Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Vay mượn một cách sáng tạo


Cho đến cuối t.k. XIX các hoạ viện nổi tiếng thế giới, như l’École des Beaux-Arts ở Paris đều bắt buộc học sinh phải chép lại các kiệt tác của các bậc thầy cổ điển để thành thạo kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện cách nhận ra cái đẹp. Không chỉ học sinh mỹ thuật được dạy phương pháp sáng tác dựa trên tác phẩm của tiền bối, mà các hoạ sĩ đã thành danh cũng thường vay mượn hình tượng, bố cục, phong cách từ các bậc thầy rồi nhào nặn, biến đổi để cuối cùng tạo ra cái của riêng mình.
Dĩ nhiên, người làm giả tác phẩm của một tác giả để kiếm lợi sẽ bị mắc tội giả mạo còn người chiếm hữu bằng cách sao chép y nguyên hoặc gần như y nguyên tranh của người khác rồi ký tên mình sẽ bị coi là “đạo” (plagiarism). Việc phân định giữa sao chép và sáng tạo độc lập không phải bao giờ cũng dễ dàng. Luật bản quyền cho phép các tác phẩm giống nhau miễn là chứng minh được chúng thật sự đã được sáng tác một cách độc lập. Song, nếu tác phẩm có trước càng nổi tiếng thì người ta càng khó tin vào tính độc lập của tác phẩm giống nó, nhưng sinh sau. Trong thời đại internet ngày nay, một hoạ sĩ khó có thể thuyết phục được ai khi tuyên bố đã tự nảy ra ý tưởng vẽ một cái đồng hồ mềm mà chưa bao giờ nhìn thấy “The persistence of memory” của Salvador Dalí. Mặc dù vậy, cũng đã xảy ra không ít trường hợp buộc người ta phải nhờ tới nhà chức trách hoặc luật pháp để phân định ranh giới giữa vay mượn và “đạo”, ví dụ như vụ một hoạ sĩ Nhật Bản bị tước giải thưởng vì “đạo” tranh.
Trong bài Nghệ sĩ non tay bắt chước; nghệ sĩ lão luyện ăn cắp tôi đã trích dẫn vài ví dụ về những sự vay mượn một cách sáng tạo trong lịch sử hội hoạ.
Dưới đây tôi trích dẫn tiếp một số ví dụ vay mượn một cách sáng tạo như vậy trong tác phẩm của các hoạ sĩ hiện đại và đương đại.
Henri Matisse vay mượn từ Paul Cézanne
Paul Cézanne Ba phụ nữ tắm (1879 - 1892) sơn dầu, 52 x 55 cm
Paul Cézanne, Ba phụ nữ tắm (1879 – 1892), sơn dầu, 52 x 55 cm
Năm 1899 Henri Matisse, khi đó mới 30 tuổi, đã mua bức “Ba phụ nữ tắm” của Paul Cézanne từ nhà buôn tranh Ambroise Vollard với giá 1200 francs trả góp. Matisse đã gìn giữ bức tranh suốt 37 năm trước khi tặng nó cho Musée des Beaux Arts de la Ville (Paris). Trong thư hiến tặng bức tranh, Matisse xác nhận bức hoạ của Cézanne đã truyền cho ông niềm tin và sự bền bỉ. Trong hơn 2 thập niên năm, từ 1908 tới 1931, Matisse đã sáng tác 4 bức phù điêu lớn “Lưng I-IV” rút từ hình tượng trong bức họa của Cézanne.
Henri Matisse Lưng I -IV (1908 - 1931) đồng
Henri Matisse, Lưng I -IV (1908 – 1931), đồng
Joan Miró vay mượn từ hội hoạ Hà Lan
Năm 1928 Joan Miró (35 tuổi) tới thăm Rijksmuseum tại Amsterdam. Tại cửa hàng bán đồ lưu niệm của bảo tàng, Miró đã mua 2 bưu ảnh chụp tác phẩm của 2 hoạ sĩ Hà Lan t.k. XVII là bức “Người chơi đàn lute” của Hendrick Martenszoon Sorgh và “Buổi học khiêu vũ” của Jan Steen. Dựa vào 2 bức hoạ này, Joan Miró đã vẽ nên 2 bức tranh nằm trong số những bức đầu tiên khi ông chuyển hướng từ sáng tác những bức tranh nặng chất tạo hình sang các tác phẩm đậm thi vị của hội hoạ siêu thực
10345830_1479561072302788_290786120362741686_n
Hendrick Martenszoon Sorgh, Người chơi đàn lute (1661), sơn dầu
Jan Steen, Buổi học khiêu vũ (1660 - 1679), sơn dầu
Jan Steen, Buổi học khiêu vũ (1660 – 1679), sơn dầu
Trong 2 bức “Nội thất Hà Lan I và II“, Miró đã vay mượn bố cục từ tranh của Sorgh và Steen, nhưng đã bóp méo hình người và vật tới dị dạng, chỉ còn giữ lại tinh thần vui vẻ nhẹ dạ, mà bỏ qua toàn bộ các quy tắc về luật viễn cận và cách tạo ảo giác nhờ sáng tối cổ điển.
Joan Miro, Nội thất Hà Lan I (1928), sơn dầu
Joan Miro, Nội thất Hà Lan I (1928), sơn dầu
Joan Miro, Nội thất Hà Lan III (1928), sơn dầu
Joan Miro, Nội thất Hà Lan II (1928), sơn dầu
Jackson Pollock vay mượn từ Janet Sobel
Nếu ngày nay Jackson Pollock được coi là cha đẻ của all-over paintingthì Janet Sobel (1894 – 1968) phải được gọi là bà nội của phong cách này mới chính xác. Janet Sobel sinh tại Ukraina. Năm 14 tuổi bà di cư cùng gia đình sang New York. Bà bắt đầu vẽ năm 43 tuổi khi đã là một bà mẹ bốn con. Pollock cùng nhà phê bình mỹ thuật Clement Greenberg lần đầu tiên nhìn thấy tranh của Janet Sobel tại triển lãm của bà năm 1946. Ông nói với Greenberg rằng các bức tranh của Janet Sobel đã gây ấn tượng mạnh đối với ông. Còn Greenbert khẳng định tranh của Janet Sobel là những bức all-over painting đầu tiên mà ông từng được thấy, tức là trước khi các bức drip painting của Pollock ra đời. Lẽ ra Janet Sobel đã có thể được đánh giá công bằng hơn nếu như giới phê bình những năm 50 tại New York không coi bà như một hoạ sĩ nghiệp dư.
Janet Sobel, Không đề (1946 - 1948)
Janet Sobel, Không đề (1946 – 1948)
Jackson Pollock, Không đề (1949)
Jackson Pollock, Không đề (1949)
David Hockney vay mượn từ Claude Lorrain
Năm 2010 David Hockney đã vẽ bức phong cảnh lớn “Một thông điệp lớn hơn” trong một bố cục vay mượn từ bức “Bài thuyết pháp trên núi” của hoạ sĩ Pháp t.k. XVII Claude Lorrain.
Claude Lorrain, Bài thuyết pháp trên núi (1656), sơn dầu
Claude Lorrain, Bài thuyết pháp trên núi (1656), sơn dầu
10606330_1479562742302621_4244549898672905524_n
David Hockney, Một thông điệp lớn hơn (2010), sơn dầu
Trong khi vay mượn như vậy, Hockney cho rằng máy ảnh chỉ cho hình ảnh gần đúng của thế giới, nhưng nó vẫn sai một tí ti, mà sai một li đi một dặm. Ông nói ông vay mượn vì muốn khai thác sự sai khác đó.
Nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng nhất Anh quốc Brian Sewell coi việc David Hockney cạnh tranh với bậc thầy Claude Lorrain là “một sự xấc xược kinh tởm đáng khinh bỉ“. Trong bài bình luận về triển lãm của David Hockney tại Hoạ viện Hoàng gia Anh năm 2012, Brian Sewell giận dữ viết: “Hockney là một người thích đùa giỡn thô tục, tầm thường hóa không chỉ là một bức tranh mà ông không có khả năng hiểu và không bao giờ có thể vẽ được, nhưng nó lại khiến ông làm hàng loạt giễu nhại khác nhau, hạ thấp phẩm giá của cả Picasso.”
Jack Vettriano vay mượn từ sách tham khảo cho hoạ sĩ
Năm 1992 hoạ sĩ người Scottland Jack Vettriano (sinh 1951) đã vẽ bức “The singing butler” (Người quản gia hát). Bức tranh đã bị loại khỏi Triển lãm Hoàng gia Mùa hè (Royal Academy summer exhibition) năm đó. Tới năm 2004 bức tranh này đã được bán tại một phiên đấu giá với giá 744 800 bảng Anh, một kỷ lục đối với hội hoạ Scottland lúc bấy giờ. Trong lịch sử trước đó chưa có bức tranh nào của một hoạ sĩ Scottland được mua với giá cao như vậy. Bức tranh mô tả một cặp mặc y phục dạ hội đang khiêu vũ trên bãi biển dưới bầu trời giông bão. Người quản gia cầm ô che đứng bên phải. Bên trái là một nữ hầu phòng một tay giơ ô, tay kia giữ mũ chực bay vì gió. Bức tranh được coi như một biểu tượng của văn hóa thời đại. Tác phẩm của Vettriano bị các nhà phê bình mỹ thuật chỉ trích kịch liệt vì ánh sáng không nhất quán, cách xử lý gió thổi không đúng, và tư thế khiêu vũ kỳ dị. Thông thường, khi người đàn ông dẫn bước, tay trái anh ta nắm bàn tay phải người phụ nữ, tay trái đỡ lưng, phía dưới hoặc ngang xương bả vai người phụ nữ, trong khi cô bạn nhảy của anh đặt cánh tay trái của mình lên cánh tay phải của anh, dưới vai một chút. Bức tranh bị giới chuyên môn coi là tầm thường và sến, nhưng lại được đa số công chúng bình dân ưa thích. Mỗi năm hàng ngàn bản sao được bán hết veo. Tranh của Vettriano thường bị giới chuyên môn coi là khoa trương rỗng tuếch, bị bảo tàng mỹ thuật hiện đại quốc gia Scottland (Scottish National Gallery of Modern Art) từ chối, nhưng lại được các sao như Jack Nicholson và Madonna mua. Nhờ vậy Vettriano hiện là một trong những hoạ sĩ giàu sụ còn sống.
ack Vettriano, Người quản gia hát (1992), 71 x 91 cm, sơn dầu
Jack Vettriano, Người quản gia hát (1992), 71 x 91 cm, sơn dầu
Giá kỷ lục của bức “The singing butler” khiến nó bị không ít người săm soi. Một năm sau, người ta phát hiện Vettriano đã vay mượn hình cặp đôi khiêu vũ từ cuốn The Illustrator’s Figure Reference Manual, một cuốn sách tham khảo hình người cho hoạ sĩ minh hoạ, xuất bản năm 1987. Khi tin này được công bố, nó dấy lên một làn sóng dư luận tại Anh. Vettriano chối bỏ mọi cáo buộc rằng ông đã sao chép từ sách. Ông nói ông chưa bao giờ che giấu rằng ông, cũng như nhiều hoạ sĩ khác, từng sử dụng các hình ảnh từ các cuốn sách tham khảo. Ông khẳng định mình không làm gì sai. Ông còn nói thuê người làm mẫu cho bức tranh này là không cần thiết. Trả lời báo chí, người phát ngôn của Jack Vettriano tại Portland Gallery ở London nói: “Tất cả mọi người đều biết Jack Vettriano là một hoạ sĩ tự học và hoàn toàn không đáng ngạc nhiên rằng, trong những năm đầu sự nghiệp hội hoạ, ông không có cả thời gian lẫn tiền bạc để thuê mẫu thực, và ông buộc phải dùng các sách tham khảo như cuốn này. Tài năng của Vettriano là ở khả năng tạo ra các bức hoạ tự sự thu hút người xem. Nhờ đó ông đã biến những nhật vật bình thường thành khác thường và những cảnh thường nhật thành sự kiện đặc biệt.”
Trái: Hình gốc từ cuốn "The Illustrator's Figure Reference Manual" (1987). Phải: Hình đối xứng gương với hình gốc mà Jack Vettriano đã dùng để vẽ bức "Người quản gia hát". Đây chính là lý do vì sao tư thế cùa cặp đôi khiêu vũ bị trong tranh của ông bị chỉ trích (vì bị ngược).
Trái: Hình gốc từ cuốn “The Illustrator’s Figure Reference Manual” (1987).
Phải: Hình đối xứng gương với hình gốc mà Jack Vettriano đã dùng để vẽ bức “Người quản gia hát“. Đây chính là lý do vì sao tư thế cùa cặp đôi khiêu vũ bị trong tranh của ông bị chỉ trích (vì bị ngược).
Sử gia và nhà phê bình mỹ thuật người Anh John A. Walker (sinh năm 1938) cho rằng chẳng có gì là nghiệp dư khi vẽ từ ảnh. “Việc Vettriano vay mượn một hình ảnh không khác những hoạ sĩ chuyên nghiệp vẫn từng dùng tư liệu từ ảnh chụp. Một số hoạ sĩ thấy xấu hổ khi thú nhận điều này. Francis Bacon không muốn người ta biết ông sử dụng ảnh chụp để vẽ. Những hoạ sĩ này không muốn thú nhận rằng họ phụ thuộc vào sáng tạo của người khác, họ muốn chiếm giữ toàn bộ công trạng,” Walker nói.
*
Các bạn thấy đấy, trong hội hoạ không có gì hoàn toàn mới và chẳng có gì hoàn hảo. Chính vì vậy, luôn có vô vàn các cách để biến đổi nhằm làm hay hơn, đa dạng hơn một ý tưởng, hình tượng nghệ thuật nào đó. Đó là vay mượn một cách sáng tạo. Kết quả hay dở đến đâu phụ thuộc vào tài năng, trực giác, nền tảng văn hoá, học vấn và kinh nghiệm của từng hoạ sĩ. Đó cũng chính là tinh thần của nhận xét: “Một trong những phép thử chắc ăn nhất là cách thi sĩ vay mượn. Thi sĩ non tay thì bắt chước; thi sĩ lão luyện thì ăn cắp; thi sĩ kém làm xấu đi những gì mình lấy, còn thi sĩ giỏi biến nó thành cái gì đó hay hơn, hoặc ít nhất cũng khác đi. Thi sĩ giỏi biết gắn thứ ăn cắp thành một tổng thể cảm xúc duy nhất, hoàn toàn khác với cái nguồn mà từ đó nó bị xé ra; thi sĩ kém ném nó vào một thứ gì đó thiếu sự kết dính. Thi sĩ giỏi thường vay mượn từ các tác giả xa xôi về thời gian, hoặc xa lạ trong ngôn ngữ, hoặc khác biệt trong sở thích.” T.S. Eliot viết nhận xét này cho đối tượng là các thi sĩ, song bạn hoàn toàn có thể thay từ “thi sĩ” bằng “hoạ sĩ“, “nghệ sĩ“, hay “nhà soạn nhạc“, tùy theo văn cảnh.
10.09.2014
_________________________
Bài viết này được tổng hợp từ các nguồn sau:
[1] Vanderleelie, Creative Borrowing: How visual artists make old ideas new.
[2] Kim Sweeney, The Forgotten Female Artist: Janet Sobel’s Struggle within the Abstract Expressionist Movement.
[3] John Haber, The grandmother of drip painting.
[4] Brian Sewell, David Hockney RA: A Bigger Picture, Royal Academy – review, London Evening Standard, 19.01.2012.
[5] Jonathan Duffy, Can anyone teach themselves to paint?, BBC News Magazine, 5.10.2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét