Ảnh sưu tầm Internet
Trong tuần nổi lên quá nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng trở thành hấp dẫn dư luận xã hội.
|
Tỷ như câu chuyện “lạm phát cấp phó”. Đây là khái niệm thiếu tướng Trần Đình Nhã (Thừa Thiên- Huế) đưa ra tại phiên thảo luận về ngân sách 2014 và dự toán phân bổ năm 2015 (kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII) ngày 3/10.
Theo ông Trần Đình Nhã, cả nước có 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp. Mỗi cơ quan hành chính sự nghiệp như vậy, có 01 cấp trưởng, và có gấp 2 – 3 – 4 lần cấp phó, nhưng có cơ quan tới 5 – 6, 7 – 8 cấp phó. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện, nước… thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu số lượng cấp phó gấp 2, 3, 4 thì chi còn gấp nhiều lần nữa” (theo Dân trí, ngày 3/11).
Làm quan trong con mắt của không ít kẻ, vốn là “nghề” hái ra bổng lộc lớn so với tài năng… bé của họ, trong xã hội hiện nay. Vì thế mà “nghề” này quá đắt khách. Đến nỗi không đi giữa ban ngày thì “đi đêm”. Mà nhiều khi đi giữa ban ngày nhưng thực chất vẫn là… “đi đêm”.
Xã hội vẫn đang dai dẳng câu chuyện ông cựu Chánh TTCP Trần Văn Truyền, không chỉ nổi tiếng bởi khối tài sản khủng, trước khi nghỉ hưu đã làm “mụ đỡ” mát tay cho 60 quan chức non trẻ ra đời. Một “mụ đỡ” mát tay khác, quan chức cấp sở TDTT của t/p Hồ Chí Minh, trước khi nghỉ hưu cũng kịp “đỡ” cho hơn 20 quan chức “sơ sinh” ra đời. Chỉ có điều, tiếng khóc cho thân phận mình không phải của các quan chức “sơ sinh”, mà là của người dân. Vì các quan được sinh ra lắm thế?
ĐBQH Trần Đức Nhã. Ảnh Dân trí
Vậy mà mới đây, tại cuộc họp báo quý III ngày 23/10 của TTCP, ông Trần Đức Lương, Phó TTCP cho rằng, TTCP đã rà soát và thấy rằng cơ bản 60 trường hợp đó đều bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn. Vậy người dân nên hiểu thế nào? Nếu biết rằng ở các cục vụ viện của TTCP, trước đó đều đã có 03 cấp phó trở lên (theo Người cao tuổi, ngày 05/11). Liệu các cục, vụ, viện của TTCP này có đang đi vào vết xe đổ “lạm phát cấp phó” không?
Điều quan trọng hơn, trong bối cảnh mua quan bán tước đang là một tệ nạn, thì hiện tượng “đỡ đẻ” tài năng của vị cựu Chánh TTCP liệu có khiến người dân tin được không về cái sự hợp lý? Hay TTCP sẽ trả lời người dân kiểu văn chương, rằng tin thì tin, không tin thì thôi!
Cũng chả cứ cấp phó mới lạm phát, mà bộ máy công chức hành chính của nước Việt cũng “hoành tráng” không kém.
Trước đó, ngày 09/6, theo VietNamNet, một báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, cả nước có khoảng 130.000 thôn với tổng số cán bộ thôn (bao gồm trưởng thôn, bí thư, và công an viên) là hơn 570.000 người. Bên cạnh đó, cũng ở cấp thôn, có tới 900.000 cán bộ không chuyên trách từ các tổ chức chính trị, xã hội, an ninh được hưởng lương bằng nguồn đóng góp của dân. Bộ này cho biết thêm, tổng số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trên toàn quốc khoảng 2,5 triệu người.
Điều đáng nói, không chỉ nợ công, nợ xấu đều đang ở mức báo động nguy hiểm, mà năng suất lao động của người Việt cũng rất thấp. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố vào tháng 5/2014 cho biết năng suất lao động của VN năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á- Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Thậm chí, so với các nước láng giềng ASEAN, năng suất lao động của VN thấp chỉ bằng 1/5 Malaysia, và 2/5 Thái Lan.
Năng suất lao động thấp, nợ công, nợ xấu đầm đìa, lại phải nuôi một bộ máy công chức cồng kềnh, trong đó 30% công chức không làm được việc, có cũng như không; một bộ máy quan chức “lạm phát cấp phó”, thì chắc chắn đời sống người dân Việt vẫn còn phải… lạm phát cái nghèo. Đại biểu QH Trần Du lịch đã từng phải chua xót: Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này.
Vì sao bộ máy hành chính của nước Việt lại cồng kềnh kỳ lạ như vậy?
Dưới con mắt của một chuyên gia, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, mô hình tổ chức nhà nước của VN hiện nay giống như mô hình búp bê Matrioska (con mắn đẻ) của Nga, có nghĩa bên trên có ban bệ gì thì dưới có y nguyên như vậy. Đô thị cũng như nông thôn, phường cũng như xã đều có mô hình giống nhau (TBKTSG, ngày 08/6).
Cái sự giống nhau kiểu đó đã khiến cho bộ máy hành chính phình nhanh về nhân sự, nhân danh quản lý các cấp. Nhưng tác dụng đến đâu? Câu hỏi này chắc chỉ GDP và ngân sách Nhà nước trả lương mới trả lời nổi.
Còn vì sao “lạm phát cấp phó”? Người viết bài cho rằng có hai nguyên nhân lớn khá sâu xa:
Thứ nhất, hiện tượng này còn là hệ lụy của những chủ trương chính sáchlúc tách ra, lúc nhập vào như chơi về bộ máy các bộ, ngành, các cấp, kể cả đơn vị hành chính nhà nước. Khiến cho cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền, các đơn vị hành chính bỗng nhiên muốn khóc, vì quá nhiều lãnh đạo cấp phó, nhìn nhau là… chán! Thêm nữa, tính hợp tác của người Việt rất kém, tính cục bộ nặng, nên bộ máy thì phình, nhưng chất lượng, hiệu quả công việc lại không… phình như bộ máy.
Thứ hai, ở không ít cơ quan, vì rất nhiều lý do “tế nhị”, vì ekip, ân huệ, vì phe nhóm, người ta tìm việc để “đặt người” chứ không phải tìm người để “đặt việc”. Và đây chính là mảnh đất dung dưỡng mọi loài sâu ăn tạp nảy nở. Thậm chí tạo nên những lợi ích nhóm cục bộ, thao túng.
Nhưng làm thế nào để giảm bớt lạm phát cấp phó? Cứ nhìn cái cách “đỡ đẻ” tài năng của ông cựu Chánh TTCP, của ông giám đốc sở nọ, cái cách trả lời dư luận xã hội của ông Phó TTCP, sẽ hiểu bài toán tinh giản dường như không có lời giải.
***********************
II- Trong khi bài toán tinh giản bộ máy công chức, tinh giản cấp phó còn chưa có lời giải, lại có một bài toán mang tính thách đố cơ quan phòng chống tham nhũng, vừa mới đặt ra.
Đó là bài toán “hối lộ tình dục”, mà ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ Luật Hình sự năm 1999” (do Ban Nội chính TƯ phối hợp với Chương trình phát triển LHQ tại VN) tổ chức ngày 29/10.
Ý kiến này ấn tượng đến nỗi dư luận báo chí xôn xao bàn luận ồn ào hẳn lên
Ấn tượng, vì đây là kiểu hối lộ “đặc biệt”. Nó liên quan đến yếu tố giới tính, tình dục, đến bản năng sinh lý con người- và có cả những trường hợp mang thêm màu sắc tình cảm… thi vị. Nhưng vì nó có thể kéo theo sự bất an, bất ổn của đời sống gia đình con người, nên rất khó “đụng chạm’, dù loại hình hối lộ này chẳng hề mới mẻ gì trong xã hội ta. Có điều, tính chất của tội này nhạy cảm, phức tạp, tế nhị quá nên có khi trong cộng đồng, tất cả mọi người đều hiểu mà đành ngoảnh mặt làm ngơ.
Vì thế về danh chính ngôn thuận, đây vẫn là hình thức hối lộ lần đầu tiên được đề cập. Một kiểu hối lộ dù có được trả giá đến mấy bằng chiếc ghế quyền lực, bằng hợp đồng kinh doanh, hay tiền bạc, nó vẫn rất rẻ mạt ở một khía cạnh nào đó của nhân phẩm, mặc dù hình thức hối lộ, và nhận hối lộ nào thì nhân phẩm công dân cũng đã được định giá… quá bèo. Bởi thực chất khi đó, họ đã bước chân vào con đường tội phạm.
Ông Nguyễn Doãn Khánh
Nó cũng cho thấy sự ma mị chết người của quyền lực, tiền bạc, sự hào quang của sang giàu, cho thấy tham vọng của đàn bà cũng thật vô giới hạn.
Khái niệm hối lộ tình dục chỉ mới mẻ bởi lần đầu tiên được phơi bầy ra ánh sáng ở nước Việt. Chứ nó không hề xa lạ với loài người. Thậm chí nhiều vụ hối lộ tình dục khi đưa ra trước pháp đường còn chấn động cả các quốc gia.
Như Trung Quốc chẳng hạn. Theo VietNamNet, ngày 02/11, tháng 6/2013, tòa án TQ đã tuyên án tử hình treo đối với cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, đồng thời tước của ông này quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản. Đối tượng “đưa hối lộ” cho ông ta là Đinh Thư Miêu, từ một cô gái thất học bán rong, trở thành “yêu nữ” can thiệp sâu vào các hoạt động đấu thầu hàng chục dự án của ngành đường sắt TQ, kinh doanh trái phép với số tiền lên tới 29 tỷ USD, tương đương 1/4 số tiền đầu tư của chính phủ TQ vào ngành đường sắt năm 2010. Cũng là loại đàn bà dễ có mấy tay.
Như ở Singapore chẳng hạn. Ng Boon Gay, lãnh đạo Cục Phòng chống Ma túy trung ương Singapore, bị tố cáo lạm dụng vị trí để quan hệ tình dục với nữ giám đốc một công ty công nghệ có tên là Cecilia Sue Siew Nang. Đổi lại, bà Nang ký được các hợp đồng công nghệ với ông này. Chả biết khi cùng nhau ký kết, bà Nang có nghĩ tới cái ngày mất sạch- cả hợp đồng lẫn danh dự?
Như ở Mỹ chẳng hạn. Trung tá Hải quân gốc Campuchia Michael Vannak Khem Misiewicz bị buộc tội di chuyển tàu “như quân cờ” tới các cảng ở châu Á để làm lợi cho một nhà thầu quốc phòng. Đổi lại ông này nhận được sự chăm sóc của các gái mại dâm, hưởng các chuyến du lịch và vé xem Lady Gaga hát. V.v.. v.v..
Đương nhiên, lần đầu tiên tội hối lộ tình dục được đưa ra ở VN, nó lập tức nhận được sự đồng tình pha chút bàn loạn của xã hội. Bởi hối lộ tình dục tuy khó tìm ra chứng cứ, vật chứng, nhưng nó cũng khó đánh lừa được cộng đồng, dư luận xã hội. Đôi khi nó cứ âm ỉ truyền khẩu, được thêm thắt mắm muối, và cuối cùng, bản thân những quan chức “được” trong cuộc nhưng cũng “mất” thanh danh, mất uy tín không ít trong con mắt người đời.
Có điều, điều tra, xử lý tội hối lộ tình dục có khó không, nhất là ở nước Việt, vốn “khó nói” về những loại hối lộ này? Tại nhiều nước tiên tiến, luật pháp đều quy định hối lộ tình dục bị xếp vào hàng tội phạm tham nhũng. Và những án phạt tù nghiêm khắc với những nhân vật nhận hối lộ tình dục như ở các quốc gia nói trên đều đã được tuyên.
Cũng theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Công ước quốc tế đã quy định hối lộ tình dục thuộc phạm trù hối lộ phi vật chất (mà thật ra rất… vật chất). Nhiều chuyên gia quốc tế và các tổ chức quốc tế đều cho rằng, những quy định về hối lộ tình dục trong hệ thống luật pháp quốc tế nên được nghiên cứu theo hướng nội hóa vào luật pháp VN để đảm bảo chống tham nhũng triệt để.
Không phải không có những ý kiến ngần ngại, ngại khó, ngại nhạy cảm. Nhưng vẫn có những ý kiến đáng chú ý như của ông Nguyễn Đình Hương – Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương khi cho rằng.
“Đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự bổ sung chắc chắn sẽ khó và có nhiều vấn đề cần cân nhắc, tuy nhiên, có khó cũng vẫn nên làm, bởi trên thực tế đã tồn tại việc hối lộ tình dục, mà nếu không đưa vào luật thi sẽ rất khó xử lý. Bởi vấn đề hối lộ trong xã hội hiện nay đã không còn là vấn đề cá biệt, nhưng vì đó là vấn đề nói lên thực trạng xã hội, nên dù có khó cũng vẫn phải làm”.
Người viết bài bỗng nhớ đến những vụ việc xảy ra cách đây không lâu. Vụ chạy công chức 100 triệu, rồi vụ bôi trơn sổ đỏ 08 triệu, cũng của Hà Nội. Ồn ào mãi, dền dứ mãi, hô hào quyết tâm mãi, mà cuối cùng chẳng tìm ra.
Nói chi đến hối lộ tình dục.
Vì thế có lẽ đến giờ phút này, hối lộ tình dục vẫn còn nhởn nhơ nhoẻn miệng cười đứng ngoài mọi vòng cương tỏa?
Cũng rất có thể, vì thế mà hiện tượng lạm phát cấp phó, lạm phát quan chức sợ gì mà không tiếp tục… thăng tiến!
(còn nữa)
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét