầm họ vẫn có thể sửa chữa, còn Việt Nam thì không. Câu chuyện này này cũng giống như trong việc kinh doanh, một công ty khổng lồ có thể mắc sai lầm và thua lỗ trong một vài phi vụ nhưng vẫn có cơ hội để sửa sai và đi tới nhưng một kẻ mới tập tành kinh doanh nếu sai lầm và thua lỗ thì sẽ mất vốn và phá sản. Ông bà từng nói “buôn tài không bằng dài vốn” là vậy. Không phải ai theo Mỹ cũng thất bại và thua thiệt. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã thành công khi kết bạn với Mỹ.
Sau khi Ngô Đình Diệm bị sát hại thì ông Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành tổng thống VNCH và rồi ông Thiệu cũng thất bại như ông Diệm khiến VNCH sụp đổ. Ông Thiệu cũng là một nhân sĩ chính trị, không có đảng phái và không có một “dự án chính trị” nào (đảng Dân Chủ mà ông Thiệu thành lập sau khi thành tổng thống cũng chỉ là hữu danh vô thực như đảng Cần Lao của ông Nhu). Ông Thiệu cũng chỉ là một ‘công cụ’ của người Mỹ và rồi cũng bị người Mỹ bỏ rơi khi mối đe dọa của Trung Quốc không còn nữa. Ông Thiệu còn tệ hơn ông Diệm là đã nhận tiền của Mỹ để tham gia đảo chính sát hại ông Diệm. Một vị nguyên thủ quốc gia như ông Thiệu đã từng nhận tiền của ngoại bang để bức hại một vị tổng thống đương nhiệm và hợp pháp như ông Diệm làm sao xứng đáng và có nhân cách để chèo lái quốc gia? Chính quyền đó làm sao khiến người Mỹ tôn trọng và hợp tác? Sự sụp đổ của VNCH vì vậy là lẽ hiển nhiên, không thể nào khác được.
Nói ra điều này chúng tôi không có ý chê trách hay lên án ông Diệm hay ông Thiệu. Chúng tôi cho rằng ông Diệm, ông Thiệu (hay ông Hồ) cũng là những nhân vật lịch sử. Họ đã làm những gì cần làm mà họ cho rằng là đúng đắn. Suy cho cùng lịch sử Việt Nam vào thời điểm đó cũng không có ai hơn họ. Họ đã thành người thiên cổ, họ đúng hay sai là do đánh giá của từng người và giới nghiên cứu lịch sử. Dù sai hay đúng thì họ cũng là người Việt Nam, là “vị tiền bối” của chúng ta, là một phần của lịch của Việt Nam. Chúng ta không nên oán trách họ mà chỉ cần sòng phẳng và minh bạch với quá khứ để từ đó rút ra những bài học cho ngày hôm nay. Lý do cũng rất giản dị: Chúng ta không thể nào thay đổi quá khứ mà chỉ có thể thay đổi hiện tại và tương lai.
Bài học quan trọng nhất mà chúng ta cần rút ra đó là làm chính trị hay đấu tranh chính trị là phải có tổ chức. Một tổ chức chính trị đúng nghĩa bắt buộc phải có một “dự án chính trị” nghiêm túc, rõ ràng, trong sáng và dễ hiểu để mọi người dân Việt Nam có thể hiểu được và cùng chia sẻ. Việt Nam chúng ta ngày nay đã tụt hậu rất xa so với thế giới vì chúng ta không có một chính quyền đúng nghĩa được lãnh đạo bởi một đảng chính trị đúng nghĩa.
Bài học nữa là người Việt chúng ta cần phải tự lực tự cường thay vì trông chờ vào các thế lực ngoại bang. Mỗi người Việt Nam yêu nước hãy tự nhủ với mình như độc giả Thông Luận, Lê Văn Trực: “Một hằng số chính trị của người Việt Nam là làm chính trị không cần dự án chính trị. Do đó, người Việt hoặc là công cụ thực hiện các dự án chính trị của người ngoài hoặc phải mượn phương tiện của kẻ khác. Hằng số này có thể giải thích sự bi đát hiện nay của Việt Nam. Quá đúng và cũng quá đau lòng cho một thực trạng hình như vẫn còn tiếp diễn! Biết đến bao giờ người Việt chúng ta mới tự trọng và tự lực cho tương lai của chính mình thay vì chủ yếu chỉ lo vận động cầu cạnh sự giúp đỡ, nâng đỡ của các chính quyền, những chính trị gia nước ngoài. Người Việt ơi! Cho dù gian truân đến cỡ nào hãy đứng thẳng người để tự lo liệu cho chính mình trước đã”.
Một sự thực nữa là VNCH đã “chết” gần 40 năm. Chúng ta không nên quá xót xa và hoài niệm về một quá khứ đau lòng. Hãy cùng nhau xây dựng và kiến thiết một nước Cộng Hòa Việt Nam mới, với tất cả những giá trị nhân bản và tốt đẹp nhất của nhân loại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét