Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Hội nghị Trung ương Đảng CS Trung Quốc sẽ bàn về pháp quyền

Theo VOA
Một binh sĩ đứng canh gần Đại lễ đường Nhân dân TQ
Các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp chính trị cấp cao trong tuần này, được gọi là Hội nghị Toàn thể lần thứ tư, và đây lần đầu tiên trong lịch sử của đảng, pháp quyền sẽ là một đề mục quan trọng trong chương trình nghị sự.

Theo các nhà phân tích và tin tức của truyền thông Trung Quốc thì có thể sẽ có sự chấp thuận các biện pháp đã được chờ đợi từ lâu nay, nhằm cho các tòa án độc lập hơn cũng như các biện pháp tăng cường chiến dịch chống tham nhũng đầy tham vọng, và quyết liệt. 

Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng mục tiêu chính của hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng này, với sự tham dự của trên 200 viên chức cấp cao nhất, là nâng cao phẩm chất và hiệu quả của sự cai trị độc đảng của Trung Quốc. Tuy nhiên, một điều kém rõ ràng hơn là liệu hội nghị này có sẽ giải quyết các mối lo ngại làm thế nào đảng vẫn cứ đứng trên luật pháp.

Đảng đứng trên luật pháp

Số phận của cựu giám đốc an ninh quốc gia Chu Vĩnh Khang, viên chức cao cấp nhất bị nhắm mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ, sẽ là một diễn biến quan trọng để chờ xem trong các cuộc họp.

Ông Chu Vĩnh Khang khi còn là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách an ninh, dự một phiên họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Ông Chu Vĩnh Khang khi còn là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách an ninh, dự một phiên họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
.
Nhiều người tin rằng ông Chu, người điều hành Bộ Công an Trung Quốc từ năm 2002 đến 2007 và đã lên đến ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng trước khi về hưu, sẽ bị chính thức khai trừ khỏi đảng trong hội nghị.

Tuy nhiên, cuộc điều tra ông Chu và nhiều viên chức đảng khác trước tiên là do Đảng Cộng sản thực hiện.
  
Và đó là thực tế hiện nay ở Trung Quốc, theo ông He Jiahong, một học giả pháp lý của Đại học Renmin ở Bắc Kinh. Ông nói rằng mặc dù các văn phòng pháp lý của chính phủ, chẳng hạn như Viện kiểm sát nhân dân nên là cơ quan theo đuổi các vụ liên quan đến các viên chức tham nhũng – nhất là các viên chức cấp cao – thay vào đó đảng và đoàn thanh tra kỷ luật lại dẫn đầu việc này. Ông nói:

“Các viên chức trong Ủy ban thanh tra kỷ luật của đảng có nhiều quyền hơn. Vì vậy họ sẽ có các cuộc điều tra hiệu quả hơn, tuy nhiên họ đang hành động ngoài khuôn khổ pháp lý. Họ không phải là các nhà điều tra hình sự làm việc theo đúng luật điều tra hình sự.”

Ông nói rằng mặc dù đây không phải là phương thức đúng để  xử lý các viên chức tham nhũng, nhưng lại là tất cả những gì có thể làm vào lúc này, và nói thêm rằng ông hy vọng các cuộc họp vào tuần tới sẽ đặt vấn đề trong một khung làm việc đúng. Một đề nghị có thể giúp thực hiện điều đó là một biện pháp tập trung và tinh giản các văn phòng chống tham nhũng trong Viện Kiểm sát Nhân Dân

Học giả pháp lý Cheng Guangzhong nói rằng hội nghị sắp tới sẽ là một cơ hội để đề ra các hạn chế quyền hành, một điều có thể giúp ngăn chặn nạn tham nhũng. Ông nói:

“Để cai trị một quốc gia theo luật pháp, trước hết người ta cần cai trị theo đúng hiến pháp và nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản với vai trò đảng cầm quyền phải hoạt động trong giới hạn của hiến pháp và luật pháp, nêu bật việc sử dụng luật để hạn chế quyền hành.”

Từ khi ông Tập Cận Bình giữ vai trò đứng đầu đảng Cộng sản cách nay gần 2 năm, đã có hơn 50 viên chức cao cấp đối mặt với các vụ khởi tố. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc chiến chống tham nhũng là vấn đề sống còn, đấu tranh không chỉ cho quốc gia mà còn cho đảng.

Công chúng Trung Quốc ngày càng bất mãn với tham nhũng và lạm quyền. Tham nhũng trong giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã dẫn đến nhiều vấn đề xã hội đe dọa sự ổn định và cai trị của đảng.

Bịt miệng giới bất đồng chính kiến

Tuy nhiên trong khi các nhà lãnh đạo họp để thảo luận về vấn đề pháp quyền, đảng cầm quyền đang làm việc không biết mệt để bịt miệng giới bất đồng với danh nghĩa ổn định. Trong những tuần lễ gần đây, đã có hơn 60 người ở nhiều nơi trong nước bị bắt giữ vì bày tỏ sự ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ đang tiếp diễn ở Hong Kong.
Ông Ilham Tohti, học giả người Uighur bị tuyên án tù chung thân vì đã bày tỏ các quan điểm về Tân Cương
Ông Ilham Tohti, học giả người Uighur bị tuyên án tù chung thân vì đã bày tỏ các quan điểm về Tân Cương
Tháng trước, Ông Ilham Tohti, một học giả người Uighur bị tuyên án tù chung thân vì đã bày tỏ các quan điểm về Tân Cương, vùng đất nằm về hướng tây Trung Quốc. Nhà cầm quyền nói rằng ông Tohti thuyết giảng bạo động và quảng bá chủ nghĩa ly khai. Những người ủng hộ ông nói ông tìm cách tạo sự hiểu biết giữa sắc dân Hán đa số của Trung Quốc và người Uighur.

Vai trò hiến pháp của Trung Quốc sẽ được đưa ra thảo luận vào tuần tới cũng sẽ là một đề mục quan trọng để theo dõi. Hiến pháp Trung Quốc trân trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp và thậm chí quyền bầu cử và ứng cử của các công dân

Không lâu sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, ông đã đọc một bài diễn văn, trong đó ông nói rằng “không có tổ chức hay cá nhân nào có quyền vượt qua hiến pháp và luật pháp.”

Những người chỉ trích nói rằng hành động của ông từ đó đến nay, như ngày càng tăng các vụ bắt bớ các nhân vật bất đồng đã khơi lên thắc mắc về sự cam kết của ông đối với nguyên tắc đó.

Học giả pháp lý He Jiahong nói rằng ngăn chặn các vụ kết tôi sai trái và cải thiện tính cách độc lập tư pháp của các tòa án địa phương là một cách mà hội nghị sẽ mưu tìm nhằm cải thiện pháp quyền. Tuy nhiên các biện pháp cải cách sẽ phải đi từ dưới lên, bắt đầu với thành phố và các tòa án quận hạt địa phương.  Ông nói:

Trên thực tế toàn thể (tòa án địa phương) trên cơ bản được kiểm soát bởi các nhà lãnh đạo đảng ở địa phương. Các bổ nhiệm đều từ cấp lãnh đạo đảng ở địa phương, vì vậy ngành tư pháp không thể đưa ra các quyết định độc lập từ sự can thiệp của các nhà lãnh đạo địa phương.

Ông nói điều người ta trông đợi được chấp thuận trong cuộc họp là một đề nghị sẽ cho nhà cầm quyền tỉnh trách nhiệm kiểm soát các sự bổ nhiệm tòa án địa phương và các nguồn tài chính.

Đời sống của người dân

Chỉ mấy ngày trước khi hội nghị bắt đầu, phóng viên VOA đi quanh các đường phố Bắc Kinh để xem dân chúng trông đợi gì ở hội nghị toàn thể lần thứ 4 này. Một số người tuyên bố thẳng thừng họ chẳng kỳ vọng hội nghị sẽ đổi khác được gì, trong khi những người khác hy vọng nhà cầm quyền sẽ sử dụng kinh nghiệm học hỏi từ các nước khác.

Một cư dân tên Sun nói rằng cô cảm thấy lạc quan:

  “Cải thiện hệ thống luật pháp sẽ cần có thời gian. Tôi hy vọng có thể thực hiện dần dần, từng bước một. Tôi cũng hy vọng chúng tôi có thể học từ các nước khác những kinh nghiệm thành công và sẽ thực hiện thay đổi thực sự.”

 Trong khi không ai đề cập đến những đề nghị thay đổi đối với hệ thống tòa án, một số người nói đến sự cần thiết phải siết chặt các hạn chế về môi trường.

Một cư dân họ Yu nói, “Chính phủ chưa hành động đủ để cải thiện vấn đề khói mù hay tình hình xe cộ trong thành phố. Trong hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á Thái bình dương, APEC, sắp tới chính phủ đã yêu cầu hạn chế xe hơi căn cứ trên số cuối trên biển số xe. Tôi nghĩ đó là điều nên được thi hành luôn.”

Một bà họ Xiao nói dân Trung Quốc đang sống trong một xã hội không thực. Bà nói chính phủ nên đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Bà nói:

“Tôi nghĩ, thể chế pháp quyền nên bảo đảm dân chúng có thể sống cuộc sống lành mạnh và duy trì trật tự để người dân có thể hy vọng nhiều hơn vào tương lai.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét