Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lại vừa thoát hiểm một cách kỳ lạ. Thử thách ghê gớm lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc Hội lần thứ 8 đang diễn ra rốt cuộc đã biến hóa thành thắng lợi rất đáng đặt dấu hỏi của ông và một vài thân tín bên chính phủ.
Tăng gấp rưỡi số phiếu tín nhiệm cao và giảm phân nửa tỷ lệ tín nhiệm thấp so với kết quả khá tồi tệ tại Quốc Hội hồi giữa năm 2013, có thể nói chiến thắng này xứng đáng trở thành một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong đời vị thủ tướng được xem là gây nhiều tranh cãi nhất trong các đời “tể tướng” ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguy hiểm cận kề
Từ Tháng Bảy gần đây, cán cân lực lượng giằng co trước đó giữa đảng và chính phủ đã bị phá vỡ. Hầu hết những chuyến công du xuất ngoại có tính “đối tác chiến lược” với người Mỹ và người Nam Hàn đều được khởi phát từ khối đảng. Vai trò của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và cấp phó của ông là Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh thực ra chỉ tựa như những diễn viên sau cánh gà.
Trong bối cảnh không mấy sung túc như thế, những người bên chính phủ lại phải chống đỡ một một làn sóng chỉ trích từ Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào thời gian ngay trước khi kỳ họp Quốc Hội lần thứ 8 diễn ra. Nợ xấu, nợ công và sân bay Long Thành là những tiêu điểm mà hình như phía Thường Vụ Quốc Hội không hề muốn bỏ qua.
Ông Nguyễn Tấn Dũng lại bước vào kỳ họp Quốc Hội lần này trước sức ép dư luận tràn ngập về hậu quả ngập ngụa từ chủ thuyết “kinh tế xã hội chuyển biến tích cực” bị xem là tô vẽ hết sức quá đáng.
Chướng ngại vật đầu tiên xuất hiện đối với ông Nguyễn Tấn Dũng là vị thế có phần yếm thế của ông trước bên đảng và một số đại biểu Quốc Hội – những người trước đó quen “gật” nhưng bất thần quay qua chỉ trích bên chính phủ.
Khi kỳ họp Quốc Hội kéo dài được khoảng ba tuần, giới quan sát đã chứng kiến ít nhất hai thất bại hiển nhiên của phía chính phủ: Đầu tiên là các bộ ngành phải thu hồi đề xuất dùng ngân sách để “thanh toán” nợ xấu, và thứ hai là lời khẳng định của chủ tịch Quốc Hội – ông Nguyễn Sinh Hùng – về việc “không có chuyện kỳ họp này sẽ thông qua dự án sân bay Long Thành.”
Nối tiếp như một hiệu ứng được phát lệnh, khá nhiều đại biểu Quốc Hội bắt đầu lên tiếng phê phán thực trạng điều hành kém cỏi của chính phủ và không thiếu hàm ý về nạn tham nhũng tràn lan ngay trong cơ quan hành chính đầu não này. Dự án sân bay Long Thành – với sắc màu đậm đặc ám ảnh thất thoát từ nguồn vốn ODA – bị công kích nhiều nhất.
Rõ ràng, nếu so sánh với trạng thái “hàng trăm đại biểu không phát biểu gì trong suốt mấy kỳ họp” được phát hiện ngay trước khi diễn ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Quốc Hội vào giữa năm 2013, lần này tương quan lực lượng trở nên bất lợi hơn, nếu không nói là hơn hẳn đối với nhóm thủ tướng.
Chỉ trước ngày lấy phiếu tín nhiệm ít hôm, Hà Nội còn trở thành địa chỉ đầu tiên giương cao ngọn cờ cho chiến dịch “được từ chức”: Những quan chức nào bị 1/2 phiếu tín nhiệm thấp trở lên sẽ không được tiếp tục thăng quan tiến chức; còn với 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì có quyền “được từ chức,” nếu không từ chức sẽ bị “xử lý đúng quy trình.”
Hẳn nhiên xét từ quy trình trên, tiền lệ 32% phiếu tín nhiệm thấp của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và vị trí đội sổ của Thống Đốc Nguyễn Văn Bình vào năm 2013 là khá nguy hiểm. Đơn giản là nếu bị bất tín nhiệm cao thêm một lần nữa, số phận chính trị sẽ không còn nằm trong tay họ, chí ít cũng liên quan mật thiết đến nền móng thiết lập cho một cơ chế “không tín nhiệm thì nghỉ,” như cách nói của người đứng đầu đảng từ giữa năm 2013.
Tất cả đều dợm chân, nếu không muốn nói là đang thực sự lao vào cuộc chiến “sắp xếp nhân sự” không khoan nhượng để phục vụ cho đại hội đảng 12 vào đầu năm 2016.
Cũng đơn giản là nếu logic tâm lý của đa số đại biểu Quốc Hội được “biện chứng lịch sử” từ năm ngoái đến năm nay, hẳn có thể dễ dàng đoán trước về kết quả tồi tệ hơn cả năm ngoái sẽ dành cho phe cánh ông Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai này.
Tuy nhiên, logic lịch sử đã bị đảo ngược một cách kỳ quặc. Nói cách khác, đó là một thứ phản logic mà người ta vẫn thường chứng kiến trong những nền chính trị tư sản sơ khởi và thị trường chứng khoán nặng tính đầu cơ.
Sẽ “quyết liệt”?
Một “động lực” khác thường, rất khác thường có thể đã ngầm xảy ra ngay trước ngày lấy phiếu tín nhiệm 15 Tháng Mười Một. Không khí phản biện khá ồn ào chợt lắng đi. Thay vào đó, bắt đầu xuất hiện những lời khen tặng chính phủ về thành tích phát hành thành công $1 tỉ trái phiếu quốc tế và cả việc chấp nhận tăng lương cho công chức viên chức vào năm 2015.
Cuối cùng, 15 Tháng Mười Một đã trở thành một dấu mốc ấn tượng đến khó quên của thủ tướng đương nhiệm. Rốt cuộc, đã không diễn biến một cuộc “thay máu” nào hết. Sự kiện này cũng một cách nào đó có thể so sánh với vụ việc ông Nguyễn Tấn Dũng thoát hiểm lần đầu tại hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012 – địa chỉ mà khởi đi từ đó ông có biệt danh “đồng chí X.”
Dấu mốc thoát hiểm trên cũng rất xứng đáng trở thành lý do để những người bên chính phủ tổ chức ăn mừng thâu đêm 15 Tháng Mười Một, nếu họ muốn thế. Thậm chí, một nhân vật thường xuyên bị lên án là thủ phạm gây ra những nhiễu loạn khủng khiếp về kinh tế và tài chính quốc gia – Thống Đốc Nguyễn Văn Bình – đã bất chợt “vượt rào” hơn cả ông Nguyễn Tấn Dũng với số phiếu tín nhiệm cao được “nâng lên một tầm cao mới” đến mức không thể lý giải.
Bất chấp những quan lại đầu ngành khác như Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị thay thế vào chỗ của Thống Đốc Nguyễn Văn Bình ở vị trí bét bảng, hoặc những kết quả tệ hại khác ứng với bộ trưởng Lao Động, bộ trưởng Giáo Dục…, những cứ điểm quan trọng nhất của bên chính phủ vẫn được níu giữ. Thậm chí, việc củng cố trận tuyến còn có thể tạo vùng đệm cho họ tiến chiếm những cơ hội mới trong tương lai đại hội đảng 12 vào năm 2016.
Năm 2015 vẫn chưa phải ngay trước mắt. Với kết quả lấy phiếu tín nhiệm Quốc Hội mang tính “xuất thần” cho phía chính phủ, có thể dự đoán rằng ngay sau kỳ họp này sẽ là một hội nghị trung ương nhàm chán.
Nhưng với ông Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ hai lần thoát hiểm đã là quá đủ cho một đời chính trị gia lọc lõi. Thời gian không còn nhiều, và bất cứ người làm chính trị nào cũng không có quyền hoài phí. Đặc biệt là quyền năng củng cố và phát triển nhân sự và vài mối quan hệ đối ngoại tiềm tàng.
Rất có thể, những tháng tới sẽ là thời gian thích hợp nhất với từ ngữ “quyết liệt” mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ưa dùng.
Phạm Chí Dũng (nguồn Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét