Bài 1:
Nhận rõ nguyên nhân suy thoái của nền văn hóa Phật giáo trong nước
Trong thời gian gần đây, truyền thông trong nước đưa nhiều tin về những mảng tối của xã hội Việt Nam. Các ông thầy chùa xài điện thoại mắc tiền, đi xe hơi sang trọng, chụp hình với bạn gái trên facebook. Những vụ án giết người man rợ, chặt từng khúc. Có cả trường hợp con giết cha ruột của mình, và bình thản sau khi bị bắt. Nạn cướp giật tràn lan ở Sài Gòn, Hà Nội. Nạn nghiện ngập ma túy và buôn lậu ma túy tăng mạnh, trở thành nỗi lo âu lớn của các bậc cha mẹ dành cho con em mình.
Những mẫu tin này có vẻ như rời rạc. Nhưng nhìn kỹ lại một chút, chúng ta sẽ thấy nó có liên hệ với nhau theo mối liên hệ nhân quả. Nó là kết quả của những dự đoán đã được đưa ra từ cả chục năm trước về xã hội Việt Nam, nhưng những người dân trong nước đã không nhìn thấy được. Hoặc có người cũng thấy, nhưng không thể hình dung tác động sâu sắc của nó đến đời sống xã hội, đến chính gia đình mình như thế nào.
Với cái nhìn của những người Phật tử, chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề này.
Đầu tiên, chúng ta có thể mạnh dạn kết luận rằng nền đạo đức của xã hội Việt Nam đang suy thoái trầm trọng. Đây là một sự thực quá hiển nhiên, không cần tranh cãi. Hầu hết các phương tiện truyền thông “lề phải” đều phải công nhận, đang báo động về điều này. Cái xấu xảy ra hằng ngày, ở khắp nơi trong đất nước, được truyền đi qua báo chí, truyền hình, truyền thanh: gian dối, trộm cướp, tham nhũng, sự tàn ác… đã trở nên quen thuộc trong đời sống của người dân Việt Nam ngày hôm nay.
Phân tích nguyên nhân của sự xuống cấp đạo đức xã hội Việt Nam đã có rất nhiều người làm. Đối với người Phật tử chân chính trong nước, một trong những nguyên nhân là do sự xuống cấp của nền văn hóa Phật giáo trong nước. Phật giáo là cái nôi lâu đời của nền đạo đức dân tộc Việt Nam, đã gắn liền với hình ảnh hiền hòa, trung hậu của người dân Việt Nam từ hàng ngàn năm trước. Đất nước Việt Nam có lúc hưng thịnh, có lúc suy vong. Nhưng có lẽ chưa có lúc nào chúng ta phải lo lắng đến việc băng hoại đạo đức xã hội ảnh hưởng đến thế hệ con cháu chúng ta nhiều như lúc này.
Hình ảnh những “thầy chùa” vô đạo đức ở trên là một biểu hiện, và cũng nói lên được nguyên nhân của sự thoái hóa của Phật giáo Việt Nam trong nước. Gọi họ là “thầy chùa” vì họ cạo tóc, mặt áo cà sa, và ở trong chùa. Nhưng Phật tử chân chính thì không thể gọi là nhà tu hành, nhà sư, hay đại đức… được. Bởi vì gọi như vậy là phỉ báng tăng đoàn của Đức Phật. Người Phật tử qui y với Phật-Pháp-Tăng. Những “thầy chùa” đó không phải là tăng. Họ là người của chính quyền CSVN, được cài vào các chùa để kiểm soát giáo hội Phật Giáo.
Nhìn ra điều này, chúng ta xác định rõ ràng nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái nền văn hóa Phật giáo trong xã hội Việt Nam chính là chính quyền CSVN. Không phải vì họ cấm đoán Phật Giáo. Không phải vì họ phá bỏ chùa chiền. Những ai về Việt Nam ngày nay vẫn sẽ thấy chùa chiền vẫn còn đó. Thậm chí nhiều chùa cũ được mở rộng, nhiều chùa mới được xây với qui mô khổng lồ. Chỉ có điều chùa chiền bây giờ trở thành một điểm du lịch để du khách viếng thăm. Người ta đến chùa bây giờ vì nhu cầu lễ bái, cầu xin nhiều hơn là nhu cầu đến với Phật Pháp. Đạo Phật như vậy chỉ còn phần xác, không có phần hồn.
Sự tàn phá lớn nhất của chính quyền CSVN đã làm đối với Phật giáo chính là làm hoen ố hình ảnh giới tăng lữ của Phật giáo VIệt Nam, và làm hủy hoại niềm tin của người dân vào đạo pháp.
Hơn ai hết, chính quyền CSVN ý thức rất rõ là tôn giáo là kẻ thù của chế độ. Tôn giáo là một thế lực lớn có thể tập trung được người dân, có thể ảnh hưởng mạnh đến lòng tin của người dân. Vì thế, trà trộn vào tôn giáo, kiểm soát và chia rẽ tôn giáo được xem là nhiệm vụ hàng đầu để bảo vệ chế độ. Việc trà trộn, phá hoại Thiên Chúa Giáo xem ra khó thực hiện, vì tính tổ chức, hệ thống của giáo hội Thiên Chúa Giáo rất cao. CSVN thấy Phật giáo dễ xâm nhập, lũng đọan hơn nhiều. Chỉ cần cho công an, mật vụ cạo đầu, vào chùa mặc áo cà sa là xong. Làm sư trụ trì một ngôi chùa đâu nhất thiết phải có giáo hội bổ nhiệm. “Sư quốc doanh” từ đó được tạo ra vô số kể, được đưa xuống các chùa làm nhiệm vụ giống như công an khu vực, kiểm soát tăng chúng, Phật tử đến chùa. Đó là chưa kể chuyện nghề “buôn bán thần thánh” là một nghề kiếm ăn rất khấm khá trong nước. Lọt vào một ngôi chùa, thì tiền cúng dường của Phật tử đủ để ăn xài, dư giả hơn nhiều nghề cực khổ khác ngoài xã hội. Iphone, xe hơi… mà các ông thầy chùa quốc doanh có chỉ là chuyện nhỏ!
Thầy chùa quốc doanh vì vậy mà ngày mỗi nhiều. Người Phật tử bình thường đâu có đủ hiểu biết, nhìn xa trông rộng để nhận ra sự phá hoại ngầm và có chủ đích này. Họ đến chùa, thấy những ông thầy chùa mất đạo đức. Họ xem trên tivi báo chí thấy có những ông thầy chùa đáng khinh bỉ, thì đâm ra thất vọng và mất niềm tin với tăng, với đạo pháp. Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều ngôi chùa, vẫn còn những nhà tu hành đích thực, đáng kính trong nước. Nhưng tiếng xấu bao giờ cũng đồn xa hơn. Phương tiện truyền thông đâu có rảnh để đưa tin về những nhà sư chân chính, Phật pháp thâm sâu làm gì!
Hình ảnh tăng lữ đã bị hoen ố. Còn niềm tin vào chánh pháp cũng bị xói mòn nghiêm trọng. Đạo Phật đưa vào đời sống tâm linh của người dân Việt những niềm tin hết sức giản dị, nhưng trở thành giá trị cốt lõi cho bản tính lương thiện của người Việt Nam. Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ. Hay “ăn ở phúc đức cho con cháu được nhờ”, bằng không thì “cha ăn mặn, con khát nước”. Những niềm tin như vậy đang mất dần chỗ đứng trong một xã hội mà cái ác đang thống trị. Những kẻ dối trá, đàn áp người dân vô tội hàng ngày đang ngự trị trên đỉnh của xã hội, là những kẻ giàu nhất, quyền uy nhất của đất nước. Trong một xã hội như vậy, ngay cả cha mẹ đôi khi không muốn khuyên con sống cho trung thực, lương thiện, nhân hậu, vì sợ con mình bị thua thiệt với đời!
Vì những sự thật đau lòng như vậy, mà một nghịch lý đáng buồn đã xảy ra trên đất nước Việt Nam, nơi mà Phật giáo đã từng viết nên những trang sử chói lọi: người Phật tử trong nước đang bị đẩy xa dần với đạo pháp so với người dân Âu Mỹ. Hiện nay, rất nhiều người dân Châu Âu, Châu Mỹ tìm thấy sự an lạc, hạnh phúc, nhờ áp dụng đạo Phật vào thực tiễn trong đời sống hằng ngày. Đạo Phật hiện đại hóa là một phong cách sống, không còn nhiều màu sắc tôn giáo nữa, cho nên tín đồ của các tôn giáo khác có thể thực hành mà vẫn giữ nguyên truyền thống tâm linh của mình.
Vào năm 2005, dưới sự áp lực quốc tế để được hội nhập, CSVN đã đồng ý để cho thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam. Pháp môn Làng Mai, một dòng Phật pháp hiện đại, thực tế, đang được xem như một cuộc cách mạng tinh thần mới trong thế giới Phương Tây từ đó bắt đầu được truyền bá trong nước. Nhưng chỉ sau một thời gian, khi nhận thấy vị lãnh đạo tinh thần này đang trở thành mối đe doạ cho sự an nguy của chế độ, chính quyền CSVN bắt đầu ra tay triệt phá. Vào năm 2009, Trung tâm tu học Bát Nhã đã bị các tên công an, mật vụ, côn đồ giả dạng sư sải đập phá tu viện, đàn áp các tu sĩ. Nhà nước phủ nhận sự can thiệp, cho rằng đó là chuyện nội bộ của Phật giáo Việt Nam. Trung tâm tu học Bát Nhã bị xóa sổ. Hình ảnh Phật Giáo bị hoen ố trong lòng người dân. Không lâu sau đó, người Thái Lan đã cho khánh thành một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai trên đất nước của họ. Người Phật tử Việt Nam đau lòng, khi đất nước của người sáng lập ra pháp môn Làng Mai lại không được phép có một trung tâm tu học cho riêng dân tộc mình.
Vụ án Bát Nhã là một ví dụ điển hình nhất về cách thức mà CSVN đã tiêu diệt nền văn hóa Phật giáo, cũng đồng nghĩa với việc hủy hoại nền đạo đức trong xã hội Việt Nam: hủy hoại uy tín của tăng đòan, và ngăn chận chánh pháp đi vào đời sống hằng ngày.
Hiểu được nguyên nhân như vậy, người Phật tử Việt Nam mới không mất niềm tin nơi tam bảo, biết mình có thể làm được gì để cứu lấy Phật pháp, cũng như tự cứu lấy mình, con cháu mình trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội Việt Nam ngày nay.
Dân Việt
Bài viết được tác giả gởi đến SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét