Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Nhìn lại quan hệ Việt - Khmer : Tìm hiểu thêm về vùng biên giới

kampuchia00"…hai dân tộc Khmer và Việt Nam sẽ còn phải đi chung với nhau một đoạn đường dài nữa để giải quyết những tồn đọng của sự hiều lầm đầy ác ý đã kéo dài quá lâu, trước khi thật sự cùng nhau chia sẽ tương lai của những dân tộc bị thua kém..."



thaytu_kampuchia
LTS Cho tới nay công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam được biết đến qua cuộc Nam tiến, nhưng ít ai trong chúng ta hiểu rõ nó đã diễn ra như thế nào. Tìm trong các sách sử, chúng ta chỉ biết một cách mơ hồ là nó bắt đầu từ thế kỷ 11 và kết thúc vào giữa thế kỷ 18. Trong suốt thời gian gần bảy thế kỷ đó, lãnh thổ đất nước Việt Nam đã không ngừng biến đổi, lúc thì bành trướng ra lúc thì co cụm lại, để rồi cuối cùng có hình chữ S như ngày nay. Nhưng lãnh thổ nước ta đã thành hình và biến đổi như thế nào, ít ai biết rõ. Đó là một thiếu sót lớn.
Để bổ túc sự thiếu vắng này, Ban biên tập ethongluan.org giới thiệu bài viết về quan hệ giữa người Việt và người Khmer, đặc biệt là sự hình thành các vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia của Nguyễn Văn Huy. Bài viết đã được đăng trên báo Thông Luận giấy năm 2005 nhưng những sự kiện cho đến nay vẫn còn tính thời sự.


kampuchia01
Tìm hiểu sự hình thành các vùng biên giới Việt Nam không phải là một công tác dễ dàng, vì không tài liệu xưa nào chuyên đề về đề tài này. Cách đây vài năm, sau khi hai hiệp ước về biên giới trên đất liền (1999) và trên biển cả (2000) giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết, cộng đồng người Việt hải ngoại mới có dịp đọc một vài bài viết về những mất mát trên vùng biên giới đất liền tại miền Bắc và trong Vịnh Bắc Bộ. Nhưng lãnh thổ miền Trung, miền Nam và lãnh hải Việt Nam được hình thành như thế nào, ít ai biết đến. Chỉ mới gần đây, từ sau ngày 10/10/2005 sau khi thỏa thuận bổ sung hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được công bố, dư luận người Việt lại có dịp xôn xao về chuyện này. Khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia và quan hệ giữa hai dân tộc Việt và Khmer đã diễn ra như thế nào, cũng ít tài liệu nào đề cập tới.
Bài viết sau đây cố gắng trình bày lại một cách ngắn gọn về mối quan hệ giữa hai dân tộc và sự hình thành những vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Nội dung bài viết này cũng có tham vọng đánh tan những hiểu lầm mà cộng đồng người Việt cũng như Khmer đã từng là nạn nhân của các chính sách chia để trị dưới thời Pháp thuộc. Sự hoài nghi hay nghi kỵ này là sản phẩm của thời Pháp thuộc chứ không từ quá khứ vì từ thế kỷ 17 khi được giao tiếp với nhau, sự cộng cư của hai dân tộc đã rất hài hòa và quan hệ giữa hai nước cũng đã rất khắng khít. Sau ngày giành được độc lập năm 1954 những hiểu lầm đó vẫn chưa tan, không chừng còn nặng nề hơn trước bởi những tham vọng chính trị cá nhân của những nhân vật Khmer không có dự án xây dựng và phát triển đất nước của họ. Điều này cho thấy chúng ta còn phải làm nhiều cố gắng hơn nữa để vượt lên hố sâu ngăn cách giữa các dân tộc.
Ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia đã từng chia sẻ nỗi nhục bị lệ thuộc trong quá khứ, bị lôi vào những cuộc chiến tương tàn mà mình không chủ động để rồi bị thua kém so với tất cả các nước chung quanh. Tình trạng này cần sớm chấm dứt để ba dân tộc cùng nhau xây dựng và phát triển để bán đảo Đông Dương xứng đáng với chỗ đứng của nó trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Đoạn đường đi tới tin tưởng và hợp tác còn dài và sẽ còn rất nhiều thử thách, chỉ với niềm tin vào sự sáng suốt của những cấp lãnh đạo quốc gia hiện nay và sau này, ba dân tộc Đông Dương mới có thể cùng nhau nắm tay tiến về tuơng lai trong tình anh em tìm lại. Muốn được vậy phải tìm hiểu và thông cảm lẫn nhau.
Quan hệ giữa người Việt và người Khmer
Theo quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, nơi sinh trú của người Khmer ở ngoại vi không gian thuần chủng của người Kinh, nghĩa là ngoài không gian đã được khai hóa bởi đạo lý Thánh Hiền (Khổng Giáo). Tất cả những sắc dân sinh sống trong không gian chưa được khai hóa này đều bị coi là Man hoặc Rợ. Cộng đồng người Khmer trong trong suốt ba thế kỷ 17, 18 và 19 đã được các triều đình thời Nguyễn sơ và nhà Nguyễn liệt vào hạng Phiên Man, nhưng hơn những sắc tộc khác là được xếp vào hạng "thuộc quốc", nghĩa là trên các nhóm "thuộc man". "Thuộc man" là những nhóm sắc tộc nhỏ như các sắc tộc Thượng trên Tây Nguyên và Nam Lào, v.v. chấp nhận sự lãnh đạo của triều đình để được trao đổi hàng hóa hay được bảo vệ ; "thuộc quốc" là những vương quốc nhỏ chấp nhận triều cống triều đình nhà Nguyễn để được bênh vực khi có biến. Đại diện những phái đoàn thuộc quốc được tiếp đón long trọng hơn những phái đoàn thuộc man, theo đúng nghi lễ quốc khách. Trong quá khứ chỉ có cộng đồng người Chăm (Chiêm Thành, Thuận Thành), người Djarai (Hỏa Xá và Thủy Xá), người Lào (Nam Chưởng, Vạn Tượng) và cộng đồng người Khmer được xếp vào hạng thuộc quốc. Người phương Tây bị xếp vào hạng Tây di.
Năm 1620, lần đầu tiên tiếp xúc với phái đoàn của Jayachetta II (một vương tôn Khmer trị vì từ 1919 đến 1627) đến Phúc An (Thuận Hóa) xin kết nghĩa suôi gia, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) cùng các quần thần đã rất phân vân. Sau nhiều bàn luận, chúa Sãi chấp nhận gả con gái thứ hai cho vị vua Khmer với hai điều kiện: một là công chúa Ngọc Vạn (sau này trở thành hoàng hậu Ang Cuv) phải được một phái đoàn hộ tống gồm 500 nam thanh niên và 500 thiếu nữ Kinh để phục vụ và bảo vệ trong suốt thời gian cư ngụ tại kinh đô Oudong ; hai là được thu mua lúa gạo và gia súc tại Lạp khiếu (còn gọi là Lạp địa, tức xứ Chân Lạp) và quyền đồn trú tại Prei Nokor (Gia Định). Khi quan hệ giữa hai triều đình gia tăng cường độ, một trạm thu mua khác đã được thành lập tại Kompong Krabei (Bến Nghé, tức Sài Gòn ngày nay).
Danh xưng Cao Man có lẽ đã xuất phát từ giai đoạn đoạn này. Vì coi tất cả những sắc dân ngoại chủng Kinh đều là Man, Sãi vương và các cận thần gọi đất nước của người Khmer là Cao Man. Chữ "Cao Man" ở đây lúc đầu có thể là cách phiên âm từ chữ Khmer (Kam-me hay Cờ Me), với thời gian và cách phát âm của người miền Trung (Thanh Nghệ Tĩnh), danh xưng này trở thành Cao Man ; chữ Man ở đây còn có nghĩa không phải là người Kinh. Trong suốt các triều đại thời Nguyễn sơ, từ đời Sãi vương trở về sau, vương quốc và dân chúng Khmer mang chung danh xưng Cao Man, người miền Nam đọc thành Cao Mên, sau đó biến thành Cao Miên và danh xưng này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Quan hệ giữa triều đình Nguyễn và các triều đình Cao Man là quan hệ nước lớn và nước nhỏ, nghĩa là quan hệ chư hầu (đại quốc-tiểu quốc). Trong suốt thời gian từ 1620 đến 1862, tức gần 250 năm, quan hệ giữa hai vương triều Việt-Khmer đã rất thắm thiết. Các vua chúa nhà Nguyễn đối xử với các vương tôn Khmer như cha mẹ (phụ mẫu), nghĩa là rất mực đùm bọc và thương yêu. Một thí dụ:
"Năm Gia Long thứ 10(1811), nước Cao man sai sứ dâng biểu cung kính tiến dâng lễ vật tạ ơn: sừng tê 5 cái, ngà voi 19 cái, sáp vàng, cánh kiến, đậu khấu, sa nhân, trần hoàng mỗi thứ 400 cân, sơn đen 100 bình.
Có chiếu vua dạy rằng: nước Cao Man từ trước đến nay là bề tôi của triều đình (Đại Nam), năm ngoái(1810) nước của ngươi không yên đã xin binh bảo hộ, Trẫm (Gia Long) nghĩ nước lớn phải thương yêu nước nhỏ, ấy là công việc của bực vương giả, không nỡ thờ ơ, nên đã sai quan quân đến bảo hộ, đó là công việc vun bồi đôn đốc, đạo trời tự nhiên như thế, vốn không phải để biểu thị ân đức.
Xem trong tờ biểu văn của ngươi giải bày, thấy ngươi lấy việc ấy mà xin tạ ơn, sợ trời, biết cảm kích, thật dồi dào trong lời trần tình, tuy lòng sinh vật vốn không trách việc báo ơn, nhưng chí chân thành phụng thờ nước lớn cũng rất đáng khen. Trẫm đã chuẩn cho quan bộ Lễ lo liệu ban cấp trọng thưởng cho sứ bộ. Còn việc nước ấy tiến dâng sản vật địa phương lên tạ ơn, Trẫm cũng đã xuống chỉ cho thành Gia Định y theo số các lễ vật trả về cho sứ bộ nhận lãnh, các hạng phẩm vật ban cho Quốc vương nước ấy thì cũng giao cho sứ bộ nhận lãnh một lượt đem về nước. Quốc vương(Cao Man) phải vỗ về chiêu tập dân chúng ở biên cương cẩn thận giữ gìn rào dậu để xứng với niềm nhân ái làm yên lòng kẻ ở xa của Trẫm" ("Thuộc quốc cống vật", quyển 134, tập II, tr. 93-95, Nhu Viễn trong "Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ", Tạ Quang Phát phiên dịch, Bửu Cầm hiệu đính, Bộ Văn Hóa Giáo Dục, Sài Gòn, 1966).
Theo Nhu Viễn, cứ mỗi định kỳ một năm hay hai năm, các vương triều Cao Man đểu cử phái đoàn mang lễ vật đến trấn Gia Định hay kinh đô Phú Xuân triều cống để nhận chỉ thị hay được hứa hẹn bảo vệ hay bảo hộ. Lệ này kéo dài trong suốt gần 250 năm và chỉ chấm dứt khi Pháp làm chủ toàn bộ sáu tỉnh miền Nam năm 1862 và toàn quốc (Đại Việt) đặt dưới sự bảo hộ của Pháp cuối thế kỷ 19.
Trong khi đó quan hệ giữa người Việt và người Khmer trong giai đoạn này rất hiếm, và nếu có thường là quan hệ giữa những người bị trị với nhau : bị bắt làm sưu cho các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn. Từ 1620 đến 1679, chỉ có những binh sĩ và tù biệt xứ gốc Kinh trú đóng tại Prei Nokor: quân đội có nhiệm vụ bảo vệ con đường tiếp tế lương thực và tiếp cứu triều đình Khmer khi có biến ; tù nhân bị đày biệt xứ có nhiệm vụ khai hoang và xây dựng đồn binh, nhà cửa và lập chuồng trại. Đời sống của hai thành phần này đời sống của hai thành phần này rất là khổ cực. Vì là những người độc thân, một số người đã lập gia đình với những phụ nữ Khmer địa phương ; trừ những tù nhân bị đày biệt xứ, đa số những quân nhân còn lại đã về lại quê quán mang vợ con vào lập nghiệp. Với thời gian, nhờ sự cần cù và chịu khó, những lưu dân Việt này đã biến vùng đất mới trở nên trù phú, thương nhân miền Trung đến dựng trạm thu mua và người Khmer ở các vùng lân cận (Phú Lâm, Cần Giờ) cũng đến dựng nhà, lập trại buôn bán. Sự trao đổi giữa người Việt và người Khmer tuy ít oi nhưng rất chân thật vì cả hai cộng đồng này đều là những người cùng khổ trong những xã hội đang có chiến tranh và loạn lạc. Những khác biệt về văn hóa và tín ngưỡng không ảnh hưởng nhiều đến những trao đổi thường nhật, vì cộng đồng nào cũng đang vật vả với cảnh rừng thiêng nước độc: sự sống còn trước một thiên nhiên khắc nghiệt là chính yếu.
Khi những cựu binh sĩ nhà Minh đến định cư tại Đồng Nai và Định Tường (1679), vì đất hoang còn nhiều và rộng nên cộng đồng ít oi người Khmer đã di dời về những vùng xa xôi và cao (giồng) để sinh sống : lúc đầu là Phú Lâm,Tân An, sau đó đi dần xuống phía cửa biển sông Hậu Giang, đông nhất là tại Trà Vinh, Sóc Trăng và Rạch Giá. Sau những loạn lạc trên lãnh thổ Cao Man từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, nhiều gia đình Khmer đã đến Châu Đốc và Hà Tiên lập nghiệp và ở luôn cho tới ngày nay. Những quan hệ trao đổi rất là hiếm hoi nhưng không xung khắc, những quan hệ suôi gia gần như không có, vì ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo bất đồng. Người Khmer theo văn hóa Ấn Độ và đạo Phật tiểu thừa, người Việt và người Hoa theo văn hóa Trung Hoa, đạo Phật đại thừa. Mỗi cộng đồng sinh sống với văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của mình.    
Chủ quyền trên lãnh thổ miền Nam
Ngày nay nhiều tổ chức chính trị Khmer thường xuyên tố cáo Việt Nam chiếm đồng bằng sông Cửu Long mà họ gọi là Khmer Krom, tức vùng đất thấp của người Khmer.
Sự thật có đúng vậy không ? Không, tất cả chỉ là hiểu lầm.
Người Khmer, dựa vào truyền thuyết thành lập xứ Chân Lạp từ giữa thế kỷ 6 đến thế kỷ 8, cho rằng lãnh thổ này có hai vùng: Thượng Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Thượng Chân Lạp là các vùng đồi núi phía Bắc, Tây-Nam và Tây-Bắc Campuchia hiện nay ; Thủy Chân Lạp chỉ là những vùng đất thấp từ Battambang đến phía Nam Biển Hồ, nơi giao lưu giữa các dòng nước của Biển Hồ và sông Mekong.
Sang thời Angkor từ thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 15, lãnh thổ của họ được chia thành ba vùng: Khmer Leu (cao) bao gồm cao nguyên Korat và các vùng đồi núi phía Tây hiện nay, Khmer Kandal là khu vực Biển Hồ, mà trung tâm là các đền đài Angkor Wat và Angkor Thom tại Siem Reap, và Khmer Krom là những vùng đất thấp từ Phom Penh đến Mỏ Vẹt. Nhưng rất nhiều người Khmer tin rằng lãnh thổ Khmer Krom bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long. Trong thực tế lãnh thổ phía Nam cuối cùng của người Khmer cho đến thế kỷ giữa 17 dừng lại ở vùng Mỏ Vẹt, giữa Tây Ninh và Châu Đốc. Đồng bằng sông sông Cửu Long không thuộc về ai cả. Người Khmer thường đồng hóa đồng bằng sông Cửu Long ngày trước với đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vì sự sung túc mà họ không có.
Phải biết rằng đồng bằng sống Cửu Long 300 năm trước là một vùng đất vô chủ, sình lầy ngập úng, đầy muỗi mòng và thú dữ (rắn, rít, sấu, cọp, voi, rắn độc...), mỗi năm nước lụt phủ ngập 6 tháng, từ tháng 7 đến tháng 12. Vương quốc Phù Nam trước kia đã chỉ tồn tại trên những vùng đất cao ở Tri Tôn và Óc Eo (gần Hà Tiên). Đế quốc Angkor hoàn toàn không có mặt trên vùng đất này, bằng chứng là không có con sông nào trên đồng bằng sông Cửu Long mang tên Khmer và cũng không có vết tích một đền đài nào của thời Angkor để lại.
Một vài đền dài và chùa tháp lâu đời nhất như tháp Vĩnh Hưng (thế kỷ 9) tại Bạc Liêu và chùa Kop Treng (thế kỷ 5) ở Tri Tôn  thuộc văn hóa Phù Nam ; chỉ có chùa Âng tại Trà Vinh là xưa nhất (cuối thế kỷ 10), nhưng chùa này được xây dựng bởi những người Chân Lạp trốn chạy chính sách bắt nô lệ của đế quốc Angkor đang thời cực thịnh. Chỉ có chùa Kh’leang tại Sóc Trăng có tuổi đời cùng với sự hiện diện của người Khmer trên đồng bằng sông Cửu Long, được xây dựng vào khoảng năm 1533 ; sự hiện diện của kiến trúc này đến nay vẫn còn là một bí ẩn vì không có kiến trúc quân sự hay dân sự nào chung quanh, có thể ngôi chùa này được xây dựng bởi những di dân Khmer trên sông Hậu và bị kẹt lại trên các giồng đất cao tại Sóc Trăng và ở lại đây sinh sống và dựng chùa.
Đây là một trường hợp cá biệt vì sử sách Khmer không có ghi chú nào về vùng đất này, cũng như về các quan cai trị hay nguồn thuế thu nhập, điều này chứng tỏ đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn vô chủ trước khi người Việt đến lập nghiệp. Sau này khi hay tin có người Việt đến khai khẩn đất hoang từ giữa thế kỷ 17, nhiều gia đình Khmer thả thuyền theo các dòng nước mùa khô đến định cư trên những giồng đất cao ở Rạch Giá, Sóc Trăng và Trà Vinh và sống bằng nghề chăn nuôi gia cầm và làm rẫy.
Công lao khai khẩn và biến đồng bằng sông Cửu Long trở nên dễ sống và trù phú thuộc về di dân gốc Việt miền Trung. Đồng bằng sông Cửu Long có 2.500 km đường sông, di dân Việt Nam đã đào thêm 2.500 km kinh rạch để khống chế lượng nước phèn và nước mặn, đồng thời cũng để giải tỏa lượng nước lụt hàng năm, nhờ đó lúa và hoa mầu đã có thể mọc được và tăng trưởng nhanh. Một cách tóm tắt, chủ quyền trên đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra  một cách tiệm tiến, tùy theo mức độ nhập cư và những biến động chính trị trong những thế kỷ 17 và 18 mà toàn bộ đất đai miền Nam thuộc về người Việt. Cũng không nên quên một phần lớn những lãnh thổ đó, trong thực tế là những vùng đất hoang, là tặng phẩm của các vua chúa Khmer cho các chúa Nguyễn.
Sự hiểu lầm càng lớn cũng bởi chính người Việt. Các sử gia Việt Nam, vì ít chịu khó quan sát và nghiên cứu, đã dựa theo những lập luận của người Pháp để nói rằng người Khmer đã có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời, trước khi có sự hiện diện của người Việt Nam.Điều này không đúng. Qua những khảo sát nhân chủng và khảo cổ, người ta chỉ tìm thấy dấu vết của người Môn, tức nền văn minh Phù Nam, nhưng chủng tộc này đã biến mất ngay sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt. Vùng Thủy Chân Lạp, nếu có, đã dừng lại tại những vùng đất cao không bị ngập lụt vào mùa nước lũ (Tây Ninh, khu Mỏ Vẹt và Châu Đốc). Nền văn minh Angkor, tức nền văn minh đền đài bằng đá tảng, hoàn toàn vắng mặt.
Những khám phá khảo cổ gần đây cho thấy những cư dân đầu tiên trên lãnh thổ miền Nam cách đây từ 8 đến 10.000 năm là người Melanesien, da đen, tóc quắn, thấp người, sinh sống bằng nghề hái lượm, nhóm này đã đồng hóa những nhóm Veda có mặt cách đây trên 15.000 năm. Về sau là các sắc dân Indonesien di cư từ miền Tây Ấn Độ, cách đây từ 2.500 đến 4.000 năm, đến lập nghiệp, nhóm này đồng hóa những nhóm Melanesien có mặt trước đó. Dấu vết người Indonesien được tìm thấy nhiều nhất tại tỉnh Đồng Nai và Kiên Giang, với những dụng cụ bằng đá và sắt. Địa bàn cư trú của những người này là những vùng đất cao, xa biển, có nhiều rừng và sông ngòi.
Vào đầu công nguyên, ở vùng địa đầu miền Nam Việt Nam, những nhóm Indonesien bản địa, người Môn, đã biết kết hợp lại để cùng nhau xây dựng vương quốc Phù Nam. Di chỉ Óc Eo ngày nay còn để lại rất nhiều di tích. Hấp dẫn bởi sự phồn vinh của Phù Nam, nhiều nhóm Malayo-Polynesien (Nam Đảo) từ vùng biển phía nam đổ bộ lên vịnh Hà Tiên sinh sống và truyền bá luôn văn hóa và tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Ấn Độ mà họ đã hấp thụ. Trong thế kỷ thứ 5, Phù Nam bị suy yếu dần vì nạn hải tặc ; đến giữa thế kỷ thứ 7, Phù Nam bị những nhóm Khmer từ cao nguyên Korat tràn xuống tiêu diệt để thành lập vương quốc Chân Lạp rồi sau đó là đế quốc Angkor. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng đất hoang, đầy thú dữ, rắn độc và ít người lui tới.
Trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất của đế quốc Angkor, trung tâm chính trị và văn hóa được thiết lập quanh Battambang và Siem Reap, nơi các đền Đế Thiên (Angkor Wat), Đế Thích (Angkor Thom) được xây dựng. Gần như tất cả dân cư sinh sống quanh trung tâm này đều bị bắt về làm nô lệ để xây dựng đền đài. Khi đế quốc Angkor bị người Xiêm La (Thái Lan) tiêu diệt giữa thế kỷ 15, chỉ vài gia đình Khmer phiêu lưu xuống đồng bằng sông Cửu Long để lánh nạn và lập nghiệp luôn. Gần như tất cả dân cư Khmer đều tập cư quanh nơi tiếp giáp Biển Hồ và sông Mekong, tức thủ đô Phom Penh ngày nay. Về sau, để tránh cảnh chiến tranh và loạn lạc, một vài gia đình đến định cư trên những gò đất cao tại Đồng Tháp và Châu Đốc ; một số khác phiêu lưu trên những nhánh sông Cửu Long để rồi định cư trên những giồng đất cao tại Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu.
Chủ quyền trên đất Đồng Nai chỉ chính thức được nói tới dưới triều Paramaraja III (1566-1576), tức vào nửa cuối thế kỷ 16. Lý do là lúc đó Paramaraja III muốn ngăn chặn sự xâm nhập của người Champa (Chăm và Thượng) vào sâu trong nội địa của người Khmer tại Barea (Bà Rịa) và Daung Nay (Đồng Nai), đã đưa quân tới lập đồn tại Prei Nokor, tức "khu rừng của vua". Trong quá khứ, Chiêm Thành và Chân Lạp đã nhiều lần tranh chấp và xâm chiếm lãnh thổ lẫn nhau nên cử quân đến ngăn chặn sự xâm nhập này là lẽ thường tình. Đi theo đoàn quân viễn chinh Khmer là một vài gia đình nông dân Khmer phiêu lưu, một số đến định cư tại Prei Nokor, số còn lại đến Tuol Ta Mauk (Thủ Dầu Một) và Kanhchoeu (Cần Giờ) lập nghiệp. Khi Paramaja từ trần (1576), những toán quân Khmer đồn trú tại Prei Nokor rút về nội địa, chỉ còn lại một số gia đình Khmer tiếp tục ở lại khai phá đất hoang, vì năm 1620 khi phái đoàn hộ tống công chúa Ngọc Vạn về quê chồng đến Prei Nokor dựng đồn, họ không gặp sự chống cự nào cả và còn lập thêm một trạm thu mua khác duới tên Kompong Krabei. Những gia đình Khmer sinh sống tại Prei Nokor trước đó dời sang những vùng đất khác (Phú Lâm, Tân An) canh tác.
Cũng nên biết Prei Nokor và Kampong Trabei trước 1620 chỉ là địa danh nhỏ nằm cạnh sông Sài Gòn giữa vùng sình lầy, đầy rắn rít, muỗi mòng và thú dữ ; mỗi làng có độ mươi nóc gia, kiểu nhà sàn được dựng lên ở những gò đất cao. Người Khmer sống bằng nghề làm rẫy, săn bắt thú rừng và đánh cá, họ sống độc lập với các vương triều Khmer nằm sâu trong nội địa và không phải đóng thuế cho ai cả. Lằn ranh phân chia xứ Đàng Trong với Chân Lạp trong giai đoạn này cũng chưa có, vì vùng đất tận cùng phía Nam của xứ Đàng Trong cho tới năm 1611 dừng lại ở đèo Cả (Phú Yên), vùng đất từ Khánh Hòa và Bình Thuận vẫn còn thuộc Chiêm Thành. Mỗi khi đến Chân Lạp, người Việt phải dùng thuyền đi từ Phú Yên dọc bờ biển vào cửa Cần Giờ, theo sông Sài Gòn đến Thủ Dầu Một, rồi từ Thủ Dầu Một dùng xe bò di chuyển đến Oudong, cách đó khoảng 100 km. Lãnh thổ Đồng Nai vẫn còn xa lạ đối với người Việt trong giai đoạn này.
Vừa kết nghĩa sui gia xong, Jayajettha II dời đô lên Oudong phía Tây Bắc trong mục đích chiếm lại những vùng đất đã mất vào tay quân Xiêm La trong vùng Biển Hồ (Tonlé Sap). Nhưng sự trở mặt của vương triều Đông Chân Lạp khiến Ayutthaya nổi giận, năm 1622, quân Xiêm La tiến vào Oudong nhưng bị Jayajettha II, chỉ huy quân đánh bộ, và đoàn quân hộ tống hoàng hậu Ang Cuv dùng thủy binh, đẩy lùi. Sau chiến công này, năm 1623, chúa Sãi yêu cầu vua Khmer nhường Prei Nokor và Kampong Krabei (Gia Định và Bến Nghé) trong vòng 5 năm để lập trạm thu mua gạo, voi, trâu và ngựa mang về Thuận Hóa. Nhận thấy sự có mặt của người Việt tại đây là một bảo đảm về mặt an ninh ở phía Đông Nam, Jayajettha II liền ưng thuận. Năm 1627, Jayajettha II từ trần, con là Sri Dhammaraja I lên ngôi, Ang Cuv trở thành hoàng thái hậu ; chúa Sãi cử thêm hai quan văn võ cùng 500 binh lính sang bảo vệ.
Sự hiện diện của binh sĩ Việt Nam ngay tại hoàng cung làm Dhammaraja mạnh dạng thêm, nhà vua chuẩn bị lực lượng tấn công quân Xiêm đồn trú tại Angkor. Thời hạn khai thác Prei Nokor và Kampong Trabei không còn được nhắc tới nữa và có thể kéo dài vô hạn định. Nhưng Dhammaraja bị chú là Paramaraja giết năm 1632, nội bộ Đông Chân Lạp trở nên loạn lạc, vai trò của hoàng thái hậu Ang Cuv càng thêm quan trọng. Sau khi ủng hộ Ramadhipati I lên ngôi năm 1642, bà Ang Cuv được nâng lên hàng thái mẫu và có quyền hành ngang hàng nhà vua. Quan hệ giữa hai triều đình ngày càng thắt chặt.
Năm 1665 có khoảng một ngàn người Việt gồm những gia đình binh sĩ đồn trú cùng những tội phạm biệt xứ được đưa vào Prei Nokor và Kampong Trabei khai phá đất hoang. Nhờ sự cần cù và chịu khó, vùng đất này trở nên trù phú, thương nhân Việt đến dựng trạm thu mua và người Khmer ở các vùng lân cận cũng đến dựng nhà buôn bán. Tình trạng này không thay đổi cho tới gần nửa cuối thế kỷ 17, nhưng người Việt vẫn không dám ra xa khỏi khu vực vì sợ thú dữ và cảnh rừng thiêng nước độc.
Khai phá miền Đông (khu vực tả ngạn sông Cửu Long)
Sự di dân ồ ạt của người Việt chỉ bắt đầu từ sau 1679, khi hai vị tướng nhà Minh, Dương Ngạn Địch (Tổng binh quận Long Môn, tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa) cùng phó tướng Hoàng Tiến, và Trần Thượng Xuyên (Tổng binh các quận Cao-Lôi-Liêm, tỉnh Quảng Đông) cùng phó tướng Trần An Bình, không chịu hàng nhà Thanh mang binh đoàn Trường Phát (tóc đuôi sam dài) gồm 3.000 người, trên 50 chiến thuyền, đến cửa biển Tu Dung (Đà Nẵng) xin chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho tị nạn.
     Sau nhiều ngày bàn cãi, chúa Hiền cử Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Đình Phái, dẫn binh đoàn Trường Phát vào miền Đông (miền đông sông Cửu Long) khẩn hoang lập ấp. Hai tướng Minh triều cũ chia quân làm hai toán, rẽ thuyền vào thẳng miền Đông. Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến đem binh thuyền vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu, đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Trần Thượng Xuyên (còn gọi là Trần Thắng Tài) và Trần An Bình cùng binh sĩ dừng lại ở cù lao Phố (còn gọi là Nông Nại Đại Phố, tức Đồng Nai đại phố), Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (đất Gia Định cũ) lập nghiệp. Hay tin này nhiều gia đình người Minh Hương đã đến xứ Đàng Trong (miền Nam Đại Việt) tị nạn trước đó và đã được định cư trong những làng xã dọc bờ biển miền Trung đã gia nhập cùng hai binh đoàn này vào tái định cư ở miền Đông.
Từ đó hai đoàn quân Minh triều cũ cùng với người Minh Hương vỡ đất phá rừng, đàokinh, cất phố, lập chợ, đưa văn hóa, văn minh và kỹ thuật cao của Trung Hoa vào thẳng miền Nam Việt Nam. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông (những vùng đất cao cạnh mé sông) và tập trung khai thác những vùng đất mới. Trong lúc chạy loạn những quân nhân này không mang theo gia đình, tài sản riêng đã lấy vợ là người địa phương (gái Việt con cái của những gia đình nông dân nghèo đã đến từ trước, và gái Khmer con cái của của cư dân Thủy Chân Lạp), sinh con đẻ cái và định cư vĩnh viễn tại đây.
 Tại những nơi này, hai đoàn quân Minh triều cũ vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông và tập trung khai thác những vùng đất mới. Trong lúc chạy loạn, những binh sĩ này không mang theo gia đình cùng tài sản, một số đã lập gia đình với phụ nữ Việt tại Gia Định. Sau khi ổn định cư trú, Trần Thượng Xuyên kêu gọi những gia đình Minh Hương khác cập bến tại Đông Nam Á đến hội cư và cho phép một số binh sĩ lén về Hoa lục mang gia đình vào lập nghiệp. Từ năm 1682 trở đi, vùng đất sình lầy tại Gia Định và Cửa Đại trở nên phồn thịnh, thương thuyền các quốc gia phương Tây, Mã Lai và Nhật Bản vào buôn bán rất đông. Sự phát triển này độc lập với Phú Xuân vì quan hệ giữa quân Minh triều cũ và chúa Nguyễn trong giai đoạn này rất là giới hạn.
Cùng đến với đoàn quân Trường Phát này là những gia đình nông dân Việt nghèo khómiền Trung, họ dùng thuyền nan đi dọc theo bờ biển vào đất Đồng Nai khai hoang, dựng nhà, lập ấp, xây dựng đời sống mới. Miền Đông (tức phía Đông sông Cửu Long, còn gọi là Miễn tý) thời này đất đai còn thưa rộng và hoang dã (rừng thiêng nước đọng, đầy muỗi mòng và thú dữ).
Trong giai đoạn này sự phân chia lãnh thổ cư trú giữa các thành phần chủng tộc cũng khá đặc biệt. Quân và lưu dân Việt Nam trú đóng ở tả ngạn sông Đồng Nai, tức mạn bắc Sài Gòn (Bà Rịa và Bến Nghé). Quân Minh triều cũ và người Minh Hương đồn trú tại Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho và Định Tường. Dân chúng Khmer tập trung tại Phú Lâm và các làng xã dọc hai bờ sông Cửu Long, đông nhất là tại Sóc Trăng. Ba thành phần sắc tộc này, do điều kiện sinh kế, sống xen kẽ và nương tựa lẫn nhau. Người Khmer thích ở nhà sàn, định cư trên những vùng đất cao (giồng), người Việt và Hoa thích nhà trệt và sống trong các vùng đất thấp (đồng bằng). Sự giao lưu giữa ba thành phần này có lúc rất hài hòa nhưng cũng có lúc rất gay go vì ngôn ngữ và văn hóa bất đồng.
Năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Kính làm Kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông, ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lấy đất Biên Hòa lập Trấn Biên dinh và đất Gia Định lập Phiên Trấn dinh. Nguyễn Hữu Kính chiêu mộ lưu dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên) vào khai khẩn đất hoang. Từ đó toàn bộ đất đai miền Đông được sát nhập vào sổ bộ Việt Nam. Những thành phố, làng xã mang tên Khmer đều được phiên âm ra tiếng Nôm (dựa theo cách phát âm của người Hoa).
Theo Trịnh Hoài Đức (Gia Định thành thông chí), vào đầu thế kỷ 18, đất Gia Định rộng 1.000 dặm (ta), dân số ước hơn 40.000 hộ (khoảng 200.000 người), đa số là lưu dân Việt sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt thủy sản, số còn lại là người Hoa và Khmer sinh sống bằng nghề buôn bán và làm rẫy.
Kể từ sau 1698, di dân Việt từ các tỉnh miền Trung được khuyến khích vào khai thác các vùng đất mới (từ 1693 một hành lang được mở trực tiếp từ Bình Thuận xuống Bà Rịa) và tham gia trực tiếp các sinh hoạt tại Đông Phố. Năm 1710, theo giám mục Labbé, số người Việt được ước lượng khoảng 20.000 người, phần lớn tụ cư tại Tiền Giang và Đông Nai (được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú sát nhập năm 1733). Mặc dù vậy khu vực định cư định canh của mỗi địa phương giống như các đốm da beo: người Việt và người Hoa di cư chỉ tụ cư ở những vùng đất thấp, cạnh những trục giao thông ; sau khi đã ổn định đời sống những người này mới nới rộng khu vực canh tác sang các vùng lân cận. Lằn ranh hành chánh phân chia giữa các địa phương chính vì vậy thường không rõ ràng, nó tùy thuộc nơi canh tác cuối cùng của mỗi địa phương và thay đổi dần theo thời gian khi một đình làng mới được thành lập.
Khai phá miền Tây (khu vực hửu ngạn sông Cửu Long)
Sau khi nhà Thanh thống lãnh toàn bộ lục địa Trung Hoa năm 1644 và chiếm đảo Đài Loan năm 1683, hàng ngàn binh lính nhà Minh đồn trú dọc các tỉnh duyên hải Đông Nam đã đi trên 200 chiến thuyền xuống Đông Nam Á tị nạn, trong đó khoảng 50 thuyền đến xứ Đàng Trong và được đưa vào miền Nam (1679) lập nghiệp, số còn lại phân tán trên các nước khác, đông nhất là tại Xiêm La. Phần lớn các cựu binh sĩ nhà Minh này hội nhập hẳn vào các xã hội phương, chỉ một số nhỏ hành nghề buôn bán hoặc cướp biển.
Năm 1681 một toán di dân theo Mạc Cửu đổ bộ lên đảo Koh Tral (Phú Quốc), rồi vào đất liền dùng đường bộ đi từ Kampot, qua Banteay Meas, đến Oudong tiếp kiến vua Jayajettha III, lúc đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn. E ngại sự hiện diện của nhóm người Hoa này bên cạnh triều đình, Jayajettha III liền giao cho Mạc Cửu cai quản trị vùng đất rộng lớn trong vịnh Thái Lan. Tại đây, vì không phải là những nông dân chuyên nghiệp, Mạc Cửu liền thành lập bảy sòng bạc dọc bờ biển, từ Peam (Hà Tiên), Long Kỳ (Preah Bat) đến Cần Bột (Kampot), Hương Út (Kampong Som), Sài Mạt (Banteay Meas), Linh Quỳnh (Prei Angkunh) và Koh Tral, để thu hút số tiền bạc và hàng hóa của các tay cướp biển Trung Hoa đang tung hoành trong vịnh Thái Lan. Chẳng bao lâu vùng đất này trở nên trù phú, đảo Koh Tral đổi thành Phú Quốc và làng Peam, bản doanh của Mạc Cửu, mang tên Căn Khẩu Quốc. Đất lành chim đậu, di dân người Hoa từ khắp nơi xin vào định cư rất đông và làm phát triển thêm vùng đất mới, Mạc Cửu trở thành một thế lực đáng kể trong vùng. Thế lực mới này khiến Ayutthaya lo sợ.
Đầu thế kỷ 18, vua Xiêm, Trình Quốc Anh, một người Hoa gốc Triều Châu, tấn công vào Căn Khẩu Quốc, Mạc Cửu thua phải rút về Hà Tiên tử thủ. Chịu không nổi áp lực ngày càng đè nặng của Xiêm La, năm 1708 Mạc Cửu cho người vào Diên Khánh cầu cứu nhưng không được tiếp đón ân cần vì Minh vương Nguyễn Phúc Trăn đang bận chống quân của chúa Trịnh tại Phú Xuân. Lo sợ bị bỏ rơi, năm 1714 Mạc Cửu chính thức xin thần phục chúa Nguyễn Phúc Trăn, liền tức thì tư cách thần dân của Mạc Cửu được công nhận và còn được phong làm tổng binh cai quản Căn Khẩu Quốc. Sau nhiều năm bao vây căn cứ Hà Tiên nhưng không phá được, quân Xiêm phá hủy toàn bộ những làng mạc và các sòng bài quanh đó rồi rút về nước năm 1715.
Năm 1717 quân Xiêm lại tiến công vào Căn Khẩu Quốc, Mạc Cửu chạy vào Gia Định cầu cứu. Giọt nước đã làm tràn ly, năm 1724 Minh vương cất đại binh tiến vào Căn Khẩu Quốc, đánh bại quân Xiêm và thu hồi lại một số xã bị chiếm đóng, nhân dịp này Mạc Cửu dâng toàn bộ lãnh thổ do ông cai trị vào xứ Đàng Trong. Căn Khẩu Quốc được chúa Nguyễn đổi thành Long Hồ dinh và năm 1732 thành trấn Hà Tiên, dòng họ Mạc được phong chức đô đốc cai trị Căn Khẩu Quốc. Con cháu Mạc Cửu sau này, đặc biệt là Mạc Thiên Tứ, ra sức bảo vệ và nới rộng miền đất này vào sâu nội địa đồng bằng sông Cửu Long để tỏ lòng thành với triều đình nhà Nguyễn đã không bạc đãi tổ tiên họ trong lúc khó khăn.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ cho người khai khẩn đất hoang và sát nhập vào trấn Hà Tiên bốn huyện mới: Long Xuyên, Kiên Giang (Kramoun Sar), Trấn Giang (Cà Mau) và Trấn Di (Bạc Liêu). Năm 1755, Mặc Thiên Tứ đỡ đầu Ang Snguon (Nặc Nguyên), một vương tôn Khmer chống chúa Nguyễn bị thua và xin hàng. Để tạ ơn, Ang Sngoun tặng riêng Mạc Thiên Tứ đất Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên), một hình thức hợp thức hóa bốn huyện do Mạc Thiên Tứ thành lập từ 1739, vì trong thực tế Chân Lạp đã mất quyền quản trị.
Trong khi đó tình hình Chân Lạp lại rối loạn sau cái chết của Ang Snguon (1758), các vương tôn tranh quyền và sát hại lẫn nhau. Một vị vương, Ang Ton (Nặc Tôn), nhờ Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn đưa lên ngôi. Sau khi thành công Ang Ton tặng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc) cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát để tạ ơn và tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ một vùng đất rộng lớn dọc bờ biển trước kia bị quân Xiêm chiếm đóng: Vũng Thơm (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Choan Kanhchom), Sài Mạt (Bantaey Meas) và Linh Quỳnh (Prei Angkunh). Tất cả năm địa danh mới này được Mạc Thiên Tứ sát nhập vào trấn Hà Tiên, trực thuộc lãnh thổ Đàng Trong. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chia các vùng đất miền Tây sông Cửu Long ra thành ba đạo: Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang). Trấn Hà Tiên được sát nhập vào phủ Tầm Bào (Vĩnh Long) trực thuộc Châu Đốc đạo.
Đối với người Việt Nam, cuộc Nam tiến đến năm 1758 coi như hoàn tất ; toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đặt dưới quyền cai trị của các vua quan người Việt.
Quá trình xác định lằn ranh phân chia lãnh thổ tại miền Nam
Năm 1768, toàn bộ lãnh thổ miền Nam được chia thành ba tỉnh: Đồng Nai (bao gồm các vùng đất miền Đông), Sài Gòn (bao gồm các vùng đất từ sông Sài Gòn đến cửa Cần Giờ) và Long Hồ (bao gồm các vùng đất miền Tây). Ranh giới của mỗi địa phận và mỗi địa danh trong giai đoạn này không rõ ràng, phần lớn giới hạn ở bìa đất canh tác cuối cùng, thường không xa bao nhiêu khu vực trung tâm. Quan niệm về không gian sinh tồn của người Kinh được triệt để tôn trọng, người Việt và người Hoa không vào những vùng đất đã có người Khmer cư ngụ, mà chỉ thành lập làng xã ở vùng kế cận theo kiểu da beo. Công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long của người Việt vào sâu trong nội địa đồng bằng sông Cửu Long bị gián đoạn dưới thời Tây Sơn và chỉ tiếp tục dưới thời nhà Nguyễn từ 1802 đến 1859.
Năm 1803, vua Gia Long củng cố Châu Đốc và cho đào hai con kinh: từ Châu Đốc đến cửa biển Hà Tiên (kinh Vĩnh Tế) và từ Châu Đốc đến sông Hậu Giang (kinh Vĩnh An), hai con kinh này được coi là lằn ranh phân chia miền Nam với Chân Lạp tại cửa khẩu Châu Đốc. Lằn ranh này cắt đứt quan hệ giữa Oudong với các nhóm Khmer sinh trú giữa lưu vực hai sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Lợi). Năm 1835 Minh Mạng hủy bỏ qui chế tự trị của các nhóm dân cư Khmer sinh sống tại miền Nam và sát nhập lãnh thổ của họ vào Đại Việt dưới tên Ba Xuyên, gồm ba huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Dinh ; dân cư tại đây đa số là người Khmer, về sau có thêm các nhóm Triều Châu xen kẽ.
Về phía Tây, từ 1840 nhiều đồn canh được dựng lên từ Trảng Bàng đến dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) để ngăn chặn sự xâm nhập của những nhóm Khmer bị vương triều Oudong đánh đuổi hay người Stieng xuống đồng bằng trao đổi hàng hóa. Di dân Việt được khuyến khích lên Thủ Dầu Một khai thác đất hoang, nhưng đến 1859 thì ngừng lại vì quân Pháp bắt đầu thám hiểu lưu vực sông Đồng Nai và Mékong ở phía Tây tìm đường vào miền Nam Trung Quốc. Trên đường thám hiểm, quân Pháp lần lượt bình định và chiếm hữu những vùng đất mới nằm sâu trong nội địa Đông Dương.
Hòa ước ngày 17/2/1859 là một đòn chí tử giáng vào quyết tâm mở rộng miền Nam của người Việt, thành Gia Định lọt vào tay quân Pháp và Tây Ban Nha. Nhiều đoàn thám hiểm được cử vào thám thính các vùng rừng núi phía Tây để thiết lập lằn ranh phân chia ba tỉnh miền Đông với Cambodge. Bản đồ sáu tỉnh miền Nam liền được Ariès, chỉ huy trưởng quân đội Pháp tại Sài Gòn, vẽ xong ngày 16/9/1860. Hai năm sau, quân Pháp lần lượt chiếm các thành Mỹ Tho, Biên Hòa và Vĩnh Long và buộc triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền Đông (hòa ước Nhâm Tuất năm 1862): Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
Hòa ước 1862 đã làm nhiều sĩ phu Việt Nam bất mãn, một số đã rút vào vùng rừng núi Bà Đen và vùng sình lầy Đồng Tháp kháng chiến. Sự kiện vua Norodom nhờ quân Pháp giữ vững ngai vàng và nhận sự bảo hộ (11/8/1863) đã khiến một số hoàng thân Khmer tức giận và rút vào rừng sâu kháng chiến. Trương Công Định, A Soa và Po Kombo đã tổ chức nhiều cuộc phục kích và gây thiệt hại cho các đoàn thám hiểm trong vùng rừng núi Tây Ninh và khu sình lầy Đồng Tháp ; sự kiện này khiến Pháp quyết tâm chiếm trọn những phần đất miền Nam còn lại. Năm 1867, trong vòng năm ngày, quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) và buộc nhà Nguyễn ký hiệp ước Giáp Tuất (1874), nhượng hẳn sáu tỉnh miền Nam để làm thuộc địa và Pháp thay mặt triều đình Huế ký kết các văn kiện ngoại giao (kể cả việc phân định biên giới với các lân bang).
Việc làm đầu tiên của chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ là vẽ bản đồ phân chia khu vực hành chánh tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cử nhiều phái đoàn đi khắp nơi tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, thời gian lưu trú của mỗi nhóm dân cư, để thiết lập bản đồ phân chia khu vực biên giới giữa Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cambodge. Qua các cuộc hành quân tảo thanh các ổ chống cự của sĩ phu Việt Nam và kháng chiến quân Khmer trong vùng rừng núi phía Tây, từ 1862 đến 1867, người Pháp khai sinh thêm hai tỉnh mới: Tây Ninh và Đồng Tháp (1867). Từ đó nhiều đoàn thám hiểm được cử đi dọc các sông Mékong và các phụ lưu ở tả ngạn (Prek Chhlong, Prek Tê), sông Vàm Cỏ, sông Bé và sông Đồng Nai, để vẽ đồ hình và lập đồn bót mở rộng thêm tầm kiểm soát.
Chính lúc này Pháp mới nhận thấy tầm quan trọng của Cambodge trong sự ổn định của khu vực. Về địa lý chiến lược, Cambodge là khu vực trái độn giữa hai thế lực Xiêm La và Đại Việt. Sau khi biết rõ chỗ yếu của Đại Việt và có thể kềm chế được, Pháp tập trung sức lực loại bỏ ảnh hưởng của Xiêm La trên đất Chùa Tháp để độc quyền bảo hộ xứ này. Đối với Pháp, Xiêm La là kẻ thù trực tiếp của Cambodge nhưng Đại Việt là một đối thủ nguy hiểm hơn vì đã từng xóa bỏ vương quốc Champa, nếu không ngăn chặn kịp thời hai thế lực này thì vương quốc Chân Lạp đang suy yếu này cũng có thể bị xóa bỏ luôn. Nhất là từ sau 1851, khi nhà thám hiểm Mouhot tình cờ khám phá lại các đền đài của nền văn minh sáng chói thời đế quốc Angkor bị cỏ cây phủ lấp tại Siemreap, Pháp muốn được nhìn nhận là thế lực phương Tây độc quyền phục hồi lại nền văn minh này.
Ngày 11/8/1863, Pháp chính thức ký với vua Norodom I hiệp ước bảo hộ. Tên vương quốc Chân Lạp được Pháp hóa thành Cambodge (Cambodia). Tên này xuất phát từ chữ Kambuja, tức quê hương con cháu Kambu (thủ lãnh người Khmer trên cao nguyên Korat thế kỷ 5) mà ra. Ngày 15/7/1867, Xiêm La ký với Pháp một hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Pháp tại Cambodge, bù lại Pháp không được chiếm hữu bất cứ một vùng đất nào tại Cambodge.
Sau nhiều "trục trặc ngoại giao" với Xiêm La, từ tháng 6 đến tháng 12/1867, Pháp chính thức sát nhập toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long vào lãnh thổ Nam Kỳ, trừ khu vực Mỏ Vẹt. Một vùng biên giới dài từ phía Bắc Tây Ninh đến bờ biển Hà Tiên với Cambodge được ấn định.
Tại miền Nam, Pháp đã lần lượt sát nhập từ 1869 đến 1872 các tỉnh Đồng Nai Thượng, Trảng Bàng, Sông Bé, Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông và Tây, Đồng Tháp Mười, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vào lãnh thổ Nam Kỳ. Ranh giới phân chia Nam Kỳ và Trung Kỳ được ấn định từ Bà Rịa, Đồng Nai Thượng, Sông Bé và Tây Ninh. Di dân người Việt từ các tỉnh miền Nam Trung Kỳ trong thời kỳ này được khuyến khích vào Nam lập nghiệp rất đông, nhất là tại An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh. Người Hoa gốc Triều Châu cũng nhân cơ hội vào định cư cạnh những làng Khmer và Việt.
Sau nhiều thương lượng gay go với vua Norodom, thực ra là giữa người Pháp tại miền Nam và người Pháp cố vấn Norodom, một công ước chung về biên giới giữa Nam Kỳ và Cambodge được ký ngày 15/7/1873, theo đó làn ranh phân chia hai nước được xác định bởi những cột mốc cụ thể và những dấu chấm trên bản đồ một cách rõ ràng. Mặc dù vậy khu vực ranh giới tại Tây Ninh vẫn còn rắc rối cho tới 1896 mới chấm dứt. Lãnh địa Hà Tiên có từ thời Mạc Thiên Tứ (thế kỷ 18) bị thu hẹp lại, theo sự cố vấn của các chuyên gia Pháp tại Phnom Penh các thành phố Kampot, Kompong Som được giao lại cho Cambodge để có đường ra biển, bù lại đảo Phú Quốc được sát nhập vào Nam Kỳ. Dụ ngày 12/3/1914 của vua Sisowath xác nhận những phân chia này.
Về lãnh hải, thông tư số 867/API ngày 31/1/1939, do toàn quyền Nam Kỳ Brévié ban hành, chia những đảo nằm phía Bắc đường thẳng góc từ khu vực bờ biển giữa biên giới Cambodge và Nam Kỳ tạo thành một góc 140 G với kinh tuyến Bắc, tức 126° chéo với kinh tuyến Bắc thuộc Cambodge ; những hải đảo nằm ở phía Nam đường này thuộc Nam Kỳ. Đường phân chia này đi vòng đảo Phú Quốc (giữa kinh tuyến 104° và vĩ tuyến 10°5) cách bờ biển 3 km.
Từ sau 1939, khu vực biên giới tren đất liền dài trên 1.100 km và biển cả giữa Nam Kỳ (thuộc Việt Nam sau 1954) và Cambodge trên lý thuyết đã được ổn định nhưng trong thực tế vẫn chưa ổn thỏa. Những tranh chấp về ranh giới, chính trị hay quân sự, từ 1954 đến nay thể hiện phần nào sự bất ổn đó. Người Khmer không ngừng tố cáo người Việt chiếm đất của họ và đã làm mọi cách để làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Chính sách bài Việt Nam của các lãnh tụ chính trị Khmer gần đây trong các cuộc tranh cữ cần được ghi nhận với tất cả sự nghiêm trọng của nó.
Tháng 2/1958 khi hải quân Khmer đơn phương chiếm đóng các đảo Hòn Tai và Hòn Tre Nam và tháng 3/1960 chiếm đóng quần đảo Phù Du gồm Hòn Nang Trong và Hòn Nang Ngoài để chuẩn bị cho phe cộng sản Bắc Việt đưa người người và vũ khí vào miền Nam. Liền tức thì hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm lại các hòn đảo nói trên và kiểm soát luôn mọi ngỏ ra vào bằng đường biển của Cambodge trong Vịnh Xiêm La, những tàu thuyền bị tình nghi chuyên chở vũ khí từ Bắc Việt đều bị ngăn chặn và lục soát, không vào cảng Sihanoukville (Kompong Som) xuống hàng. Sự kiểm soát này càng làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước, nó chỉ chấm dứt sau năm 1975 khi lực lượng hải quân Việt Nam di tản ra nước ngoài. Liền tức thì lực lượng hải quân Khmer đỏ ra chiếm một số hải đảo quanh đảo Phú Quốc cho đến cuối năm 1978 thì bị hải quân Việt Nam lấy lại.
Nguyên nhân của những trở ngại về đường biên giới
Phải trở lại thập niên 1960 để hiểu nguyên nhân.
Từ khi được Pháp đưa lên làm vua ngày 24/4/1941, Norodom Sihanouk luôn tỏ ra là một người rất lanh lợi. Ông đạt được tất cả những gì mong muốn cho dân tộc ông và cho chính ông mà không phải đổ mồ hôi và máu, không những thế còn được trọng vọng và kính nễ. Về độc lập dân tộc, ông đã hù dọa chính quyền thuộc địa Pháp nếu không trả độc lập cho Cambodge thì ông sẽ ngã theo Việt Minh, kết quả Cambodge đã có độc lập mà không đổ một giọt máu nào. Trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-1975), ông đã giữ Cambodge được trung lập cho tới 1970, rồi tị nạn tại Trung Quốc từ 1971 đến 1991 nhưng vẫn giữ được ngôi vị. Khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị Việt Nam đánh đuổi ra khỏi nước, ông không hề bị dư luận Khmer lên án vì đã ủng hộ Khmer đỏ chống lại Lon Nol, Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ. Sau Hiệp định Paris 1991, ông tiếp tục lên làm vua cho tới cuối năm 2004, sau khi nhường ngôi cho con là Sihamoni.
Tham vọng của Sihanouk là phục hồi lại quá khứ vàng son của đế quốc Angkor (từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14), nghĩa là sự lớn rộng của vương quốc Cambodia dự đoán từ đồng bằng sông Cửu Long lên miền Nam Lào rồi từ Tây Nguyên đến tả ngạn sông Menam. Để đạt tham vọng này, ông đã nhờ tay người Pháp lấy lại những vùng đất đó, nhưng không mấy thành công. Đến nay Sihanouk vẫn không bằng lòng với lãnh thổ và khu vực biên giới như ngày nay. Vì Tây Nguyên, Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái không trù phú, Sihanouk chuyển tầm nhìn về đồng bằng sông Cửu Long. Đầu thập niên 1960, ông đỡ đầu một trí thức trẻ và thông minh, Sarin Chhak, sang Pháp làm luận án tiến sĩ về đề tài "Những Vùng Biên Giới Của Cambodge" ; luận án được trình tại Trường Khoa Học Chính Trị (Sciences Politiques) Paris năm 1965, chứ không phải tại các trường Luật, do đó những lập luận mang tính công pháp quốc tế đã rất giới hạn.
Sarin Chhak phản đối làn ranh phân chia Nam Kỳ và Cambodge do Pháp ấn định trước đó. Ông bác bỏ nguyên tắc uti possidetis juris, nghĩa là không chấp nhận những lằn ranh đã được ấn định dưới thời Pháp thuộc. Ông viện cớ Cambodge là một quốc gia được bảo hộ nhưng còn chủ quyền trong khi Nam Kỳ (Cochinchine) là một thuộc địa, do đó không có tư cách công pháp quốc tế để xác định làn ranh với mà quốc gia có chủ quyền. Nhưng khi bác bỏ nguyên tắc này, Sarin Chhak vẫn giữ lại những gì có lợi cho Cambodge chứ không bỏ hết, thí dụ như phần lãnh thổ phía Tây và phần lãnh thổ phía Bắc do Pháp giành lại từ trên tay người Xiêm La năm hay từ Lào năm 1893.
Đối với Sarin Chhak, biên giới của Cambodge chỉ bắt đầu từ khi được Pháp bảo hộ, nghĩa là sau ngày 11/8/1863. Nhưng ông phản đối những văn bản xác định khu vực ranh giới giữa Nam Kỳ và Cambodge, chẳng hạn như các hiệp ước ngày 9/7/1870 về ranh giới các tỉnh Tây Ninh và Thủ Dầu Một, hiệp ước ngày 15/7/1873 về Hà Tiên, Kinh Vĩnh Tế và Châu Đốc, sắc lệnh ngày 22/7/1893 về khu vực Lộc Ninh, Phước Lễ. Ngược lại ông không chống lại những dụ của vua Norodom tán thành những ký kết đó, thí dụ như dụ ngày 13/4/1914 xác nhận lằn ranh phân chia tỉnh Kompong Cham với tỉnh Thủ Dầu Một trong đó Lộc Ninh và Phước Lễ thuộc Nam Kỳ và lằn ranh phân chia lãnh hải tại Hà Tiên và đảo Phú Quốc với tỉnh Kampot.
Để cụ thể hóa, Sarin Chhak phác họa lại bản đồ ranh giới Cambodge và Việt Nam, theo đó tỉnh Darlac (Đắc Lắc), toàn khu hữu ngạn sông Bé đến Thủ Dầu Một, toàn bộ tỉnh Tây Ninh và Long An (khu Mỏ Vẹt) và vùng đất phía Tây thị xã Hà Tiên (xã Sa Kỳ) thuộc Cambodge. Dựa theo phác họa này, đầu năm 1967 chính quyền Sihanouk chính thức công bố khu vực biên giới Cambodge-Việt Nam. Không ngờ tấm bản đồ mới này của Sihanouk trở thành kim chỉ nam hành động của người Khmer cực đoan.  Cái kẹt của người Việt Nam nói chung và chính quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay là chịu trách nhiệm về sự liên tục: các chính quyền cộng sản Việt Nam lúc đó là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vì nhu cầu tiến chiếm miền Nam, đã chính thức công nhận lằn ranh này ngày 31/5/1967 và 8/6/1967. Có thể nói phác họa của Sarin Chhak đã là nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp về lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia từ 1967 đến nay. Những nhóm Khmer chống đối lại hiệp ước về biên giới năm 1985 đã dựa vào những nhìn nhận này để bắt bí.
Cũng không phải tình cờ năm 1964 Sihanouk giúp đỡ phong trào Fulro Thượng tại Việt Nam. Khi cho thành lập tổ chức Fulro, dưới quyền điều động của Les Kosem, một sĩ quan nhày dù gốc Chăm tại Cambodge, Sihanouk ngấm ngầm giúp đỡ các nhóm Fulro Thượng như cho, lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình tại Camp Le Roland (Bốt Chá) trong tỉnh Mondolkiri. Khi mưu sự không thành, năm 1969 Sihanouk cho Les Kosem bắt cóc Y Bham Enuol, lãnh tụ Fulro Thượng, về giam lỏng tại Phnom Penh vì sợ hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Mục đích của Sihanouk là khuyến khích các nhóm Fulro Thượng thành lập một lãnh thổ tự trị trên Tây Nguyên, nếu thành công vùng đất này chắc chắn sẽ thuộc về Sihanouk vì phong trào này do chính ông khai sinh và nuôi dưỡng. Nhìn kỹ trên bản phác họa của Sarin Chhak, tỉnh Đắc Lắc nằm trong khu vực tranh chấp giữa Campuchia và Việt Nam.
Năm 1970, quân đội Cambodge rút về bảo vệ thủ đô Phnom Penh, lãnh thổ Mondolkiri và Ratanakiri liền bị phe Khmer đỏ và quân đội cộng sản Việt Nam chiếm đóng, làm bàn đạp để quân Khmer đỏ tấn công Phnom Penh và bộ đội cộng sản Việt Nam lập căn cứ chuyển vận người và vũ khí vào miền Nam.
Nhưng hậu quả tức thì của phác họa Sarin Chhak này là các chính quyền Cambodge, từ Lon Nol đến Pol Pot, đều muốn cụ thể hóa lằn ranh đó trên thực địa. Năm 1970 và 1978 quân đội Khmer đã tổ chức những vụ xua đuổi và "cáp Youn" người Việt ra khỏi những khu vực mà người Khmer cho rằng là của họ, đặc biệt là tại khu Mỏ Vẹt (Tây Ninh và Svay Rieng) và Châu Đốc. Những sự kiệnđau buồn này buộc quân đội Việt Nam phải tiến sang Campuchia can thiệp và bảo vệ cộng đồng người Việt sinh sống trên lãnh thổ Cambodge trong những năm 1971 và 1979, gây ra nhiều xáo trộn bất lợi cho người Khmer.
 Từ sau khi Campuchia được Việt Nam giải phóng khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ cuối năm 1978, nhiều văn kiện chính thức về biên giới đã được ký kết: Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Kampuchia ngày 18/2/1979, trong đó điều 4 ghi rõ hai bên sẽ tiến hành những cuộc thương thảo để ký kết hiệp ước về đường biên giới quốc gia giữa hai nước trên căn bản đường biên giới hiện hành trong mục đích xây dựng một đường biên giới hòa bình và hữu nghị lâu dài giữa hai nước ; Thỏa thuận về lãnh hải ngày 20/7/1982 ; Hiệp ước về những nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới ngày 20/7/1983 ; và Hiệp ước biên giới ngày 17/12/1985 xác định lại vị trí những cộc mốc dọc suốt 200 km biên giới. Từ sau những ngày đó là những đàm phán song phương về việc cắm mốc phân ranh giữa hai nước. Điều 1 của Hiệp định hòa bình ký tại Paris ngày 23/10/1991 khuyến khích Campuchia tiếp tục hoàn tất những thỏa hiệp về biên giới với các quốc gia lân bang để bảo đảm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Nói chung, việc giải quyết các tranh chấp tại vùng biên giới đã được thương lượng theo đúng những nguyên tắc công pháp quốc tế. 
Thỏa thuận bổ túc Hiệp ước biên giới Việt Nam-Campuchia
Ngày 10/10/2005, thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ký chung một thỏa thuận bổ túc Hiệp ước biên giới giữa hai nước ngày 17/12/1985.      Tuy bản thỏa thuận này chưa được công bố, cũng có thể sẽ không bao giờ được phổ biến, nhưng dựa theo phản ứng của chính giới Campuchia, người ta cũng có thể suy đoán được nội dung. Bản thỏa thuận này nhằm giải quyết những điểm còn mập mờ của hiệp ước 1985, cụ thể là những bất đồng về lãnh thổ sau hội nghị của Ủy ban hỗn hợp xác định đường biên giới Việt Nam-Kampuchia cuối tháng 3/1999, nghĩa là khu vực biên giới giáp tỉnh Đắc Lắc của Việt Nam và tỉnh Mondolkiri của Kampuchia, đường phân chia lãnh hải giữa Việt Nam và Campuchia trong vịnh Thái Lan, đường phân ranh quanh đảo Phú Quốc. Riêng đường phân ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Svay Rieng, đặc biệt là tại làng Đôn vẫn chưa rõ ràng (có thể sẽ thuộc về Campuchia). Để có hiệu lực thi hành, nội dung bản thỏa thuận phải được quốc hội hai nước thông qua, sau đó là công tác chôn cột mốc dự trù sẽ hoàn tất vào tháng 12/2008, từ đây đến đó hai nước tiếp tục áp dụng nội dung bản thông cáo chung về làn ranh giữa hai nước công bố ngày 17/1/1995.
Trên nguyên tắc bản thỏa thuận này không có gì đáng nói, đây là một thủ tục thông thường trong các ký kết hiệp ước về biên giới nhằm bổ túc những thiếu sót trong các thương lượng trước đó. Vấn đề trở nên quan trọng khi báo chí và dư luận Campuchia, đặc biệt là các đài Việt ngữ phát thanh từ hải ngoại loan tin cựu hoàng Norodom Sihanouk tuyên bố trên trang nhà của ông sẽ không về nước và ở lại Trung Quốc "tiếp tục đấu tranh đến chết" để chống lại "sự bất công" về lãnh thổ.
Ông Sihanouk chống lại cái gì ?
Theo thông điệp dài ba trang đề ngày 15/10/2005 phát hành tại Bắc Kinh, ông Sihanouk nhắc lại chuyện ông nội của ông là Norodom Sothearos đã không được Pháp đưa lên ngôi vì muốn đòi lại đồng bằng sông Cửu Long (Kampuchea Krom), ông cũng nhắc lại việc ông không đồng ý với Pháp khi trao lại vùng đất này cho vua Bảo Đại ngày 6/4/1949 (trong thông điệp ghi là năm 1860). Đáng chú ý là ông Sihanouk nói rằng ông chưa bao giờ đồng ý với đường ranh giới Brévié.
Ông Sihanouk kết luận: "Hiện nay, chúng ta (người Campuchia) đang chia rẽ thành hai nhóm: những người nói Campuchia giành thêm được đất và những người cho rằng Campuchia bị mất lãnh thổ. Đâu là sự thật ? Vào lúc này, tôi không muốn phán xét ai đúng ai sai. Vì thế tôi không trở về tổ quốc".
Thật là khó hiểu. Chỉ khi nào bị xâm lăng hay bị áp lực người ta mới có thể nói tới mất đất, trong khi ở đây chỉ là một thỏa thuận bổ túc cho Hiệp ước biên giới ký năm 1985 trong hòa bình, làm gì có chuyện giành được hay mất đất. Lý do chính trị duy nhất trong những ký kết này, như đã ghi trong các bài tường thuật trên báo chí của hai nước, là quyết tâm "củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hai dân tộc" giữa hai chính quyền, theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
Thật ra từ khi thật sự cầm quyền năm 1941 đến nay, chưa bao giờ Norodom Sihanouk chính thức phản đối lằn ranh phân chia giữa hai nước với các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 hay nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sau 1976. Thông điệp ngày 15/10 vừa qua chỉ là lý cớ. Năm nay cựu hoàng đã 84 tuổi, ông đã nhường ngôi cho  con là nghệ sĩ múa Sihamoni từ cuối 2004 để an hưởng tuổi già trong sự sung túc mà chính quyền Trung Quốc dành cho ông tại Bắc Kinh. Đổi lại, ông phải phản đối một cái gì đó như sự phân chia lãnh hải vì tin rằng Vịnh Thái Lan có nhiều dầu khí mà Trung Quốc đang rất cần. Đương nhiên ông cũng nhờ Bắc Kinh làm áp lực với Hà Nội nhân nhượng trong các thương lượng về biên giới với Phnom Penh.
Nhưng nguy hiểm nhất là phong trào đòi lại những vùng đất mà người Khmer tưởng đã mất về tay Việt Nam trong những thế kỷ trước, nhất là phong trào bài Việt Nam đang được khơi động lại trong dư luận. Ngay sau bản thỏa thuận về biên giới được ký kết, báo chí (Moneaksikar Khmer, Cambodia Daily, Cambodge Soir) và các chính khách đối lập (Sonn San, Sam Rainsy...) tố cáo Hun Sen "bán đất" cho Việt Nam và bác bỏ nội dung những thỏa hiệp về biên giới đã ký trong những năm 1972, 1983 và 1985 mà họ cho là bất công vì lúc đó Campuchia bị Việt Nam chiếm đóng. Nhiều cụm từ xúc phạm đối với người Việt như "quân cướp Việt Nam" (choar Youn), v.v. đã được sử dụng lại.
Báo Moneaksikar, phát hành tại Phnom Penh, số ra ngày 8/4/2005 và 5/10/2005, còn tố cáo Việt Nam đã chiếm một ngôi chùa ở Khum Kak nằm sâu trong nội địa Campuchia 1500 m, do Heng Samring trụ trì trước năm 1970 ; dời các cột mốc biên giới vào sâu trong nội địa Campuchia tại Phnom Den tỉnh Takeo, tại Tuol Krasaing tỉnh Svay Rieng, tại huyện Memot tỉnh Kompong Cham từ 1979 đến nay. Đối lập Khmer còn tung tin Việt Nam đã dời biên giới vào sâu nội địa 10 cây số dọc suốt 200 cây số đường biên giới của các tỉnh phía Nam và Đông Nam của Campuchia từ 1986 đến 1988. Ủy Ban Biên Giới Cambốt (Comité des Frontières du Cambodge) còn tố cáo Việt Nam đang thuộc địa hóa Campuchia bằng cách đưa dân sang khai thác nhiều vùng đất trên lãnh thổ Campuchia, nhiều con số khó tưởng tượng được đưa ra như có từ 4 đến 4,5 triệu người Việt Nam đã định cư trên lãnh thổ Campuchia từ 1979 đến 2004.
Tất cả những tố cáo trên chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu chính trị nội bộ giữa những nhóm Khmer với nhau. Phe nào cũng muốn được người Khmer nhìn nhận là anh hùng dân tộc, vì người Khmer rất trọng những ai phục hồi dân tộc tính Khmer và thời đại Angkor vàng son. Sihanouk muốn được dân chúng Khmer nhìn nhận như là vị cha già dân tộc. Các đảng phái đối lập, vì không có chương trình tranh cử, chỉ biết đả kích chính quyền Hun Sen là tay sai của Việt Nam và tố cáo những tham vọng về đất đai của Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia để tranh thủ sự ủng hộ.
Trong thực tế, các chính khách Campuchia, kể cả cựu hoàng Sihanouk, đều không muốn dính vào các cuộc thương lượng về biên giới với Việt Nam vì sợ dư luận trong nước phản đối. Mọi người đều tìm cách đẩy chính phủ Hun Sen ra thương lượng và ký kết để sau đó tìm lý cớ để phản đối hay chống lại Hun Sen. Có điều lạ là hoàng thân Norodom Ranariddh, vừa là chủ tịch đảng Funcinpec vừa là chủ tịch quốc hội, lại ủng hộ thỏa thuận này, chỉ có bà Norodom Vacheara, con gái của Sihanouk, phó chủ tịch Hội đồng tối cao về các vấn đề biên giới được thành lập ngày 27/4/2005 vừa bị giải thể ngày 10/10/2005, cho rằng theo hiến pháp Campuchia chỉ có vua (Norodom Sihamoni) mới có quyền phê chuẩn các hiệp ước về biên giới.
Việc Sihanouk đòi lại đảo Phú Quốc lại càng vô lý. Người Khmer chưa bao giờ là một dân tộc hàng hải, họ sống quay lưng với biển cả trong suốt dòng lịch sử đã qua. Chỉ sau này, dưới thời Pháp thuộc, Sihanouk mới ý thức được tầm quan trọng của biển cả và đã nhờ Pháp giúp phục hồi lại khu vực bờ biển, và ông đã thành công.
Về lãnh hải, chính quyền Hà Nội tiếp tục duy trì làn ranh đã có dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và trả lại đảo Poulo Wai (đảo Vai), nhưng Sihanouk và giới đối lập Khmer tiếp tục phản đối sự phân chia này vì cho rằng bất công và không phù hợp với những nguyên tắc công pháp quốc tế, và phản bác luôn những văn kiện về lãnh hải đã chính thức ký kết với Việt Nam tháng 7/1982, và thỏa thuận bổ sung ngày 10/10/2005 vừa qua. Họ cũng chống đối luôn hiệp ước về lãnh hải ký giữa Việt Nam và Thái Lan ngày 11/8/1997, vì cho rằng hiệp ước này lấn chiếm hải phận của Campuchia.
Khu vực biên giới trên vùng cao nguyên
Trở lại khu vực biên giới giáp ranh hai tỉnh Rattanakiri và Mondolkiri của Campuchia với các tỉnh Kontum, Pleiku, Đắc Lắc, Sông Bé của Việt Nam, mà người Khmer cho rằng trước kia thuộc về họ. Điều này lại càng khiên cưỡng, nếu không muốn nói là khoát lác.
Sau khi làm chủ một nửa Nam Kỳ năm 1862 và bảo hộ Campuchia năm 1863, Pháp cho tiến hành những cuộc thám hiểm trên sông Mekong để tìm đường vào Vân Nam (Trung Quốc). Các đoàn thám hiểm đã lập những bản đồ và ghi chú rất kỹ càng về địa lý, dân cư và phong tục tập quán của những sắc dân mà họ đã tiếp xúc. Yếu tố xác định sự vắng mặt của người Khmer trong khu vực này, nghĩa là không có chủ quyền trên các lãnh thổ Nam Lào và Tây Nguyên, là công tác đo đạc và xác định biên giới phân chiá các nước Campuchia với Lào và Việt Nam năm 1870. Khi giúp vua Norodom xác định lại các vùng biên giới, đặc biệt là khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, những thanh tra đo đạc Pháp than phiền rằng những người (Khmer) này hoàn toàn không biết gì về lãnh thổ của họ và làn ranh phân chia giữa hai nước ; cuối cùng tất cả đều bị đuổi về. Điều này chứng tỏ người Khmer không có mặt trên những vùng đất này nên không biết gì trên lãnh thổ Tây Nguyên, nhất là khu vực tả ngạn sông Mekong.
Những báo cáo hành trình của những nhà thám hiểm Pháp từ 1867 đến 1869 đều xác nhận rằng các vùng đất dọc hai bờ sông Mekong hoặc vô chủ, hoặc dưới quyền kiểm soát của Xiêm La. Nhờ những khám phá này mà Pháp đã làm áp lực buộc quân Xiêm La rút quân về bên kia bờ hữu ngạn sông Mekong và thành lập nước Lào ngày ngày 3/10/1893. Trước những vùng đất rộng lớn không có chủ quyền này (Khong, Stung Treng, Siempang và Attopeu), toàn quyền Đông Dương Lanessan sát nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ. Sau đó vì những trở ngại về giao thông và hành chính, Pháp chia lãnh thổ Lào ra làm hai: Bắc Lào và Nam Lào, những lãnh thổ Stung Treng, Siempang, Attopeu, Darlac, Kontum và Pleiku thuộc Nam Lào. Ngày 6/12/1904 toàn quyền Paul Beau sát nhập lãnh thổ Stung Treng và Seam Pang vào Campuchia, lãnh thổ Attopeu vào Nam Lào ; lãnh thổ Darlac vào Trung Kỳ ngày 22/11/1904. Lãnh thổ Melou Prey và Tonlé Ropou được thu hồi từ tay Xiêm La năm 1902 được sát nhập vào tỉnh Stung Treng.
Việc đòi xét lại các làn ranh phân chia các tỉnh Đắc Lắc, Tây Ninh và Sông Bé là khiên cưỡng. Nếu muốn chứng minh bằng lịch sử thì những vùng đất này đặt dưới quyền triều Nguyễn từ 1828 đến 1893.
Từ một rẻo đất quanh khu vực Phnom Penh giữa thế kỷ 19, lãnh thổ vương quốc Campuchia đã được nới rộng gấp 10 lần lãnh thổ mà họ sinh sống truớc đó. Nếu giới đối lập Khmer cứ tiếp tục đòi những vùng đất khác trên lãnh thổ Việt Nam thì chỉ có hại cho Campuchia mà thôi. Cũng nên biết, giữa tháng 7/1945, Bảo Đại và chính quyền Trần Trọng Kim đã chấp nhận trên nguyên tắc giao trả cho Campuchia toàn bộ lãnh thổ miền Nam. May mắn cho người Khmer là giải pháp này đã không thành hình, nếu không toàn bộ lãnh thổ Campuchia đã bị Việt hóa vì người Việt sinh sống trên lãnh thổ miền Nam đông gấp ba lần dân số Campuchia thời đó.
Nói tóm lại, thỏa thuận ngày 10/10/2005 bổ túc Hiệp ước biên giới giữa hai nước ngày 17/12/1985 về lâu về dài có lợi cho cả hai nước. Hai dân tộc Khmer và Việt cần có một đường biên giới ổn định để cùng phát triển.
Những lý do bài Việt
Hiện nay đa số chính khách và trí thức Khmer đều có tâm lý bài Việt, và dùng những lập luận, đôi khi rất khó nghe, để kích thích sự thù hận người Việt trong giới bình dân. Tình trạng này gây một không khí ngờ vực trong quan hệ giữa người Việt với người Khmer.
Tại sao phần lớn người Khmer có tâm lý bài Việt ? Có nhiều lý do để giải thích.
Trước hết là sự khác biệt về văn hóa. Người Khmer không ghét người Thái (Xiêm La) mà chỉ thù người Việt. Người Thái, vì cùng văn hóa Ấn Độ, chỉ có thể là "đồng minh", mặc dù đã là tác giả của biết bao tai họa khiến người Khmer không cất đầu lên nổi: tiêu diệt nền văn minh Angkor, chiếm hữu toàn bộ lãnh thổ phía Tây, vơ vét tài nguyên nguyên, bắt người về làm nô lệ, bao che những thành phần diệt chủng... Nếu không có sự hiện diện của người Việt có lẽ quốc gia này đã nhiều lần bị Xiêm La xóa tên.
Thứ hai là vấn đề tâm lý. Người Khmer luôn có mặc cảm bị người Việt hiếp đáp. Tâm lý này là kết quả của một thời gian dài bị đô hộ bởi người Xiêm La và người Pháp, hai thế lực này rất sợ người Việt sẽ dần dần chiếm hữu Kampuchea, cựu vương quốc Champa là một bằng cớ. Mặc dù là ân nhân của người Khmer trong suốt quá trình giữ nước, vai trò của người Việt tại Kampuchea thường bị hiểu lầm.
Thứ ba là chính sách truyên truyền dưới thời Pháp thuộc. Các học giả và thực dân Pháp luôn luôn tố cáo người Việt bành trướng, đầy tham vọng đất đai và đã xóa bỏ vương quốc Champa. Để kềm chế người Việt, chính quyền thực dân Pháp đã chia cắt Việt Nam thành ba miền và không ngừng khuyến cáo những sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Đông Dương phải luôn luôn đề phòng người Việt. Hậu duệ của chính sách này là những trí thức Khmer và sắc tộc Đông Dương do Pháp đào tạo.
Thứ tư là lý do lịch sử. Người Khmer có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long trước người Việt. Lý do này ngày nay không còn đứng vững. Qua những khảo sát về nhân chủng và khảo cổ, không nơi nào tìm thấy dấu vết sinh trú của người Khmer trên đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 17. Chỉ có một số rất ít gia đình nhân dân Khmer lập nghiệp trên những vùng đất cao dọc vùng bờ biển phía Tây sông Cửu Long, quanh Châu Đốc và Đồng Tháp, điều kiện sinh sống của những người này rất là khó khăn, phần lớn là những người chạy trốn sự hà khắc của các vương quyền Khmer. Lý do là sau khi tiêu diệt Phù Nam, các vương triều Khmer bỏ rơi đồng bằng sông Cửu Long (Óc Eo, Tri Tôn) mà chỉ tập trung phát triển khu vực chung quanh Biển Hồ. Người Việt tuy có đến sau thật nhưng đã cùng người Hoa di cư làm phát triển vùng đất này và đang chia sẻ với người Khmer địa phương những phúc lợi chung.
Thứ năm là lý do kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay trở thành trù phú trong khi khu vực Biển Hồ vẫn chìm trong nghèo khổ. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt tại Kampuchea, do cần cù và chịu khó hơn, có mức sống tương đối cao hơn người Khmer bản địa. Sự kiện này có lẽ đã làm người Khmer không bằng lòng, nếu đồng bằng sông Cửu Long cằn cỗi như các vùng đất phía Tây và người Khmer có mức sống ngang bằng người Khmer, vấn đề tranh chấp đất đai và tâm lý bài Việt có lẽ đã không đặt ra.
Nói tóm lại hai dân tộc Khmer và Việt Nam sẽ còn đi chung với nhau một đoạn đường dài nữa để giải quyết những tồn đọng của sự hiều lầm đầy ác ý đã kéo dài quá lâu, trước khi thật sự cùng nhau chia sẽ tương lai của những dân tộc bị thua kém.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét