Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Tổng thống Obama sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 »

obama
Mãi đến hơn 12 giờ khuya thứ Ba, phòng làm việc của Tổng Thống Barack Obama mới tắt đèn. Những giờ đồng hồ trước đó, người đang lãnh đạo nước Mỹ cùng với các viên chức thân cận như ông chánh văn phòng Denis McDonough, bà Cố Vấn Đặc Trách Chính Sách Đối Nội Valerie Jarrett, cùng dàn phụ tá kẻ ngồi người đứng theo dõi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ 2014. Tin tức đi kèm với hình ảnh được phổ biến qua truyền hình cho thấy tình huống không sáng sủa, các ứng cử viên Cộng Hòa lần lượt thành công ở hết tiểu bang này đến tiểu bang khác, báo hiệu những khó khăn mà Tổng Thống phải đối phó trong 2 năm trời cuối cùng trước ngày ông cùng gia đình rời Tòa Bạch Ốc để về lại Chicago.
Hai ngày trước đó, ông quyết định xuất hiện ở những tiểu bang từng giúp ông thành công trong 2 cuộc bầu cử tổng thống, kêu gọi mọi người nhớ đi bầu để ủng hộ các chính sách ông đã đề ra và ủng hộ các ứng cử viên Dân Chủ đang gặp khó khăn chỉ vì họ từng bỏ phiếu ủng hộ ông hoặc là người cùng đảng với ông. “Các bạn đã 2 lần đứng chung với tôi hồi 2008 và 2012, bây giờ tôi muốn các bạn đi bầu để chúng ta có thể tiếp tục con đường chúng ta đã đi”, để ngăn chận những kể hoạch “tệ hại” và “tầm nhìn sai lầm về tương lai của quốc gia” mà đảng Cộng Hòa “sẽ đưa ra nếu họ làm chủ Thượng và Hạ Viện”.
Khi có mặt trong cuộc vận động tại Michigan, ông còn bảo dù đảng Cộng Hòa “là những người tốt, yêu tổ quốc và gia đình”, nhưng ngay sau đó ông nhấn mạnh tới điểm cánh Cộng Hòa “theo đuổi chủ trương giảm thuế cho người giầu chứ không cho tập thể dân trung lưu, không giúp cho người dân cơ hội có tiền để dành, cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện thông qua chính sách bình đẳng để giúp cho nữ giới được hưởng quyền lợi lương bổng như nam giới”. Đảng Cộng Hòa, theo ông, là đảng “không chủ trương bảo vệ môi trường, lúc nào cũng đòi hỏi và tìm đủ mọi cách để nới lỏng luật lệ về ngân hàng, tài chánh”. Ông tìm đủ mọi cách để vẽ nên một hình ảnh không mấy sáng sủa cho quốc gia, nhắc nhở mọi người đừng quên đi bỏ phiếu “vì chỉ có các bạn mới thay đổi được tình hình, thay đổi được những điều mà tôi đã nói, giúp tôi cơ hội để làm rất nhiều điều tôi muốn làm trong 2 năm tới, giúp tôi tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch phát triển kinh tế, tiếp tục kế hoạch tạo thêm việc làm vững chắc cho người dân”.
Rất tiếc, lời kêu gọi tha thiết của ông không được cử tri Dân Chủ đáp ứng đúng mức, nếu không muốn nói là không được những người từng hết lòng ủng hộ ông lắng nghe. Bức tranh ảm đạm ông vẽ ra chính là bức tranh mà ông phải trực diện hàng ngày trong 24 tháng sắp tới, trước khi cử tri toàn quốc chọn người thay thế ông vào năm 2016.
Trong cuộc họp báo sau ngày bầu cử, ông từ chối không đưa ra bất kỳ dự đoán nào cho tương lai, ngoại trừ điều được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với cùng nội dung “sẵn sàng bắt tay làm việc với đảng Cộng Hòa”, lực lượng đối lập sẽ điều khiển cả Thượng lẫn Hạ Viện. Ông nói đùa “sẵn sàng ngồi uống chung ly rượu với Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell” (người được dự đoán sẽ được các đồng viện củng đảng chọn làm Chủ Tịch Khối Đa Số) hay “sẵn sàng chấp nhận để ông (Chủ Tịch Hạ Viện) John Boehner thắng tôi ở sân golf” miễn làm sao hai bên có thể làm việc chung với nhau. Khi nói điều này, có lẽ ông không quên ông Boehner là người từng nói câu “chúng ta không thể tin vào ông Obama” và ông McConnell là người từng dõng dạc tuyên bố bằng mọi giá “chỉ để ông ta (Obama) làm tổng thống một nhiệm kỳ thôi”.  Những điều đó đủ để cho mọi người thấy chuyện hành pháp-lập pháp cùng bắt tay làm việc là điều khó có thể xảy ra.
Khó khăn đó không phải chỉ mình ông nhìn thấy.
Nói với mọi người sau ngày thành công, Thượng Nghị Sĩ McConnell cho biết kết quả cuộc bầu cử cho thấy “người dân muốn quốc gia có một hướng đi mới”, không chấp nhận “lối làm việc không hữu hiệu của chính phủ (Obama)”, gọi đó “là một chính quyền chẳng những không biết làm việc mà còn là một chính quyền chỉ biết đổ lỗi cho người khác”. Dù vị nghị sĩ quyền uy nhất của đảng Cộng Hòa hứa hẹn sẽ làm việc chung với hành pháp Dân Chủ, “không phải vì chúng ta có hệ thống chính trị lưỡng đảng nên phải đối đầu với nhau” sẵn sàng cùng Tòa Bạch Ốc tìm những điểm đồng thuận “để giải quyết những điều người dân trông chờ”, nhưng ông McConnell cũng nói “những điểm đồng thuận đó không đi ngược với đường lối (mà đảng Cộng Hòa đã đề ra”. Tại Hạ Viện, ông Chủ Tịch John Boehner hãnh diện với chiến thắng chính trị mới tạo được, “nhưng đây không phải là lúc ăn mừng chiến thắng mà là lúc biết trách nhiệm phải làm gì”, báo trước sẽ không cho hành pháp cơ hội “tự ý làm những gì ông Obama muốn làm” như lúc đảng Dân Chủ còn nắm Thượng Viện.
Chỉ vài năm trước đây, hình ảnh người dân Hoa Kỳ trông thấy là hình ảnh của một chính trị gia trẻ tuổi, năng động, là người được tin là có tầm nhìn để “đoàn kết nước Mỹ làm một” (One America), là nhà lãnh đạo với lời cam kết “muốn làm vị Tổng Thống của mọi người, không phân biệt Dân Chủ hay Cộng Hòa, không phân biệt màu da hay chủng tộc, tôn giáo”. Bây giờ, chính ông -người nói những câu đó- cũng biết trong 2 năm tới, ông không còn phải là người đọc những bài diễn văn nảy lửa trước công chúng, mà chỉ là một nhà lãnh đạo rất bình thường, hàng tuần ngồi trước bàn hội nghị để đàm phán với những người không hài lòng với ông và với chính sách của ông ngay từ lúc ban đầu.
Và có thể trong những cuộc tranh luận đó, ông chợt nghĩ phải chi chỉ làm một nhiệm kỳ thì hay hơn, hoặc phải chi được về lại Chicago ngay lúc này thay vì phải đối phó với không khí chính trị nóng bức của thủ đô Washington D.C. Cũng có thể ông nhớ đến thời vàng son của những ngày đầu khi mới đặt chân vào Tòa Bạch Ốc, và cũng có thể ông chợt nhớ đến cảnh mới vài ngày trước, một nhân viên dưới quyền vừa lắc đầu, vừa than với đồng nghiệp “họ (Cộng Hòa) bỏ ra tới 2 tỷ dollars để quảng cáo tranh cử, chủ đích là những lời chỉ trích nặng nề mà họ nhắm vào Tổng Thống Obama, thế mà không ai lên tiếng bênh vực ông một câu!”.
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét