Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Người giết Bin Laden lộ diện: Vì nước Mỹ cần anh hùng?

seal_robertoneill01“…Người tiêu diệt bin Laden, cũng là người có công tiêu diệt kẻ thù của dân chúng Mỹ. Và trong thời điểm cuộc chiến chống khủng bố còn nhiều tranh cãi, việc xuất Rob O'Neill vào thời
 điểm này sẽ thổi bùng lên trong lòng dân Mỹ những ý tưởng về anh hùng… Dư luận Mỹ đang cần những anh hùng như vậy…”



Robert O'Neill, lính đặc nhiệm tự nhận kết liễu trùm khủng bố Osama bin Laden đã lộ diện, bất chấp những cảnh báo từ các lãnh đạo an ninh cao cấp.


Quyết định lộ diện: người hùng hay kẻ ngốc ?
Ngày 7/11/2014, truyền thông Mỹ xôn xao về vấn đề người hạ sát trùm khủng bố Osama bin Laden quyết định công khai danh tính. Đó là anh lính thuộc biên chế đội đặc nhiệm lừng danh SEAL - Robert O'Neill.

Rob O'Neill 38 tuổi, sinh tại Butte, bang Montana. O'Neill được xác định sẽ chính thức xuất hiện trên một chương trình đặc biệt của kênh truyền hình Fox News để nói về những khoảnh khắc đối đầu tiêu diệt trùm khủng bố, những bí mật còn chưa được tiết lộ trong chiến dịch đột kích đó.

Trước đó năm 2013, O'Neill đã từng xuất hiện trong một bài phỏng vấn của tạp chí Esquire nhưng được giấu danh tính. Anh đã từng nói về việc đối mặt với thủ lĩnh khủng bố khét tiếng tàn bạo như thế nào, đã hạ sát hắn ra sao. Nhiều người cho rằng O'Neill đang muốn xuất hiện trên công chúng và sẽ tiết lộ những kế hoạch như một người hùng của nước Mỹ.

Bản thân O'Neill có bề dày thành tích rất đáng nể, những chiến công của anh này được chuyển thể thành nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood hoặc được các nhà viết kịch bản lấy làm cảm hứng cho các phim hành động của Mỹ.

seal_robertoneill01

Hình ảnh quảng cáo về chương trình đặc biệt của Robert O'Neill trên Fox News
Robert O'Neill từng tham gia nhiều chiến dịch ở Iraq, Afghanistan. Anh lập được nhiều chiến công và được chính phủ Mỹ trao tặng tổng số các loại huy chương lên tới 52 lần. Quan trọng phải kể đến ba chiến dịch :

Chiến dịch đầu tiên là nhiệm vụ giải cứu con tàu Maersk Alabama bị cướp biển Somalia chiếm giữ. Cuộc giải cứu này được chuyển thể thành phim đoạt giải Oscar Captain Phillips (Thuyền trưởng Phillips).

O'Neill cũng từng cứu lính đặc nhiệm SEAL Marcus Luttrell, một trong những người sống sót sau khi vụ bắt một thủ lĩnh Taliban ở Afghanistan thất bại. Câu chuyện này được dựng thành phim Lone Survivor (Chiến binh đơn độc). Bộ phim được đề cử giải Oscar Zero Dark Thirty (Thời khắc hành động) cũng tái hiện lại cuộc truy lùng Osama bin Laden mà O'Neill tham gia.

Tuy nhiên, việc xuất hiện của O'Neill trước công chúng cũng nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Các cố vấn an ninh của Mỹ cho rằng hành động này sẽ gây nguy hiểm cho chính anh và người thân, bạn bè bởi các hành động trả thù của các lực lượng khủng bố.
Nhiều người có quyền lực lên tiếng cần phải kết tội O'Neill vì vi phạm lời thề im lặng. Thượng sĩ Michael Magaraci và Chuẩn Đô đốc Brian Losey nói rõ ràng rằng lời thề im lặng là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của những người lính đặc nhiệm.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết định lộ diện của O'Neill khiến các cựu binh SEAL phải xấu hổ, và tuyên bố rằng anh ta có thể sẽ bị xử lý hình sự. "Thông tin mật được pháp luật bảo vệ. Chúng tôi sẽ tích cực thúc đẩy xử lý hình sự những người cố tình vi phạm pháp luật, đặt đồng đội, gia đình của chúng tôi, và các nhiệm vụ trong tương lai vào nguy hiểm", hai ông viết.

seal_robertoneill02
Robert O'Neill trong hình ảnh người lính đặc nhiệm SEAL

Có người lại cho rằng đơn giản O'Neill chỉ muốn gây sức ép với chính quyền Mỹ khi không được hưởng tiền trợ cấp quân nhân. Anh rời SEAL sau 16 năm phục vụ, nhưng theo quy định, phải có đủ 20 năm phục vụ mới được nhận tiền. Và người ta cũng giao cho anh công việc phân phối bia ở bang Michigan, phải di chuyển liên tục như một chương trình bảo vệ nhân chứng.

Tuy nhiên, O'Neill đang muốn xuất hiện như một người hùng. Anh khẳng định không hề e sợ sự trả thù. "Khi tôi xuất hiện trên truyền hình, tôi muốn chứng minh cho lũ khủng bố biết rằng tôi hay người Mỹ không sợ chúng. Tôi sẽ vẽ một tấm bia bắn lớn ngay trước cửa và viết lên đó rằng hãy đến mà bắt tôi nếu chúng có thể".


Người Mỹ cần anh hùng thực sự
Sự việc Robert O'Neill công bố danh tính của mình vào thời điểm này là khá nhạy cảm với nước Mỹ, nhưng có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa. Có thể nói người lính này là hiện thân cho cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ theo đuổi từ năm 2001 cho đến nay.

Nhìn lại hành trình 13 năm đó, nước Mỹ có thể gặt hái được những gì ? Họ hao tiền tốn của vào các cuộc chiến ở Afghanishtan, Iraq, Libya, Syria... Hàng chục nghìn quân nhân Mỹ đã tàn phế trở về từ chiến trường Trung Đông, trở thành những thương binh vĩnh viễn của thế kỷ 21, hoặc họ trở về trong những quan tài gỗ được bọc quốc kỳ.

Ngày nay, Mỹ vẫn tiếp tục phát động cuộc chiến chống khủng bố với Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở Syria và Iraq, dường như ngược lại với những tuyên bố của Tổng thống Mỹ B.Obama về việc ông là người kết thúc, chấm dứt mọi cuộc chiến ở hải ngoại mà Mỹ đang theo đuổi.

linhmy_hysinh
Lính Mỹ hi sinh tại các chiến trường Trung Đông được đưa thi thể về trong những quan tài được phủ quốc kỳ

Cuộc chiến chống IS đó một lần nữa đưa nước Mỹ đối mặt với nhiều vấn đề. Trước hết là tính khả thi của cuộc chiến. Họ đang tiêu tốn 1 tỷ USD cho mỗi tháng để phục vụ các chiến dịch không kích. Tuy nhiên, bản thân những người chủ chốt của chính quyền Washington đều khẳng định Mỹ đang làm những việc vô nghĩa và không hiệu quả.

Thứ hai, vấn đề bộ binh có tham chiến hay không đang là một nút thắt khó tháo gỡ cho cuộc chiến này. Không có bộ binh phối hợp, không kích trở thành vô nghĩa. Nhưng điều bộ binh tham chiến, nguy cơ sa lầy như những cuộc chiến trước ở Trung Đông là rất cao. Nước Mỹ sẽ mất thêm nhiều tiền của và sinh mạng binh sĩ hơn nữa. Bởi IS là tổ chức khủng bố mạnh nhất từ trước đến nay mà họ phải đối diện.

Thứ ba, nước Mỹ đang đối mặt với những nguy cơ vô cùng đáng sợ về an ninh. Những thành viên nước ngoài, thậm chí là người Mỹ đã gia nhập chiến đấu cho IS ở Iraq, Syria, và họ có thể trở về nước bất kỳ lúc nào. Trong khi IS thường xuyên phát đi những đoạn phim kêu gọi tổ chức khủng bố đơn độc ở chính những quốc gia này.

Kết quả bầu cử vừa qua hôm 4/11/2014 cho thấy dân Mỹ muốn nhìn thấy những điều tích cực hơn, vì thế mà phe đối lập với Tổng thống chiến thắng ở cả Thượng viện và Hạ viện.

khongkich_isis
Không kích IS: tốn tiền và bế tắc

Cuộc chiến với khủng bố có thể đem lại cho giới tài phiệt Mỹ những nguồn lợi về dầu mỏ, về kinh tế, nguồn lợi bán vũ khí, nhưng với dân Mỹ, họ chỉ có thiệt thòi. Nền kinh tế thêm nợ, người dân mất việc, nguy cơ khủng bố, mất an ninh, và nếu tiếp tục chiến tranh, con cái của họ sẽ phải nằm xuống ở những vùng đất mà họ chỉ nhìn thấy trên tivi hay qua báo chí.

Điểm sáng duy nhất có ý nghĩa với người dân nước Mỹ, đó là trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt. Từ năm 2001, cuộc khủng bố vào tòa tháp đôi của tổ chức Al-Qaeda đã khiến bin Laden trở thành kẻ thù duy nhất của nước Mỹ.

Người tiêu diệt bin Laden, cũng là người có công tiêu diệt kẻ thù của dân chúng Mỹ. Và trong thời điểm cuộc chiến chống khủng bố còn nhiều tranh cãi, việc xuất Rob O'Neill vào thời điểm này sẽ thổi bùng lên trong lòng dân Mỹ những ý tưởng về anh hùng.

Có thể, O'Neill sẽ đứng trên truyền hình và nói về những giờ phút đấu trí, đấu lực căng thẳng, kẻ thù nguy hiểm ra sao, lính Mỹ gan dạ và giỏi thể nào... Và kết cục, người Mỹ chiến thắng, sẽ chiến thắng và luôn như vậy. Người Mỹ không sợ khủng bố.

Dư luận Mỹ đang cần những anh hùng như vậy, và sự xuất hiện của O'Neill dù vô tình hay hữu ý, cũng ít nhiều tạo thêm niềm tin cho người dân vào những gì chính phủ Mỹ đang theo đuổi.
Đỗ Minh Tú
Nguồn: báo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét