Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Truyền hình VN sẽ chinh phục Việt Kiều?


Nhiều năm nay, kể từ khi nghị quyết 36 ra đời, chính phủ Việt Nam bắt đầu đưa ra nỗ lực chinh phục khối người Việt hải Ngoại thông qua nhiều kênh khác nhau từ kinh tế, văn hóa cho đến truyền thông.

Các kế hoạch đã được triển khai cùng lượt, tuy nhiên mức độ và hiệu quả hoàn toàn khác nhau.

Về kinh tế nhiều người Việt Nam ở hải ngoại đã đem tiền của về đầu tư trong nước, phía nhà nước Việt Nam đã thành công phần nào, tuy nhiên trên thực tế số người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn không ít mất cả vốn lẫn lãi chỉ sau vài năm đầu tư làm ăn.

Về văn hóa thì đây là khu vực "màu xám" dễ xâm nhập nhất vì sự cởi mở, hào phóng và bao dung của những người Việt hải ngoại, bao gồm hai mảng văn hóa bảo tồn và giải trí.

Về phía văn hóa bảo tồn phía nhà nước Việt Nam dường như bỏ rơi hoàn toàn, vì nó không đem lại sự tuyên truyền cho chính phủ, ngược lại càng làm cho người Việt hải ngoại cảm thấy sự khác biệt to lớn giữa trong và ngoài nước.

Còn về mảng văn nghệ giải trí thì phía nhà nước Việt Nam đầu tư khá mạnh qua cách sử dụng lực lượng nghệ sĩ trong nước làm nhịp cầu xoa dịu những chống đối gay gắt từ phía cộng đồng người Việt hải ngoại.

Nhưng mức độ thành công không cao, vì người Việt hải ngoại ý thức được việc trao đổi văn hóa một chiều, tức là chỉ có sản phẩm trong nước tung ra tràn ngập ở hải ngoại, nhưng chưa hề có sản phẩm văn hóa nào ở hải ngoại thực hiện được chính thức phát hành trong nước, ngoại trừ cho phép nghệ sĩ về nước thực hiện hay trình diễn.

Về truyền thông thì nỗ lực chinh phục xem như hoàn toàn bị thất bại.

VTV4 phát hình ở hải ngoại đã hơn 10 năm và tuy có được một số lượng người xem nhưng không lớn so với tổng thể 4,5 triệu người gốc Việt mà riêng tại Hoa kỳ đã gần 2 triệu.

Sau này có thêm truyền hình Let's Việt của hệ thống VTC phát hình qua vệ tinh Galaxy ( chung với VTV4) và DirecTV, nhưng số lượng xem không cao vì loại Galaxy phải mua dĩa vệ tinh, còn DirecTV thì phải trả tiền hàng tháng, nhiều người Việt không thích.

Báo chí thì hoàn toàn bị bỏ rơi, vì cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại có số lượng báo chí đông gấp mấy lần trong nước, vài ngàn tờ báo trải từ Hoa Kỳ, Âu châu, Úc châu, gồm các loại nhật báo, tuần báo, nguyệt san hay bán nguyệt san...chưa kể báo mạng.

Thực tế truyền thông hải ngoại

Ngoài Việt Nam hiện có các phương tiện truyền thông tiếng Việt được các chính phủ quốc gia sở tại đầu tư như RFI của Pháp, RFA và VOA của Hoa Kỳ.

Hay như BBC Tiếng Việt từng thuộc quyền quản trị tài chánh của Bộ Ngoại giao sau này trả về cho hệ thống công cộng độc lập BBC của Anh Quốc, có sự ổn định về tài chánh và chỉ tập trung vào nội dung nên có uy thế hơn đối với các độc giả và khán giả.

Số còn lại tuyệt đối đều do các cá nhân trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại chủ trương, nếu nói thập niên 80 là thời cực thịnh của báo giấy, thì thập niên 90 là thời vàng son của nghề phát thanh (radio), bước qua thập niên 2,000 cho đến nay thì truyền hình đang làm chủ tình thế khắp nơi, dù là truyền hình công cộng, truyền hình phải trả tiền hay truyền hình mạng (VOD hoặc Live Stream).

Những cơ sở truyền thông của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đều nhờ vào bán quảng cáo, hoặc trông chờ vào lượng người xem hàng tháng hay mua báo giấy, báo tuần của độc giả, do đó tài chánh luôn là vấn đề đối với các cơ sở truyền thông, họ thắt lưng buộc bụng để sinh tồn, nên khó có được những đột phá hay phát triển mà chỉ thuần túy loanh quanh ở các địa phương nhiều hơn.

Riêng mảng truyền hình có sự phát triển rất mạnh về bề rộng, tức là càng lúc càng có nhiều địa phương truyền hình mọc lên liên tục và vẫn đang tiếp diễn.

Nhưng về chiều sâu thì hoàn toàn thiếu hẳn nội dung, do thị trường địa phương nhỏ, cạnh tranh nhiều các truyền hình không có lực để đầu tư vào chương trình, nên nhiều đài truyền hình trở nên nhàm chán và không tạo hấp dẫn cho người xem, đa số chỉ có thể sản xuất được các chương trình thông tin thời sự, thêm vài talkshow lẩm cẩm về văn hóa, giáo dục hay xã hội, và về giải trí thì hoàn toàn gần như con số không.

Ngoài vài chương trình ca nhạc, số còn lại toàn "vay mượn tạm bợ" của các chương trình giải trí của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay Hong Kong, thời điểm hiện nay, hầu hết đều là những chương trình sản xuất từ Việt Nam như phim bộ, game show.

Gần đây, sự tiện dụng của các phương tiện truyền thông xã hội (social media) như Facebook, YouTube càng lúc càng đa dụng hơn và tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn, khiến cho các đài truyền hình, báo giấy kể cả phát thanh của cộng đồng người Việt luôn bị thách thức với nhiều khó khăn.

Do xu thế càng lúc càng muốn nghiêng về Phương Tây nhiều hơn về chính sách, nhưng cố gắng luồn lách để trách mích lòng Trung Quốc, nhà nước Việt Nam bề ngoài không xem trọng sự hiện hữu của khối người Việt hải ngoại.

Nhưng trên thực tế đây là thời gian họ cần khối ngưới Việt hải ngoại hơn bao giờ hết cho nhiều lãnh vực khác nhau, tiếp tục thu hút nguồn Kiều hối dồi dào hàng năm (hơn 10 tỷ Mỹ kim mỗi năm), thu hút chất xám làm nền giao dịch cho vấn nạn giáo dục đang bị bế tắc, tạm thời mua thời gian giữa lúc Việt Nam đang tìm cách thay đổi và đào tạo lực lượng chuyên môn hiện còn quá yếu kém.

Và sau cùng là lực lượng hỗ trợ cho họ mỗi khi Việt Nam tham gia đàm phán cho bất kỳ vấn đề quốc tế nào, vì số lượng 4,5 triệu người Việt ở bên ngoài nước Việt Nam, đa phần đều tập trung vào những quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức và Nhật.

Tham vọng chinh phục

Việc chinh phục khối cộng động người Việt Hải ngoại là việc tất yếu, tuy nhiên sự khác biệt đã khiến cho nhà nước Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn và chưa bao giờ đạt được mục tiêu họ mong muốn.

Phía nhà nước Việt Nam luôn biện minh rằng sự khác biệt đến từ quá khứ lịch sử để giải thích với dân chúng trong nước, cho người dân thấy họ đang có nỗ lực hòa giải với khối người Việt hải ngoại.

Với cơn khủng hoảng kinh tế từ mấy năm trước và người Việt hải ngoại bắt đầu thẩm thấu rõ hơn về việc đầu tư làm ăn ở Việt Nam, họ bắt đầu cẩn thận hơn, quan sát nhiều hơn không chạy theo tuyên truyền ở Việt Nam thường thổi phồng thành công về kinh tế.

Do đó phía nhà nước Việt Nam bắt đầu nghĩ tới việc gia tăng mạnh hơn về tuyên truyền, mục tiêu là muốn đốt giai đoạn chinh phục.

Việc ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt dự án phát triển truyền hình ra Hải ngoại với ngân sách 20 triệu Mỹ kim cho thấy rõ ràng Việt Nam đang khao khát việc chinh phục khối người Việt ở Hải ngoại đặc biệt là Hoa Kỳ.

Thời hạn chỉ 5 năm từ 2015 đến 2020 càng rõ ràng hơn sự nôn nóng của phía nhà nước Việt Nam, nếu so với sự thất bại của VTV4 đã có mặt hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên ngân sách trên chỉ hoàn toàn tập trung vào truyền hình, phát thanh trên mạng internet, hầu như hoàn toàn không hề có ý định đặt nền móng ở những địa phương có đông đảo người Việt sinh sống.

Điều này có hai ý nghĩa, thứ nhất là phía nhà nước Việt Nam vẫn muốn chủ động về nội dung được Bộ Chính trị định hướng.

Thứ hai, chính quyền sẽ tiếp tục chính sách thông tin một chiều, tức là chỉ muốn đem thông tin của họ ra hải ngoại và tiếp tục tìm cách ngăn chặn thông tin từ hải ngoại về trong nước.

Sẽ rất tốn kém

Tuy đưa ra chính sách khá bài bản để chinh phục khối người Việt Hải ngoại và trấn an người dân trong nước, nhưng dường như sẽ giống như nghị quyết 36, dự án truyền thanh truyền hình này sẽ gặp những khó khăn, tốn nhiều công phu nhưng kết quả sẽ không được như phía nhà nước Việt Nam mong muốn.

Thứ nhất là phía nhà nước Việt Nam chưa dám nhìn thẳng vào sự thật rằng, sự khác biệt giữa họ và khối đa số người Việt ở hải ngoại chính là những thực tế đã và đang diễn ra trong nước, bế tắc trong nhiều lãnh vực kinh tế, chính trị cũng như xu thế phát triển lâu dài chứ không phải là những gì trong quá khứ lịch sử như họ từng đưa ra với dân chúng trong nước.

Thứ hai, chính sách giao lưu một chiều sẽ khiến cho nhiều người Việt hải ngoại không chấp nhận, vì các sản phẩm truyền thông, văn hóa của họ chưa bao giờ được khai mở thị trường trong nước, nó rõ ràng ngược lại với những gì phía nhà nước Việt Nam thường tuyên truyền, người Việt hải ngoại vẫn bị xem là "công dân hạng chót" nên sản phẩm của họ không bao giờ được nhà nước Việt Nam chấp thuận.

Và cuối cùng là văn hóa trách nhiệm, người Việt hải ngoại đã quen với văn hóa này tại các nước tân tiến mà họ sinh sống, một loại văn hóa mà chưa bao giờ chính phủ Việt Nam có trong hàng ngũ lãnh đạo của họ dù trong quá khứ chiến tranh hay trong vai trò quản lý đất nước hiện tại.

Các lãnh đạo ban ngành luôn đổ trách nhiệm qua nơi khác khi xảy ra sự kiện và chính điều này khiến cho đa số khối người Việt hải ngoại không tin vào thiện chí của nhà nước Việt Nam.

Bởi vậy, việc chi ngân sách 20 triệu Mỹ kim cho dự án phát triển truyền hình ra hải ngoại có thể lại chỉ là cách tạo cơ hội cho các "đại gia" truyền hình trong Việt Nam có cơ hội đục thêm ngân sách Nhà nước, hơn là có tác động về chính trị với khối người Việt ở nước ngoài.


Trần Nhật Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét