Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến - Sau cơm & phở

Tôi có những đứa em thất nghiệp quanh năm mắt sâu như ma đói.
Cơn đói ấy đương nhiên xa lạ với những ai cầm cân nảy mực chính quyền.
Bùi Chí Vinh


Có lần, bên bàn nhậu, tôi nghe một cha nói (y như thiệt) rằng hồi năm 1941 Nhà Nước Thuộc Địa đã trao tặng giải thưởng và cấp bằng tưởng lục cho một người dân Việt vì đã chế ra cái đèn dầu Hoa Kỳ – hiện vẫn còn được lưu dụng, ở nhiều nơi.

Cùng thời điểm này, chính xác là vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, xảy ra trận Trân  Châu Cảng. Theo Wikipedia:

“Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2 chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay...”

So như thế (nghĩ) đã buồn nhưng sự thật còn buồn hơn thế nữa. Cha đẻ cái đèn dầu Hoa Kỳ, thực ra, là một người Ba Lan, Ignacy Lukasiewicz. Ông làm ra nó vào năm 1853.

Một trăm năm mươi hai năm sau, báo Tiền Phong – số ra ngày 7 tháng 10 năm 2005 – còn (chua chát) thêm rằng: “Chúng ta chưa tự làm được cái đinh vít!”

Dân Việt, rõ ràng, không có “năng khiếu” cao về khoa học và kỹ thuật. Ít nhất thì cũng không “cao” bằng dân Nhật. Nói cách khác (và nói một cách hơi hoa mỹ) Việt Nam là một xứ sở trọng nông hoặc thuần nông, chỉ chuyên về việc sản xuất lúa gạo thôi. 

(Bom đạn, khi cần dùng để bắn giết lẫn nhau, đã có các nước bạn đồng minh hay những nước XHCN anh em viện trợ. Bên nào được viện trợ phong phú hơn, và bền bỉ hơn – chung cuộc – sẽ là... Bên Thắng Cuộc!)

Đã có một thời mà mọi thứ ở đất nước này đều có thể quy ra gạo, và gạo còn được dùng như một loại hoá tệ cho sinh hoạt mua bán thường ngày, kể cả việc... mua dâm – theo như lời kể của một nhà văn:

 “Ga Vinh một buổi tối trời mưa. Một túp nhà lá nằm nép bên vệ đường, phía sau là khoảng nước dở ao dở rãnh, muỗi và cỏ nhiều. Một ngọn đèn dầu run rẩy vì gió, cháy leo lét được treo trước cửa sổ. Một con chó già còm cõi bê bết bùn đất và lạnh, nằm in bóng đèn dầu dưới cửa sổ, tru ư ử trong họng mà không dám vào nhà vì sợ đòn. Gió hú rít xoáy quanh cửa tranh nhau luồn vào nhà. Có tiếng mái tranh cọ nhau xào xạc như van xin. Tiếng chẫu chuộc gọi cái làm nhịp cho mưa rơi…

Có tiếng chân rẽ nước đi tới, rồi một cái đầu đàn ông thò vào cửa sổ, nhểu nước lã chã xuống con chó.

“Bao nhiêu?”

Bên này:

“Năm chục.”

“Đắt thế, gái Sài Gòn còn chả tới nữa là…”

“Thế muốn bao nhiêu?”

“Hai chục…?”

“Thanh toán trước đi!”

“Gì mà vội thế, chả ‘tình’ tí nào cả.”

“Sao? Có tiền không?”

“Lấy gạo nhé?”

“Gạo gì? Mậu dịch hay gạo mới?”

“Mới chia tiêu chuẩn tháng ở cơ quan về, chưa xem.”

“Gạo mậu dịch rồi, tính bao nhiêu?”

“Hai chục.”

“Đắt quá, mà cũng không có cân nữa.”

“Mười tám đồng vậy, đong đại bằng ống sữa bò đi…”

“Ừ, thế cho tiện, cân mất công, gạo đi mua nặng ký… mà này, có trộn đá dăm vào không đấy?”

“Mang đèn ra mà soi.”

“Gạo này chỉ mười lăm đồng.”

“Đong vun tay thế kia thành hai cân của người ta chứ còn gì…”

Một thằng nhóc chừng chín tuổi thình lình hiện ra như chui từ dưới đất lên, đứng mút tay nhìn cảnh đong gạo. Người đàn ông còn đang loay hoay cột lại cái bao của mình thì nó giật túi gạo nơi tay người đàn bà, chạy vụt ra cửa.

“Nấu cơm nhé, đừng nấu cháo… Nhớ để phần cho chị đấy.” (Thế Giang. “Chỗ Nước Đọng”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa: Người Việt, 1987. 99-104)

Câu chuyện trên, tất nhiên, đã cũ. Thời sổ gạo và tem phiếu đã qua. Ngày 27 tháng 9 năm nay, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ Tướng Việt Nam – ông Nguyễn Tấn Dũng – đã long trọng thông báo cho toàn thể nhân loại biết rằng:

“Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chúng tôi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới.”

Thiệt là quá đã!

Hai năm trước, báo Công an nhân dân (số ra ngày 20 tháng 7 năm 2011) cũng đã khẳng định tương tự: “Cái đói bị đẩy lùi xa tít tắp.”

Nói như vậy chắc là xa dữ lắm. Theo như tường trình của phóng viên Uyên Nguyên, RFA, hôm 22 tháng 5 năm 2013, cái đói đã bị đẩy tuốt luốt lên tới... những huyện miền núi ở tỉnh Thanh Hoá: 

“Nhìn bữa ăn của gia đình người Thái Trắng này, nó cũng giống như nhiều bữa ăn khác của những gia đình Thái Trắng khác mà chúng tôi gặp ở Mường Lát, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh… Một nồi cơm độn sắn lát, một bát cà rừng và một chén mắm chuột để chấm cà, chúng tôi chỉ biết ứa nước mắt nhìn đồng loại nuốt cơm!”
Mèn mén chan nước lã tại Hà Giang 

Hoặc còn xa hơn nữa, “tít tắp” mãi đến tỉnh Hà Giang, như tâm sự (nghe được vào ngày 25 tháng 9 năm 2012) của cô phó hiệu trưởng Trần Thị Phúc:

“Học sinh ở đây nghèo lắm, nếu không xuống tận địa bàn chắc khó có thể hình dung hoàn cảnh của từng cháu. Có những em quanh năm chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo, chưa từng biết đến đôi tất và thường xuyên phải ăn mèn mén thay cơm.”

Cái đói và chuyện ăn độn, bây giờ, chỉ còn quanh quẩn (quanh năm suốt tháng) ở những vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng thôi. Chứ còn ở miền xuôi nói chung thì ngay tại nông thôn người dân vẫn không phải nhai khoai sắn, và chắc chắn là họ sẽ được ăn cơm khi Tết đến  hay khi (lỡ) bị ốm đau – theo báo cáo của ông Bộ Trưởng Nông Nghiệp, Cao Đức Phát.

Riêng tại những thành phố thì hạt gạo không còn là vấn đề bận tâm của bất cứ ai. Nhu cầu của thị dân đã nâng cao hơn thấy rõ. Cụ Nguyễn Hữu Lý, một cư dân ở Hải Phòng, tâm sự với phóng viên báo Dân Trí (số ra ngày 7 tháng 3 năm 2013) như sau: 
40 nam them pho
Cụ Lý 40 năm thèm phở 
“Tôi chỉ ước ao trước khi chết được một lần ăn phở. Nhiều đêm nằm mơ thấy được ăn bát phở nóng, húp sì soạt, chao ôi là ngon. Tỉnh dậy tiếc quá, giá như giấc mơ dài thêm.” 

Chị Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Phòng cho biết thêm: “Những người già ở đây không được ăn sáng, nhiều đêm nằm mơ thấy mình được ăn phở. Cụ Lý vào đây từ những ngày đầu trung tâm mới thành lập. Lần cuối cùng vào cuối thập niên 70, cụ được ăn một bát phở tại cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ngay ngã năm Kiến An, bán kèm phiếu tíc kê. Cho nên gần 40 năm nay cụ cứ quẩn quanh với ý nghĩ thèm phở.”

Nhiều nơi người ta phải ăn khoai sắn hay mèn mén thay cơm. Các cụ có cơm lại đâm ra thèm phở. Cái tâm trạng có voi đòi tiên này, chả qua, là biểu hiện của sự thăng tiến – đúng y như hứa hẹn của Đảng và nước Việt Nam là toàn dân sẽ chuyển dần từ ăn no mặc ấm qua ăn sang mặc đẹp: sau cơm đến phở.
hoc sinh thanh hoa
Học sinh Mường Lát Thanh Hóa
Đã thế, “một bộ phận không nhỏ” đã bắt đầu chán phở và sinh ra có nhiều nhu cầu mỗi lúc một thêm... xa xỉ: đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, tự do viết blog, tự do đàn đúm; hay nói theo ngôn ngữ của những thế lực thù địch là đòi được quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và thành lập công đoàn độc lập.

Riêng về đòi hỏi cuối, đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã lên tiếng báo động: 

“Nếu muốn làm điều này thì trước tiên phải hủy bỏ điều 10 Hiến pháp quy định tổ chức công đoàn là đại diện hợp pháp duy nhất của giai cấp công nhân và CNVC-LĐ Việt Nam. Mà điều này cũng tương tự như việc làm của các thế lực thù địch trước đây đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một nhận thức hết sức nguy hiểm.”

Điều hiểm nguy hơn nữa là những “nhận thức” này đang dần phổ biến, và có khuynh hướng trở thành hiện thực mà trong khi Đảng và Nhà Nước mỗi lúc một thêm hoang mang không biết sẽ xoay trở ra sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét