Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Việt Nam tịch thu sách Đèn Cù

197880-DP-DenCu-1
Một thời gian sau ngày sách lẽ ra đã về nhà, một số khách hàng tại Việt Nam mua sách Đèn Cù qua trang mạng Amazon cuối cùng nhận được thư báo của Bưu Cục Ngoại Dịch nói rằng sách bị tạm giữ, cho 45 ngày để viết “giấy từ chối nhận hàng vi phạm,” trước khi bưu phẩm “được giải quyết theo thể lệ bưu chính quốc tế.”
“Hôm nay (6 Tháng Mười Một) tôi nhận được thư báo của Bưu Cục Ngoại Dịch cho biết cuốn Đèn Cù mà tôi mua qua Amazon.com đã bị tịch thu vì ‘Vi phạm luật xuất bản 2012,’” một nữ tiến sĩ tên P.A. cho biết. Cô xin giấu tên để tránh phiền phức với chính quyền Việt Nam.
“Tôi chưa đọc luật xuất bản 2012 vì nghĩ nó chỉ liên quan đến những ai làm nghề xuất bản, chứ không liên quan đến độc giả. Nhưng tôi sẽ tìm đọc để biết mình vi phạm điều gì.” Cô P.A. nói. Số tiền mua sách cô đã bỏ ra là gần 800,000 đồng, cô không biết có lấy lại được hay không.
Đèn Cù là tên gọi tắt cho tác phẩm “Đèn Cù- Số Phận Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản” của tác giả Trần Đĩnh.
Ông Trần Đĩnh vào đảng Cộng Sản từ năm 18 tuổi, sau đó làm báo đảng, từng giữ chức phó trưởng ban tuyên truyền văn nghệ báo Nhân Dân, và từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo cao cấp khác như Nguyễn Lương Bằng và Phạm Hùng… Ông bị khai trừ đảng năm 1976.
Đèn Cù được viết theo dạng tự truyện, với nhiều tình tiết được cho là “thâm cung bí sử” của các nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam từ những năm 1945.
Sách được Nhà Xuất Bản Người Việt ở Nam California chính thức phát hành ngày 20 Tháng Tám. Từ đó đến nay, sách gây nhiều chú ý của dư luận trong và ngoài Việt Nam.
Cũng trong ngày 6 Tháng Mười Một, một khách hàng khác có tên T.S. Cũng nhận được thư báo tương tự của Bưu Cục Ngoại Dịch.
Thư báo ba trang gồm ba phần: một trang Bưu Cục Ngoại Dịch cho biết “nội dung hàng hóa” là sách Đèn Cù 597 trang – “có nội dung nói xấu chế độ, xúc phạm lãnh tụ Việt Nam, không được nhập khẩu;” một trang đơn mẫu để “từ chối nhận hàng vi phạm”- khi gửi “nhớ kèm giấy chứng minh nhân dân photo hoặc passport photo;” và một trang về quyết định của Phòng Xuất Bản, In và Phát Hành của Sở Thông Tin và Truyền Thông – “đề nghị không cho nhận sách.”
Theo Bưu Cục Ngoại Dịch, việc mua sách Đèn Cù vi phạm Luật Xuất Bản 2012, nhưng không nêu rõ là vi phạm khoản mấy, điều nào, trong 54 điều về xuất bản, in ấn, và phát hành của luật này.
“Cuốn ấy trên mạng có đầy ra rồi. Mình đọc chùa nên thấy cần phải mua để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản,” cô P.A cho biết.
“Tôi mua sách qua mạng nhiều lần rồi, nhưng là sách chuyên môn. Sách gửi về tận nhà nhanh chóng. Vì lâu nay hình như sách vở được mua qua Amazon thường xuyên nên tôi nghĩ họ có thể không kiểm duyệt xuể. Tuy có nghĩ có thể bị tịch thu, nhưng cũng có thể thoát.”
“Nếu nhận được thì tốt, mà không nhận được thì tặng cho mấy an ninh văn hóa họ đọc để mở mang đầu óc vậy,” cô P.A nói.
Về thời gian 45 ngày Bưu Cục Ngoại Dịch cho để “phản hồi,” cô P.A và anh T.S. nói “sẽ để mặc họ xử lý,” “không muốn khiêu khích chế độ.”
“Khi mình đặt mua cũng biết trước là sẽ bị thu sách nhưng cũng thử may rủi,” anh T.S. nói với nhật báo Người Việt, và cho biết không lấy làm phiền lòng về trục trặc này.
Khác với cô P.A, anh T.S. cho biết đây là lần đầu tiên mua sách qua mạng Amazon, anh đã không đọc những bản sao của sách bị tung lên mạng, nhưng “đã có người bạn từ Mỹ về tặng cho cuốn sách rồi.”
Về việc Bưu Cục Ngoại Dịch sẽ giải quyết “theo thể lệ bưu chính quốc tế” số sách Đèn Cù mà người trong nước đặt mua qua Amazon,  nhật báo Người Việt gọi đến bưu cục và công ty Amazon, nhưng hiện chỉ mới liên lạc được với phía Amazon.
“Vì bất kỳ một lý do nào đó mà khách hàng không nhận được sách trong khoảng một tháng sau ngày của dự tính, hãy liên lạc với chúng tôi, Amazon sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền mua sách theo luật công ty,”  ông Edwin R., một nhân viên phục vụ khách hàng, cho biết.
Sau cuốn Đèn Cù 1, Đèn Cù 2 sắp được xuất bản trong những ngày tới. Anh T.S. bày tỏ “mua cuốn một đã không lọt, cuốn hai làm sao lọt được, muốn đọc thì tự tìm cách khác,” trong khi chị P.A. ngao ngán: “Người trong nước phải chấp nhận lên mạng đọc chùa thôi.”
Nguồn Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét