Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Bức tường Bá Linh dưới con mắt của trùm gián điệp Đông Đức (2)

“...dùng căn cước của những người đã chết trong trận bom tại Dresden để làm bình phong cho các điệp viên định cư bên phương Tây, nhưng luôn luôn có cái rủi là một người sống sót tình cờ xuất hiện và phá hỏng nguỵ trang của điệp viên...”


Ngay sau khi Bức Tường được dựng, một vài dải đất biên giới nằm trong vùng thôn quê vẫn còn dễ thâm nhập. Nhân cơ hội này tôi thúc đẩy các điệp viên khoa học và kỹ thuật, có một vài người chưa được huấn luyện kỹ lưỡng, sang Công Hoà Liên Bang Đức, nhưng chúng tôi mỗi lúc một khôn ngoan hơn trong việc giả mạo căn cước. Các giới chức phương Tây bẳt đầu đòi hỏi chứng cớ căn cước và những chi tiết về đời tư. Việc sử dụng các máy vi tính giúp cho họ kiểm soát tin tức dễ dàng hơn khi họ đem so với những hồ sơ lưu trữ ở nơi khác hoặc do các cơ quan chính quyền lưu giữ.

Nhưng cùng lúc Tây Đức nhanh chóng tìm phương pháp kiểm soát những người xâm nhập, chúng tôi tìm ra những phương pháp mới để đánh lừa họ. Đây là một cuộc chạy đua tuyệt vời và nhiều hào hứng. Chúng tôi có lợi thế trong việc này, tôi lấy một ví dụ, dùng căn cước của những người đã chết trong trận bom tại Dresden để làm bình phong cho các điệp viên định cư bên phương Tây, nhưng luôn luôn có cái rủi là một người sống sót tình cờ xuất hiện và phá hỏng nguỵ trang của điệp viên. Điều này mỗi lúc xảy ra thường xuyên hơn vì hệ thống máy vi tính của phản gián Tây Đức được mở rộng và đào sâu, vì vậy chúng tôi cuối cùng phải đình chỉ trò dựng xác chết dạy.

Nhưng tôi cũng gặp khó khăn với chính phe của tôi. Họ tìm cách tập trung hồ sơ. Erich Mielke, cấp trên của tôi trong chức Bộ Trưởng Công An, nhất quyết buộc tôi cung cấp danh sách tập trung các điệp viên của tôi. Tôi dứt khoát từ chối. Sự giằng co này keo dài mãi cho đến ngày tôi từ chức. Tôi hãnh diện nói rằng dưới sự chỉ đạo của tôi không có một nơi nào trong cơ quan của tôi lưu trữ danh sách của tất cả những điệp viên. Tôi quyết định không lưu giữ một thẻ hoặc đĩa vi tính nào ghi lại tất cả các chi tiết hoạt động của chúng tôi. Trái lại, tôi khai triển một phương pháp qua đó danh tính của người cung cấp tin chỉ có thể biết nếu ba trên năm chi tiết được tiết lộ. Để có thể tiếp tục tìm kiếm, mỗi một chi tiết cần phải được kiểm chứng với chi tiết khác. Chúng tôi có những thẻ của hàng trăm ngàn cá nhân, trong đó có rất nhiều tên của phương Tây, từ dân biểu Quốc Hội cho đến những giám đốc kỹ nghệ, những thành viên của Uỷ Ban Kiểm Soát Đồng Minh. Những danh thẻ riêng biệt của nhân viên chúng tôi được lưu giữ tại mỗi cục; một cục quản lý nhiều nhất là từ sáu chục cho đến một trăm nguồn tin, điệp viên, giao liên, vân vân. Mỗi một thẻ ghi bí danh, địa chỉ, vùng và số hồ sơ. Con số quy chiếu về một hồ sơ chứa đựng tên thực của cá nhân điệp viên. Chồng thẻ nhỏ này trong mỗi cục thường được một sĩ quan cao cấp cất giữ. Bất kỳ ai muốn tìm kiếm hồ sơ phải trình bày lý do cho sĩ quan này, và nếu hồ sơ liên quan đến một gián điệp, người phụ trách đã có sẵn câu chuyện nguỵ trang. Trong thời chiến hoặc những lúc căng thẳng, công việc của sĩ quan là đem cất giấu hồ sơ của điệp viên ra khỏi bộ và đem về tổng tham mưu tạm thời của chúng tôi.

Một người không thẩm quyền muốn xem những thẻ và hồ sơ này phải lặn lội qua một số lượng khổng lồ giấy tờ để tìm ra hồ sơ thích hợp. Công tác tìm kiếm bí danh của một điệp viên cho ăn khớp với tên thật của y chắc chắn sẽ gây chú ý, trái ngược với những gì sẽ xảy ra nếu những hồ sơ này nằm trên đĩa vi tính. Tính cách vô bổ của công tác tìm kiếm này không phiền hà tôi tí nào vì tôi và các sĩ quan cao cấp của tôi lưu giữ tên tuổi của những điệp viên quan trọng nhất trong trí óc của chúng tôi. Từ đó trở đi, tôi dùng khuôn mẫu màng nhện để nhận diện những mối giấy liên lạc giữa các hệ thống điệp viên tại Đức thời hậu chiến. Tôi nhận thấy quả thật dễ dàng nhét những tên mới vào đầu tôi. Với phương cách này, việc đem tản mác hồ sơ đem lại an toàn cho chúng tôi. Khi chúng tôi gặp phản bội trong hàng ngũ, sĩ quan đào thoát chỉ biết những mối giây y điều khiển hoặc là những tin đồn y nghe ngóng qua những lời bất cẩn – mặc dù chúng tôi nghiêm cấm việc này, thường hay xảy ra trong những tổ chức rộng lớn.

Vào thập niên 1950, chúng tôi tiếp cận khá sâu sát với các gia đình quý tộc của Tây Đức. Một vài người trong giới này cảm thấy họ có bổn phận làm nguôi đi mặc cảm tội lỗi của giai cấp của họ vì họ đã không ngăn cản được việc Hitler lên nắm chính quyền. Một số khác không đóng một vai trò nổi bật nào và đôi khi không được quyền sử dụng danh tước của mình trong chế độ Cộng Hoà Liên Bang mới này. Nhiều người bị ông thủ tướng Adenauer, một người bài bác chủ nghĩa quốc gia, ủng hộ Hoa kỳ, loại trừ ra khỏi chính trường. Họ vẫn có một ước vọng mãnh liệt tham gia chính sự và nhiều người xem việc cộng tác với chúng tôi như là một cố gắng ngoại giao bí mật. Tôi chứa gặp một ai tự nhận mình là kẻ phản bội cả.

Tuy nhiên có một vài người bị Max Heim phản bội. Max Heim là giám đốc phụ trách đánh phá đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Tây Đức, một phó cục của Cục 2. Đương sự đào thoát hai năm trước khi Bức Tường sụp đổ, tiết lộ tình hình hiểu biết của chúng tôi về các đảng lãnh đạo tại Bonn và chỉ đường cho cơ quan phản gián Tây Đức đến bắt nhiều điệp viên của chúng tôi.

Trong số những người này có Wolfram von Hanstein. Nhờ vị thế xã hội cao ở phương Tây, ông đã xây dựng được một số đường giây liên lạc hữu dụng. Cha của ông và ông nội của ông là những giáo sư đại học và văn sĩ nổi tiếng, và Hanstein muốn tiếp tục truyền thống gia đình của những người trí thức phong lưu. Trước thế chiến ông sống và có được chút uy danh bằng nghề viết tiểu thuyết dã sử . Ông từ chối không nhập ngũ và sống ẩn dật vào thời kỳ chiến tranh, ông được đưa vào trại giam của Xô Viết và tại đây ông trở thành cộng sản. Ông định cư tại Dresden và cống hiến cuộc đời cho chủ nghĩa cộng sản. Trước khi von Hanstein và vợ sang phương Tây do lời yêu cầu của chúng tôi, họ cống hiến đất và biệt thự Dresden của họ cho nhà nước và sau đó giao cho Bộ Công An. Tại Bonn, viễn kiến nhân bản và tên tuổi của gia đình ông giúp ông nhanh chóng bước lên chức vị cao nhất trong giới vận động nhân quyền. Ông thân thiện với Heinrich Krone, bộ trưởng đặc trách về vấn đề an ninh của Adenauer, và Ernst Lemmer, bộ trưởng thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, trông coi về bang giao giữa hai nước Đức. Ông cũng thông báo tường tận về những hoạt động của Văn Phòng Đông của đảng SPD và xâm nhập nhiều tổ chức chống cộng. Ngay cả lúc bị giam giữ sáu năm trong tù, ông tiếp tục chăm chỉ làm việc và bắt liên lạc được với các bạn tù sau này cho chúng tôi. Sau khi ông được thả ra, von Hanstein xin được trở về Đông Đức, nơi đây ông qua đời năm 1965.

Một điệp viên khác bị Heim phản bội là Baron von Epp. Là một hậu duệ của một nhà quý tộc đã hỗ trợ Hitler từ những ngày đầu của phong trào Quốc Xã, von Epp làm việc cho chúng tôi để tìm cách chuộc lại mối nhục của gia đình. Khi ông bị bại lộ và bỏ tù, tôi thấy tiếc việc ông ra đi, mặc dù tôi không lấy làm ngạc nhiên. Là một con bài bất kham, ông công tước tiếp cận với cơ quan chúng tôi và tuyên bố sẵn sàng hoạt động khủng bố, nhưng ông thất vọng vì chúng tôi nói chúng tôi cần những trợ giúp kín đáo và liên lỉ để thu thập những tài liệu mật có tính hữu dụng.

Trước những ngày bầu cử năm 1969, chúng tôi phải đặc biệt theo dõi những thay đổi trong phong cảnh chính trị tại Bonn. Trong cuộc bầu cử này đảng Dân Chủ Xã hội đạt kết quả tốt đẹp nhất trong thời hậu chiến và chuẩn bị con đường đưa họ lên đỉnh cao của quyền lực. Vào đúng lúc này, xuất hiện một trong những điệp viên quái đản nhất mà tôi sung sướng gặp gỡ, tài phiệt Hannsheinz Porst. Tôi đã từng gặp nhiều cỡ trí thức ủng hộ chủ nghĩa Cộng Sản vì tất cả mọi lý do, cao cả và tầm thường có, nhưng tôi chưa bao giờ gặp một nhân vật có sức thuyết phục và lương thiên như ông, trong phong cách đặc biệt của ông. Với dáng người bé nhỏ nhưng có uy lực, ông có phong cách của một doanh nhân trẻ nhiều sinh lực. Điều đầu tiên tôi phải làm quen là trong khi nói chuyện chỉ có một con mắt của ông nhìn tôi, con mắt kia đã bị hư hỏng vào ngày cuối chiến tranh vì một quả lựu đạn nổ kề mặt ông.

Mối giấy liên lạc với Porst được kết là nhờ một người anh em họ của ông, một người tên Karl Böhm. Cả hai người đều sinh trưởng tại Nuremberg, và vào lúc thiếu thời của Porst, Böhm đóng vai trò người anh cả, người tâm sự và mẫu mực. Khi nhóm Quốc Xã nắm chính quyền, Böhm bị bắt vì là đảng viên Cộng sản và bị kết án sáu năm tù trong trại tập trung Dachau. Cậu bé Porst không hiểu tại sao người thân thuộc đáng kính đã bị bắt đi và mong người ấy trở về, mặc dù cha mẹ của cậu nói nhỏ cho cậu biết là đôi khi có người không trở về từ các trại này.

Khi hạn tù chấm dứt, cha của Hannsheinz giao việc làm cho Karl trong một cửa hàng chụp ảnh nhỏ. Đây là một bước can đảm của một người phi chính trị, nhưng ông có tiếng là một người cần cù liêm chính. Nghề nhiếp ảnh phát triển vào thập niên 30, và khi chiến tranh bùng nổ, ông bố của Porst đã gầy dựng nên một kinh doanh phồn thịnh nhờ chụp hình những chàng thanh niên bảnh bao mặc quân phục, thường là tấm ảnh cuối cùng mà vợ và gia đình của họ còn giữ lại.

Vì mang lý lịch của một đảng viên Cộng Sản, Böhm bị đưa vào sư đoàn trừng giới đáng sợ. Quốc Xã Đức xem những người này như những tên lính không đáng tin cậy về mặt ý thức hệ và đối xử thích nghi với họ bằng cách đẩy họ vào những công tác tự sát. Nhưng Böhm vẫn sồng sót sau chiến tranh. Porst lúc đó làm sĩ quan phòng không ở đầu trận tuyến. Và khi họ được đoàn tụ trở lại, họ quyết định thành lập một nhà xuất bản. Porst sau này kể lại cho tôi « Karl nói về ý thức tuyệt đối để xây dựng một xã hội mới, an bình, và trong không khí giả dối của những năm tiếp sau 1945, tôi rất sung sướng được nghe một người nói lên điều này, một người đã từng đương đầu với bách hại, một người có phong cách tri hành hợp nhất ».

Chiến tranh chấm dứt, Böhm tiếp tục công khai ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, và kết quả là chính quyền Hoa Kỳ không cấp môn bài kinh doanh cho các anh em họ Böhm. Böhm tức giận chạy sang Đông Đức và Porst ở lại Tây Đức. Porst tiếp tục làm việc với người cha và tỏ ra là một doanh nhân trẻ tài giỏi, đứng đầu một công ty trên đà phát triển trong vòng mười năm. Với cổ phần còn lại của công ty, ông mua máy in đặt ở ngoại ô Nuremberg và cuối cùng trở thành một nhà in lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất tại nước Tây Đức mới.

Böhm cũng tìm đường sinh sống, mặc dù nằm trong một thế giới khác với những giá trị khác. Böhm đã thành công trong nghề xuất bản tại Đông Đức, một ngành dưới sự kiểm soát của nhà nước do Bộ Văn Hoá quản lý. Böhm là giám đốc của Văn Phòng Văn Hoá (Amt für Literatur). Văn phòng này che giấu cái gọi là trụ sở hợp pháp của cục tình báo hải ngoại của tôi, trong đó gồm một đội từ một đến hai sĩ quan làm việc cho ngành xuất bản của bộ. Tôi không rõ có phải là Böhm bắt liên lạc với Porst cho họ hoặc là theo như tôi được biết lúc đó, mối giấy liên lạc chỉ là một sự tình cờ. Nhưng dù gì đi nữa, vào những nửa thập niên 1950, hai điệp viên nguỵ trang gặp gỡ anh thanh niên chủ nhân kinh doanh tại phiên chợ Leipzig và thấy anh ta có cảm tình với mối lo âu của phía Đông Đức với việc tái vũ trang của Tây Đức. Chúng tôi tiếp cận với Porst và chúng tôi yêu cầu đương sự gia nhập đảng Đoàn Kết Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Adenauer và thông báo cho chúng tôi về những sinh hoạt của đảng này.

Đây là một bước quá xa đối với một nhà kinh doanh có đầu óc độc lập. Anh ta thu xếp để gặp người anh họ và cho biết anh ta rất sung sướng giúp Đông Đức biết về đường lối chính trị của Tây Đức, nhưng anh ta không thể là con cờ của họ. May mắn thay tôi ghé thăm Böhm vào mùa hè nắm đó tại Karlsbad, một trung tâm suối kháng của Tiệp, tại đây Böhm đến chữa trị bệnh cao huyết áp. « Em họ của tôi có tính khí độc lập» Böhm nói với tôi. « Nó không chịu ai dạy bảo hoặc bị sai khiến. Nhưng nó muốn nói chuyện về bối cảnh chính trị của hai nước Đức. Tại sao ông không liên lạc trực tiếp với nó ?».

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Porst là ở nhà nghỉ mát cuối tuần Böhm nằm ở ngoại ô Đông Bá Linh. Porst không ngừng chỉ trích Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Khi tôi cố gắng phản kháng rằng phần lớn những thái quá của chúng tôi là do phản ứng chống lại những mối đe doạ của phương Tây, đương sự lắc đầu giống như một chuyên viên tham vấn về quản lý đang xem xét một cơ xưởng không được quan lý tốt và nói với tôi rằng những vấn đề của chúng tôi phần lớn là do chúng tôi tự tạo ra, khởi sự là việc đối xử bất nhã đối với du khách tại biên giới và kết thúc với tệ quan liệu hành chánh và tính chất không hiệu năng đang gây xáo trộn trong nền kinh tế của chúng tôi. « Cứ nhìn các cửa hàng quốc doanh tồi tệ của nhà nước, » đương sự lắp bắp nói.  « Nếu tôi điều khiển chúng, chúng sẽ trở nên hấp dẫn và tạo lợi nhuận giống như những cửa hàng chụp ảnh của tôi ở nhà».

Lúc đó, tôi vẫn còn nhạy cảm đối với những lời phê bình như vậy, vì tôi bị vây hãm trong não trạng phải nhìn những khía cạnh tốt của phe xã hội chủ nghĩa. Tôi bực tức ngồi nghe liệt kê danh sách những thất bại được trưng bày giống như làm kinh doanh. Nhưng có một vài điểm tôi phải công nhận, chẳng hạn như sự trì độn khủng khiếp và tính cách một chiều của giới truyền thông chúng tôi.

Mặc dù hiểu biết về những khuyết điểm của Đông Đức, Porst tin rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa ở đây, đặc biệt về hệ thống an sinh xã hội và truyền thống chống phát-xít, biểu trưng cho một đường lối đáng tin cậy khác với chủ nghĩa tư bản của Tây Đức. Một trong những chỉ dấu tinh tế và khuynh hướng chính trị của ông là phương thức ông khai triển để chia sẻ quyền sở hữu cơ xưởng với nhân viên của ông. Giống như nhiều điệp viên kinh doanh của chúng tôi, Porst luôn luôn tìm cách khai triển sáng kiến của mình. Ông có thể xoay tức khắc từ những phân tích cứng rắn trong quyết định nhập cảng những máy chụp hình và các sản phẩm điện tử của Nhật Bản vào Tây Đức - phương cách này đã giúp cho ông trở thành triệu phú - sang viễn kiến lãng mạn của một nước Châu Âu công bình và xã hội hơn.

Tôi sửng sốt vì những chi tiết trong công trình của ông và tôi hăm hở muốn biết thêm về thế giới của đại tư bản, một chủ nghĩa chúng tôi lên án những chúng tôi chưa thực sự hiểu rõ. Mặt khác ông lại muốn bàn về lý thuyết của Mác. Có lẽ tôi muốn trở thành một tay tư bản để thoát khỏi con người xã hội chủ nghĩa của tôi. Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi trở thành một mối hợp tác vượt lên trên những chi tiết tình báo.

Ông nói ông không thích gia nhập đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vì họ có đầu óc quân binh và tôn thờ những giá trị người Phổ. Họ làm cho ông liên tưởng đến đàng bảo thủ Trung Tâm Công Giáo tiền chiến. Đảng này tỏ ra vô hiệu khi đối đầu với mối đe doạ của Hitler. Trái lại, ông tham gia đảng Dân Chủ Tự do, một nơi trú ngụ chính trị tự nhiên của các nhà kinh doanh. Nhờ vào những mối liên hệ chặt chẽ với đảng trung hoà hậu chiến này, ông có khả năng thăm dò những nhân vật lãnh đạo như Walter Scheel, sau này trở thành tổng thống của Tây Đức, và cấp lãnh đạo của Dân Chủ Tự Do, Erich Mende. Mende không biết Porst là một điệp viên nhưng biết ông có liên hệ với Cộng Hoà Nhân Dân Đức. Có một số nhân vật tiếng tăm vạch một lằn ranh mỏng giữa lời nói và việc cộng tác với một thế lực ngoại bang.

Khi ông già Adenauer cuối cùng bắt buộc phải từ chức năm 1963, người kế vị, ông Ludwig Erhard, mời ông Mende gia nhập chính phủ. Ông Mende, một người chủ xướng tự do, không muốn đưa đảng của mình vào một liên minh với một chính quyền thủ cựu, nhưng tôi nhận biết ông Mende có cảm tình với ý nghĩ hoà hợp và yêu cầu Porst thuyết phục bạn của mình gia nhập chính phủ. Cuối cùng Mende trở thành bộ trưởng Bộ Nội Vụ Tây Đức, một vị thế từ đó chúng tôi có thể tạo ảnh hưởng.

Chúng tôi không bao giờ tiếp cận với một bộ trưởng và ngu si đề nghi ông ấy trở thành nguồn tin cho chúng tôi. Nhưng bao lâu ông ấy bàn chuyện với những người bạn cũ và các đồng nghiệp, và những người này báo cáo cho chúng tôi, chúng tôi không dùng phương pháp này. Chúng tôi đặt một bí danh cho Mende là Elk. Những trường hợp như vậy khi một nhân vật có tiếng tăm lại có bí danh trong một hồ sơ ghi lại những quan điểm của mình, gây nên xáo trộn sau khi Đông Đức xụp đổ. Người ta cho rằng một tấm thẻ trong hồ sơ của chúng tôi có nghĩa là đối tượng đã ký kết hợp tác với chúng tôi. Nhưng chúng tôi hài lòng với rất nhiều người ở vị trị trung hoà xám không cần phải buộc họ đi quá xa, để cho họ vẫn trung thành với quốc gia của họ và xa lánh chúng tôi.



Khi chúng tôi quyết định săn lùng những thông tin có thể gây nguy hại về quá khứ của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hans-Dietrich Genscher, chúng tôi đặt cho ông bí danh là Tulip. Ông ta hết sức khó chịu khám phá sự việc này sau năm 1989. Ông đặc biết rất cẩn thận trong những mối liên lạc của ông bởi vì ông sinh trưởng ở Halle, thuộc Đống Đức, và ông biết rõ phương pháp của chúng tôi và đoán chừng chúng tôi chú ý rất kỹ đến ông . Lẽ cố nhiên chúng bới tìm quá khứ của ông, đọc tất cả các thơ ông viết cho ban bè cũ và gia đình tại Halle và chúng tôi theo dõi ông khi ông viếng thăm. Có những vấn đề về mối quan hệ của ông Genscher với chính quyền Xô Viết trong thời gian ông còn là sinh viên tại Halle và chúng tôi điều tra rất kỹ việc này. Và tôi có thể khẳng định là ông Genscher không có gì phải che dấu về thời quá khứ niên thiếu của ông.

Sau khi gia nhập đảng Dân Chủ Tự Do theo lời yêu cầu của chúng tôi, Porst có một thỉnh nguyện bất thường. Ông muốn trở thành đảng viên của đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng tôi. Điều này thật mới lạ đối với tôi. Tôi tham khảo các đồng chí biết rõ về quy chế nội bộ đảng. Họ nói, theo thủ túc triệt để, không một ai có thể trở thành đảng viên nếu không là công dân của Đông Đức. Ngay cả chi nhánh Tây Đức của đảng chúng tôi cũng được đăng ký là một tổ chức biệt lập, đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa tại Tây Bá Linh.

Nhưng tôi phản đối là chúng ta khó có thể từ chối tư cách đảng viên của một người làm việc cho chúng ta tại Tây Đức và sau đó có đặc cách. Sau hai năm dự bị đảng viên, thời gian để các thành viên trẻ chứng minh tinh thần trưởng thành và trách nhiệm của mình, nhà kinh doanh của chúng tôi được chấp nhận là đảng viên chính thức, người triệu phú đầu tiên và cũng là người triệu phú cuối cùng trong hàng ngũ của chúng tôi. Chúng tôi đưa cho ông xem quyển sổ đảng viên nhỏ màu đỏ, nhưng chúng tôi cất giữ nó kỹ trong tủ sắt kín tại Đông Bá Linh. Ông có vẻ hơi thất vộng vì chuyện này, nhưng chúng tôi không bao giờ để lọt một tài liệu như vậy ra ngoài khi người sở hữu đang làm việc ở hải ngoại. « Anh không thể nào mang thẻ này theo anh được, » tôi an ủi ông ta. « Anh thử tượng điều gì sẽ xảy ra nếu anh đánh rơi nó và cảnh sát khám phá nhà tài phiệt Hannsheinz Porst là một tay cộng sảng Đông Đức !».

Đường giây liên lạc của Porst trong giới kinh doanh và chính trị đối với chúng tôi quá ư quan trọng nên chúng tôi quyết gởi đi một sĩ quan liên lạc để cho việc chuyển giao báo cáo của ông được dễ dàng. Ông không nghĩ ông là gián điệp và vì vậy không thể có chuyện huấn luyện đượng sự theo kiểu lén lút. Một sĩ quan bí danh Optic được đặc phái đến phụ giúp ông với một ly lịch giả và một câu chuyện nguỵ trang là sĩ quan này đã vượt biên giới Đông Đức. Optic trở thành giáo viên riêng cho con cái của Porst, để tạo cớ cho sĩ quan có mặt trong gia đình. Nhưng Optic không phải là chỉ làm liên lạc viên mà thôi, đương sự cộng thêm vào với các báo cáo của Porst những đường giây liên lạc tại Bonn cũng như trong Viện Kỹ Nghê Tây Đức và nhiều hiệp hội các nhà kinh doanh khác. Tổ chức phát triển cho đến khi chúng tôi phải bổ nhiệm thêm một nhân viên nằm vùng khác mang bí danh Eisert để hỗ trợ cho Porst và Optic.

Những mối lo ngại đầu tiên về Porst xuất hiện vào đầu thập niên 60, khi tôi khám phá đương sự chia sẻ những bí mật hoạt động của mình cho thư ký riêng của ông, Peter Neumann. Tôi ngờ lỗi lầm này là do bản tính đặc biệt vừa ngây ngô vừa kiêu hãnh của Porst. Với tư cách là một nhà kinh doanh có ngàn nhân viên, có nhiều biệt thự và một chiếc phi cơ riêng, đương sự nghĩ là cuộc sống sẽ thoải mái và đội ngũ cộng tác trung thành tuyệt đối với mình. Nhưng đương sự lầm to.

Tuy nhiên, vào lúc này, mọi việc đều trôi chảy. Porst và tôi bỏ hàng giờ để bàn bạc về phương cách thúc đẩy kỹ nghệ và thương mại giữa hai khối Tây và Đông Đức để đánh bại chủ thuyết Hallstein của chính quyền Bonn. Chủ thuyết này không công nhận một quốc gia thứ ba khác nếu quốc gia này công nhận Đông Đức, ép buộc quốc gia này phải lựa chọn và ngăn cản những quốc gia khác công nhận Đông Đức trừ các nước theo khối Liên Bang Xô Viết. Theo một chiều hướng nào đó, những mối giây liên lạc với những người như Porst cho phép chúng tôi có được một mối liên hệ ngoại giao với phương Tây, mặc dù nó nằm trên bình diện nguỵ trang.

Porst có bàn tới việc lập một nguyệt san để đề xướng tính cách hoà hoãn trong mối bang giao giữa hai nước Đức vào lúc giới truyền thông Tây Đức cực lực chống đối. Tôi hoài nghi một tờ báo ngoài luồng có thể đảo ngược tình thế, nhưng tôi ngạc nhiên khi biết ông đã tìm cách lập một đài truyền hình và một phụ trang báo giấy cho đài phát thanh tên là RTV để làm nền tảng cho một tập san có tầm ảnh hưởng chính trị lớn hơn.
Nhưng rồi năm 1967 tai hoạ xảy đến. Porst bị Neumann phản bội và chúng tôi bị chấn động mạnh vì tang chứng không ai khác hơn là Optic, nhân viên của chúng tôi. Anh này để tự cứu lấy mạng sống đã tố cáo Porst.
Sau khi bị bắt, Porst tiếp tục khẳng định sự hợp tác của ông ta với cơ quan của tôi không mang tính chất phản bội. Ông tuyên bố :
Đúng tôi là một triệu phú theo Mác. Tôi đã từng là đảng viên của Đảng Dân Chủ Tự do của Đức và Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa của Đức. Tôi cung cấp tiền bạc cho Đảng Dân Chủ Tự Do để họ vận động tranh cử và đồng thời tôi đóng góp phần liễm của tôi cho Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa.Tôi sống tại đây và tôi bàn luận chính trị ở nơi khác. Có sự mâu thuẫn nào không?
Tôi xin thưa là không.
Không may, chánh án biện lý không chấp nhận lô-gíc của ông và toà đã kết án hai năm, chín tháng tù ở. Phong cách của Porst không hề suy xuyển trong suốt phiên toà. Được hỏi về những liên hệ với tôi, ông trả lời toà :
 Tướng Markus Johannes Wolf… tôi xem ông như một người bạn, mặc dù ông ông ấy dè dặt. Ông không tự hạn chế trong việc trao đổi ý kiến, ngay cả khi những ý kiến này không nằm trong sự chỉ đạo của chính quyền. Ông cùng thể cách với tôi, ông ăn mặc chỉnh tề và không thiếu tính hài hước. Tôi phải nói là họ không như ông ta.
Cách mô tả này về tôi đã xuất hiện hàng nhiều năm trên tất cả báo chí, đính kèm với hình ảnh của một người đàn ông nhã nhặn chắc chắn không phải là tôi. Tôi không hề biết đương sự là ai, nhưng tôi đoán chừng vì họ không có hình của tôi nên họ tự sáng chế.
Lẽ cố nhiên thời nay, tại Đông Đức cũ, các đèn màu của các cửa hàng ảnh Porst tiếp tục nhấp nháy tại các trung tâm thành phố cũng trên khắp nước Đức. Do đó cuối cùng anh bạn của tôi thực hiện được ước nguyện của mình, thấy được cơ cấu thị trường gây lợi nhuận và có hiệu năng ở phía Đông. Điều đáng buồn và bạc bẽo của cuộc sống của hai chúng tôi là để thực hiện được điều này là hệ thống mà một phần nửa tâm hồn của Porst và tất cả tâm hồn của tôi tin tưởng vào phải sụp đổ.

*
 Việc đóng cửa biên giới có nghĩa là phương pháp của cơ quan chúng tôi chắc chắn trở nên khó khăn hơn và không may lại tốn kém hơn. Việc liên lạc với các nguồn tin, việc chuyên chở nhân viên, việc chuẩn bị những gặp gỡ mới, tất cả đòi hỏi phải có tiền bạc mặt và thời buổi này càng lúc càng khó kiếm. Tôi cũng cần tiền mặt để mua phụ tùng hỗ trợ kỹ thuật cho nhân viên, máy nghe lén, máy khuếch đại làn sóng cao tần đài phát thanh, máy giải mã và những dụng cụ khác chúng tôi thua kém xa Hoa Kỳ và Tây Đức. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là được một bộ phận mới nhất của một dụng cụ và cố gắng sao chép lại với giá rẻ. Hầu hết các dụng cụ này đều nằm trong danh sách các món hàng cấm xuất cảng sang khối Đông Âu, vì vậy chúng tôi phải tìm người để thu mua những dụng cụ này mà không bị phát hiện. Tôi cũng cần tiền mặt để trả cho các nhân viên ở phương Tây và giữ mối liên lạc với các nguồn tin có tiềm năng. Tôi không dè sẻn trong việc này. Người phương Tây thích được một cơ quan tình báo vuốt ve, càng tiếp đón hoang phí chừng nào, cơ may họ cảm thấy được tân bốc và việc hợp tác càng cao. Nếu một trong những nhân viên của tôi ở Tây Đức đã xoay sở để tiếp cận với một nhân vật chính trị, ngoại giao hoặc kinh doanh tại Bonn và mời người này đi uống nước hoặc đi ăn, nhân viên này muốn một quán ăn sang trọng – không quá lộ liệu hoặc quá thời trang, nhưng là một nơi có tiếng biểu hiện tiền tài cho khách sành điệu. Rượu cũng là một yếu tố quan trọng. Tất cả những người phương Tây có địa vị và có ý nghĩ cung cấp bí mật cho chúng tôi phải cảm thấy là họ đang nói chuyện với một cơ sở đáng tin cậy và có nguồn tài trợ lớn. Tôi chẳng bao giờ nghĩ phải làm việc trong sự eo hẹp như các đồng nghiệp Xô Viết của tôi, vì tính chất bủn xỉn tiền bạc của họ ai cũng biết và phong cách của họ để lộ tầm nhìn giới hạn của họ.

Trong những ngày đầu, việc thu nhập tiền mặt để chi phí cho những nhu cầu trên chưa được tổ chức có hệ thống. Nhưng khi tổ chức phát triển và những công tác cũng được xúc tiến và đồng thời Bức Tường được dựng, chúng tôi cần tiền mặt nhiều hơn nữa. Vì nhu cầu này nên tôi biết đến ông phù thuỷ tài chánh của Đông Đức Alexander Schalck- Golodkowski. Shalck hay là Alex, như mọi người được biết, là một người to lớn với chiếc cằm bạnh, ngực to rộng và tiếng nói oang oang. Tôi gặp ông ta vào giữa thập niên 1960 do lời giới thiệu của một giám đốc trong cơ quan tôi, tướng Hans Fruck, người đã từng là Giám đốc của ngành công an rộng lớn Đông Bá Linh của Bộ Công An. Tại đây ông đã tiếp xúc với nhà kinh doanh Đông Bá Linh Simon Goldenberg và Michael Wischniewski. Trái với lời đồn đãi ở phương Tây, các nhà kinh doanh tư nhân hiện diện trong khối Đông, nhưng họ chiếm một vị trí ẩn khuất trong xã hội và tất cả những hoạt động của họ bị nhà nước kiểm soát cẩn thận, và vì vậy cuối cùng, phần đông các cơ sở này được đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Công An.
                       

Alexander Schalck- Golodkowski và Franz Josef Strauss

 Nhu cầu về tiền mặt của nước DCCH Đức bao giờ cũng lớn hơn lợi tức thu vào của ngành xuất khẩu khiêm tốn của họ. Goldenberg và Wischniewski dàn xếp để chia sẻ lợi nhuận với nhà nước bù lại họ được phép tự do buôn bán hàng hoá và dự trữ. Schalk với tư cách là một giới chức nhiều tham vọng trong Bộ Liên Đức và Ngoại Thương đã ký kết thoả thuận này. Tiền được chuyển qua trung gian của Schalk cho Uỷ Ban Trung Ương Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa và được dùng một phần để tài trợ một vài nhóm tại Tây Đức và các nước khác. Nhưng Schalk là một chuyên gia giỏi nên đương sự không ngừng tại đây. Kể từ cuối thập niên 1960 trở đi, khi Tây Đức và Đông Đức bắt đầu xích lại gần nhau, giới lãnh đạo tách rời phần bộ này ra khỏi cơ quan ngoại thương và tạo dựng một tổ chức mới được nguỵ trang và do Schalk điều khiển. Mục đích thật đơn giản: đem tiền mặt về cho CHDC Đức bằng hầu hết mọi phương cách.

Chúng tôi cần một con thoi đi lại biết rõ thị trường phương Tây, biết những thủ tục của những nhà băng và những quy tắc không thành văn của họ, và Schalk là một thí sinh toàn hảo. Đương sự được sự tự trị nhưng xét ra không được độc lập. Các thương gia và các cấp lãnh đạo phương Tây tiếp cận với đương sự không biết Schalk là một đại tá của Bộ Công An và chủ nhân thực sự của y là Mielke. Schalk cũng báo cáo trực tiếp cho Erich Honecker, người lãnh đạo đảng kế vị Ulbricht và Günter Mittag, một uỷ viên trong bộ chính trị phụ trách về kinh tế. Chức vụ của Schalk là « sĩ quan đặc vụ », và nhờ mối liên hệ mật thiết với Cục Khoa Học và Kỹ Thuật của HVA (Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại), đương sự có khả năng lấy được những dụng cụ vi tính và hàng hoá siêu kỹ thuật bị cấm vận. Cơ quan của tôi giúp Schalk xem xét những nhà cung cấp phương Tây nào sẵn sàng bán cho phương Đông. Giới kỹ nghệ và quân sự chúng tôi sẵn sàng trả giá gấp đôi giá cả hiện hành.

Schalk đặt tên cho văn phòng của mình là Kommerziale Koordination (Phối Họp Thương Mại) gọi tắt là Koko. Đây là một phương cách thận trọng để tạo nên bề thế và đồng thời tạo nên hình ảnh năng động và tân tiến đối với người phương Tây. Tổ chức này phát triển nhanh chóng dưới sự quản lý của Schalk – trên thực tế Schalk được mọi người biết đến dưới biệt hiệuDevisenbeschaffer – « người kiếm ra tiến »

Nguồn tài chánh dồi dào nhất đến từ những cuộc thương thuyết bí mật giữa nước CHDC Đức và chính phủ Tây Đức và các giáo hội lớn tại đây. Con tính vô cảm và đơn giản: chúng tôi buôn bán người đổi lấy hàng hoá mà chúng tôi có thể dùng hoặc bán lại để lấy tiền mặt. Vào khoảng giữa những năm 1964 và 1990 nước CHDC Đức đã thả hơn 33.000 tù binh chính trị và hơn 215.000 công dân để họ đoàn tụ gia đình và nhận tiền của Tây Đức hơn 3,4 tỷ Đức Mã. Schalk quản lý phần lớn số tiền này

Cho đến năm 1989, hành tung của Schalk và sự hiện diện của Koko là một bí mật đối với những ai nằm ngoài thế giới khép kín của giới tài chánh cao cấp của Tây Đức, và đương nhiên đối với dân chúng Đông Đức. Những dịch vụ cá biệt của tôi với Schalk thường diễn ra tại hội chợ Leipzig, nơi này là một cơ hội bằng vàng cho tôi để tìm những người có tiềm năng trở thành điệp viên mới trong giới kinh doanh Tây Đức. Tướng Hans Fruck, phụ tá của tôi, phụ trách về tất cả công tác An Ninh trong lúc hội chợ. Tất cả màn kịch này giống như một trò chơi đến độ Fruck, phản lại mọi quy tắc tình báo, trở thành một vị khách quý tại khách sạn cổ kính Astoria và mỗi tối ngồi ở cuối bàn ăn, có những nhà kinh doanh Đông Đức và các đại diện thương mại ngoại quốc, trong số đó có Schalk, bao quanh đương sự.

Tất cả các Cục trong Bộ Công An đều muốn nắm bắt Schalk để học hỏi và nhất là để lấy được dụng cụ và tiền bạc. Trong công việc này, có nhiều kẽ hở dễ thất thoát tài chánh vì kế toán cẩu thả. Năm 1982, Mielke và Schalk đều đồng ý phải xiết chặt kiểm soát những dịch vụ giữa Bộ Công An và Koko. Tất cả các dịch vụ của các ngành trong Bộ thay vì đi trực tiếp với các hãng phương Tây theo lời dặn của Schalk nay phải qua văn phòng của Schalk. Mỗi năm một lần đều có một cuộc họp với sự có mặt của Schalk, của người phụ tá, Manfred Seidel, của Werner Grossman và tôi để hoạch địch kế hoạch cho năm tới. Tôi có ngân quỹ vào khoảng một triệu Đức Mã trích từ quý đặc biệt của Koko – ít hơn 10% chi phí tiền mặt hàng năm của chúng tôi. Phấn còn lại là do ngân quỹ Nhà Nước.

Bộ Công An cũng dùng hàng chục hãng bình phong mà Schalk đã thiết lập để che đậy mọi việc buôn bán từ việc nhập cảng xe hơi cho đến việc chuyên chở lén lút những mỹ thuật của nhà nước bán cho những con buôn phương Tây để bù đắp ngân quỹ thâm thủng của chúng tôi. Ngân quỹ trung ương của bộ chúng tôi tài trợ cho những công tác kỹ thuật – làm giấy thông hành giả, điều hành những phòng thực nghiệm đặc biệt về phim ảnh và những vấn đề tương tự - trong khi đó những công ty này cung cấp cho chúng tôi những hàng hoá bị cấm vận chẳng hạn như những chất hoá học và những dụng cụ vi điện tử. Schalk có thể cung cấp xe hơi, đầu máy vidéo, vật dụng và những hàng xa xỉ khác.

Tôi không thân thiết với Schalk, nhưng chúng tôi chúng tôi có gặp nhau một lần ở bờ biển Hắc Hải, nơi đây cả hai chúng tôi đã ghi danh để nghỉ hè. Tôi ấn tượng với sự bén nhậy của ông và phong cách ông hoán chuyển từ một công chức trong ngành thương mại của Đông Đức để trở thành một nhân vật hoạt bát đứng lên trên những cãi cọ ý thức hệ. Ông xem sự xung đột giữa Đông và Tây như là một ngăn trở không đáng kể trong việc điều hành kinh doanh, một điều mà ông yêu thích. Nhưng ông biết dùng người, bất kể những thâm tín của họ. Ông là một người khôn ngoan và lạnh lùng.

Đến năm 1983, ảnh hưởng của Schalk quan trọng đến độ ông được Honecker và Mielke giao phó cho một trong những nhiệm vụ nhạy cảm nhất về tài chành : giúp cho nền tài chánh không bị phá sản. Ông thương lượng tiền vay một tỉ Đức Mã để nhà nước Đông Đức đặc biệt cho các nhà băng Tây Đức vay. Honecker, nhất quyết muốn mua chuộc lòng dân, đã cho nhập cảng một số lượng gia tăng thực phẩm và đã chi phi một số tiền lớn cho chương trình xây dựng nhà cửa và sổ sách kế toán không thể quân bình được. Nhờ trung gian của anh em März , người gốc Bavaria chuyên bán sỉ thịt bò xuất xứ từ Đông Đức (họ sản xuất những miếng thịt lườn rất khó kiếm ở nước chúng tôi, mặc dù mức sản xuất thịt bò cao), Franz-Jozef Strauss hỗ trợ số tiền vay này, bù lại những cải tiến trong việc du lịch của người Đức muốn thăm gia đình bên Đông Đức. Schalk và Strauss trở thành những người tín cậy về mặt chính trị và tạo nên những lời đồn đãi ở cấp cao, và Schalk báo cáo trở về cho Bộ Công An. Nhìn vào những số tiền vay đa phương, việc xuất khẩu thịt, những điều kiện để qua biên giới và việc công nhận thể chế có lợi nhiều hơn là có hại, tôi nghĩ là như vậy. Nhưng tôi cũng nghi ngờ có một số cá nhân làm giàu theo những phương pháp không phù hợp triệt để với luật lệ.

Sau khi nước Đức thống nhất, các toà án Đức đã phí công bỏ mất nhiều năm để xét xem những hoạt động này có hợp pháp không. Có vài người chỉ trích Strauss đã hỗ trợ cho việc vay tiền vì việc này chỉ giúp cho Đông Đức tiếp tục tồn tại. Nhưng cuối cùng kết số phá sản về mặt chính trị, kinh tế và nhân sự đã giết chết quốc gia này, chứ không phải là do những kẻ thù tài chánh.

Nhìn lại quá khứ, tôi thường tự hỏi có thể nào sự việc có thể khác đi được không. Tôi quyết đoán Đông Đức không thể nào tồn tại dưới hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa mãi sau năm 1961 nếu biên giới không khép kín. Áp lực kinh tế, cộng thêm với sự bất ổn nội tại vì chỉ còn là một phần nửa nước Đức (và theo truyền thống là một phần nửa nghèo nhất) xem ra quá sức chịu đựng. Nhưng mầm mống của sự thoái hoá của nước Đức chia đôi bắt đầu xuất hiện khi biên giới được củng cố và bức tường bê-tông được dựng lên dọc theo đường chia cắt. Cắt đứt sự tiếp cận với phần hấp dẫn của nước Đức bên kia là một giải pháp thô bạo và hữu hiệu, nhưng đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn đó là một tai hoạ. Nay tôi thấy trong chiến dịch chống Đông Đức mỗi lúc một mạnh thêm và có tính thuyết phục vì biểu tượng sừng sững của Bức Tường, một trong những lý do quyết định kết quả của Chiến Tranh lạnh. Không có một chuyên gia nào bên phiá chúng tôi trong hoạch định, kể cả ngành ngoại giao hoặc những nghệ thuật đen tối của ngành điệp báo có thể phòng đoán được chuyện này.

Markus Wolf
Trọng Khiêm
 dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét